Kinh cầu hồn cho ai - Chương 02

Kinh cầu hồn cho ai - Chương 02

Kinh cầu hồn cho ai
Chương 02

Ngày đăng
Tổng cộng 8 hồi
Đánh giá 9.4/10 với 7868 lượt xem

- Tôi có cảm giác là có người theo dõi ta. Marian nói thật bình tĩnh.
Chúng tôi vừa ăn tối xong và đang quay về khách sạn. Trăng thật tròn treo trên nền trời không mây. Khí trời đêm nóng bức khiến tôi phải cởi áo vét cầm tay.
Marian mặc áo mỏng, thích đi bộ trở về. Mới có 10 giờ khi chúng tôi rời khỏi quán. Tôi hích nhẹ cô:
- Cô có thấy là uống vài ly cũng nóng đầu không?
Cô lắc mớ tóc vàng bồng bềnh:
- Tôi không tin, ông đừng nhìn quanh, tôi vẫn có cảm giác là họ theo ta.
Lúc này tôi chẳng muốn gây sự chút nào. Chuyện của tôi không nên để Marian dính vào. Tôi nhìn quanh để kiếm taxi nhưng con đường thật vắng vẻ. Tôi ngoái lại sau nhưng bóng các ngôi nhà phủ kín đường nên khó thấy gì rõ cả. Tôi bước gấp lên:
- Tôi không thấy ai cả.
- Phía trước quán lúc chúng ta ra có một người đứng đấy và bước theo chúng ta. Ban đầu thì tôi không nghĩ tới nhưng tôi thấy lúc hắn đi qua khoảng có ánh đèn. Khi thấy tôi quay lại, hắn nhảy vội vào trong một xó tối.
Cô luồn bàn tay nhỏ bé vào tay tôi và bóp mạnh.
- Hắn ra sao?
- Tôi không thấy rõ hắn lắm, cô trả lời. - Hắn có vẻ to lớn khỏe mạnh, nhưng tôi không kịp nhìn thấy hình dáng ra sao.
- Được rồi. Cô đừng ngại. Có thể là hắn chẳng theo ta đâu. Với lại rồi ta sẽ thấy hắn. Sắp tới chỗ quanh ở đằng kia, cô cứ việc tiếp tục đi tới. Tiếng gót giày của cô nện trên mặt đường khiến hắn tiếp tục theo ta. Để tôi đứng chờ ở góc là hắn giật mình cái chơi.
Cô nhìn tôi vẻ lo lắng:
- Ông thấy ý kiến đó có nên không? Có thể hắn nguy hiểm lắm.
Tôi cười nhẹ:
- Không, không, cô đừng ngại. Tôi mơn nhẹ cái báng súng trơn lạnh của khẩu 38 giấu dưới áo gilê. - Sắp tới chỗ quanh rồi đó. Cô cứ việc đi thẳng. Nếu tôi bị chậm trễ, cô có thể tìm ra đường về khách sạn được không?
- Được, chắc vậy. Cô trả lời không mấy vững tâm. - Ông không để bị thương chứ? Tôi không muốn...
- Cô đừng lo, - tôi vỗ vỗ vào tay cô. - Nghế nghiệp tôi gặp chuyện như thế này là thường. Vậy mà chưa bao giờ tôi bị thương hết.
Cô liếc nhanh tôi rồi tiếp tục bước đi. Tiếng gót gỗ nện lóc cóc trên lề đường lát gạch.
Tôi đặt tay lên khẩu súng, nép sát vào tường, nhìn nơi góc đường. Tôi chỉ nghe tiếng ồn áo phía Phố Lớn vọng lại và tiếng nện gót giày của Marian nhỏ dần. Sau cùng tôi nghe tiếng bước chân nhẹ nhàng lần tới. Khi đến gần góc quành, bước chân chậm lại và im hẳn. Lặng yên thật lâu.
Tôi không nhúc nhích, nép mình thật sát vào tường, thở chầm chậm qua mũi và lắng nghe mọi tiếng động.
Bỗng gã bên kia góc đường lên tiếng hô: Tiếng hô trầm và ghìm lại khiến tôi hơi rùng mình.
Một tiếng động khẽ, rồi một cái bóng dài ngoằng hiện ra trên mặt lề đường ngay trước mặt tôi. Tôi nhìn nó như thấy một bóng ma. Hình như mồ hôi chảy phía lưng còn dưới cánh tay bỗng lạnh giá.
Người kia đứng thật gần bên tôi và ánh trăng chiếu bóng hắn tôi thấy thật rõ nhưng không thấy người hắn.
Bóng người hiện ra như một nét phác họa thô kệch, vóc dáng thật to tướng với đôi vai khổng lồ. Chiếc mũ đội sụp xuống có vẻ nhỏ đi so với đôi vai bè ra và ống quần trắng rộng tưởng như chiếc buồm căng. Hắn đứng đấy, không nhúc nhích, đầu nghiêng về phía trước.
Tôi thận trọng hết mức, đẩy cái khóa an toàn súng và chăm chú nhìn cái bóng lặng lẽ một lúc. Nó vẫn không nhúc nhích. Chắc rằng gã kia biết là tôi rình hắn nên hắn không muốn nhấc chân.
Không còn nghe thấy tiếng gót giày của Marian nữa. Trong không gian như có thứ gì sững lại, nghẹt thở khiến cho khung cảnh càng đầy vẻ đe dọa. Bỗng nhiên có tiếng phụ nữ cười lên điên khùng. Tôi lùi lại một chút, ngẩng đầu liếc nhìn lên. Trên tầng 4 của cao ốc đối diện chỉ có một cánh cửa sổ sáng đèn. Cùng lúc một hơi gió nóng thoảng cuốn hai tầm màn nhớp nhúa đưa ra phía ngoài cửa sổ.
Người đàn bà cười lên lần nữa, nhưng tiếng cười bỗng tắc nghẹn rồi biến thành tiếng rên rỉ.
Tôi lại nhìn qua góc lề đường. Cái bóng kia đã biến mất. Không còn gì khác hơn là tiếng rên rỉ của người đàn bà tốt bụng và tiếng gió thổi lất phất trên tấm màn.
Tôi rút súng ra và từ từ tiến về phía góc đường. Tôi hơi ló đầu ra nhìn quanh đường. Con người theo dò chúng tôi không còn dấu vết gì nữa. Đường phố hoàn toàn trống trơn trừ một con mèo thụt vào trong bóng tối khi thấy tôi.
Tôi rút khăn lau mặt. Rồi cười nhé, tự nhạo mình: "Hết rồi, không còn gì để gặm nữa". Tôi lại nhét khăn vào túi và nghĩ: "Cứ cái kiểu này xảy ra trong ba, bốn đêm nữa là ta rục tù thôi".
Muốn cho chắc chắn, vững tâm, tôi lại nhìn ra đường rồi chạy theo Marian. Cô đang đợi tôi ở khúc quành tiếp và vội bước tới khi nhìn thấy tôi. Cô nắm tay tôi:
- Sao? Tôi sợ hết hồn. Lỡ ông lại gặp chuyện gì rồi. Ông thấy ai không?
- Không, chỉ có con mèo ốm đói. - Tôi mỉm cười trả lời. - Mèo thì cô chẳng sợ, phải không?
- Tôi sợ thật. Tôi chắc là có ai theo chúng ta.
Tôi vẫy một chiếc taxi chạy ngang và cho địa chỉ khách sạn. Vừa ngồi vào xe, cô vội hỏi:
- Ông không bịa chuyện chứ?
Tôi bóp nhẹ tay cô:
- Với cô thì không. Bảo đảm không có ai hết.
Một lúc sau cô mới nói:
- Tôi không hiểu gì hết. Khi thấy gã đó vụt biến mất, tôi rùng mình. Cả đời chưa bao giờ tôi cảm thấy như thế.
Cứ mỗi khoảng mười giây, khi taxi đi qua cột đèn, tôi lại liếc nhìn vào mắt cô. Khuôn mặt xanh mét và hơi tóp lại, đôi mày đẹp nhíu một chút. Cô bỗng lên tiếng:
- Không hiểu sao ông lại mời tôi ăn tối nay?
- Tôi đã nói với cô rồi. Tôi chỉ có một mình. Cô cũng vậy Còn Crainville thì lại không phải là một thành phố vui lắm. Cô hối tiếc buổi chơi tối sao?
- Không một chút nào. Từ lâu chưa bao giờ tôi có được một buổi như tối hôm nay. Tôi tiếc là vừa rồi mình đã tỏ ra tồi tệ thôi. Cô nhổm lên và nhìn thẳng vào mặt tôi. Trong thành phố này có chuyện gì đấy? Khi mới xuống xe tôi cảm thấy...
Cô ngừng một chút rồi nói tiếp:
- À, thôi, đừng nói chuyện đó nữa. Chắc là tại nóng bức làm ám ảnh tôi,
Tôi cầm lấy tay cô:
- Cô cảm thấy những gì?
- Tôi thấy sờ sợ. Trong thành phố này có cái gì làm tôi không được thoải mái. Tất cả hình như quá dơ bẩn, quá buồn tẻ, quá nặng nề. Con người ở đây có vẻ thật lạ kỳ. Ông có thấy như vậy không hay là chỉ do tôi tưởng tượng?
- Tôi cũng thấy như vậy, - tôi nói, - nhưng cô đừng nên hoảng hốt đến như thế.
Chiếc taxi dừng trước khách sạn. Tôi trả tiền và khi bước kịp Marian trên thềm, tôi thoáng thấy có hai bóng người ngồi trên ghế xích đu nhìn về phía tôi. Tôi bước qua tiền sảnh thẳng tới văn phòng.
Nhân viên khách sạn lí nhí một lời chào, nhìn cả hai chúng tôi, vẻ không tán đồng.
- Có hai người khách chờ ông ngoài hiên.
- Cám ơn, - rồi tôi quay sang Marian đang có vẻ lo ngại - Cô đi nghỉ thôi. Buổi tối hôm nay thật là vui.
- Ông tử tế quá. Tôi cũng thật vui.
Marian ngập ngừng một lúc rồi bước về phía cầu thang. Tôi chúc cô ngủ ngon và quay sang gã nhân viên.
- Hai người đó là ai vậy?
Hắn trả lời một cách lửng lơ:
- Một người là ông Mac Arthur, còn người kia là ai thì tôi không biết.
Mac Arthur! Hiểu rôi. Ông ta đã suy nghĩ về điều tôi nói và lén trốn mụ vợ già đến đây chắc đẻ nói chuyện gì rồi.
- Tốt, để tôi gặp họ.
Tôi đi về phía hàng hiên. Mac Arthur ngước mắt nhìn tôi rồi cúi xuống nhìn chân, vẻ lúng túng, rụt rè:
- Thưa ông Spencer, tôi xin lỗi...
Tôi lấy chân khoèo một chiếc xích đu khác:
- Thôi đừng nói chuyện đó nữa. Tôi sẵn sàng nghe ông.
Người thứ hai đứng dậy, mặt lộ ra chỗ sáng đèn. Hắn ta còn trẻ, người thon thả, hơi thấp hơn tôi một chút. Áo quần cắt thật khéo.
Mac Arthur hạ thấp giọng:
- Đây là Ted Esslinger. Tôi đã nói với anh ta về ông và chúng tôi quyết định đến tìm ông,
Tôi nhìn anh ta với vẻ quan tâm:
- Anh là con trai của ông Max Essinger à?
Anh ta giơ tay ra:
- Vâng, chính tôi.
Tôi lại chăm chú nhìn anh ta. Con người thật hấp dẫn, dễ cảm, cởi mở, hơi xanh, mớ tóc đen gợn sóng. Chúng tôi bắt tay nhau, hơi ngỡ ngàng.
Ted Esslinger mở lời trước tiên, giọng hạ thấp xuống:
- Thưa ông Spencer, chắc ông có thể đoán được rằng tôi đang ở trong một tình thế lúng túng. Có nơi nào cho chúng ta nói chuyện mà không bị ai quấy rầy không?
Tôi nói:
- Ở trong phòng tôi thì không được đâu. Anh cứ đề nghị một nơi, tôi sẽ theo.
Ted quay sang phía Mac Arthur đang im lặng, nói:
- Tôi có xe. Tôi vừa lái vừa thưa chuyện cũng được.
- Đồng ý, - và chúng tôi cùng bước xuống thềm.
Bên kia đường, một chiếc Pontiac đang đậu trong bóng tối. Ted mở cửa xe ngồi trước tay lái.
Tôi nhìn ngoái lại sau lưng, phía khách sạn. Các màn cửa đều buông xuống trừ một căn phòng ở tầng lầu 3. Có một người đang nhìn xuống đường, bóng in rõ trên nền khung kính cửa. Thấy tôi quay lại, hắn thụt nhanh vào nhưng cũng đủ cho tôi nhận ra ba điều: chiếc cửa số hắn đứng là ở bên cạnh phòng tôi, đôi vai hắn thật rộng và hắn đội cái mũ sụp vành xuống phía trước.
Tôi bước vào xe. Khi ra khỏi thành phố một quãng, Ted Esslinger dừng xe dưới một khóm cây, dựa lưng vào ghế, nói:
- Chỗ này thì chắc là yên.
Mac Arthur ngồi ghế phía sau, chồm tới trước, hơi thở mạnh phà vào cổ tôi. Ông cứ ngọ nguậy chân tay, vẻ không yên.
Tôi đốt một điếu thuốc, ném que diêm ra ngoài cửa xe và chờ đợi. Mọi người im lặng thật lâu. Tôi liếc nhìn Ted Esslinger. Anh ta đang nhìn sâu vào trong bóng tối của các hàng cây. Ánh trăng khiến anh ta trông còn khá trẻ, chắc không hơn 23 tuổi. Anh ta cũng có dáng lúng túng và bỗng nhiên lên tiếng:
- Chúng tôi chỉ hy vọng có mình ông nên mới đến tìm ông.
Tôi vẫn không đáp lại. Anh ta nhìn ra sau nói:
- Mac, nhất là chuyện này, chớ có hở cho ai biết. Cha tôi mà biết tôi...
Mac Arthur rít ra tiếng hơi khàn và khích động:
- Thì cứ nói đi. Anh biết là tôi không nói đâu.
Tôi cứ để họ hoảng hốt với nhau, không chen vào. Để họ tự ý tuôn ra. Ted Esslinger quay về phía tôi, tay gõ nhịp trên vòng lái:
- Ông cũng biết là tôi không về phe nào hết trong câu chuyện này. Nhưng tôi biết chắc là ông có thể giúp tôi rất nhiều để tìm ra các cô gái và chỉ có điều ấy là quan trọng đối với tôi mà thôi.
Tôi nhìn anh ta chăm chú:
- Luce là bạn thân. Vera là bạn học hồi nhỏ. Joy và tôi thường đi chơi với nhau luôn. Tôi biết rất rõ về họ và mến họ lắm. Họ đều là những cô gái thật tốt. - Anh ta thở dài một tiếng và vụt nói: - Cứ cái kiều này thì chắc là không bao giờ tìm ra được họ cả.
- Thế ra họ đều là bạn thân của anh à? - Tôi nhấn mạnh tiếng thân.
Các thớ thịt trên mặt anh ta co lại, giọng nói hơi giận dữ:
- Tôi hiểu ý ông rồi. Nhưng không phải thế đâu. Họ đều là những cô gái đoan trang. Họ chỉ muốn sống vui thôi. Tôi không phải là người độc nhất. Các chàng trai khác ở Crainville cũng đều đi chơi với họ. Nhưng chỉ có thế mà thôi.
Tôi quay sang phía Mac Arthur. Khuôn mặt nhỏ vàng vọt của ông hiện ra lờ mờ.
- Thưa ông đúng đấy. Các cô ấy không có chuyện gì đâu.
- Được, được rồi, - tôi càu nhàu. - Nhưng có chuyện gì để các người nghĩ rằng sẽ không thể nào tìm ra họ được?
Bàn tay Ted bấu lên vòng lái, giọng anh ta đượm chút cay đắng:
- Đây là một vụ có tính chất chính trị. Chẳng ai quan tâm đến họ ra sao cả. Cảnh sát không động đậy đến cái móng tay. Chừng nào mà người ta chưa tìm ra họ thì Macey còn yên tâm như nằm trên nệm nhung. Hắn nắm chắc kết quả bầu cử trong túi rồi. Starkey có ý định làm áp lực với cử tri. Bè đảng hắn nắm được các thùng phiếu. Chẳng khó gì lắm đâu. Chỉ việc...
Tôi ngắt lời:
- Tôi hiểu, hiểu rồi. Đừng mất thời giờ nữa. Bây giờ thực tình anh muốn gì ở tôi?
- Thì... muốn ông hiểu rõ tình hình, - anh ta phản đối một cách yếu ớt. - Ông biết, nếu không tìm ra các cô gái thì điều đó không quan trọng gì đối với Starkey, nhưng lại quan trọng đối với Wolf và cha tôi. Họ hứa sẽ tìm ra. Chính vì quyền lới của Macey ở đây mà người ta không đi đến kết quả đấy.
- À, thì ra cảnh sát trưởng không chăm lo gì đến vụ này. Thế còn người mà cha anh thuê thì sao?
Ted cố nén một cử chỉ nóng nảy:
- Audrey à? Tôi chẳng hiểu cha tôi ra làm sao nữa. Có họa là điên mới trông cậy một điều gì ở Audrey Sheridan. Cô gái ấy thật là đàng hoàng. Tôi biết cô ta từ lâu rồi, nhưng cô ta không phải là địch thủ của loại như Starkey và Macey. Vả lại cô ta không có một chút kinh nghiệm gì hết về những vụ như thế này.
Tôi thở nhẹ khói qua lỗ mũi:
- Chắc là cô ta cũng có thể hành nghề chứ? Nhưng này nếu cô ta không ích gì sao cha anh lại mướn cô ta?
Ted nhún vai ra dáng không thể nào trả lời được câu hỏi này.
- Tôi không hiểu nữa. Tôi cũng thắc mắc. Nhưng có điều chắc chắn là cô ta không đi đến đâu.
- Không được, Ted, - Mac Arthur nói, - chúng ta phải nói hết sự thực với ông Spencer.
Ông ta hơi chồm người về phía trước để lộ khuôn mặt lo lắng:
- Ở đây ai cũng mến Audrey cả. Thuê Audrey là cha của Ted trông cậy vào sự mến mộ của dân chúng đối với cô. Nếu cô không tìm ra ba cô gái thì người ta không giận đâu.
- Tôi thấy thật lợm giọng, - Ted nổi lên càu nhàu. - Cả cha tôi cũng cần lo đến các cô đó. Ông cũng chỉ nghĩ đến chuyện bầu cử thôi. Bây giờ thì chắc ông hiểu vì sao tôi tức giận rồi. Khi Macey nói với tôi về ông thì tôi nghĩ ngay ông là niềm hy vọng độc nhất của chúng tôi. Tôi cóc cần biết ông Giáp hay ông Ất là thị trưởng, tôi chỉ cần làm sao tìm được các cô gái mất tích thôi.
- Tôi sẽ tìm ra họ cho anh nếu họ còn sống, - tôi nói. - Miễn là anh phải giúp tôi. Theo anh thì họ ra sao?
- Theo tôi thì đây chỉ là chuyện bày ra để Wolf và cha tôi mất uy tín thôi. Tôi dám đem đầu ra cá với ông là chính Starkey đã bắt cóc các cô để cho đối thủ mất phiếu trong cuộc bầu cử này.
- Đó chỉ là giả thuyết thôi. Anh có gì làm bằng cớ không?
- Tôi chắc đã thấy ra một hướng điều tra. Tôi đã nói với Audrey rồi nhưng cô ta không làm nên chuyện gì hết.
Tôi phà ra một bụm khói và ngồi im đợi:
- Đêm trước lúc Luce mất tích, cô có nói với tôi là có một người chụp hình dạo đã chụp hình cô. Sáng hôm sau, cô đến một tiệm lấy hình và tiệm đó là của Starkey. Chuyện đó chỉ nói cho có mà thôi.
Tôi suy nghĩ một lúc. Mới thoáng qua thì chỉ là chuyện lặt vặt thực nhưng tôi cũng lưu ý ngay.
- Anh nghĩ rằng họ bắt cóc ngay ở đấy à?
Ted khẽ gật đầu:
- Ông xem thử các cô kia có được chụp hình như vậy không. Nếu đúng thế thì có chuyện đấy.
Tôi chợt nhớ tới ba bức hình ở đằng Dixon. Chúng có vẻ hình như được chụp ngoài đường phố. Tôi thấy khích động dần lên.
- Các cô gái khác được chụp hình như thế đó. Đằng tòa báo La Gazette có hình của ba cô, đều có vẻ như đang chụp ở ngoài phố.
Ted đăm đưam nhìn tôi, vẻ suy nghĩ rồi nhếch mép cười hằn học:
- Thế thì Starkey rồi. Bây giờ phải làm sao?
- Để tôi, - tôi nói. - Anh còn thấy gì khác nữa không?
Họ nhìn nhau một lúc. Không, họ không còn gì để nói nữa. Chẳng sao. Tôi không đến nỗi mất thì giờ vô ích. Tôi biết chắc mình phải bắt đầu từ đâu rồi. Ted lo lắng nói:
- Chúng tôi cũng muốn tham dự vào vụ này. Ông đừng bỏ rơi chúng tôi.
- Anh nhớ rằng tôi làm việc cho Wolf. Tuy nhiên nếu thật tình muốn tìm ra các cô gái thì các ông biết được tin gì phải thông báo tất cả cho tôi.
Tôi nhìn vào đồng hồ. Hơn 11 giờ một chút.
- Anh biết nơi lấy hình không?
- Đó là tiệm Stop - Photo, khoảng giữa đường Murray.
- Nếu cần đến anh thì tôi làm thế nào?
Ted nguệch ngoạc ghi số điện thoại trên một chiếc phong bì rồi đưa cho tôi.
- Nhưng ông nhớ cho là chớ cho cha tôi biết kẻo ổng nổi giận.
- Anh chớ lo. Tôi biết cẩn thận.
Anh ta mở máy và nói trước khi nhấn ga:
- Mong rằng bà nhà không giận chúng tôi.
- Vợ tôi à? Nhưng mà tôi chưa có gia đình.
- Xin lỗi. - Anh ta lúng túng nói. - Tôi cứ nghĩ là người phụ nữ đi với ông lúc nãy...
Tôi cười lên tiếng:
- Không phải vợ tôi đâu. Tôi mới gặp cô ta hồi chiều nay là lần đầu. Cả hai chúng tôi đều không có bạn nên tôi mời cô ta đi ăn tối.
- Ồ, tôi hiểu, - anh ta vẫn có vẻ ngượng. - Vâyh mà tôi không biết. Cô ta đẹp quá.
- Lúc nào rảnh anh ghé qua tôi đi. Tôi sẽ giới thiệu cho. Có bạn quen một chút chắc không làm cô ta khó chịu đâu.
Nét mặt Ted sáng lên:
- Ồ vâng, nhất định rồi - và anh ta nhấn ga hướng về thành phố.
Tôi bước qua tiền sảnh mắt nhìn quanh. Không ai cả ngoài cô gái ngồi ở bàn tiếp khách. Cô nhai kẹo cao su và đọc tạp chí điểm phim. Tôi đến bên quầy, cô mới ngửng lên:
- Chào cô, - tôi nói.
Cô gái nhìn tôi, vẻ quan tâm rồi đưa tay ra sau lấy chìa khóa. Người cô nhỏ nhắn, rắn chắc và có duyên.
- Cô làm tháng hay làm ngày? - tôi hỏi và nghiêng mình trên cái bàn để ngắm nhìn thân hình cô không chút dấu giếm.
- Làm kiểu gì thì có liên quan đến ông, - cô trả lời và đẩy bồng các ngọn tóc đen dưới mấy ngón tay mũm mĩm.
- Cái đó thì còn tùy. Tính tôi rất thích những người làm sáng.
Co ta nhăn miếng kẹo cao su một cái thong thả rồi nhún nhẹ đôi vai:
- Ông sẽ mất thì giờ với tôi thôi. Tôi không phải là thứ vác cây cào đi tìm vàng. Phải là cái máng xúc kia.
Tôi rút một nắm giấy bạc chìa ra, nói giọng bất cần:
- Tôi lấy thứ này để đốt xì gà đấy. Còn tiền tiêu vặt thì tôi để ở ngân hàng.
Cô hơi nhíu mày và như dịu đi, nói:
- Chắc rồi sẽ có lúc ta đến đó chơi.
- Đồng ý, lúc nào tùy cô. - Rồi lợi dụng tình hình thuận lợi tôi tiếp nhanh. - Gã ở phòng số 369 là ai vậy?
- Không ai ở phòng số 369 cả. Hỏi chi?
- Tôi nói số 369 à? Ngốc thật. Hôm nay sao mà tôi lẫn tới ba lần. Tôi muốn nói số 365.
Cô có vẻ lưỡng lự, áp tay lên má:
- Tôi rất tiếc, tôi không thể trả lời ông được. Khách sạn của chúng tôi làm ăn đứng đắn mà.
- Hân hạnh.
Tôi lấy lại mớ bạc lẻ, rút ra tờ giấy năm đô la trải thật phẳng lên bàn.
- Ai, cô nói đi, ai ở phòng số 365?
Cô làm tờ giấy 5 đô la biến nhanh đến nỗi tôi không kịp nhìn thấy.
- Một người tên là Jeff Gordan.
- Jeff Gordan, - tôi mỉm cười nhìn cô. - Bè đảng của Starkey chứ gì?
Cô nhíu mày và cái nhìn lại trở về câm nín, cau có.
- Tôi không biết. - Rồi cô cúi xuống tờ báo.
Tôi chúc cô ngủ ngon và lên thang máy.
Vào phòng, tôi đi thẳng về phía tủ, cố ý đi thật nặng chân để gã bên kia biết tôi đã về. Tôi ngồi xuống rót uytxki uống.
Suy nghĩ cho kỹ thì mới ngày đầu đã như thế cũng không đến nỗi nào. Rõ ràng cả ba cô gái đều bị bắt cóc. Tội nghiệp cho các cô. Nếu các cô không thoát được ngày bầu cử sẽ là ngày định mệnh của các cô. Nhất định Starkey không ngu gì mà thả các cô ra để các cô lên tiếng.
Rõ ràng là nội vụ xoay quanh lão Starkey. Max Esslinger là một chính khách hạng 3 muốn lên cấp. Wolf thì lại khác. Lão thật tình muốn tìm ra các cô. Không phải vì lòng nhân ái mà vì muốn hơn điểm Starkey và Esslinger.
Tôi nốc một hơi uytxki và nghĩ đến Ted Esslinger. Ít ra anh chàng này cũng là thành thực. Nội điểm đó, tôi đã khoái hắn rồi. Hắn muốn tìm ra các cô gái dù phải sẵn sàng chống lại cha mình.
Câu chuyện về phía tiệm STOP - PHOTO thật đáng lưu ý. Phải xem phía này một chút. Cái kiểu muốn lôi cuốn các cô để bắt cóc như thế thật là hiệu nghiệm. Vấn đề còn lại là phải xem các cô bị giết tại chỗ hay chúng đã mang đi bằng xe theo lối sau nhà.
Tôi lại chợt nhớ đến câu chuyện chiếc giày của một cô gái mất tích được tìm thấy trong một căn nhà bỏ hoang. Chắc lại là một trò đánh lạc hướng để người ta khỏi chú ý đến tiệm mình.
Tôi lại nốc một hơi uytxki nữa và nhìn bức tường trước mắt. Tên Jeff Gordan này chắc chắn là gã đi theo rình tôi và Marian. Tôi đứng dậy đặt ly rượu lên bàn và nhìn bức tường, suy nghĩ. Tôi nghĩ cũng nên làm cho rõ trắng đen.
Tôi nhẹ nhàng rời phòng gõ cánh cửa phòng số 365. Có tiếng đàn ông vọng ra:
- Ai đấy?
- Người phục vụ lầu này, - tôi giả tiếng nói.
Cửa hé mở, tôi húc mạnh vai đẩy tung nó ra, xô nhào một gã to con mặt mày như khỉ, đứng sửng sốt nhìn tôi.
Hắn đúng là loại người không ai muốn gặp ban đêm ở một góc rừng nào đó. Chân tay hắn to tướng hợp với cái mặt bè bè, mới thoáng trông đã làm người ta nghĩ đến con khỉ đột trong rừng. Hắn từ từ nhận ra tôi.
- Anh mắc chứng gì thế?
- Chẳng có gì, tôi đến nói chuyện chơi một lát thôi, - tôi khép cửa lại và dựa lưng vào đấy.
- Anh muốn gì?
- Lúc nãy anh vừa theo dò xét tôi. Tại sao?
Hắn nhìn xuống sàn rồi ngửng ngay lên và lên tiếng càu nhàu:
- Tôi bận nhiều việc hơn là lo đi theo người khác.
- Thế còn người chị em của anh? - Tôi mỉm cười với vẻ thân thiện. - Và anh lại còn gửi thư cho tôi nữa.
Hắn lắc đầu một cách bướng bỉnh. Trong khi nói, tôi thấy hắn sẵn sàng ra tay khi tôi định nhích một chút. Cứ nhìn cái cách hắn bỏ thõng tay xuống ra vẻ như không quan tâm gì thì đủ biết.
Cuối cùng hắn lên giọng đe dọa:
- Nếu anh không đi ra thì tôi sẽ gọi người lên đây.
Tôi làm như mình xỉu đi:
- Có thể là tôi lầm, nhưng trông anh thật giống cái tên theo sau tôi lúc tối.
Hắn hơi chùn lại:
- Tôi chẳng dính gì vào đó. Tôi theo anh để làm gì?
- Tôi muốn biết điều đó. Tôi xin lỗi vì đã làm phiền anh.
Tôi xoay người như chực đi. Trên kệ có một quyển điện thoại niên giám, tôi chụp lấy ném hết sức lực vào người hắn, trúng vào thái dương làm hắn choáng váng. Hắn chưa kịp lấy lại thăng bằng thì tôi đã nhào tới.
Cú đấm của tôi trong vào phía dưới cổ, hắn ngã xuống sàn. Tôi chờ, cho hắn lồm cồm bò dậy rồi mới quất một bàn chân vào ngay giữa mặt làm hắn quỵ hẳn. Hắn nằm ngửa ra, mắt trợn ngược, thở đứt quãng.
Tôi quỳ bên cạnh hắn, lục lọi các túi. Trong quần không có gì lạ, tôi đang lục trong túi vét thì hắn hồi tỉnh. Hắn đấm tôi một cú nhưng tôi đã kịp khom sát xuống tránh và trả lại hắn hai cú. Hắn đạp tôi lăn ra đến sát mép giường. Tôi nhào tới không cho hắn kịp đứng dậy nhưng hắn đã phóng chân quất thẳng vào ngay bụng tôi. Tôi cong người muốn ngã xuống sàn, thở ngút hơi.
Hắn nhổm dậy, mặt bừng bừng giận. Tôi không nhúc nhích được gì hết. Sức lực tôi như muốn bốc tan ra, tôi muốn la rống lên.
Hắn bước tới. Tôi rút khẩu súng chĩa vào tận mặt hắn. Hắn lùi lại như mới vừa bị dập mũi vào tường. Tôi cố sức nói:
- Mày lên giường ngồi.
Hắn ngồi đấy, tay khoanh trên đầu gối, mắt nhìn tôi. Tôi phải đợi đến ba, bốn phút mới tỉnh trí lại và vẫn theo dõi từng cử động của hắn. Chân tôi mềm như bún khiến tôi phải chống vào tường mới đứng lên được.
- Thôi bây giờ ta nói chuyện chơi một chút, đồ trâu bò!
Hắn không nói chỉ gừ gừ trong cổ họng.
- Mày thuộc băng của Starkey phải phông?
Hắn quay mặt đi. Trúng tủ rồi.
Một tay không rời khẩu súng, tay kia tôi thò vào túi lấy mảnh giấy luồn dưới cửa lúc tối và huơ trước mặt hắn. Tôi cười nhạo:
- Chúng mày cứ tưởng là có thể làm sao khiếp sợ vì cái trò trẻ con này à?
Hắn vẫn cúi nhìn xuống chân. Tôi không đổi giọng:
- Tao không thích những thằng theo dò tao chút nào. Cái kiểu đó dễ làm tao nổi khùng lên đấy. Mà hễ nổi khùng thì tao không kiểm soát được tao đâu. Mày làm cho Starkey thì cứ việc. Nhân tiện mày có ở đây, tao nhờ mày nhắc lại với Starkey là hắn mà làm được thị trưởng cũng lạ đấy. Luôn tiện báo cho hắn biết là mai có tao đến thăm.
Hắn nhìn tôi, đôi mắt mở to ngạc nhiên. Tôi chỉ tay ra cửa:
- Còn bây giờ thì cút đi. Nhất là đừng luẩn quẩn bên chân tao như chó săn gặm gót. Nhất định mày sẽ được nằm bệnh viện hai ba tháng đấy.
Hắn đứng dậy, vớ lấy một chiếc mũ sụp vành chụp lên đầu. Không lầm vào đâu được, đúng là tên đã theo dõi chúng tôi.
- Đi đi.
Hắn mở cửa rồi quay lại. Đôi mắt lóe lên ánh thù hận.
Tôi nói:
- Cái loại tay chơi ở làng như mày, tao đập cả hàng tá rồi. Xéo đi!
Hắn khạc một miếng đờm về phía tôi rồi từ từ bước ra.
Tôi nhìn theo khi hắn đi suốt hành lang, đến cầu thang với những bước chân cứng nhắc và vững chãi.
Tôi giật mình tỉnh dậy. Có ai gõ cửa, tiếng nhẹ mà liên tục, dè dặt. Nghe như tiếng chuột gặm nhấm thứ gì. Tôi mò quơ nút bấm đèn bật lên. Tôi ngồi dậy, duỗi mình ra, lùa tay vào tóc. Mệt quá.
Tiếng gõ cửa vẫn tiếp tục, càng lúc càng khẩn cấp, thúc giục.
Tôi liếc nhìn lên chiếc đồng hồ treo thấy chỉ hơn 2 giờ 10. Mí mắt tôi nặng như cả tấn. Khí trời nóng bức mặc dù trước khi đi ngủ, tôi đã mở hết các cửa sổ.
Tôi tuồn ra khỏi giường, vớ chiếc áo ngủ và lấy khẩu súng dưới gối. Tôi bước lại kề miệng gần cánh cửa hỏi nhỏ:
- Ai đấy?
Tiếng gõ cửa ngừng lại:
- Esslinger đây.
Tôi nhận ra tiếng anh ta, liền mở khóa. Ted nhanh chóng luồn vào và giơ tay khép cửa. Mặt anh ta hốc hác.
Tôi nhìn anh ta vẻ trách móc rồi quay trở lại ngồi lên giường.
- Trời ạ, anh không để tôi ngủ chút nào được sao?
- Mary Drake không về nhà rồi. Anh ta nói, hàm răng lập cập hoảng hốt.
Tôi ngáp dài và xoa gáy:
- Một cô bạn thân của anh nữa à?
- Ông không hiểu gì sao. Ted nói nhỏ, giọng căng thẳng. - Sáng nay cô ta đi làn và chưa về. Cha cô đến tìm báo cho ông già tôi hay sự việc.
- Nhưng trời ơi! Tôi đâu có thể làm việc được 24 trên 24 giờ. Tôi làm gì được bây giờ?
Anh ta sải bước qua lại trong phòng, nói:
- Chắc có chuyện gì xảy ra cho cô ấy rồi. Khi ông Drake đến, tôi lẻn ra ngoài đến báo cho ông. Mới chỉ mình cha tôi và ông Drake biết việc này thôi.
Lúc này tôi đã hơi tỉnh, nén một cái ngáp và nói:
- Lần cuối cùng người ta thấy cô ấy vào lúc nào?
- Cô ấy rời văn phòng vào lúc năm giờ để đi khiêu vũ. Người hẹn với cô ấy là Roger Kirk. Không thấy cô đến, tưởng là cô ốm nên anh ta đi về nhà. Chỉ vào lúc mười một giờ khi ông Drake gọi điện thoại hỏi anh ta, lúc bấy giờ mới nháo nhào.
Tôi lúc túi lấy ra gói Lucky Strike, bỏ 2 điếu trên bàn ngủ.
- Thôi hãy ngồi xuống, hút điếu thuốc cái đã.
Anh ta ngồi xuống nhưng không hút, lo lắng nhìn tôi suy nghĩ trong một, hai phút.
- Ông Drake đã báo cảnh sát chưa?
- Chưa. Ông ta tìm đến cha tôi vì nghĩ rằng...
- Phải rồi. Thế cha anh nghĩ sao?
- Chưa làm gì hết. Có gì thì cũng phải sáng mai. Cho nên tôi mới đi tới đây. Chúng ta sẽ có được bảy tiếng đồng hồ hành động trước mọi người.
- Ờ, tôi nói không mấy thích thú, - dù sao thì cũng chẳng làm được gì nhiều.
Tôi gảy tàn thuốc và cố nén một cái ngáp nữa.
- Anh quen biết cô ta à?
- Quen nhiều. Cô là bạn của Luce Mac Arthur. Tôi và Roger Kirk học chung một trường. Thường thì cả bốn người hay đi chơi với nhau.
Tôi đứng dậy đến chiếc ghế vắt quần áo, mặc ngay rồi đi vào buồng vệ sinh, chải lại cái đầu, thấm chút nước lên mặt cho tỉnh ngủ. Ted nhìn tôi vẻ tò mò. Tôi bình tĩnh nói:
- Cứ thử hết cách xem sao. Tôi có cảm tưởng là chẳng đâu vào đâu nhưng thôi cũng cứ làm. Tiệm Stop - Photo danh tiếng ấy cách đây xa quá.
- Ở phố Murray. Chỉ năm phút xe hơi thôi.
- Anh có mang xe theo không?
- Ngoài kia.
- Tốt, thôi ta đi.
Chúng tôi vừa khép cửa thì phòng Marian French hé ra.
- Bị mộng du à? Cô tò mò hỏi với một giọng không ai có thể phiền trách được.
Cô thật là duyên dáng trong chiếc áo lụa hở cổ màu xanh da trời. Mớ tóc vàng dài, mượt buông xuống bờ vai, khuôn mặt đẹp còn in dấu ngái ngủ. Tôi nõi khẽ:
- Xin chào! Nếu cô chịu khó chờ một vài phút nữa thì sẽ thấy mặt trời mọc. Chúng tôi đi gọi nó dậy đây.
Cô liếc nhìn Ted Esslinger rồi quay sang hỏi tôi:
- Người phụ tá của ông đấy à?
Tôi lấy giọng trang trọng nhất lên tiếng:
- Thưa cô French, xin phép cô cho được giới thiệu đây là ông Ted Esslinger. Thôi, bây giờ chịu khó một chút và ngủ đi. Ông Esslinger và tôi đi dạo một lát cho dãn gân dãn cốt.
Cô lịch sự mỉm cười với Ted rồi quay sang hỏi tôi:
- Có chuyện gì thế?
- Không, không có gì đâu... Theo thói quen mà. Để giữ eo cho đẹp.
Tôi vẫy nhẹ tay rồi nhìn Esslinger:
- Ta đi.
Anh ta rụt rè mỉm cười nhẹ với Marian rồi theo tôi xuống cầu thang. Tôi nghe Marian thở thật dài và có tiếng cửa khép lại.
Vừa bước xuống thang lầu, tôi vừa bình thản hỏi:
- Cô ta dễ thương phải không?
- Vâng, nhưng bây giờ không phải lúc.
- Anh chớ để ý, - tôi nói khi bước vào tiền sảnh, - với tôi thì lúc nào cũng là tốt cả.
Người gác đêm nhỏ con, mập, râu ria lởm chởm ngạc nhiên nhìn chúng tôi nhưng tôi thấy có giải thích cũng vô ích. Tôi bước qua sảnh đến cổng, chui vào chiếc Pontiac đậu dọc trên lề đường. Esslinger đi vòng đến ngồi trước vòng lái. Tôi nói:
- Thôi lẹ lên. Tôi cũng muốn ngủ thêm một chút.
- Ông hy vọng có thể tìm được gì ở đấy? Esslinger hỏi khi vòng xe qua đại lộ.
- Tôi chẳng biết nữa. Mới nảy ra ý thôi.
Anh ta liếc nhanh tôi rồi nhấn ga. Chúng tôi không nói với nhau một lời cho tới Murray. Bỗng anh ta tấp vào lề đường, dừng xe lại nói:
- Đây rồi.
Tôi bước xuống nhìn vào chiếc tủ kính hẹp chen chúc đầy các tấm hình. Tôi hơi lùi lại để nhìn bảng hiệu STOP - PHOTO bằng chữ lớn mạ crôm lấp lánh dưới ánh trăng. Tôi lấy chiếc đèn bấm soi vào tủ kính. Ted tiến lại.
- Ông tìm gì thế? - Anh ta nhìn theo ánh đèn huơ huơ trên đám hình to bằng cỡ bưu thiếp, găm phía trong trên một cái kệ nằm nghiêng.
Tôi hỏi anh ta, tay vẫn quơ cây đèn bấm:
- Anh thấy có ai quen không?
Ted chợt hiểu ra. Ngay chính giữa tấm kệ có hình của một cô gái tóc vàng đang mỉm cười với tôi. Phía sau cô rõ ràng là cảnh đại lộ. Bức hình to gấp bốn lần các hình khác trong tủ kính, phía dưới có ghi:
"Phóng lớn đặc biêt. Một đô la 50 phụ thu". Tôi hỏi Esslinger:
- Phải cô ta không?
- Phải.
Anh ta rùng mình, bám chặt vào cánh tay tôi. Tôi tắt đèn.
- Gặp mấy chuyện này là phải chúi đầu húc tới thôi.
Ted nói với giọng không vững:
- Ông... ông thấy rõ rồi à? Tất cả đều bị bắt cóc ngay ở đây. Có thể là Mary còn trong ấy...
Tôi tiến lại phía cửa chính. Nửa trên cửa được lắp kính. Muốn mở chỉ có cách phải đập ra thôi. Nhưng tôi lại không muốn làm như vậy. Ồn lắm. Tôi hỏi:
- Vòng qua phía sau có lối vào không?
Ted sợ hãi:
- Vào lối sau à? Ông định...
- Tất nhiên rồi. Nhưng anh đừng dính dáng vào đây. Anh về là hơn.
Anh ta lưỡng lự rồi ra dáng cứng cỏi:
- Không, nếu thế thì tôi đi với ông.
Tôi vội vã nói:
- Không, không nên. Tôi được trả tiền để làm việc này mà. Với lại nếu bị túm thì cha anh biết anh giúp tôi. Chúng ta chẳng muốn thế bao giờ. Anh còn giúp tôi được chừng nào mà chưa có ai biết chúng ta gặp nhau.
Anh ta nói giọng tiếc rẻ:
- Ông nói có lý. Nhất là không ai biết tôi rời khỏi nhà. Ông muốn dùng xe tôi không?
- Chắc cần. Nhưng người ta dễ nhận ra xe của ai. Thôi anh lấy về đi.
Tôi đi khoảng 100 mét dọc đường thì thấy có một hẻm nhỏ phía trái. Trong lúc còn đứng trong bóng tối, tôi cố nhận ra lối đi, đang tự hỏi có phải là đường ra sau tiệm hình không thì nghe có tiếng xe mở máy và Ted lái vụt đi.
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Trong mấy cái chuyện này mà để các tay lơ mơ chen vào thì thật tai hại. Nhất là tôi không thích ồn ào. Tôi cứ ưa chơi sôlô. Nếu chuyện không êm thì cũng dễ tính.
Con hẻm chật hẹp và dơ dáy, dẫn đến phía sau khối nhà có tiệm Stop - Photo. Chỗ này quá tối. Tôi lần mò ra cánh cửa hình như không chắc chắn mấy. Tôi ẩy vai một cái. Nó rung lên mà không mở. Tôi làm cái thứ hai thì nó bật tung ra. Tôi lùi lại, lắng nghe một lúc. Con hẻm và khu nhà vẫn yên tĩnh. Tôi lấy tay che ngọn đèn bấm nhìn vào nhà rồi bước theo một hành lang hẹp. Trước mặt tôi có một cửa đi tới tiệm hình còn bên phải là một cánh cửa hé mở.
Tôi đến mở cửa tiệm. Ánh trăng soi qua tấm kính đủ làm tôi thấy rõ một vật mà không cần bấm đèn. Tôi liếc nhanh không thấy gì đáng để ý nên lại bước ra hành lang. Không nên để cho ai thấy tôi vì từ ngoài cửa có thể có mấy anh cớm. Tôi lùi lại mở cánh cửa thứ hai. Tôi bước vào một phòng rộng có vẻ như là phòng rửa hình. Ở giữa có hai cái bàn chất đầy hình và khung. Tôi bấm đèn soi một vòng trên đất và quanh phòng. Lò sưởi đầy giấy đã bị đốt cháy nhưng không có vật gì có thể gán cho cô gái bị mất tích.
Tôi hất nón ra sau đầu và gãi trán suy nghĩ. Lúc đến đây tôi chưa có ý niệm gì rõ rệt nhưng dù sao tôi cũng tưởng được chút ít việc nào đó.
Tôi quay về cửa sau, ngó vào đường hẻm. Tôi lấy làm lạ: ở nơi này chẳng có chỗ nào cho xe đậu. Vậy nếu các cô bị bắt cóc ở đây thì làm sao đưa các cô đi thoát khỏi tiệm?
Tôi đang bứt đầu bứt tai thì nghe có tiếng xe chạy nhanh đến. Tiếng thắng xe rít mạnh rồi xe ngừng hẳn. Tôi thụt vào trong hành lang, khép cửa sau, đi nhanh đến cánh cửa tiệm và hé nhìn vào.
Tôi thấy rõ con đường qua các tấm kính. Một chiếc xe hơi lớn đậu lại, có ba người bước xuống. Một người đứng bên xe có vẻ canh chừng. Hai người khác bước lên lề, đến mở cửa.
Chuyện xảy ra nhanh đến nỗi tôi không kịp thụt lùi lại. Tôi khép nhẹ cửa, tay đặt lên báng súng, chờ đợi.
Tôi nghe thấy tiếng hai người bước vào. Một gã nói:
- Nhanh lên, năm phút sau lão cớm ở góc đường quay lại đấy.
Giọng gã khàn khàn và hơi thở nặng nề. Tên kia lên tiếng ồ ồ:
- Được rồi, được rồi. Đừng hoảng lên. Đưa bức hình kia cho tao.
Tôi nghe như có vật gì nặng rơi trên đất, tôi hé cửa nhìn vào nhưng không thấy gì hết.
Gã có giọng ồ ồ nói:
- Tôi không kịp chụp nó.
Gã có giọng khàn khàn mắng mỏ:
- Mày thì lúc nào cũng làm hỏng việc.
Một vài tiếng thì thầm tiếp theo rồi người có giọng khàn khàn lên được:
- Được rồi, thôi vọt lẹ đi.
Tôi nghe tiếng chúng ra khỏi cửa, khóa lại. Tôi thận trọng ghé mắt vào. Chúng đang bước lên xe. Tôi chưa thấy rõ chúng, chỉ biết vóc dáng chúng to lớn và vai ngang bè. Một tên hình như là Jeff Gordan nhưng tôi cũng không chắc lắm.
Chiếc xe phóng vụt đi. Nếu tay cớm cứ năm phút lại trở lại thì cũng đến lúc tôi phải chuồn rồi. Không thấy dấu vết gì của chúng để lại. Tôi quay nhanh về phía cửa sau.
Khi mở cửa, mắt tôi nhìn thấy vật gì nổi cộm dưới đất. Tôi bấm đèn. Một chiếc khăn tay nhỏ đã nhàu, lúc trước chắc là trắng, nằm ngay dưới chân tôi. Tôi nhặt lên. Đó là chiếc khăn tay có ren, thêu hai chữ M.D trong góc.
Tôi bước ra hẻm đi nhanh ra đại lộ.
Các chữ tắt M.D chỉ có thể giải thích là của Mary Drake thôi! Với chiếc khăn này và bốn bức hình làm chứng tôi đủ sức làm Macey nản nếu hắn không giúp tôi điều tra. Chuyện bắt cóc là tội hình sự, Macey sẽ gặp sự chống đối của cơ quan F.B.I.
Tôi nhét chiếc khăn tay vào túi và thận trọng bước ra đại lộ. Không có một con mèo nào. Tôi bước về phía cửa tiệm.
Trăng đã lên cao. Qua tấm kính tôi có thể nhìn rõ từng chi tiết. Nhưng tôi chỉ lưu tâm có bức hình: "Phóng lớn đặc biệt. Một đô la 50 phụ thu". Chỉ nhìn qua là đủ. Bây giờ tôi mới biết tại sao ba gã kia đến tiệm và tại sao chúng vội vã như thế. Chúng đã thay bức hình. Cô gái tóc vàng mà Ted Esslinger nói với tôi là Mary Drake không còn mỉm cười với tôi nữa. Thay vào đó là bức hình của một cô gái mặt xương xẩu đội mũ trắng nom thật kỳ dị.
Chiếc đồng hồ nào đấy điểm ba tiếng khi tôi đến cao ốc tòa báo La Gazette de Crainville.
Lề đường vắng dưới ánh trăng rạng rỡ khiến tôi có cảm tưởng như đang trần truồng trên chuyến xe điện ngầm. Không khí vẫn nóng bức, người tôi nhớp nhùa mồ hôi.
Tôi đi qua khu nhà đổ tàn tạ, liếc nhìn hai cánh cửa đóng chắc. Tôi bước thêm mươi bước nữa rồi nép vào một cửa ngách.
Phá khóa cửa vào nhà trên một con đường thấy rõ như ban ngày thì thật khá hấp dẫn. Chỉ cần một tay xớm cần mẫn ló mặt ở góc phố đúng lúc là tôi đẹp mặt ngay. Tôi đã hiểu mặt cớm ở Crainville để biết rằng hắn sẵn sàng rút súng bắn trước rồi mới hỏi thẻ sau.
Tôi lắng nghe một lúc, người không nhúc nhích. Xung quanh thật yên lặng. Khi tôi định ra tay thì nghe tiếng bước chân. Tôi nép vào cánh cửa và tự khen mình đã chịu khó chờ một lúc.
Một phụ nữ đang tiến về phía tôi. Tôi biết là đàn bà vì nghe tiếng gót gỗ nện trên nền gạch. Cô ta bước nhanh rồi chậm lại và cuối cùng dừng hẳn.
Tôi thoáng nhìn một lúc. Cô đứng trước cửa tòa báo. Chẳng thấy gì ngoài dáng người thanh, vóc trung bình và y phục toàn đen. Bỗng cô nhìn ngang nhìn ngửa, có vẻ lén lút, lo lắng. Tôi lại thụt vào, hy vọng cô không nhìn thấy tôi.
Một lúc lại không thấy cô động đậy, tôi lại hé nhìn ra. Cô bây giờ đang ở phía sát cửa. Trong lúc dò xét cô, tôi tự hỏi "không biết con nhỏ định dở trò gì" thì nghe có tiếng chìa khóa xoay. Chỉ một loáng sau cô đẩy cửa mất hút vào trong.
Với cử chỉ tự nhiên, tôi thò tay vào túi thuốc ra rồi đứng đấy ngẩn ngơ, gãi đầu.
Tôi đợi hai phút rồi đi ngược lại phía tòa báo. Hai cánh cửa đã đóng lại. Đầu tôi còn lơ mơ buồn ngủ. Tôi chẳng biết mình phải làm gì. Đang đứng như trời trồng thì tôi lại nghe tiếng bước chân. Vẫn còn đủ lanh trí để lủi thật lẹ xa tòa báo thì tôi đụng đầu với một tay cớm chẳng biết từ đâu hiện ra nhìn tôi với vẻ lạ lùng. Hắn quay quay cái dùi cui"
- Anh thử nói xem anh làm gì ở đây?
Tôi nghĩ ra việc đóng vai một tay xỉn, chúi người giẫm lên chân hắn, tay bá vai hắn.
- Anh... hè, bạn... lủi... lẹ đi... chớ gặp... cớm thì chếết. Ngheee... lẹ lêên đi...
- Thôi đủ rồi. - Hắn đẩy tôi, - nhìn qua là biết mày ở đâu ra rồi. Đi lẹ về nhà không thì tao cho nếm một cái gậy thấy ông bà ông vải mày bây giờ.
Tôi từ từ rời xa hắn, đi xiên xẹo đến cuối đường thì gặp một lối rẽ ngang. Tôi quành vào đấy một cách thiện nghệ rồi đứng chờ. Lát sau ló mặt ra, tôi thấy anh cớm tiếp tục đi rồi mất hút về phía đại lộ.
Tôi chạy ngay đến cửa tòa báo vừa nín chửi thằng cha cớm làm mất của tôi ít nhất cũng là mười phút quý báu.
Tôi rút con dao bấm, chọn lưỡi thích hợp nhét vào ổ khóa và nạy. Đến lần thứ ba thì chốt bật ra. Tôi bước vào sảnh nhỏ nồng nặc đủ các thứ mùi của sân nuôi gà vịt. Tôi khép cửa, đứng đấy một lúc nhưng không thấy gì cử động cả. Tôi vội leo lên thang gác. Phải mất một lát mới lên đến tầng bốn. Tôi cố không gây tiếng động, khu nhà cũng thật yên vắng. Người phụ nữ kia chắc cũng đi rồi, nếu không tôi đã nghe thấy tiếng bước chân của cô ta.
Văn phòng La Gazette de Crainville ở tận đầu kia hành lang. Tôi biết gần rõ đường nên không dùng đèn bấm, cứ lần mò trong bóng tối mà đi.
Qua hành lang tôi dừng lại. Không chắc lắm nhưng có cái gì đó. Tôi nép sát vào tường, cố căng mắt trong bóng đêm. Hình như tóc trong đầu tôi dựng lên. Có cái gì ở trong mũi tôi. Tay tôi nắm lấy cây đèn bấm, tay kia mò tìm khẩu súng.
Cùng lúc mọi việc xảy ra không làm sao phản ứng kịp. Tôi thấy một bóng mờ mờ vụt từ trong tối nhô ra và ai đấy bước nhanh qua mặt tôi.
Tôi bung ra nhưng chiếc lò xo, nắm lấy một cánh tay - tay phụ nữ - Sau đó... có trời mới biết chuyện gì xảy ra. Tôi thấy cô ta đè hết sức lên người tôi, cánh tay tôi bị giật ra phía sau. Một khúc cây cứng nhọn thọc vào sườn và chân tôi bị nâng lên. Thật như mình đang bay len nhưng lại rơi xuống ngay, đầu đập vào tường. Sau đó tôi không biết gì nữa...
Tôi như người bước qua một đám sương mù đo đỏ, đầu dãn nở ra và co thắt lại. Tôi có sức bám dựa vào tường và tuôn ra một tràng chửi thề. Cả khu nhà chìm sâu trong yên lặng, tôi không biết mình ngất trong bao lâu. Bầm đèn nhìn đồng hồ tôi thấy 4 giờ kém 10. Như vậy tôi bị nốc ao khoảng 15 phút. Ánh đèn làm chói mắt, phải tắt đi. Tôi không đủ sức đứng dậy nữa. Mỗi một cử động đều dội nhức trong đầu. Tôi lại tuôi ra một tràng chửi rủ nữa cho bõ tức. Nếu biết là đụng đầu con nhỏ võ sư nhu đạo thì tôi đâu có bị đo ván nằm dài... Không thể nào tưởng tượng được con nhỏ lại làm tôi đến nước này. Tôi cứ tự phụ mình cũng thạo một ít, nhưng con nhỏ này chắc đi học "cua đặc biệt" với Thiên hoàng rồi.
Tôi cẩn thận ngồi dậy, rên rỉ theo từng tiếng dội nhức đầu, nhưng một lúc sau thấy khá hơn nên đứng dậy. Tôi lết tới trong cầu thang lắng nghe nhưng không thấy động tĩnh gì, chắc cô ta đã về nhà.
Tôi quay trở lại văn phòng báo. Cửa không khóa nhưng tôi hơi ngạc nhiên thôi. Tôi đẩy cửa, bước vào, bật đèn lên. Bàn giấy thứ nhất vẫn âm u như hồi nào. Tôi đi về phía phòng của Dixon, lắng nghe một chút rồi mở toang ra.
Ánh sáng chiếc đèn bấm quét trên chiếc bàn trống trơn, không hồn. Tôi tiến lại gần. Hộc bàn giữa mở ra. Tôi hơi đoán ra rồi. Chỉ liếc sơ qua thấy mình đã đoán đúng. Không còn hình ba cô gái mà Dixon đã đưa tôi xem mấy giờ trước.
Tôi suy nghĩ một lúc, mắt nhìn vào hộc bàn. Nhất định là cô gái đó đã lấy đi. Rắc rối thật. Có mấy tấm hình tôi mới viện được Cảnh Sát Liên Bang và cho Macey cứ việc đến năn nỉ ỉ ôi với tôi. Không biết con quỉ cái này có biết điều đó không.
Tôi thực tình thấy đau đầu quá và muốn quay về ổ thôi. Tôi quay ra về phía cửa nhưng sững người. Có kẻ nào đang ngồi trên chiếc ghế gần cửa sổ. Tôi giật nảy mình lùi lại, đánh rơi cả đèn bấm. Tôi cúi xuống nhặt lên mà thấy nổi gai ốc. Tôi đặt tay vào súng.
- Ai đấy?
Cổ tôi khô khốc, người mềm nhũn, lửng lơ. Xung quanh yên lặng ghê hồn. Tôi bấm đèn hướng về phía ghế. Dixon đang nhìn tôi với đôi mắt không hồn, trắng dã. Khuôn mặt tái mét, quắt lại, nhăn nhó kinh hoàng. Một dòng máu trào nơi miệng, lưỡi thè ra to như miếng da luộc.
Tôi tiến lại một chút, nhìn lão thật kỹ. Có một sợi dây nhỏ siết quanh cổ lão, lấp sau lớp thịt sưng phồng.

Chương trước Chương sau