Lữ quán 007 - Chương 07

Lữ quán 007 - Chương 07

Xin mời vào phòng khách

Ngày đăng
Tổng cộng 15 hồi
Đánh giá 9.8/10 với 12385 lượt xem

Mưa vẫn đập mạnh, thét gào làm nền cho tiếng nước chảy òng ọc trong máng xối bốn góc nhà. Tôi nghĩ tới chiếc giường của tôi. Tôi sẽ ngủ ngon giữa những chăn nệm êm ấm của căn phòng nhỏ sạch bóng, những tấm trải giường may bằng vải chúc bâu mà lữ quán đã quảng cáo. Sang trọng xiết bao những chiếc giường của hãng Elliott Frey, những tấm thảm dệt theo kiểu cổ của hãng Magee, máy truyền hình và máy điều hòa không khí hiệu Philco, tủ lạnh Ice-Maker, những tấm vải bọc giường Acrilan, bàn ghế Simmons Vivant. Tất cả những xa hoa của một lữ quán tân tiến, cho tới vòi nước gương sen Acrylite, những bàn cầu olsonite bóng lộn như xà cừ và giấy vệ sinh Delsey với những màu sắc hợp theo cách trần thiết hiện đại. Tất cả những thứ đó đêm nay đều thuộc về tôi, chỉ một mình tôi.
Với tất cả những sự sẩp xếp mê hồn này và mặc dù có một quang cảnh tuyệt đẹp, lữ quán “Những cây thông mơ mộng” có vẻ không được phát đạt mấy. Trước đây hai tuần, khi tôi vào đây chỉ có hai khách trọ và không có một bungalo nào được giữ chỗ trước cho mười lăm ngày nghỉ cuối mùa cả.
Mụ Phancey tóc hoa râm, mặt dữ tợn và đa nghi, môi mỏng, mồm nhăn nhúm đang đứng ở bàn tiếp khách. Thấy tôi đi vào mụ nhìn tôi sắc nhọn, một cô gái đơn thân độc mã với tất cả hành lý là hai cái xắc cốt. Khi tôi đẩy chiếc Vespa vào cabin số chín mụ đi theo tôi tay cầm tấm phiếu kiểm tra coi tôi có khai số xe giả không. Chồng mụ ta, Jed, thì tử tế hơn, nhưng sau này không lâu tôi hiểu tại sao. Khi ở quầy hàng ăn, tay hắn phớt qua ngực tôi lúc hắn đưa tách cà phê cho tôi. Hắn làm tất cả công việc, luôn cả phụ bếp. Trong khi cặp mắt hắn nhìn khắp người tôi, hắn than thở về tất cả những việc hắn phải làm trong lữ quán để kịp ngày đóng cửa. Hình như bọn Phancey làm quản lý cho ông chủ ở Troy, một ông Sanguinetti nào đó, ông ta có nhiều cơ ngơi ở đây.
Thằng cha Phancey không để tôi yên. Trong lúc tôi ăn hắn đến ngồi chung bàn và kể vài giai đoạn tối tăm của đời hắn, giữa câu chuyện hắn hỏi những dự định của tôi, gia đình tôi thế nào, tôi có bạn ở Mỹ không... Những câu hỏi vô tội vạ với tính tò mò tự nhiên. Dù sao thì hắn cũng bốn mươi lăm tuổi, bằng tuổi bố tôi, nhưng chắc chắn hắn là một con heo già. Đằng cuối phòng mụ Phancey ngồi ở bàn tiếp khách canh chừng chúng tôi.
Cuối cùng hắn cũng để tôi yên. Trong lúc tôi hút thuốc và nhâm nhi tách cà phê thứ hai hắn trở lại chỗ vợ hắn và tôi nghe tiếng nhỏ to bàn bạc điều gì đó, theo như tiếng cười khúc khích từng lúc của chúng thì hình như chúng khoái chí lắm. Cuối cùng mụ Phancey tiến đến chỗ tôi, mụ ngồi xuống hỏi đủ thứ chuyện làm ra vẻ như mụ hứng thú về những dự định của tôi lắm vậy. Rồi mụ hồi tôi tại sao không ở lại vài ngày để nghỉ ngơi, vừa kiếm thêm ít tiền. Mụ đang cần một tiếp viên để thay thế người đã nghỉ việc trước đây một ngày. Phải trông nom và dọn dẹp gọn ghẽ trước khi đóng cửa, chúng không có thì giờ để lo việc tiếp khách. Chỉ làm việc hai tuần cuối thôi, lương ba mươi đô-la một tuần cộng ăn và ở.
Ngân quỹ du lịch của tôi đã hụt hết gần năm mươi đô-la. Số lương sáu mươi đô-la và ăn ở không tính tiền sẽ hồi phục lại thế quân bình. Tôi không có cảm tình với bọn Phancey nhưng tôi thầm nghĩ chúng không tệ hơn những người tôi có thể sẽ gặp trong chuyến viễn du. Vả lại đây là việc làm đầu tiên mà người ta đề nghị và tôi tò mò muốn biết tôi có khả năng xoay sở không.
Cũng có thể chúng cấp cho tôi một chứng chỉ sau khi tập sự, như vậy tôi sẽ dễ tìm việc trong các lữ quán trên đường đi tới miền nam, tôi chấp thuận và bọn Phancey tỏ vẻ rất hài lòng. Mụ vợ chỉ cách cho tôi làm sổ sách và dạy tôi cách canh chừng những người mang theo ít hành lý mà xe chở hàng thì to, và đưa tôi đi xem quanh lữ quán.
Vấn đề xe chở hàng mở mắt cho tôi thấy mặt sau công chuyện làm ăn của các lữ quán. Có những người đặc biệt là những cặp vợ chồng mới cưới đang cần tổ chức một tổ ấm, họ đến đăng ký ở trọ trong một lữ quán xa xôi nào đó, chỉ đem theo trần mỗi cái va-li, trong chiếc va-li này là đồ nghề thiết yếu cùng với bảng số giả mạo của chiếc xe. Họ để xe dưới mái hiên sát bên cửa cabin mà họ mướn rồi ở biệt trong phòng cho đến khuya. Khi đèn trong phòng tiếp khách đã tắt và các nhân viên đã đi nghỉ thì họ bắt đầu công việc ngay. Họ xếp gọn ghẽ mùng mền chăn gối, khăn ăn, khăn, tắm, khăn mặt, màn cửa. Họ tháo gỡ đèn, giường, bàn cầu, bồn tắm, bồn rửa mặt. Dĩ nhiên là họ làm các công việc này trong bóng tối với một cái đèn bấm nhỏ xíu như cây bút chì. Khi đã xong đâu đấy họ mang ra chất lên xe và chỉ việc cuộn tấm thảm lại rồi đem ra làm tấm đậy phù lên những thứ trên xe, thay bảng số giả rồi cho xe chạy đi êm ru. Với các thứ ăn cắp đó họ trang trí căn nhà trống rỗng của họ cách đó hàng trăm cây số.
Theo mụ Phancey thì các lữ quán không có cách gì chống lại những vụ làm ăn này thành ra món gì có thể được thì gắn chặt vào tường, sơn tên lữ quán lên trên và đánh hơi những tên ăn cắp khi chúng đến đăng ký, đuổi chủng đi hay là thức suốt đêm súng cầm sẵn trên tay. Còn ở thành phố thì các lữ quán lại gặp những vấn đề khác: gái điếm đưa khách chơi tới, những tên giết người để xác chết lại trong buồng tắm và lâu lâu lại có một vụ cướp tiền mặt trong két.
Công việc của tôi cũng nhẹ nhàng không có gì đáng lo nghĩ. Tôi có rất ít việc để làm và tôi tự hỏi bọn Phancey ôm đồm thêm tôi làm gì. Chắc tại chúng biếng nhác và tiền mướn tôi thì chủ trả chớ đâu phải tiền túi của chúng, với lại tôi cá là tên Jed coi tôi như một “áp phe”. Nhưng mà điều này không thành vấn đề với tôi, tôi chỉ cần tránh bàn tay nham nhở của hắn và sửa lưng hắn quân bình mỗi ngày một lần, còn tối trước khi ngủ thì chèn một cái ghế dưới tay nắm cửa để tránh chiếc chìa khóa vạn năng mà hắn đã sử dụng ngay đêm đầu tiên tôi ở đây.
Tuần lễ đầu chúng tôi có vài người khách ở qua đêm, đến ngày mười tháng Mười thì không còn ai hết.
Có lẽ ngày mười lăm tháng Mười có một giá trị thần diệu trong giới đi nghỉ mát. Ngày đó các lữ quán đều đóng cửa ngoại trừ các lữ quán dọc theo quốc lộ chính. Người ta coi như bắt đầu mùa đông và mùa săn thú.
Càng gần tới ngày đóng cửa thì càng có nhiều cú điện thoại giữa bọn Phancey và ông Sanguinetti ở Troy. Ngày mười một mụ Phancey cho tôi biết là ngày mười ba chúng đi và hỏi tôi có e ngại ở lại đêm hôm đó một mình để trưa ngày mười bốn giao chìa khóa cho ông Sanguinetti khi ông ta đến đóng cửa lữ quán không. Điều này tôi thấy hơi lạ: giao trách nhiệm cả một cơ ngơi cho một cô gái xa lạ. Chúng giải thích chúng sẽ mang theo tất cả tiền mặt trong két, sổ đăng ký cùng với thực phẩm và thức uống còn lại trong kho. Tôi chỉ có việc tắt đèn và khóa cửa trước khi đi ngủ. Ông Sanguinetti sẽ đem xe hàng tới chờ các đồ đạc còn lại. Xong rồi tôi có thể lên đường. Tôi bằng lòng. Mụ Phancey có vẻ phấn khởi và khen tôi là một cô gái dũng cảm. Khi tôi hỏi xin giấy chứng chỉ làm việc thì mụ tỏ ra bối rối. Mụ nói đó là việc của ông Sanguinetti, mụ sẽ nói lại với ông ta.
Ngày cuối cùng tất cả đồ ăn thức uống đều được chất lên xe chỉ chừa lại một ít thịt muối, trứng, cà phê và bánh mì cho tôi và mấy người lái xe chở hàng dùng trước khi họ chở đồ đạc đi.
Đêm cuối cùng của tôi trong lữ quán “Những cây thông mơ mộng” bắt đầu. Ngày mai tôi sẽ lên đường. Tôi đã ở đây một thời gian ngắn không đến nỗi khó chịu lắm dù cho có mặt bọn Phancey. Tôi đã học được những bước đầu của một nghề có thể có ích cho tôi sau này. Tôi liếc nhìn đồng hồ đeo tay, chín giờ, một lần nữa đài WOKO thông tin về trận bão. Vùng Adirondacks sẽ được khai thông vào nửa đêm Như vậy là ngày mai các con đường sẽ khô ráo. Tôi bước lại quầy ăn uống, cắm điện ấm nước, chiên ba quả trứng với sáu lát thịt muối. Tôi cảm thấy đói.
Thế rồi có tiếng gõ cửa.

Chương trước Chương sau