Đời ảo - Chương 12

Đời ảo - Chương 12

Đời ảo
Chương 12

Ngày đăng
Tổng cộng 27 hồi
Đánh giá 9.5/10 với 22675 lượt xem

Dĩ nhiên không đời nào có chuyện tôi gặp Tiến sĩ Judith Bolton ở trụ sở Wyatt, ở đó tôi có thể sẽ bị bắt gặp lúc đến hoặc lúc về. Nhưng giờ tôi đang đi săn với loài thú lớn họ mèo, và tôi cần một buổi phụ đạo sâu. Wyatt nhất định bắt tôi làm thế, và tôi không phản đối.
Vì vậy tôi gặp ả ở khách sạn Marriott vào thứ Bảy tiếp theo, trong một phòng chuyên dành cho họp công việc. Họ đã gửi thư điện tử thông báo cho tôi số phòng cần tới. Ả đã ở đó khi tôi đến, máy laptop cắm vào máy chiếu. Thật buồn cười, quý bà này vẫn làm tôi căng thẳng. Trên đường đi, tôi đã rẽ ngang làm lại tóc mất trăm đô, và tôi ăn mặc tươm tất thay cho mấy thứ lộn xộn thường mặc vào cuối tuần.
Tôi đã quên mất ả trông dữ dội như thế nào - đôi mắt xanh lạnh như băng, mái tóc đồng đỏ, đôi môi mọng đỏ và móng tay bóng đỏ - và trông cũng vẫn cứng rắn. Tôi bắt tay ả thật chặt.
“Anh đến vừa đúng giờ,” ả vừa cười vừa nói.
Tôi nhún vai, hờ hững cười đáp trả để bảo tôi biết rồi, nhưng tôi không hẳn thấy thích thú lắm.
“Anh trông khá đấy. Thành công dường như gật đầu với anh.”
Chúng tôi ngồi ở chiếc bàn họp đẹp đẽ trông giống như thuộc về phòng ăn của nhà ai đó - nhà tôi, có lẽ thế - và ả hỏi tôi mọi chuyện như thế nào. Tôi kể hết với ả những chuyện tốt chuyện xấu, kể cả về Chad và Nora.
“Anh sẽ có kẻ thù,” ả nói. “Cũng hợp tình thôi. Nhưng họ là mối đe dọa - anh đã bỏ lại mẩu thuốc lá âm ỉ trong đám cây, và nếu không dập chúng đi anh sẽ gặp phải cháy rừng.”
“Tôi phải dập chúng đi như thế nào?”
“Chúng ta sẽ nói về điều đó. Nhưng ngay lúc này tôi muốn anh tập trung vào Jock Goddard. Và nếu ngày hôm nay anh chỉ ghi nhớ được một điều duy nhất, tôi muốn anh nhớ điều này: ông ta trung thực đến bệnh hoạn.”
Tôi không thể nhịn cười nổi. Điều này được cố vấn chính của Nick Wyatt nói ra, lão là một kẻ quanh co tới mức hẳn đi khám tuyến tiền liệt cũng cố mà gian lận.
Mắt ả ánh lên vẻ bực bội, và ả rướn người về phía tôi. “Tôi không nói đùa. Ông ta chọn anh không phải chỉ vì ông ta thích tư duy hay ý tưởng của anh - mà dĩ nhiên chúng hoàn toàn chẳng phải ý tưởng của anh - mà vì ông ta thấy sự trung thực của anh dễ chịu. Anh nói ra suy nghĩ của mình, ông ta thích điều đó.”
“Thế là ‘bệnh hoạn’?”
“Trung thực gần như là chứng cuồng với ông ta. Anh càng thẳng thừng, càng tỏ ra ít tính toán, anh chơi sẽ càng hay.” Tôi thoáng tự hỏi liệu Judith có nhận thấy sự trớ trêu trong những gì mình đang làm không - tư vấn cho tôi làm thế nào để lừa Jock Goddard bằng cách giả vờ trung thực. Sự trung thực một trăm phần trăm nhân tạo, không có chút sợi tự nhiên nào. “Nếu ông ta bắt đầu phát hiện ra bất cứ điều gì gian giảo, lươn lẹo hay tính toán trong phong cách của anh - nếu Goddard nghĩ anh đang cố nịnh bợ hay chơi ông ta - ông ta sẽ hết hứng với anh rất nhanh. Và một khi mất đi sự tin tưởng đó, anh sẽ không bao giờ tìm lại được nữa.”
“Hiểu rồi,” tôi sốt ruột nói. “Vậy từ giờ trở đi không lừa gã này nữa.”
“Cưng ơi, cưng đang sống trên hành tinh nào vậy?” ả bật lại. “Dĩ nhiên chúng ta lừa lão già đó. Đấy là bài thứ hai trong nghệ thuật ‘xoay xở’, thôi nào. Anh sẽ làm rối tung đầu ông ta, nhưng anh phải vô cùng khéo léo khi làm điều đó. Không gì rõ rệt cả, không gì mà ông ta có thể đánh hơi ra. Cũng giống như chó có thể ngửi ra sự sợ hãi, Goddard có thể ngửi ra trò nhảm nhí. Vì vậy anh phải ra vẻ như là người trung thực tuyệt đối. Anh nói cho ông ta biết tin xấu mà người khác cố tìm cách bọc đường. Anh cho ông ta thấy một kế hoạch mà ông ta thích - rồi anh lại làm người chỉ ra khuyết điểm. Liêm chính là một món hàng khá hiếm trong thế giới của chúng ta - một khi anh biết làm giả nó, anh sẽ ở trên con tàu Kẹo Que đẹp đẽ.”
“Đúng là nơi tôi muốn đến,” tôi lạnh nhạt nói.
Ả không có thời gian nghe sự mỉa mai của tôi. “Người ta luôn nói rằng không ai thích kẻ nịnh bợ, nhưng sự thật thì phần lớn các lãnh đạo cao cấp yêu lũ nịnh bợ, thậm chí ngay cả khi họ biết lũ kia đang nịnh bợ. Điều đó khiến họ thấy mình đầy quyền lực, trấn an họ, củng cố cho bản ngã mỏng manh của họ. Jock Goddard lại khác, ông ta không cần điều đó. Tin tôi đi, ông ta vốn đã nghĩ rất tốt về bản thân rồi. ông ta không mù quáng trước nhu cầu hay những sự hão huyền, ông ta không phải là một Mussolini cần phải ở giữa những kẻ chỉ biết nói vâng.” Tôi muốn hỏi có thấy giống ai chúng ta cùng biết không. Cô ta tiếp tục, “Nhìn những người ông ta đem bao quanh mình xem, xán lạn, nhanh trí, có thể gay gắt và thẳng thắn.”
Tôi gật đầu. “Theo như cô nói thì ông ta không thích tâng bốc.”
“Không, tôi không nói thế. Ai cũng thích tâng bốc, nhưng nó phải khiến ông ta cảm thấy chân thật. Một câu chuyện nhỏ: Napoleon một lần đi săn trong rừng Bois de Boulonge với Talleyrand, người cực kỳ muốn gây ấn tượng với vị tướng vĩ đại. Khu rừng nhung nhúc đầy thỏ, và Napoleon rất vui khi giết được năm mươi con. Nhưng rồi sau này khi phát hiện ra đó không phải là thỏ hoang - mà là do Talleyrand đã cho một người hầu ra chợ mua mấy chục con và thả vào rừng - thế đấy, Napoleon nổi giận, ông không bao giờ còn tin Talleyrand nữa.”
“Tôi sẽ nhớ điều đó nếu lần sau Goddard mời tôi đi săn thỏ.”
“Điểm mấu chốt là,” ả gắt, “khi anh tâng bốc, hãy tâng bốc gián tiếp thôi.”
“Chà, tôi không chạy với thỏ, Judith. Với sói thì đúng hơn.”
“Anh nói đúng rồi đấy. Biết nhiều về sói không?”
Tôi thở dài. “Cứ nói đi.”
“Tất cả đều rõ ràng. Dĩ nhiên luôn luôn có con đực đầu đàn, nhưng cũng có điều thú vị cần nhớ là tôn ti luôn luôn bị thử thách. Nó rất bấp bênh. Đôi khi anh sẽ thấy con sói đực đầu đàn thả một miếng thịt tươi xuống mặt đất ngay trước mắt những con khác rồi đi xa ra vài bước và chỉ quan sát. Nó thẳng thừng thách thức những con khác thậm chí chỉ là ngửi miếng mồi.”
“Và nếu chúng làm thế, chúng thành bữa lót dạ.”
“Sai rồi. Con đực đầu đàn thường không phải làm gì nhiều hơn trừng mắt. Có lẽ làm chút điệu bộ. Vểnh đuôi và tai lên, gầm gừ, khiến nó trông to lớn và dữ tợn. Và nếu trận chiến có nổ ra, con đực đầu đàn sẽ tấn công phần khó bị thương tổn nhất trên cơ thể của con phạm lỗi. Nó không muốn làm thương tật nghiêm trọng một thành viên trong bầy của chính nó, và chắc chắn là không muốn giết ai. Anh thấy đấy, con sói đầu đàn cần những con khác. Sói là động vật nhỏ, và không con sói nào có thể đơn độc hạ nai sừng, hươu hay tuần lộc mà không có sự trợ giúp của bầy. Điểm mấu chốt là chúng luôn luôn thử thách.”
“Có nghĩa là tôi sẽ luôn luôn bị thử thách.” Ờ, tôi không cần bằng cử nhân quản trị kinh doanh để làm cho Goddard. Tôi cần bằng thú y.
Ả liếc xéo tôi. “Điểm mấu chốt, Adam, là thử thách luôn luôn kín đáo. Nhưng đồng thời, con dẫn đầu bầy sói muốn bầy mình mạnh. Vì thế thỉnh thoảng thể hiện sự hung hăng là chấp nhận được - chúng minh chứng cho khả năng chịu đựng, sức mạnh và sinh lực của cả bầy. Đây là tầm quan trọng của sự trung thực, của tính bộc trực có chiến lược. Khi anh tâng bốc, hãy kín đáo và gián tiếp, và chắc chắn rằng Goddard nghĩ ông ta luôn có thể tìm được sự thật không tô vẽ ở anh. Jock Goddard nhận ra điều mà nhiều Giám đốc Điều hành khác không nhận ra, rằng tính bộc trực ở những người phụ tá là tối quan trọng nếu ông ta muốn biết trong công ty mình đang diễn ra những gì. Vì nếu ông ta không nắm bắt được điều đang thực sự xảy ra, ông ta tiêu đời rồi. Và tôi sẽ nói cho anh một điều khác anh cần phải biết. Ở trong bất cứ mối quan hệ nam nam giữa người thầy và kẻ được bảo trợ nào cũng có yếu tố cha-con, nhưng tôi cho là nó thậm chí còn phù hợp hơn trong trường hợp này. Anh rất có khả năng khiến ông ta nhớ tới con trai của mình, Elijah.”
Tôi nhớ là Goddard đã gọi nhầm tôi như thế vài lần. “Bằng tuổi tôi à?”
“Hẳn đã là như thế. Cậu ta chết vài năm trước ở tuổi hai mươi mốt. Vài người nghĩ rằng từ sau bi kịch đó, Goddard không còn như trước nữa, rằng ông ta mềm tính đi nhiều, vấn đề là, anh cũng có thể sẽ lý tưởng hóa Goddard như một người cha mà anh có thể hy vọng mình đã có.” - Ả cười, không hiểu tại sao ả lại biết về bố tôi. - “Anh có thể gợi ông ta nhớ về đứa con trai mà ông ta ước mình vẫn còn. Anh nên nhận thức được điều này, vì nó là chuyện anh có thể sẽ sử dụng được. Và cũng là chuyện phải cẩn thận trông chừng - ông ta đôi khi có thể thiên vị thả lỏng anh, nhưng vào lúc khác lại có thể đòi hỏi thái quá.”
Ả bật laptop lên gõ vài chữ. “Bây giờ, tôi muốn anh toàn tâm chú ý. Chúng ta sẽ xem vài buổi phỏng vấn trên truyền hình Goddard đã tham gia mấy năm về trước - một cuộc khá lâu rồi từ chương trình Tuần phố Wall với Louis Rukeyser, vài cuộc từ CNBC, một cuộc ông ta thực hiện với Katie Couric trên Chương trình Ngày nay.”
Một hình ảnh trên phim của Jock Goddard trẻ hơn rất nhiều, dù vẫn tinh quái như một lão tiểu yêu - đông cứng trên màn hình. Judith quay ghế lại đối diện với tôi. “Adam, anh đã được trao cho một cơ hội phi thường. Nhưng đây cũng là tình thế nguy hiểm hơn rất nhiều những gì anh đã trải qua ở Trion, bởi anh sẽ phải chế ngự mình nhiều hơn nữa, ít có thể đi lại trong công ty mà không bị chú ý hay chỉ là ‘tụm năm tụm ba’ với những người bình thường và lập quan hệ với họ hơn. Ngược đời là nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo của anh lại trở nên cực kỳ khó khăn. Anh sẽ cần tới tất cả đạn dược anh tìm được. Vậy trước khi chúng ta kết thúc ngày hôm nay, tôi muốn anh hiểu người này tường tận từ trong ra ngoài, anh hiểu ý tôi chứ?”
“Tôi hiểu.”
“Tốt,” ả nói và ném cho tôi một nụ cười mỉm đáng sợ.
“Tôi biết anh mà.” Rồi ả hạ giọng gần như thì thầm. “Nghe này, Adam, tôi phải nói với anh - vì lợi ích của chính anh - rằng Nick đang rất thiếu kiên nhẫn với kết quả. Anh đã ở Trion được bao nhiêu tuần rồi? - và ông ấy vẫn chưa biết được cái gì đang diễn ra trong vụ bí mật đó.”
“Hung hăng thế nào,” tôi lên tiếng, “cũng có giới hạn thôi chứ...”
“Adam,” ả nói khẽ, nhưng với giọng điệu đe dọa không lẫn đi đâu được. “Đây không phải là người anh muốn giỡn mặt đâu.”
40
Alana Jennings sống ở một căn hộ hai tầng trong khu nhà xây gạch đỏ không xa trụ sở Trion lắm. Tôi nhận ra ngay nhờ đã xem ảnh.
Hẳn bạn cũng biết khi mới bắt đầu hẹn hò với một cô gái, bạn để ý đến mọi thứ, nơi nàng sống, cách nàng mặc, nước hoa của nàng, và tất cả dường như đều thật mới mẻ và khác biệt? Chà, điều lạ lùng là tôi biết quá rõ về cô ta, có lẽ còn hơn một vài ông chồng hiểu về vợ mình, thế mà tôi mới ở cạnh cô ta không được hơn một, hai giờ.
Tôi tới khu nhà bằng xe Porsche - chẳng phải lấy le với bọn con gái là một phần tác dụng của Porsche đó sao? - rồi bước lên bậc thềm bấm chuông cửa. Giọng cô ta thỏ thẻ qua loa cửa bảo sẽ xuống ngay.
Alana mặc áo cánh kiểu tá điền thêu màu trắng, quần bó đen và tóc buộc cao, cô ta không đeo cặp kính đen đáng sợ. Tôi tự hỏi thực ra tá điền có bao giờ mặc áo cánh kiểu tá điền không, bây giờ trên thế giới này có thực còn người tá điền nào không, và nếu có, liệu họ có nghĩ mình là tá điền hay không. Cô ta đẹp kiều diễm. Mùi hương tuyệt vời, khác với phần lớn bọn con gái tôi thường hẹn hò. Nước hoa cây cỏ tên gọi Fleurissimo; tôi nhớ đã đọc được rằng cô ta mua nó ở một nơi tên là House of Creed bất cứ khi nào tới Paris.
“Chào em,” tôi nói.
“Chào Adam.” Alana tô son môi bóng đỏ và vắt một chiếc túi xách tay hình vuông màu đen bé tí xíu qua vai.
“Xe của anh ở ngay kia,” tôi nói, cố không tỏ ra phô trương về chiếc Porsche đen mới tinh bóng loáng ro ro ở ngay trước chúng tôi. Alana liếc nó tán thưởng nhưng không nói gì. Cô ta có lẽ đã hiểu ra trong đầu về bộ quần áo vét Zegna, áo sơ mi cổ mở màu đen, có lẽ cả cái đồng hồ hải quân năm-nghìn-đô của Ý nữa. Và nghĩ rằng hoặc tôi là kẻ khoe khoang, hoặc đang nỗ lực quá sức. Cô ta mặc áo cánh kiểu tá điền; tôi mặc đồ Ermenegildo Zegna. Tuyệt thật. Cô ta đang giả vờ thanh đạm, còn tôi đang cố tỏ ra giàu sang và có lẽ đã làm hơi thái quá.
Tôi mở cửa ở phía hông xe cho cô ta. Tôi đã kéo ghế lại phía sau trước khi tới đây, vì vậy có nhiều chỗ để chân. Ở bên trong, không khí ngập mùi da mới. Có nhãn dán đỗ xe của Trion ở hông bên trái, Alana vẫn chưa nhận ra. Cô ta cũng không thấy được nó từ bên trong, nhưng rồi sẽ để ý thấy ngay khi chúng tôi rời xe vào nhà hàng thôi. Dù bằng cách nào, cô ta cũng sẽ sớm nhận ra rằng tôi cũng làm ở Trion, và tôi đã được tuyển vào vị trí cũ mình từng làm. Sự trùng hợp ngẫu nhiên sẽ hơi kỳ cục, vì rằng chúng tôi chưa từng gặp nhau ở nơi làm việc, và nó được đề cập tới càng sớm càng tốt. Thực ra, tôi đã chuẩn bị sẵn mấy lời ba hoa ngu ngốc. Như là: “Em cứ đùa. Em làm ở đó thật à? Anh cũng vậy! Kỳ lạ quá!”
Đôi lúc chúng tôi im lặng ngượng nghịu khi tôi lái tới nhà hàng Thái cô ta yêu thích. Alana liếc lên nhìn đồng hồ tốc độ, rồi lại nhìn đường. “Anh nên cẩn thận ở khu này,” cô ta nói. “Đây là một cái bẫy tốc độ. Bọn cảnh sát chỉ đợi anh đi quá năm mươi dặm là sẽ dần anh nhừ tử ngay.”
Tôi cười, gật đầu, rồi nhớ đoạn ngắn trong một phim cô ta yêu thích, Bồi thường gấp đôi, tôi vừa thuê xem ngay đêm trước. “Anh đi nhanh bao nhiêu, sĩ quan?” tôi nói bằng giọng thẳng thừng như trong phim đen, giống Fred MacMurray.
Alana hiểu ngay. Thông minh lắm. Cô ta cười. “Em sẽ nói là khoảng chín mươi.” Cô ta bắt chước giọng mồi chài của Barbara Stanwyck một cách hoàn hảo.
“Cứ cho là em xuống xe máy và cho anh vé phạt.”
“Cứ cho là em thả anh đi lần này với một lời cảnh cáo,” Alana trả miếng, nhập trò chơi, mắt sáng lên tinh nghịch.
Tôi chỉ nao núng vài giây rồi lại nhớ ra câu tiếp theo. “Cứ cho là nó không thành công.”
“Cứ cho là em phải cho anh nếm một nắm tay.”
Tôi cười. Cô ta khá lắm, và rất nhập vai. “Cứ cho là anh bật khóc và ngả đầu vào vai em.”
“Cứ cho là anh thử ngả vào vai chồng em.”
“Thế là quá đủ,” tôi nói. Hết cảnh. Cắt, in, xong một cảnh quay.
Alana cười vui vẻ. “Sao anh biết nó?”
“Lãng phí quá nhiều thời gian xem các phim đen trắng cũ.”
“Em cũng thế! Và Bồi thường gấp đôi có lẽ là phim em thích nhất.”
“Với anh thì ngoài nó ra còn có cả Đại lộ hoàng hôn.” Lại một bộ phim cô ta thích nhất.
“Chuẩn quá! ‘Tôi vẫn lớn. Chỉ có màn ảnh là nhỏ đi.’ ”
Tôi muốn dừng lại khi vẫn còn dẫn trước, bởi tôi đã gần kiệt quệ kho chuyện vặt vãnh ghi nhớ từ phim đen. Tôi chuyển chủ đề sang quần vợt, an toàn hơn. Tôi đỗ lại trước cửa nhà hàng, và mắt cô ta lại sáng lên. “Anh biết nơi này à? Chỗ tốt nhất đấy.”
“Về đồ ăn Thái, đây là chỗ duy nhất, ít nhất là theo như anh biết.” Một người phục vụ đưa xe đi đỗ - tôi không tin nổi tôi đang đưa chìa khóa chiếc Porsche mới tinh cho một thằng nhóc mười tám tuổi, một đứa dám lấy nó đi dạo quanh khi nhà hàng rỗi việc lắm - và thế là Alana sẽ không bao giờ thấy miếng dán của Trion nữa.
Cuộc hẹn hò tốt đẹp được một thời gian. Chuyện về phim Bồi thường gấp đôi dường như đã khiến Alana thư giãn, làm cô ta cảm thấy mình như đang ở cùng một người đồng cảm. Hơn nữa một gã đàn ông thích Ani DiFranco, cô ta còn đòi hỏi gì hơn được chứ? Có lẽ một chút sâu sắc - phụ nữ luôn tỏ ra thích sự sâu sắc của đàn ông, hay ít nhất là thỉnh thoảng có khoảnh khắc tự ngẫm về mình, nhưng tôi đã đủ chuyện đó rồi.
Chúng tôi gọi xa lát đu đủ xanh và gỏi cuốn cho người ăn chay. Tôi đã định nói rằng tôi cũng là một người ăn chay như cô ta, nhưng rồi tôi quyết định thế sẽ là quá đà, hơn nữa tôi không biết liệu mình có thể chịu được trò bịp đó quá một bữa ăn không. Vì vậy tôi gọi ca ri gà Masaman và cô ta gọi ca ri chay không có sữa dừa - tôi nhớ đã đọc rằng cô ta bị dị ứng tôm - và chúng tôi đều uống bia Thái.
Chúng tôi chuyện trò từ quần vợt sang Câu lạc bộ Tennis và Quần vợt sân tường, nhưng tôi nhanh chóng lái cả hai ra khỏi bãi cát ngầm nguy hiểm đó, nó hẳn sẽ làm phát sinh câu hỏi vì sao và làm thế nào tôi lại ở đó ngày hôm ấy, rồi đổi đề tài sang gôn và các kỳ nghỉ hè. Alana dùng từ “hè” như một động từ. Cô ta nhanh chóng nhận ra chúng tôi có gốc gác khác biệt, nhưng như thế cũng được. Cô ta sẽ không lấy tôi hay giới thiệu tôi với bố mình, và tôi không muốn phải giả tạo cả gia cảnh nữa, như thế quá nhọc công. Và thêm vào đó, nó có vẻ không cần thiết - đằng nào cô ta dường như cũng đã ưng tôi lắm rồi. Tôi kể với Alana vài chuyện về khi làm việc ở câu lạc bộ quần vợt và làm ca đêm ở trạm xăng. Thực ra cô ta hẳn phải cảm thấy có phần không thoải mái vì sự nuôi dạy đầy đặc quyền mình được hưởng, bởi cô ta có mấy lời nói dối vô hại về việc bố mẹ buộc mình bỏ ra ít thời gian trong hè làm việc vặt vãnh “ở công ty nơi bố em làm việc”, quên không kể rằng bố cô ta là Giám đốc Điều hành. Mà tôi cũng biết là Alana chẳng bao giờ làm việc ở công ty của bố mình cả. Những mùa hè của cô ta là ở nông trại du lịch miền Tây ở Wyoming, đi săn ở Tanzania, ở với vài cô nàng khác trong căn hộ được bố trả tiền ở quận 6 Paris, thực tập nội trú tại bảo tàng Peggy Guggenheim ở Kênh Lớn Venice. Cô ta không bơm xăng.
Khi Alana nhắc tới công ty nơi bố mình “làm việc,” tôi chuẩn bị tinh thần đón nhận chủ đề không tránh khỏi về anh-làm-gì, anh-làm-ở-đâu. Nhưng nó không xảy ra, cho đến mãi một lúc lâu sau. Tôi thấy ngạc nhiên khi cô ta đề cập tới nó một cách lạ lùng, gần như là biến nó thành trò chơi. Alana thở dài. “Chà, em đoán giờ chúng ta phải nói về công việc, đúng không?”
“À...”
“Như thế để chúng ta có thể miên man bất tận về những gì chúng ta làm ban ngày, đúng không? Em trong ngành công nghệ cao, rồi đấy. Còn anh - đợi đã, em biết rồi, đừng nói với em là thế nhé.”
Bụng tôi thắt lại.
“Anh là nông dân nuôi gà.”
Tôi bật cười. “Sao em đoán được?”
“Phải rồi. Một nông dân nuôi gà lái xe Porsche và mặc đồ hiệu Fendi.”
“Thực ra là Zegna.”
“Cái gì cũng được. Em xin lỗi, anh là đàn ông, vậy công việc có lẽ là chủ đề duy nhất anh muốn nói.”
“Thực ra là không.” Tôi uốn giọng mình thành vẻ chân thật rụt rè. “Anh thực sự thích sống trong khoảnh khắc hiện tại, biết tỉnh thức hết sức có thể. Em biết không, có một nhà sư người Việt Nam sống ở Pháp, tên là Thích Nhất Hạnh, ông ta nói...”
“Ôi Chúa ơi,” Alana lên tiếng. “Thật là kỳ lạ! Em không tin được anh lại biết Thích Nhất Hạnh.”
Tôi chưa thực sự đọc bất cứ cái gì nhà sư này viết, nhưng sau khi thấy cô ta đặt mua bao nhiêu sách của ông từ Amazon, tôi đã tìm hiểu ông trên một vài website về Phật giáo.
“Chắc chắn rồi,” tôi nói cứ như thể ai cũng đã từng đọc đầy đủ các tác phẩm của Thích Nhất Hạnh. “Điều thần kỳ không phải là đi được trên mặt nước, điều thần kỳ là được đi trên mặt đất xanh tươi.” Tôi chắc chắn mình đã nói đúng câu đó, nhưng ngay lúc ấy điện thoại di động rung lên trong túi áo vét. “Xin lỗi,” tôi nói, lấy nó ra và liếc nhìn mã người gọi.
“Một giây nhanh thôi,” tôi xin lỗi và trả lời điện thoại.
“Adam,” Giọng trầm của Antwoine vang lên. “Cậu tốt nhất nên đến đây đi. Là chuyện bố cậu.”
41
Chúng tôi chưa ăn được một nửa bữa tối. Tôi lái xe đưa Alana về nhà, xin lỗi rối rít suốt cả đường đi. Cô ấy thông cảm đến mức không thể hơn được nữa. Thậm chí còn đề nghị tới bệnh viện với tôi, nhưng tôi không thể cho bố thấy cô ấy, không sớm như thế: sẽ quá kinh khủng.
Sau khi thả Alana xuống, tôi phóng chiếc Porsche đi tám mươi dặm một giờ và đến bệnh viện trong mười lăm phút - thật may mắn, không bị cảnh sát tóm. Tôi lao tới phòng cấp cứu mà suy nghĩ biến đổi liên tục: cực kỳ cảnh giác, sợ hãi, hạn chế tầm nhìn. Tôi chỉ muốn tới chỗ bố và gặp ông trước khi ông mất. Mỗi một giây chết tiệt phải đợi ở bàn tiếp phòng cấp cứu, tôi lại đoán chắc rằng đó là giây bố tôi mất, và tôi không có cơ hội được nói lời vĩnh biệt. Tôi gần như gào tên ông lên với y tá sàng lọc ưu tiên thứ tự bệnh nhân, và rồi khi bà ta bảo nơi ông nằm, tôi chạy vội đi. Tôi nhớ đã nghĩ rằng nếu ông mất rồi thì bà sẽ phải nói thêm gì đó, vậy ông hẳn phải còn sống.
Tôi nhìn thấy Antwoine đầu tiên, đứng ở bên ngoài cái rèm xanh. Mặt anh ta không biết vì sao mà trầy xước và rướm máu, và anh trông sợ hãi.
“Sao rồi?” tôi gọi. “Ông ấy đâu?”
Antwoine chỉ vào tấm rèm xanh, phía sau tôi nghe được giọng nói. “Đột nhiên ông ấy thở rất vất vả. Rồi mặt ông ấy tím tái lại, hơi xanh. Ngón tay xanh mét ra. Thế là tôi gọi cấp cứu.” Anh nghe như tự bào chữa.
“Ông vẫn...?”
“Phải, ông ấy vẫn sống. Trời ạ, với tư cách một ông già què quặt thì ông vẫn còn chống đỡ được tốt lắm.”
“Ông làm anh như thế à?” tôi hỏi, chỉ khuôn mặt anh.
Antwoine gật đầu, cười ngượng nghịu. “Ông từ chối vào xe cấp cứu. Ông bảo mình vẫn ổn. Tôi mất phải đến nửa giờ xoay xở với ông ấy khi mà lẽ ra phải cứ thế nhấc ông lên và ném vào xe. Tôi hy vọng tôi không chờ quá lâu mới gọi xe cấp cứu.”
Một thanh niên dáng người nhỏ nhắn, da sẫm màu mặc áo y tá xanh bước lại chỗ tôi. “Anh là con của ông ấy à?”
“Phải!” tôi nói.
“Tôi là bác sĩ Patel,” anh ta nói. Anh có lẽ trạc tuổi tôi, bác sĩ nội trú hay thực tập nội trú gì đó.
“A, xin chào.” Tôi ngừng lại. “Ừm, ông sẽ qua được chứ?”
“Có vẻ như vậy. Bố anh chỉ bị cảm thôi. Nhưng phổi của ông ấy không thể trữ khí. Vì vậy với ông thì cảm mạo bình thường cũng nguy hiểm chết người.”
“Tôi gặp ông được chứ?”
“Dĩ nhiên,” anh ta vừa nói vừa bước tới kéo tấm rèm ra. Một y tá đang cắm túi truyền tĩnh mạch vào tay bố tôi. Ông đeo mặt nạ nhựa trong trên miệng và mũi, và trân trối nhìn tôi. Về cơ bản thì ông trông vẫn thế, chỉ nhỏ bé hơn, mặt nhợt nhạt hơn thường lệ. Ông được nối vào cả đống máy theo dõi.
Ông với tay kéo mặt nạ ra khỏi mặt. “Nhìn đống lộn xộn này xem.” Giọng ông yếu ớt.
“Ông thế nào rồi, ông Cassidy?” bác sĩ Patel hỏi.
“Ờ, tốt lắm,” bố đáp, giọng đầy mỉa mai. “Anh không tự thấy à?”
“Tôi nghĩ tình trạng của ông khá hơn người chăm sóc đấy.”
Antwoine đang khẽ khàng lại bên giường xem ông thế nào. Bố đột nhiên trông áy náy. “Ồ, vụ đó à. Xin lỗi vì cái mặt nhé, Antwoine.”
Antwoine hẳn đã nhận ra lời xin lỗi anh có thể nhận được từ bố tôi cũng chỉ trau chuốt đến thế là cùng, trông anh nhẹ hẳn người đi. “Tôi học được bài học rồi. Lần sau tôi sẽ chống lại dữ hơn.”
Bố cười như nhà vô địch hạng cân nặng.
“Quý ông này đã cứu mạng ông đấy,” bác sĩ Patel nói.
“Thật à?” bố hỏi.
“Chắc chắn vậy.”
Bố hơi nghiêng đầu nhìn Antwoine. “Mày làm thế làm gì chứ?”
“Tôi không muốn phải sớm đi tìm việc khác thế,” Antwoine đáp trả ngay.
Bác sĩ Patel nói khẽ với tôi. “X-quang chụp ngực ông bình thường, với ông là thế, và lượng bạch cầu trong máu là tám phẩy năm, cũng bình thường. Khí máu lại quay lại, cho thấy ông đang tiềm ẩn suy hô hấp, nhưng giờ ông chắc đã ổn định lại. Chúng tôi đã cho ông truyền kháng sinh, ô xy và steroid.”
“Còn mặt nạ?” tôi nói. “Ô xy à?”
“Đó là máy bơm thuốc. Albuteral và Atrovent, đều là thuốc trợ thở.” Anh rướn người qua bố tôi và đặt lại mặt nạ. “Ông đúng là một chiến sĩ cừ, ông Cassidy.”
Bố chỉ chớp mắt.
“Đánh giá thế là thấp đấy,” Antwoine nói, cười khàn khàn.
“Tôi xin phép.” Bác sĩ Patel kéo rèm lại và đi vài bước. Tôi đi theo, còn Antwoine ở lại với bố.
“Ông vẫn hút thuốc à?” bác sĩ Patel thẳng thắn hỏi.
Tôi nhún vai.
“Có vết lấm nicotine trên ngón tay. Thật điên rồ, anh biết vậy mà.”
“Tôi biết.”
“Như thế là tự sát.”
“Đằng nào ông cũng đang chết dần.”
“Chà, ông đang đẩy nhanh tiến trình đấy.”
“Có lẽ ông muốn vậy,” tôi nói.
42
Tôi bắt đầu ngày đầu tiên chính thức làm cho Jock Goddard sau khi đã thức cả đêm.
Tôi rời bệnh viện quay về căn hộ mới vào khoảng bốn giờ sáng, cân nhắc muốn ngủ khoảng một tiếng, rồi từ bỏ ý tưởng đó vì tôi biết tôi sẽ ngủ quá giờ. Đó có lẽ không phải là cách tốt nhất để bắt đầu với Goddard. Vậy nên tôi đi tắm, cạo râu, bỏ chút thời gian lên mạng và đọc về những đối thủ cạnh tranh của Trion, mải mê trên trang News.com và Slashdot đọc tin công nghệ mới nhất. Tôi mặc áo chui đầu vải nhẹ màu đen (thứ gần với một chiếc áo cổ lọ đen điển hình của Jock Goddard nhất), quần kaki và áo vét kẻ ô vuông màu nâu, loại quần áo “thông thường” mà nhân viên hành chính người nước ngoài của Wyatt đã chọn cho tôi. Giờ tôi trông giống như một thành viên đủ lông đủ cánh trong đội ngũ thân cận của Goddard. Rồi tôi gọi xuống cho người phục vụ và bảo họ đưa chiếc Porsche tới.
Người giữ cửa thường có mặt vào sáng sớm và buổi chiều, thời gian tôi hay đi và về, là một gã người Tây Ban Nha khoảng hơn bốn mươi tên là Carlos Avila. Anh ta có giọng nói nghèn nghẹn kỳ quặc như thể đã nuốt một vật sắc và không thể ực nó xuống. Anh ta ưa tôi - tôi nghĩ là gần như thế, bởi tôi không lờ anh ta đi như tất cả những người khác sống ở đó.
“Làm việc vất vả nhỉ, Carlos?” tôi nói khi đi qua. Thông thường thì đây là câu anh ta hay nói với tôi khi tôi về rất muộn, trông mệt lả.
“Cũng vất vả, ông Cassidy,” anh ta cười nói rồi quay lại bản tin trên ti vi.
Tôi lái xe đi qua vài khu tới quán Starbucks, nó chỉ vừa mở cửa, và mua một tách cà phê latte cỡ lớn, và trong khi đang đợi thằng nhóc muốn-hát-nhạc-grunge-Seattle nạn-nhân-bị-xỏ-khuyên-quá-nhiều đun nóng cả một lít sữa hai phần trăm, tôi cầm tờ Nhật báo phố Wall lên và bụng tôi thắt lại.
Đấy, ngay ở trang đâu là một bài báo nói về Trion. Hay như họ viết, “Tai ương Trion”. Có một bức vẽ Goddard trông giống như tượng điêu khắc, với vẻ hoạt bát không phù hợp, cứ như thể hoàn toàn mê mụ hay ngấm thuốc. Một trong những dòng tít nhỏ nói “Có phải thời kỳ của nhà sáng lập Augustine Goddard sắp chấm dứt hay không?” Tôi phải đọc nó lại tới hai lần. Óc tôi không hoạt động ở hiệu suất cao nhất, và tôi cần tách cà phê latte cỡ lớn mà thằng nhóc mê nhạc grunge vẫn còn đang vật lộn. Bài báo là một bản tường thuật sắc sảo và mạnh mẽ do một nhà báo kỳ cựu của tờ Nhật báo là William Bulkeley viết, hắn rõ ràng phải có các mối quen biết tốt ở Trion. Ý chính của nó đại khái là giá cổ phiếu của Trion đang sụt giảm, sản phẩm đã cổ lỗ sĩ, công ty (“được rộng rãi cho rằng là nhà dẫn đầu trong lĩnh vực đồ điện tử tiêu dùng trên nền tảng truyền thông”) gặp rắc rối, và Jock Goddard, người sáng lập của Trion, dường như lại không còn liên hệ. Nhiệt huyết không còn đặt vào đó nữa. Có cả đoạn nhạc nền “truyền thống lâu đời” về những nhà sáng lập của các công ty công nghệ cao đã bị thay thế khi công ty của họ phát triển tới một tầm cỡ nào đó. Nó nêu câu hỏi rằng liệu có nhầm người không khi để ông lãnh đạo thời kỳ ổn định diễn ra sau thời kỳ bùng nổ tăng trưởng. Bài báo nhắc nhiều tới những chuyện về lòng bác ái của Goddard, những nỗ lực từ thiện, thú vui sưu tầm và phục chế xe ô tô Mỹ cổ, việc ông tái tạo lại hoàn toàn chiếc ô tô mui trần Buick Roadmaster sáng giá năm 1949. Goddard, theo như bài báo nói, đang tiến thẳng tới bờ thất thế.
Hay thật, tôi nghĩ. Nếu Goddard thất thế, thử đoán xem ai sẽ thất thế cùng ông ta.
Rồi tôi nhớ ra: Đợi chút nào, Goddard không phải ông chủ thực sự của tôi. Ông ta là mục tiêu, sếp thực sự của tôi là Nick Wyatt. Thật dễ quên mất lòng trung thành thực sự của tôi nên nằm ở đâu, với tất cả những chuyện như sự hào hứng của ngày đầu tiên.
Cuối cùng thì cốc cà phê latte của tôi cũng xong, tôi khuấy vào vài gói đường Turbinado, uống một ngụm lớn khiến cổ họng bỏng rát, và ấn lên cái nắp nhựa. Tôi tìm bàn ngồi xuống để đọc nốt bài viết. Tay nhà báo có vẻ có nhiều thông tin về Goddard. Người ở Trion có nói chuyện với hắn. Mũi dùi chĩa vào ông ta rồi.
Trên đường lái xe, tôi cố nghe đĩa CD của Ani DiFranco tôi mua tại Tháp như một phần trong cuộc nghiên cứu Alana, nhưng chỉ sau vài bài tôi đã phải bật đĩa ra. Tôi chịu không nổi. Một vài bài hoàn toàn chẳng phải là bài hát mà chỉ là những đoạn phát biểu. Nếu tôi thích thế, tôi đã nghe nhạc rap của Jay-Z hoặc Eminem rồi. Thôi, xin cảm ơn.
Tôi nghĩ về bài trên tờ Nhật báo và cố gắng nặn óc ra một quan điểm phòng trường hợp có ai đó hỏi tôi về nó. Tôi có nên nói rằng đó là mớ rác một đối thủ cạnh tranh tung ra để ngầm phá hoại không? Tôi có nên bảo là tay nhà báo không hiểu thực chất vấn đề (dù cái thực chất đó có là gì đi nữa)? Hay tôi nên bảo hắn đã đưa ra một số câu hỏi hay cần phải giải quyết? Tôi quyết định theo bản chỉnh sửa của phương án cuối cùng này - rằng cho dù sự thật của luận điệu đó thế nào, điều quan trọng là các cổ đông của chúng ta nghĩ gì, và tất cả bọn họ hầu như đều đọc Nhật báo phố Wall, vì vậy chúng ta phải coi bài báo là vấn đề nghiêm chỉnh, dù có phải sự thật hay không.
Và thầm trong lòng tôi tự hỏi kẻ địch của Goddard có phải là những kẻ đang gây chuyện không - liệu Jock Goddard có thật sự đang gặp rắc rối không, và phải chăng tôi đã lên một con tàu đang chìm. Hay đúng hơn, liệu có phải Nick Wyatt đã ném tôi lên một con tàu đang chìm. Tôi nghĩ: ông ta hẳn phải trong tình trạng tệ lắm - ông ta thuê tôi cơ mà, không phải sao?
Tôi uống một ngụm cà phê, nhưng cái nắp không đóng chặt lắm, thế là chất lỏng nâu đục màu sữa ấm áp hắt lên lòng tôi. Trông như thể tôi vừa có “sự cố” vậy. Cách bắt đầu công việc mới thật hay làm sao. Đáng ra tôi nên coi nó là lời cảnh báo.

Chương trước Chương sau