Người không mang họ - Chương 07

Người không mang họ - Chương 07

Người không mang họ
Chương 07

Ngày đăng
Tổng cộng 8 hồi
Đánh giá 8.3/10 với 8852 lượt xem

Hai thằng cùng sau nằm vắt vẻo lên nhau. Một thằng khóc hu hu, một thằng cười sằng sặc. Thà một cô gái hoặc một kẻ gầy guộc, ốm yếu mà khóc thì còn có thể chịu được, đằng này Tấn xồm là một kẻ lực lưỡng, hai vai bành ra như chiếc bừa hai răng, cặp mắt màu đồng thau lồi như hai con ốc dính vào mặt, bộ râu quai nón luộm thuộm bò khắp cổ, cằm và má. Mặt nó gợi cho người ta nghĩ đến một tấm ruộng bỏ hoang lâu ngày đầy cỏ rác và chua mặn. Thế mà nó lại còn khóc, khóc thảm thiết như vừa chết vợ, thử hỏi có ai chịu được. Còn thằng Vu mèo trắng thì cười, cười nhạt nhẽo như miếng bánh đúc rệu ra giữa trời mưa. Cái mặt bủng của nó cứ bợt ra, xanh xám, tóc cong queo như ổ quạ, răng đỏ quạch như màu nước dưa ủng. Nó cười chán rồi lại hát. Giọng khản và run rẩy. Mắt cứ khép lim dim. Thỉnh thoảng câu hát lại nấc lên như bị mắc nghẹn. “Mưa ơi... mưa triền miên trên đồi, hức... cho lòng ta thương nhớ khôn nguôi...”.
Thái Lưỡng – từ nay lại xin cảm phiền mọi người làm quen với cái tên mới này của hắn – ngồi gục đầu vào mép bàn, hai tay run rẩy, quờ quạng như kẻ mù lòa tìm chiếc kim khâu trên đống rác. Khói thuốc phiện chưa tan hết trong đầu hắn. Cái mùi khăm khắm từ bàn đèn và cần hút xông lên khiến hắn muốn lộn mửa. Nhưng không mửa được. Chẳng có cái gì để mửa, kể cả nỗi buồn. Đầu hắn trống rỗng một cách kỳ lạ. Hắn như bay, như chim, lại như trôi...
Từ ngày ra nhập hội với bọn Ngũ hổ, Thái Lưỡng đã sống trong những cơn điên dại nhưng trống rỗng của khói thuốc phiện. Không còn những phút hằn học, những cơn căm giận, những lúc đắc chí, giờ đây hắn hành động như một kẻ mất trí, một con thú vật. Cuộc sống của hắn mang dấu hiệu của sự tàn tạ đi đến tắt thở. Hắn không bận tâm đến ngày giờ, không dằn vặt chút nào trước tội lỗi. Hắn chỉ còn sự tỉnh táo duy nhất là giấu bặt lai lịch và tránh khỏi ánh sáng ban ngày. Hắn thật sự trở thành con quỷ đêm ở Thành Vinh.
Nhóm Ngũ hổ từ ngày có thêm Thái Lưỡng đã thành “Lục hổ”. Mộc sún, Vượng răng vàng và Lãi xoắn cai trị một nhóm, chiếm lĩnh địa bàn từ rạp chiếu bóng 12 – 9 ra bến xe, bến tàu hỏa. Thái Lưỡng, Vu mèo trắng và Tấn xồm hoành hành vùng Bến Thủy, chợ vinh lên cầu Đước, cầu Miếu.
Vu mèo trắng không có tài cán về mặt võ nghệ nhưng lại rất lanh lợi xảo quyệt trong các động tác móc túi! Tấn xồm thì ngược lại, là thứ “hữu dũng vô mưu”, chỉ biết đào ngạch đục tường và nếu bí đường thì đâm bừa những nhát dao rồi bỏ chạy.
Thái Lưỡng mặc dầu được cả bọn tôn thờ làm đại ca nhưng khác với trước đây, hắn không thiết chỉ huy ai, không cần ai cung phụng. Suốt ngày ngập mình trên bàn đèn thuốc phiện, tối đến hắn cứ một mình lùi lũi ra đường. Tự làm ăn. Khi nào gặp được món to, hắn quẳng cho lũ đàn em một ít. Không một đứa nào trong đám tay chân được biết mặt hắn, trừ Ngũ hổ. Căn nhà chứa chấp bọn đầu đảng này là một sào huyệt bị mật cả đối với bọn đàn em. Chủ nhà tên là Cật, có tật nói ngọng nên gọi là Cật ngọng. Trước đây Cật ngọng cũng là công nhân nhà nước. Hắn nghỉ mất sức đã ba năm nay và trở thành ổ chứa hàng bất hợp pháp. Cũng có đôi lần, thấy bọn đàn em làm ăn quá lộ liễu và ngờ nghệch, Thái Lưỡng buộc phải viết một “sắc lệnh” bắt Vu mèo trắng đưa cho một nhóm nào đó. Ví dụ: “Tao cấm chúng mày lởn vởn đến chỗ cửa hàng bách hóa trong ba ngày...” hoặc “Thằng Thọ rỗ đã bị bắt, đứa nào quen mặt hắn thì nhanh chóng tản đi”. Dưới các mệnh lệnh ấy hắn ký lung tung. Có khi là “Thái đại ca Hổ xám”, có lúc lại là “Trưởng đảng Lục hổ Beo vằn”. Vân vân... Thế nên trong đám bụi đời ở Vinh xuất hiện một loạt các tên dữ tợn àm thực chất chỉ có một người. Con người ấy không những làm cho dân lành nơm nớp lo âu mà đến bọn lâu la một hội một phường cũng chập chờn sợ hãi.
Đêm nay, không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà Thái Lưỡng lại không lần ra hướng cầu Đước như mọi bận. Hắn đút tay vào túi quần, đầu cúi thấp, lùi lũi đi dọc theo đường Quang Trung ra bến ô tô. Trong đầu hắn chợt nảy ra một ý muốn thử xem chúng nó có tôn thờ mình thật không? Hắn viết sẵn một mệnh lệnh bỏ trong túi áo. Hắn tự nghĩ ra trong đầu một kiểu trừng trị nếu phát hiện được thằng nào dám coi thường lệnh hắn.
Thái Lưỡng nhảy lên xe ngựa, chờ cho xe ra quá bến ô tô một đoạn hắn nhảy xuống. Hắn đi thẳng vào lum tre bên kia đường giả vờ tiểu tiện để xem xem có ai theo dõi hắn không. Rồi quay ngoắt trở lại, hắn biến nhanh vào trong bến xe.
Chỉ cần chen chân một lúc vào giữa đám hành khách nằm ngổn ngang trong nhà đợi, Thái Lưỡng đã phát hiện ra hai tên móc túi lởn vởn trước mặt. Thái Lưỡng cau mày lại. Nguyên việc dễ dàng nhận ra chúng nó đã làm cho vị đại ca khó chịu. Bọn này làm ăn ngu ngơ hết chỗ nói. Thái Lưỡng bước lại gần, rút ra một điếu thuốc, giả giọng miền Bắc:
Ông anh có lửa không cho châm nhờ tí?
Hai tên lưu manh giật mình đứng sững ra một lúc. Một tên nghiêng người qua thì thầm:
May quá, còn đúng một que diêm.
Cám ơn. Tôi cũng chỉ còn đúng một điếu thuốc nên không mời hai anh...
Đó là những lời nói lóng được quy định trước. Thái Lưỡng châm lửa xong đi thẳng ra sân. Hai tên kia bám theo. Đến một chỗ vắng phái ngoài cổng, cả ba dừng lại.
Thái đại ca có lệnh...
Nói rồi hắn đưa mảnh giấy cho một tên. Que diêm được quệt lên, hai tên chụm đầu như thắp thuốc. Trong giấy ghi: “Hãy rời khỏi bến xe ngay đêm nay”.
Có chuyện chi hè?
Không biết. Chắc là bọn “mo” đang săn...
Thằng cầm giấy bỗng xoay hẳn người lại:
Mày trông thấy Thái đại ca rồi à?
Thái Lưỡng gật đầu.
Người thế nào?
To con, tóc xoăn, lưng hơi gù.
Chắc mặt đen lắm phải không?
Ừ.
Nghe nói đại có có thuật tàng hình đúng không?
Tao cũng chỉ nghe nói thế thôi...
Hai tên lưu manh chép miệng như nuối tiếc một điều gì đó. Rồi cũng chẳng nói chẳng rằng, cả hai cúi đầu đi nhanh về phía nàh ga.
Thái Lưỡng cảm thấy vui thích. Hắn nhìn theo hai tên đàn em cho tới khi bóng chúng chìm hẳn vào màn đêm mới quay trở vào bến xe. Hắn đi một vòng cố để mắt xem có ai theo bóng hắn không, rồi chui tọt vào một quán trà. Hắn gọi một ấm trà đặc, một điếu thuốc và uống nước một mình.
Mặc dầu cáo già như vậy, ahứn vẫn không lọt qua được hai cặp mắt đã phát hiện ra hắn từ lúc xin diêm ở nàh đợi rồi sau đó cùng hai tên lưu manh chụm đầu ở ngoài cổng. Hai cặp mắt bám riết theo hắn. Bây giờ, một trong hai người bí mật ấy ngồi lại, thu mình trong bóng tối của thềm nhà đợi để quan sát, còn người đàn bà thì lễ mễ xách chiếc túi như một hành khách đi nghỉ phép, lẹ làng vòng qua quán nước lách người vào đằng sau Thái Lưỡng rồi bất ngờ ngồi sát xuống bên hắn.
Chị cho em xin cốc nước chanh!
Thái Lưỡng giật bắn mình nhưng hắn không vội vã quay lại. Hắn vờ áp chén nước nóng lên trán, đẩy mắt nhìn lén qua người đàn bà vừa nói. Suýt nữa Thái Lưỡng kêu lên. Mọt nỗi hoảng hốt cuộn dậy bồn chồn trong ngực hắn. Thái Lưỡng cắn cắn vành môi, cố bình tĩnh để xét đoán tình hình. Rồi lặng lẽ móc túi lấy tiền trả cho nhà hàng, Thái Lưỡng định tìm cách chuồn.
Một giọng nói phả sát vào tai hắn:
Trương đại ca không nhận ra em sao?
Bắt buộc Thái Lưỡng phải đưa chén nước lên che miệng, nói lúng búng:
Tôi biết rồi... Đi theo tôi...
Thái Lưỡng trả tiền xong đứng dậy đi ra. Nửa phút sau, người đàn bà uống nước chanh kia cũng trả tiền rời quán. Trong bóng tối của thềm nhà đợi, gã đàn ông cũng đứng lên. Mỗi đứa đi cách nhau khoảng chục bước chân. Ra đến đường Một, Thái Lưỡng dừng lại có vẻ đắn đo một chút rồi rẽ về đường Quang Trung. Kinh nghiệm cho thấy không nên lởn vởn trong bóng tối trừ những lúc cần hành động. Cứ đi ra chỗ sáng sủa lại ít bị theo dõi hơn.
Thái Lưỡng dừng lại chờ, người đàn bà đã tiến kịp. Lưỡng khẽ nheo mắt về phía sau hỏi:
Thằng nào đang theo rứa?
Quản nhọn đó.
Gò má Thái Lưỡng giật giật. Có thể hắn cảm động, mà cũng có thể là bực bội, Quản nhọn tiến nhanh đến, giọng lắp bắp:
Đại... đại ca... bình bình yên... chớ?
Suỵt, khẽ thôi. Chú mày sống ra sao?
Dạ gần... ch...ết!
Cho điếu thuốc đây. Sẽ tâm sự sau. Chừ chú phải đi cách ta hai chục bước nghe!
Dạ...
Thái Lưỡng quay người lại khoác tay Kim Chi, hai đứa bước thẳng về phía đường Quang Trung. Trông họ như một cặp tình nhân nhà rỗi.
Ở đâu tới đây?
Tụi em ở Đông Hà ra.
Bấy lâu vẫn ở đó à?
Hừ, ông anh có biết gì đâu. Bọn này bị bắt đi cải tạo... cực vô cùng.
Những ai bị bắt?
Tất cả, trừ anh – Kim Chi bỗng sụt sùi – Cực lắm anh nờ. Suốt ngày phải cuốc đất trồng sắn, vãi lúa... Rồi còn đọc báo, tự kiểm điểm...
Thế làm sao lại ra được?
Em và Quản nhọn trốn. Bọn kia mắc kẹt hết.
Người ta có dò hỏi về tôi không?
Có. Nhưng không một đứa nào khai. Tất nhiên... là có khai trước đây cùng ở với nhau, rồi sau biến “bảy hai” thì không còn gặp nhau nữa...
Thái Lưỡng chợt dừng lại.
Nhưng tại sao Kim chi lại ra đây?
Tụi em nghe đồn đại ca ở đây, cho nên...
Ai đồn?
Xì, mồm thiên hạ chứ còn ai.
Nhưng bữa ni tôi là...
Biết rồi, là Thái đại ca Beo vằn, Hổ xám gì đó... Nhưng tụi này biết thừa.
Thái Lưỡng khẽ cau mày:
Thế định ra đây có việc gì?
Kim Chi nín lặng. Một sự căm giận ói lên. À ra thế! Hắn chẳng tỏ ra một chút mừng rỡ nào, hắn cố tình dứt bỏ hết quá khứ, định phủi sạch tay với nhau chăng?
Con rắn độc bất ngờ cười khẩy:
Định không ra. Nhưng biết ông anh đang bị đe dọa nên cũng lo lắng...
Tôi bị đe dọa?
Hừ, chắc ông anh yên trí với cái vỏ bọc Thái cứt ỉa gì đó lắm hí? Ngây thơ lắm... Bọn Mo đã lập xong hồ sơ rồi đó.
Thái Lưỡng trìa môi ra tỏ vẻ coi thường.
Lập thì lập, sợ đếch gì.
Đừng nói dóc, cha nội. Thử hỏi đêm nay nếu con này mà là mo thì có phải ông anh đã bị gô rồi không?
Không thể thế được.Tại vì cô biết mặt tôi còn bọn mo...
Bọn mo cũng biết.
Dóc.
Có một người đang săn ông anh để nhận mặt đấy.
Ai?
Người tình cũ của anh, nàng K.H.
Thái Lưỡng xoay hẳn người lại nhưng Kim chi đã ghì mạnh cánh tay hắn vào ngực rồi rảo bước nhanh hơn.
Chính vì việc ấy mà bọn này phải tất bật ra đây. Tôi và Quản nhọn cùng đi một tàu, ngồi một toa với K.H. Cùng đi trên tàu với con bé ấy có một thằng rất đẹp trai, dĩ nhiên là hấp dẫn ăn đứt ông anh của tôi rồi. Hai đứa ôm nhau ngồi ở một góc toa. Tất nhiên việc đó ông anh có tức tối đến nổ ruột cũng chẳng làm gì. Điều quan trọng là thằng ấy cũng là mo. Tôi vừa gặp hắn với K.H, sáng nay dưới chợ.
Có một trạng thái rất khó gọi tên và cũng cực kỳ rối rắm đang sùng sục chuyển động trong tâm khảm Thái Lưỡng. Nỗi sợ hãi, lòng căm uất, lại có cả chút xao xuyến nữa. A, Khánh Hòa, em săn ta ư? Em giết ta ư? Thái Lưỡng bỗng bật cười. Rồi đột ngột câm bặt. Hắn nghiến chặt răng lại, giật tay khỏi vòng tay Kim Chi. Hắn nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đường, rồi bất giác chửi đổng:
Đ.mạ đời!
°
°°
Một cuộc “đại hội” bất thường của bọ đầu đảng được triệu tập. Cật ngọng được giao nhiệm vụ ngồi ở cửa nhà trước cảnh giới. Dưới ngọn đèn dầu lờ mờ của sân nhà bếp phía sau, tám khuôn mặt hốc hác, xương xẩu và dữ tợn quây thành một vòng tròn. Một chai rượu trắng, một đống lạc rang, tám chiếc chén. Thái Lưỡng cầm chén lên trước, vừa nói hắn vừa đưa mắt thăm dò thái độ từng đứa:
Thưa tất cả anh em!... Hôm nay tôi mời các anh hùng của Lục hổ lại để xin được giới thiệu với anh em hai vị hảo hán mới. Đây là những chiến hữu tin cậy đã từng sống chết với tôi trước đây. Cô này là Tuyết Nhung, từng đứng đầu một đảng, anh này là Phượng Hòa, cũng là một thủ lĩnh nổi tiếng. Giờ đây nghe danh anh em mình lừng lẫy ở đây, nhị vị hảo hán này đã băng đàng chỉ sá lặn lội ra xin tụ nghĩa. Thực là bốn cõi một nhà. Chúng ta chẳng khác chi các anh hùng Lương Sơn Bạc...
Trên các khuôn mặt của Ngũ hổ không hề lộ chút vui sướng nào. Trong thâm tâm đứa nào cũng cảm thấy miếng ăn của chúng đang bị chặn bớt. Cái thằng Thái đen này đang âm mưu kéo bè kéo cánh. Rồi tí lâu nữa, hắn lại kéo thêm vài đứa nữa, “Lục hổ” thành “Bát hổ” rồi “Thập hổ”... Đến lúc đó chắc chắn bọn đó sẽ trở mặt.
Vu mèo trắng nhấp một tí rượu, giọng lè nhè:
Nhớ ngày Thái đại ca mới về đây, bơ vơ không nơi nương tựa. Anh em Ngũ hổ chúng tôi cảm nghĩa, phục tài mà nhường chỗ cho đại ca. Cũng vì muốn đại ca có đất vẫy vùng mà một nửa trong chúng tôi phải chia tay nhau, nhóm ra ngoài ga, nhóm về Bến Thủy. Vẫn biết đất lành thì chim đâu, nhưng luật giang hồ xưa nay ở đâu có chủ đó, người này sống thì kẻ khác chết. Nay nhị vị hảo hán đã có cả vùng đất Đông Hà rộng lớn rồi, sao không ngồi trong đó làm chủ soái cho sướng đời lại còn chen chân ra chỗ chật chội này làm chi cho khổ cả hai bên.
Cả bọn Ngũ hổ gật gật đầu tỏ vẻ đồng tình. Thái Lưỡng bắt đầu thấy ngứa ngáy:
Tôi nghĩ cái phận bụi đời như bọn ta, lấy nghĩa giang hồ làm trọng. Càng những lúc hiểm nghèo nhất càng phải biết tựa vào nhau. Nay ta đang bị bọn mo bủa lưới, chăng bẫy, mạng sống thoi thóp từng ngày. Nhị vị đây là kẻ sa cơ mới cầu ta giúp đỡ. Chứ như trước đây, cái thời còn cảnh sát ngụy, anh em chúng tôi như cá giữa biển, như chim trên rừng, cần chi phải chen chúc.
Tấn xồm bỗng đặt mạnh chén rượu xuống, giọng hắn khê đặc như kẻ ngái ngủ:
Dóc tổ quá trời. Tôi đây từ khi dấn thân vào nghề này cũng đã từng gặp dăm bảy anh em bụi đời của Đông Hà ra, chuyện trò với nhau cũng nhiều mà chẳng nghe ai nhắc đến tên các vị cả. Phượng Hòa ư? Ô hô.. nghe như truyện cổ tích ấy. Lại còn Tuyết Nhung nữa, hình như ở một đoàn văn công nào đó thì phải – Tấn xồm cười nhăn nhó – Nói xin lỗi các vị, thời buổi này chó con cũng có thể tự xưng hổ báo. Rác tai lắm rồi. Ở Đông Hà trước đây, chỉ có đàng Mãng xà, đảng Đào lưu, đảng Hận đời. Rồi sau đó tất cả hợp chung lại trong một trại Mũ đen, dưới quyền một đại ca kêu bằng Đệ nhị mải võ. Chính bản thân tôi, trước ngày giải phóng Đông hà, tôi không hề có ham muốn làm cái việc nguy hiểm này. Tôi bắt đầu vào nghề như thế nào các vị có hiểu không? Đầu tiên là tôi ham mê mấy chiếc quần vải “tẹc” và áo mút từ Đông hà ra bán ở Vinh. Tôi mua được một quần đem về mặc. Nhưng có một thằng mua lại tôi với một giá rất cao. Tôi bán và được một món tiền gần gấp đôi. Sau đó tôi lại hộc tốc lao ra vinh, giành nhau với đmá con buôn mua được một bộ áo mút. Lại mang về quê bán. Thế rồi, đồng tiền lãi đã giục giã tôi bỏ nhà mò vào tận Đông hà để mua cho được hàng rẻ. Tôi làm được hai chuyến tương đối khá, đến cú thư ba thì bị bọn bụi đời rạch túi lấy mất tiền. Tôi thù hằn Đông hà từ đó. Tôi bơ vơ, không có tiền ăn, tiền trở ra nữa. Căm quá mà cũng bí quá, tôi liều mạng xách một chiếc ba lô của một chú bộ đội... Hà, con đường giang hồ của thằng Tấn này bắt đầu từ đó. Và cũng từ đó, tôi có dịp làm quen với các “anh chị” trong ấy. Những cái tên Đệ nhị mải võ, Kim nương Mãng xà, Quản nhọn, Hậu lác đã kích thích tôi. Chẳng hiểu các vị đây đã có lần nào nghe tên những hảo hán ấy không? Đương nhiên chừ thì họ tan tác cả rồi. Còn các vị đây, Phượng Hoàng ư, Tuyết Nhung ư, chẳng hay các vị là hảo hán thời nào, bọn nhãi nhép chúng tôi không được rõ?
Thái Lưỡng bật cười khanh khách:
Chà chú Tấn cũng thông hiểu Đông Hà ghê gớm hè. Trách chi dạo nọ dám cùng Mèo trắng xông pha vào đó, định sát phạt đảng Mũ đen chăng? Nhưng thôi, trăm nghe không bằng một thấy, luật giang hồ ở đâu cũng vậy, tôi đề nghị anh em Ngũ hổ bàn lại lần nữa xem có thể kết nạp nhị vị hảo hán này không?
Mèo trắng hiu hiu mắt:
Giả sử tụi tôi thấy sức mình không kham nổi, phận hèn không dám kết thân với nhị vị hảo hán lừng danh này, thì đại ca tính sao?
Thái Lưỡng cười nửa mép:
Nếu vậy thì Lưỡng tôi buộc phải xin chia tay anh em để được cùng hai chiến hữu của mình chia bùi sẻ ngọt...
Đám Ngũ hổ bỗng ồn lên:
Ồ, nghĩa là các người định lập hội riêng?
Chúng mày định chiếm đất này hứ?
Thực là nuôi ong tay áo...
Tấn xồm đứng phắt dậy, khạc khạc mấy tiếng rồi vung tay ra:
Đã nói đến luạt thì cứ xin phải xử theo luật. Nhị vị hảo hán đã xuất hiện ở đây thì chỉ có thể chọn một trong hai con đường. Hoặc trở thành anh hùng Bát hổ, hoặc bỏ xác luôn đây. Tôi là kẻ kém tài nhất trong Lục hổ cũng xin được tiếp kiến nhị vị.
Đã đến nước này thì không thể nhũn nhặn được nữa, Thái Lưỡng đưa mắt cho Kim Chi. Người đàn bà có nước da xám ngắt áy bỗng xì ra một tiếng cười rất hiểm độc. Ả uể oải đứng dậy. Cả bọn Ngũ hổ dán mắt nhìn theo. Tấn xồm có vẻ như không muốn tỉ võ với con gái, hắn hất đầu cho Quản nhọn:
Ông anh là Phượng Hoàng mà không tiếp kiến thay cho bà chị được à?
Quản nhọn đứng bật dậy:
Sẵn sàng!
Nói xong Quản xông vào ngay. Tấn xồm cúi thấp xuống húc thẳng đầu vào, Quản nhọn nhảy sang một bên để tránh. Tấn lại húc, Quản lại tránh. Nhìn cặp này đấu võ, người ta nghĩ ngay đến cặp gà chọi đã xác xơ trong hiệp cuối, con nọ cứ rúc đầu vào cánh con kia. Thái Lưỡng bật cười khùng khục.
Nhưng chỉ sau vài cú đấm, hắn biết ngay sự vụng dại của một kẻ to xác nhưng bé đầu. Quản tránh liền mấy cứ làm cho cả con người to lớn của Tấn gần như chảy mỡ trong mệt mỏi và tức giận. Lừa cho Tấn vào đúng tầm tay, Quản bất ngờ phóng ra một cú móc. Đó là thế võ hắn học được của Đệ nhị. Cả khuôn mặt rậm rịt râu của Tấn xồm như lệch hẳn qua một bên. Hắn loạng choạng chực ngã. Lập tức có tiếng hét:
Không được sát hại!
Vượng răng vàng vừa hét vừa nhảy phắt dậy. Vượng có dáng người cao, hai tay dài như tay vượn. Hắn nhào thẳng vào Quản nhọn. Quản xoay người lại định dùng tay trái đánh chéo một quả nhưng Vượng răng vàng đã tránh được. Lối đánh của Vượng trông rất thong thả nhưng lợi hại vô cùng. Bàn tay Vượng duỗi ra gạt chéo một phát trúng ngay vào thái dương Quản. Quản lùi vội lại. Lập tức một cú đá thẳng băng lên bộ hạ. Quản kịp né người nhưng vì chân Vượng quá dài nên Quản không sao tránh kịp. Hắn đau xỉu người ngồi bệt xuống. Vượng nhảy bổ tới đá bồi thêm một phát không thương tiếc vào mặt Quản nhọn. Nhưng ngay lập tức, một cú đá khác phạt ngang vào giữa đường đá của Vượng khiến chân hắn văng ra, cả người Vượng lảo đảo suýt ngã. Cú cản phá nhanh đến mức cả bọn ngồi ngoài trừ Thái Lưỡng ra, không đứa nào kịp phát hiện. Vượng xoay người lại, trố hai mắt nhìn kẻ vừa đá mình. Hóa ra đó là con đàn bà có cái tên như ca sĩ: Tuyết Nhung. Vượng đỏ bừng cả mặt. Sự sĩ diện khiến hắn không kịp đắn đo gì nữa, lao bừa đến. Hai cánh tay dài như tay vượn phóng vun vút những quả đấm vào mặt Tuyết Nhung. Nhưng ả đã khép hai tay lên, nghiêng đầu như làm duyên để tránh. Cả bọn Ngũ hổ trợn tròn mắt lên vì kinh ngạc. Đột ngột Tuyết Nhung co dúm người lại như một con mèo rồi “hực” một cái, cả tấm thân đồ sộ cả ả tung lên, cả hai chân cùgn đá đánh “tách” một cái sắc gọn như nhát kéo. Vượng răng vàng đổ xỉa xuống, quằn quại như con bệnh sắp vỡ ruột thừa. Cả bọn Ngũ hổ cùng đứng dậy một lúc. Sự nhục nhã làm cho chúng quên mất luật thi đấu. Cả Lãi xoăn, Vu mèo trắng và Mộc sún đều xông vào. Chúng muốn ngay lập tức xé xác con đàn bà kia ra để rửa mối nhục cho cả hội. Nhưng Tuyết Nhung vẫn trụ vững hai chân, tay ả cứ gạt trái, gạt phải nhanh như diễn viên xiếc làm trò tung hứng. Ba thằng đàn ông cáu tiết lăn xả vào. Tuyết Nhung lùi dần lùi dần vào bậc cửa nhà bếp. Đột ngột ả chồm người ra, nhoáng cái đã túm được tóc tên Lãi xoăn. Bằng một động tác ngoáy tay như vặn nút chai, ả lẳng tên tóc quăn này văng chéo ra một góc. Vu mèo trắng và Mộc sún hết hồn đứng trơ ra. Tuyết Nhung đưa tay lên vén lại mớ tóc. Trong màu sáng vàng đục của ngọn đèn dầu, cặp amứt ả vằn lên dữ tợn và bộ ngực dập dồn cuộn lên những hơi thở như sóng xô. Biết chắc là địch thủ đã mệt, hai thằng đàn ông liều mạng xông vào hòng gỡ lại sự nhục nhã. Mộc sún thấp người và ngắn tay. Trước đây hắn đã từng đập vợ đến trụy thai rồi bỏ luôn nhà cửa mà đi. Hắn không có chút thương tiếc, nương tay trước phụ nữ. Mộc chùng hẳn người xuống, đầu chỉ ngang bụng Tuyết Nhung. Ở thế thấp này hắn vừa tránh được những cú công của đối phương vừa có thể lựa thế đánh được vào chỗ hiểm. Còn Vu mèo trắng, vốn không giỏi võ nghệ nhưng là một tên lưu manh nổi tiếng về mưu mẹo đê tiện và bẩn thỉu. Hắn nhìn chòng chọc vào tấm thân Tuyết Nhung và đầu hắn chợt lóe lên một mẹo đánh. Mèo trắng đột ngột bổ sập người xuống đất, lăn ào đến sát chân Tuyết Nhung. Trong lúc ả lo đối phó với Mộc sún và chưa co chân để đá hất Vu ra thì hai tay thằng đàn ông dưới đất đã quờ lên kéo tụt chiếc quần Tuyết Nhung xuống. Mèo trắng tính thầm rằng nhất định con đàn bà này vì xấu hổ sẽ luống cuống chụp chiếc quần kéo lên. Đó là thời cơ duy nhất để Mộc sún công thẳng vào chỗ hiểm yếu. Nhưng kẻ đốn mạt và trơ trẽn ấy đã lầm to. Hắn không biết rằng, ả giang hồ này lại là bậc thầy của hắn về bộ môn trơ trẽn. Tuyết Nhung giật chân ra khỏi ống quần và đạp bừa lên mặt Vu mèo trắng. Rồi như để hả cơn cuồng loạn trong người, ả giật bung cả hai vạt áo để lộ cả một tấm thân vặn vẹo gồ ghề. Mộc sún ngẩn mặt ra nhìn. Đó chính là thời điểm tự sát của thằng cướp hám gái. “Vút”. Một cú đánh như đá xán đập thẳng vào con mắt đang trố ra của Mộc sún. Hắn ôm mặt lảo đảo ngã ra. “Vèo”, một cú đá thẳng vào mạng bụng hắn. Mộc sún đổ sụp như cây chuối bị phạt gốc.
Thôi, được rồi đó... Tuyết Nhung ngừng tay!
Thái Lưỡng đã đứng lên. Ả đàn bà quay lại và làm bộ ngượng ngập trước Lưỡng. Ả quờ tay tìm chiếc quần, vội vã mặc vào và lặng lẽ ngồi xuống chiếu một cách ngoan ngoãn. Đám Ngũ hổ vẫn quằn quại rên rỉ trong những cơn đau thể xác và sự khiếp đảm về tinh thần. Chúng nó không thể tưởng tượng nổi võ nghệ của con đàn bà kia lại cao cường đến thế. Mà cũng lạ, không hiểu sao những kẻ cao thủ như vậy đứng trước Lưỡng lại ngoan ngoãn và lễ độ quá mức?
Hình như Thái Lưỡng đọc được ý nghĩ của bọn này, hắn lặng lẽ rót rượu ra chén tự tay đưa đến cho từng đứa. Cả bọn đã ngồi dậy hết lượt. Bây giờ Lưỡng mới nói chậm rãi:
Cuộc thi tài này chẳng hay ho chút nào. Nhưng thôi, thế cũng tốt. Đáng ra tôi không nên nói điều này, những trước chuyện đã lỡ đành phải nói. Tất cả chúng ta hiện đang nằm trong thòng lọng bọn mo. Tôi đã có nguy cơ bị lộ. Chính hai người này cất công từ Đông Hà ra đây cốt để báo cho tôi điều đó. Đã đến nước này thiết tưởng không nên giấu nhau điều gì, nói toạc ra để hiểu nhau, hiểu nhau rồi để vì nhau mà sống chết...
Hắn ngừng lại một tí, cầm chén rượu đưa lênc ao, đỏa mắt một lượt qua đám Ngũ hổ, đoạn ánh mắt hắn dừng lại chỗ Quản nhọn:
Xin trân trọng giới thiệu với các anh hùng Ngũ hổ, người này thực ra không phải là Phượng Hoàng mà tên là Phùng Thế Quản. Trời cho anh ta cái cằm nhọn kia nên gọi là Quản nhọn, nguyên là đảng trưởng đảng Đào lưu.
Cả mấy cặp mắt cùng một lúc đổ dồn về phía Quản. Lập tức Quản hếch mũi lên khịt khịt liền mấy cái.
Còn đây, một trang nữ kiệt lừng danh đất Đông hà, tên nàng là Kim Chi, đảng trưởng đảng Mãng xà, về sau này lại trại phó trại Mũ đen.
Đám đàn ông ồ lên kinh ngạc, Vu mèo trắng há hốc miệng ra nửa như cười, nửa như mếu. Kim Chi trìa chiếc môi dài và đáp lại, rồi ả quay mặt sang Thái Lưỡng vẻ nũng nịu:
Còn đại ca nữa, sao không tự giới thiệu luôn. Hay ho chi cái tên Thái đen ấy mà giữ mãi. Thưa các vị, các vị đang ngồi trước một đấng anh hùng đệ nhất vô song mà không hay biết. Đại ca tôi đây chính là Trương Sỏi, Đệ nhị mải võ, cánh tay đắc lực của Băng chủ Sơn Nam và là chủ soái của trại Mũ đen...
Một lô xích xông những danh hiệu được xướng lên nghe xủng xoảng như xích sắt. Cả năm thằng trong nhóm Ngũ hổ gần như cùng một lúc lồm cồm bò dậy, khom rạp mình xuống lạy như tế sao.
Trương Sỏi – bây giờ thì xin mọi người gọi trở lại tên cũ của hắn – đặt chén rượu xuống, nói dằn từng tiếng:
Chừ các người đã biết thật tên ta. Vậy có ai muốn cùng ta thi võ để xác minh thực hư không?
Những cái đầu dập rối rít xuống đất, những bàn tay chấp lại vái cuống quýt.
Nếu không thì tất cả hãy ngồi thẳng dậy nghe ta nói đây. Từ hôm nay ta tuyên bố khai trương trở lại đảng Mũ đen. Ta thâu nộp anh em Ngũ hổ và đảng này. Ta là đảng trưởng, Kim chi là đệ nhất phó đảng. Quản nhọn là đệ nhị phó đảng. Còn Ngũ hổ là năm tướng cận vệ. Đừng kèn cựa vô ích. Biết điều thì tuân theo lệnh ta. Ai mang lòng phản nghịch thì Sỏi này sẽ xuống chưởng nghiêm trị.
Cả bọn Ngũ hổ ngồi sững người. Cái điều chúng ngờ vực nay đã thành sự thật. Trương Sỏi cũng đoán được phản ứng này, mắt hắn vằn lên dữ tợn.
Sao các anh im như thóc thế? Không chịu hí? Vậy thì cả năm anh hãy cùng đấu với ta. Nào, ta chấp cả năm vị một lúc.
Nói rồi Trương Sỏi đứng bật dậy. Hắn quờ tay qua góc sân cầm lên một viên gạch. Trương Sỏi cầm gạch bằng tay trái giơ cao rồi đập đánh bốp vào cánh tay phải. Viên gạch gãy đôi. Hắn lại quờ tay phải cầm lên một viên gạch khác đập bốp vào tay trái. Viên gạch cũng gãy. Tên Vu mèo trắng mặt nhợt nhạt như kẻ chết đuối, mồm rít lại nói không thành câu:
Lạy... lạy Đệ nhị... Chúng em xin hầu... hầu hạ Đệ nhị cùng Kim công nương...
°
°°
Đêm đó cặp tình nhân đã quằn quại với nhau trong niềm say ngất ngưởng của địa vị chủ soái vừa giành được và cũng là sự bù lại sau bao năm xa cách thiếu thốn.
Nhưng sau giây phút hoan lạc đó, Trương Sỏi bỗng thấy rã rời sàn tay. Hắn nằm bất động như một khúc gỗ mục. Nỗi chán chường ngán ngẩm đã đục khoét, hủy hoại trí não hắn.
Sỏi không thể nào tự giải thích được vì sao hắn lại huênh hoang xưng danh xưng tước với bọn này? Đã mấy năm nay, hắn cố tình chôn vùi tiếng tăm cũ. Hắn đã sống như một kẻ mất hết ham muốn. Tại soa đêm nay hắn lại bùng cháy cái ý chí bá chủ, cai trị kẻ khác đến thế? Cái gì đã kích thích hắn, phải chăng là sự xuất hiện của Kim Chi?
Sỏi nằm rất lâu ở một tư thế rồi đột ngột ngồi vọt dậy. Kim Chi đã ngủ như chết. Bất giác Sỏi thấy buồn nôn. Hắn lồm cồm bò dậy. Đám Ngũ hổ cũng đã ngủ say. Chúng nó ngủ trong nhục nhã và tủi hổ. Chúng nằm giữa đất đủ các kiểu co quắp, lép kẹp trông thật thảm hại. Một mùi hôi đâu đó cứ bốc lên, lờm lợm và khăn khẳn. Cái mùi hôi có thể sánh được với những khoang tàu chợ ẩm ướt, chật người. Sỏi lấy tay chẹn lấy cuống họng. Hình như men rượu đang bò lên cổ. Cả sự hoan lạc quá đáng lúc nãy cũng bò lên cổ. Cả cái mùi tanh tưởi và khăm khắm xung quanh cũng chọc chọc vào cổ. Sỏi nhào vội người ra bậc thềm. Hợ... ọe... Hắn nôn thật lực. Tất cả những gì có trong bụng hắn đều cuồn cuộn trào ra. Sạch sành sanh. Chẳng còn gì để nôn nữa. Một mùi chua xông lên hừng hực. Sỏi lảo đảo bước ra đường. Giá như lúc này gặp một đứa trẻ con xông vào đánh chắc Sỏi cũng đổ nhào ngay. Bởi chẳng còn chút sinh lực nào nữa, kể cả võ nghệ cao cường của thầy Sơn Nam truyền dạy hắn cũng đã nôn mửa ra hết rồi.
2.
Gần một tuần sau cái đêm điên dại đó, Trương Sỏi vẫn như một người mới ốm dậy, bước đi chếnh choáng, đầu óc mụ lại, ánh mắt trở nên lờ đờ. Hắn chẳng buồn nghĩ đến cướp giật, móc túi. Hắn cũng chẳng bận tâm gì đến Kim Chi, Quản nhọn hoặc đám Ngũ hổ. Sỏi đi vật vờ dọc đường, có khi ngồi thừ suotó cả buổi ở một quán nước. Thế rồi đáng lẽ ra ban ngày hắn không nên xuất hiện ở chỗ đông người thì sáng nay tự dưng Sỏi lại lững thững đi ra chợ Vinh.
Phiên chợ chật ních người. Người đông đặc phía trong nhà lớn. Người bất ngát cả một vùng sân. Sỏi cứ thẫn thờ lượn ngang, lượn dọc, chỗ nào có thể chen chân được là hắn chen vào. hắn đi không mục đích không định hướng, trong lòng không vướng vất chút sợ hãi, lo âu.
Đột ngột hắn dừng vội lại. Dù sao cái bản lĩnh lưu manh tích lũy gần chục năm trời chưa mất hẳn trong con người hắn. Trương Sỏi linh tính thấy rằng hình như có người đang bám theo mình. Hắn lách nhanh qua trái. Đúng rồi, có những bóng người đang nhào đến chỗ hắn. Sỏi co chân nhảu qua đầu bà hàng gạo. Một tiếng hết ném sau lưng hắn:
Nguyễn Viết Lãm, đứng lại!
Sỏi không kịp quay lại. hắn nhào ra phía cổng. Nhưng bất ngờ có hai bóng công an xuất hiện ở cổng. Sỏi chỉ kịp thấy loáng thoáng như vậy đã vút quay trở lại. Hắn vọt qua phía trái. Cả sân chợ bỗng náo động ồn ào. Tiếng la hét ầm ĩ:
Bắt lấy nó!... Thằng ấy...
Hắn đó.. Tên đang chạy kia...
Gần chục người cầm đòn gánh chặn phía trước, có cả những bộ quân phục bộ đội. Trương Sỏi hốt hoảng nhào lui. Hắn vung tay đấm bốp vào một người phía trước, rồi đạp ào lên quang gánh chạy bừa vào phía trong nhà. Hàng trăm người đuổi theo. Nhưng chính sự đông đúc ấy đã cản trở người đuổi. Công an bị tắc đường. Còi thổi chát chúa. Sỏi lao vào tận trong cùng chợ. Bí quá, hắn chạy bừa lên cầu thang. Đến đó hắn mới chợt nhớ ra trong người còn có hai khẩu súng.
Những thanh niên cầm đòn gánh sầm sập chạy tới. Họ đã nhìn thấy tên cướp nổi tiếng người thâm thấp, mặt xanh đen đang đứng ở bậc thang trên cùng. Cả đám đông reo hò ủa lên. “Pằng... Pằng”. Đám đông sững lại. Tiếng nổ trong vòm nhà nghe càng dữ dội. Vài người hốt hoảng xô nhào trở lui. Phía sau công an cố chen lên. Trương Sỏi nép mình vào thành cầu thang, hai tay hai súng ngắn. Một chiến sĩ công an đã lao lên được phía trước, hét lớn:
Lãm! Hạ vũ khí xuống!
“Pằng... xíu”. Đường đạn của Trương Sỏi xoẹt qua đầu nhiều người. “Đoàng”. Công an nổ súng. Trương Sỏi bắn hai phát một lúc. Cả đám đông nằm dẹp xuống. Bất ngờ từ sau lưng Sỏi, một cán bộ quản lý chợ ở phòng làm việc trên gác hai lao ra ôm ghì lấy tên cướp. Sỏi co bụng lại và bằng một cái vặn lưng nhanh như xé vải, hắn đã quẳng người cán bộ quản lý chợ lăn xoài xuống cầu thang. Bốn chiến sĩ công an đồng loạt xông lên. Trương Sỏi lùi dần vào một căn phòng nhỏ. Công an lập tức vọt thẳng đến đạp tung cửa. “Xoảng”. Cả người Trương Sỏi bắn qua cửa kính như một phát đạn đại bác. Kính rơi loảng xoảng theo người hắn. Vừa rạp mình xuống đất, Sỏi đã lao vù đi. Công an quay trở ra không kịp. Những chiếc đòn gánh của dân chợ ném theo đều vô hiệu quả. Trương Sỏi chạy ra đường, lao về hướng Bến Thủy.
°
°°
Gần bốn giờ sáng, Sỏi mới lò dò về đến nhà Cật ngọng. Tất cả bọn tướng cướp bổ choàng dậy vây lấy hắn. Quản nhọn nói lập bập như bị động kinh.
Hãi hùng quá... đại ca ơi... Lúc đó em cũng ở giữa chợ... May quá, đúng là đại ca võ lực vô song...
Bọn Ngũ hổ cũng thì thào nịnh hót:
Thiệt như Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung...
Y như Triệu Tử Long ở cầu Tràng Bản....
Ghê gớm quá...
Tuyệt vời... Tuyệt đỉnh... Tuyệt tuyệt...
Nhưng Trương Sỏi không hề đáp lại những lời tâng bốc nhạt nhẽo ấy. Phải như ngày xưa, chắc chắn hắn đã cười ha hả, nằm xoài xuống cho bọn đàn em đấm bóp, mắt khép lim dim để tận hưởng phút vinh quang của một iêng hùng thoát nạn. Trương Sỏi ngồi bệt xuống thềm ủ rũ như con gà dịch. Đâu có phải đây là lần đầu hắn bị săn đuổi. Ngày trước cảnh sát ngụy đuổi hắn, hắn chỉ coi như một trò đùa. Cũng có lần ban đêm suýt nữa bị gông cổ, thì hắn đã lặn ngụp xuống ao, ngửa người chỉ để hai lỗ mũi thở. Sau lần đó hắn được lũ đàn em đồn đại là Đệ nhị mải võ có phép tàng hình... Những trò đuổi bắt, trước đây chỉ càng kích thích hắn. Hắn khoái lạc trong trạng thái ú tim như vậy.
Bao nhiêu năm nay, hắn sống vất vưởng và ngạo mạn với những cái tên quái dị: “Đệ nhị”, “Trương Sỏi”, “Thái Lưỡng”.... vân vân. Nhưng hôm nay, không hiểu sao khi cái tên “Nguyễn Viết Lãm” bị hét lên thì hắn cảm thấy bải hoải tinh thần. Một sự gục đổ về ý chí, rã rời về sức lực. Cái viễn ảnh của sự trừng phạt chập chờn trước mắt hắn...
“Có thể lắm!... Sự kết thúc sẽ tại đây...”. Trương Sỏi lầm rầm một mình như con chiên xưng tội. Sự phản bội đã đến ngày phán xử. Nhưng tại sao lại thế nhỉ? Ai xui ta từ bỏ đất này mà đi? Rồi ai xui ta mò mặt trở lại...
Kim chi đi lại sát sỏi, vẻ mặt ả không vui. Ả không nói những lời tâng bốc như bọn kia. Ả ngồi xuống, nhìn Trương sỏi một cách nghiêm nghị:
Tại sao anh lại mò ra chợ ban ngày?
Sỏi thở dài đầu vẫn cúi gục xuống.
Chẳng biết nữa. Có lẽ số kiếp nó xui vậy.
Hừ, số với kiếp. – Con rắn Mãng xà chìa chiếc môi dày ra – Anh coi chừng đấy, sự bạc nhược chỉ có thể nhanh chóng xiềng cổ anh vào nhà đá thôi... Ngày xưa anh ngang tàng là thế, sao chừ lại hèn mạt vậy?
Sỏi hất đầu lên nhìn Kim Chi gằm gằm:
Còn không à! Anh như một người mất hồn, như một kẻ đã chết rồi ấy... Anh định bỏ cuộc chăng? Nhưng người ta đâu có bỏ cuộc. Người ta vẫn chạy thi với anh đó...
Người ta nào?
Bọn mo. Chỉ có điều trong cuộc chạy đua này, kẻ thua cuộc không phải được nhận giải nhì đâu... mà là cái chết.
Bị chọc đúng tim đen, Sỏi khịt khịt mũi liền mấy cái:
Chết được thằng này còn khó.
Thôi đừng làm phách nữa cha. Hễ chạm lần nữa coi, đầu hàng liền.
Sỏi đứng bật dậy chống tay vào nách:
Này, nói nữa liệu hồn.
Kim Chi cười khanh khách:
Đại ca tưởng tôi sợ đó a! Không đâu. Con Khánh Hòa nó còn không sợ thì làm sao tôi sợ được...
Câm!
Trương Sỏi nhào đến chụp tay lên tóc Kim Chi. Hắn định lẳng một cái cho con rắn độc kia chết tươi tại chỗ, không hiểu sao tay hắn lại run lên như bị sốt cấp tính. Kim Chi vẫn chìa môi ra, giễu cợt:
Buông ra đại ca, không đánh được tôi đâu mà... Ngồi xuống, ngồi xuống nào. Để tôi nói cho mà nghe. Trước đây tôi sợ đại ca vì cái chất hằn học, cái chí đạp đầu thiên hạ của đại ca... Còn chừ đại ca tuy võ nghệ vẫn chưa phai lạt nhưng chí khí thì nguội lạnh hết rồi... Đại ca không dám đương đầu với ai nữa, đại ca chạy, con Khánh Hòa lại đuổi, đại ca lại chạy... May mà hôm qua còn có cửa kính cho đại ca phi thân qua, chứ lần khác húc phải tường thì đại ca trốn vào đâu.
Trương Sỏi buông thõng tất cả cơ bắp ngồi phịch xuống như một chiếc bao tải. Đúng là trong tất cả đám bụi đời ở đây, chỉ có con rắn độc Kim chi là rỉa rói được vào tận ruột gan hắn. Trương Sỏi bỗng nhiên ứa nước mắt, giọng hắn nghẹn lại, lí nhí:
Làm thế nào được, em?
Em chịu. Hay là ta trói nhau lại rồi ra đầu thú.
Trương Sỏi choàng dậy:
Cái chi? Đầu thú à? Rồi sẽ thế nào?
Nhận án tử hình.
Đ.mạ mi.
Tốt thôi. Như vậy đỡ vất vả...
Kim Chi?
Trương Sỏi kêu lên bằng một sự tuyệt vọng. Hắn biết con rắn độc vẫn đang xỉa xói hắn, nhưng rõ ràng hắn bất lực.
Đừng trêu chọc anh nữa... Em nói đi... Bằng cách nào?
Kim Chi ngồi thẳng dậy, gò má ả bỗng giật giật một cách dữ tợn.
Nếu không muốn chết thì đại ca phải ra tay. Phải bắt kẻ khác đền mạng thay cho mình...
Sỏi nhìn Kim Chi ngơ ngác:
Ai?
Con Khánh Hòa!
Bốn con mắt nhìn nhau trừng trừng. Răng Kim Chi nghiến lại ken két:
Chính mắt tôi sáng nay trông thấy con Khánh Hòa ở chợ. Hắn đã chỉ điểm cho bọn mo. Hắn cũng lao theo đám người đuổi đại ca... Thậm chí hắn cũng rút súng ra nhắm vào đại ca... Nếu không có hắn làm sao bọn kia biết mặt đại ca. Nếu con này không bị trừ khử thì không những mối hận của đảng Mũ đen không được rửa sạch mà ngay tính mạng đại ca cũng khó lòng bảo toàn.
Sỏi nhắm nghiền mắt lại. Trong óc hắn lởn vởn hiện lên một loạt những kỷ niệm không rõ dáng hình, không đầu không cuối. Ngọn đèn dầu... Căn nhà lợp nứa... Những bì tải sắt... chiếc áo màu xanh lục... Phải giết! Phải giết hết những kỷ niệm ấy đi! Giết!... Trong óc hắn rên lên những câu như vậy. Nhưng rồi bất ngờ từ trong sâu thẳm của ký ức lại hiện lên một xác người giãy giụa, quằng quại, rồi... tắt thở... Ai đó?... Đấy là món nợ đầu tiên trong đời mà Sỏi chưa trả được. Đấy là người đầu tiên chết dưới bàn tay Sỏi, đã trút lại chổi cả dòng họ Nguyễn Viết, và cái tên Lãm đã cùng Sỏi lặn lội, hì hục trong suốt những năm tháng cúi đầu làm thuê...
Phải giết!... Giết con người thứ hai này... người mà đã san sẻ cả họ của mình cho Sỏi để lẩn tránh sự săn tìm của cảnh sát. Trương Sỏi! Cái họ Trương ấy có nghĩa lý gì đâu nếu không trĩu nặng nghĩa ân với cái nhà lợp nứa ấy?
Giết đi! Giết chính cái họ của hắn đi. Mà nào có phải họ hắn. Hắn đâu phải là Trương Sỏi, đâu phải là Nguyễn Viết Lãm... Hắn là Lạng kia mà... Hoàng Lạng! Cũng không phải. Giết hết mẹ chúng nó đi!
Trương Sỏi bỗng thét lên một tiếng: “Giết”. Hai tay ôm ghì lấy đầu, hắn ngã khuỵu xuống nền đất ẩm ướt.
°
°°
Đột ngột có một tiếng hét vang lên đanh thép khiến cả bọn cướp ngồi như chết lặng.
Ngồi im. Đứa nào chạy sẽ bị bắn chết!
Ngay lập tức Cật ngọng bị khóa tay. Cùng một lcú năm sáu bóng công an lao ra sân sau. Đám Ngũ hổ như thể bị tê liệt hẳn thần kinh, ngồi đực ra chờ chết. Bất ngờ Trương Sỏi hét lớn:
Chạy!
Tiếng hét của tên đầu đảng có một sức mạnh kỳ lạ, đập mạnh vào những bộ não đã tê liệt vì khiếp đảm. Cả bọn đột ngột lao dậy. Sỏi phóng một cú đấm “thôi sơn” vào một chiến sĩ công an lúc anh ta vừa chồm người tới. Chiến sĩ công an tránh được, nhưng liền lúc đấy Kim Chi nhảy bổ đến cong người đá vút một phát. Chiến sĩ công an xỉu người xuống. Sỏi băng ra phía hàng rào. Kim Chi quay người theo. Đột ngột có một cô gái nhảy phốc đến. Trong một tích tắc Kim Chi nhận ra. A, con Khánh Hòa. Nỗi căm tức sùng sục trào lên trong người con rắn độc. Kim Chi xoay vụt lại. Hắn nghiến răng giáng một cú đánh móc Khánh Hòa né mình tránh rồi gần như một lcú, một bàn chân đạp lên chân Kim Chi, tay Khánh Hòa chộp luôn cổ tay Kim Chi dặc mạnh cả tấm thân Kim chi bổ sập xuống. Đấy là một thế võ chuyển thủ thành công của võ thuật tay không. Thấy đối thủ ngã, Khánh Hòa xoay hẳn người lại, quỳ thẳng đứng xuống lưng Kim Chi, đầu gối tì lên đốt sống thứ ba của con rắn độc. Đấy là thế bắt người trong lcú chưa khóa được tay địch thủ... Kim Chi duỗi thẳng tay ra. Khánh Hòa chộp luôn cổ tay ả, xoay mạnh. Không ngờ con rắn Mãng xà đã lừa được thế. Hắn đột ngột lật người. Khánh Hòa ngã xoài ra. Phía bên một chiến sĩ công an nhảy đến. Kim Chi không ham đánh. Hắn quay lại giáng luôn một cú đấm vào bóng người vừa lao tới. Trong lúc ấy, Trương Sỏi với một lối đánh xảo quyệt đã hạ gục hai công an trẻ. Một bóng người dong dỏng cao lao đến. Đó chính là Lê Hoài Nam. Từ lúc nhảy vào sân đến giờ, Lê Hoài Nam đã đánh gục hai thằng, khóa tay một thằng khác. Trong bóng tối lờ mờ, anh không thể xác định được đâu là tên Trương Sỏi. Khi Nam nghe tiếng đánh huỳnh huỵch ở phía hàng rào, anh chạy ra thì hai đồng nghiệp đã bị thương nặng. Biết đây là địch thủ, anh công luôn. Vèo! Hực! Một bên đánh, một bên đỡ. “Rắc”. Hai cánh tay chém lên nhau. Cả hai cùng lùi lại: Cú chạm nhau tổng lực khiến cả hai đều nhớ lại lần gặp trên đường. Trương Sỏi cũng linh cảm thấy như vậy. Hắn giẫm mạnh chân phải xuống đất kêu “xịch” một cái rồi dùng chân ấy làm trụ, hắn đá bốp chân trái lên bộ hạ đối phương. Lê Hòai Nam đã đón được thế võ ấy ngay từ cú giẫm chân phải. Anh lập tức chụp luôn cổ chân trái của Sỏi. Nhưng Hoài Nam không thể ngờ rằng anh đã bị Sỏi lừa. Trong lúc chân trái hắn bị Nam túm chặt đột ngột cả người Sỏi bay lên và dùng chân phải đá bung một quả vào vùng gan của Nam. Tay Nam buông ra, hai chân Sỏi rơi xuống đất một lúc. Nam cong người lại vì đau đớn. Sỏi nhảy phốc qua hàng rào. Từ trong sân Kim Chi cũng lao ra, nhảy vù theo Sỏi. Tiếng súng nổ chát chúa, đạn vút xiu xíu. Khánh Hòa cong người chạy qua hàng rào đuổi theo. Lê Hòai Nam cùng ba chiến sĩ công an khác cũng đuổi theo. Hai người nữa ở lại giải quyết bọn đã bị trói.
Ra khỏi xóm nhà cây cối kín mít ấy, họ mới nhận ra rằng trời đã lờ mờ sáng. Sỏi và Kim chi nhảy băng qua một con mương, lội ào qua đám ruộng nước chạy thục mạng về phía một nhà chùa. Ở đó có một sư nữ và một bà già giúp việc. Cả hai người đàn bà tu hành ấy khiếp đảm trốn bặt vào một góc chùa. Sỏi và Kim chi chiếm lấy một góc tường cố thủ. Từ ngoài ruộng, công an nhảy vào. Khánh Hòa chạy trước. Kim chi nghiến răng ken két:
Thấy chưa?... Hắn đó... Bắn đi đại ca! Bắn!...
Không hiểu sao Sỏi cứ run như bị sốt. Hắn chĩa cả hai họng súng về phí Khánh Hòa. Trước mắt hắn, cô gái hàng sắt bỗng chập chờn hiện ra như không phải đang đuổi theo hắn, mà đang bên ngọn đèn dầu hỏa, đang ngồi tựa cửa bên đống bản lề, đang chạy từ cửa xe đò và lại chỗ hắn với nét mặt mừng rỡ, xúc động mỗi lần đi lấy hàng từ Huế ra...
Bắn đi!... Nhanh lên...
Kim Chi trợn mắt giục rối rít. Sỏi nổ súng. Hai họng súng cùng chớp lửa một lúc. Nhưng Khánh Hòa vẫn lao vào. “Pằng... Pằng”. Hai phát nữa. Nhưng đạn vẫn lạc đi đâu đâu... Sỏi run bắn người, Kim Chi chửi to một tiếng “Đ.mạ” rồi vọt chạy ra sau chùa. Trương sỏi luống cuống định lao theo. Nhưng không kịp. Khánh Hòa đã nhảy ào vào.
Có motọ giây thời gian như ngừng hẳn lại. Bốn con mắt nhìn găm vào nhau. Mặc dù cả hai đều đã đuổi săn nhau gần một tiếng đồng hồ, mặc dầu tất cả đã rõ như ban ngày, nhưng trong cái phút đó cả hai đều sửng sốt. Có một cảm xúc không thể nào diễn tả được ứa trào lên khóe mắt cô gái Đông Hà. Đôi môi cô giật giật như sắp khóc. Nhưng rồi Khánh Hòa nghiến răng lại lao thẳng đến. Một cú đấm phóng ra, táng thẳng vào cằm Sỏi.
Đối với tên Đệ nhị mải võ này, thì cú đấm vừa rồi chẳng có gì hiểm ác cả. Sỏi thừa sức đỡ. Nhưng hắn cứ trơ ra như kẻ đã chết. “Bốp”. Khánh Hòa không đấm nữa mà tát. “Bốp”. Lại một tát nữa. Những cái tát như uất ức, như giận dỗi, nưh trút bỏ bao nhiêu thất vọng, dằn vặt và trong đó còn len lỏi cả sự ghen tuông...
Con kia đâu?... Nói đi! Con kia đâu?...
Mắt Trương Sỏi cứ trố ra, dại đi như bị ngộ độc. Nhưng đến khi Lê Hoài Nam nhảy vào cùng một chiến sĩ công an khác nữa thì hắn chợt tỉnh ra. Hắn xoay người lại dùng thế đánh bằng cùi tay sát hại Nam. Cú đánh này là thế võ rất độc mà “Đệ nhất Kiều tiểu muội” đã dạy cho hắn, và hắn đã từng cho thầy Sơn Nam choáng váng. Nhưng không hiểu sao lần này hắn đánhc hẳng còn chút sinh lực nào. Hơn nữa, sau hai lần thất bại, Lê Hoài Nam đã nhanh chóng đúc rút kinh nghiệm. Anh bổ nhanh người theo chiều xoay của cùi tay Sỏi. Rồi lợi dụng luôn thế võ của tên cướp, anh xoay ngược chiều lại, đánh một cùi tay vào mạng sườn Sỏi. Đến lần này thì tên Đệ nhị mải võ mới chịu gục. Hắn xỉu người xuống. Lập tức Lê Hòai nam khóa trái tay hắn ra sau. Mấy chiến sĩ công an nhảy tới dùng dây trói giật cổ tay hắn lại. (Những chiếc khóa số tám đã dùng khóa tay bọn trong sân Cật ngọng hết rồi).
Trong thời điểm diễn ra cuộc đọ sức cuối cùng với tên cướp đầu đảng ở góc tường bên trái nàh chùa thì vị sư nữ đã hớt hải chạy ra phía cổng trong bộ áo nâu dài lụng thụng. Không ai để ý đến. Tới khi trói xong Trương Sỏi, Lê Hoài Nam và Khánh Hòa mới chạy sục vào bên trong tìm Kim Chi. Họ nghe thấy tiếng cầu kinh thảng thốt ở góc nhà chùa liền chạy vội đến. Bà già giúp việc nằm chết giấc ở giữa nền nhà. Người sự nữ bị lột hết áo ngoài, vừa cầu kinh vừa run như thạch sùng đứt đuôi. Khánh hòa giẫm chân thình thịch xuống đất, kêu to:
Nó thoát rồi!... Nó thoát mất rồi... Cái con khốn kiếp!...
Các chiến sĩ công an giải Trương Sỏi ra đường đi trở lại phía nhà Cật ngọng. Ở đó Cật ngọng, Tân xồm, Mộc sún và Vượng răng vàng đã bị khóa tay. Như vậy, ngoài Kim Chi ra, tên Vu mèo trắng, Quản nhọn và Lãi xoăn cũng đã chui lọt khỏi lưới công an lúc nào không ai rõ.
Lê Hòai Nam chặn một chiếc xe tải không mui từ phía Nam Đàn về. Anh yêu cầu lái xe giúp đỡ chở năm tên lưu manh về nhà tạm giam của Công an thành phố. Cả năm thằng nằm bẹp trên thùng xe như năm con lợn. Bảy chiến sĩ công an ngồi thành hai hàng mắt không rời bọn cướp.
Khánh Hòa cố tình không nhìn Trương Sỏi, mặc dù đến giờ phút này trong lòng cô đã không còn chút vương vấn gì hình bóng con người Nguyễn Viết Lãm ngày ấy. Trương Sỏi cũng không nhìn Khánh Hòa. Hắn nhăn nhó như vị đau quá không thể chịu nổi. Rồi hắn co chân nhấc người ngồi dậy, mặt ngoảnh về phía sau. Đường xấu và hẹp. Chiếc xe cứ lắc lư, dằn vặt. Trên thùng xe thỉnh thoảng lại bật lên một tiếng rên khe khẽ.
Chiếc xe bỗng chạy chậm lại. Phía trước có một chiếc xe ben chở cát chạy ngược lên. hai xe tránh nhau ở ngay đầu một chiếc cầu nhỏ, đường thắt lại rất bé mà chiếc xe ban vẫn không hề giảm tốc độ. Người lái xe buộc phải phanh hẳn xe mình lại, chờ cho chiếc ben lướt qua khỏi mới đấm số, nhấn ga, đánh tay lái vào lòng đường. Đột ngột trên thùng xe có tiếng la ơi ới. Súng nổ ầm ầm. Có tiếng đập dồn dập lên anứp ca bin. Xe tải dừng hẳn lại. Người lái xe hốt hoảng xô cửa ca bin, nhoi người lên hỏi Lê Hoài Nam cuống quít giục:
Quay xe, nhanh lên! Quay xe đuổi theo chiếc ben...
Người lái dướn mắt nhìn trở lại. Có một tên cướp đang nằm khoanh tròn trên ben cát. Anh vội vã đánh tay lái, thụt xe. Nhưng đường quá hẹp, xe phải thụt tiến nhiều lần mới quay được. Đến khi quay đầu trở lại đã thấy mất hút chiếc xe ben. Người lái nhán ga, bấm còi liên tục. Công an đứng trên thùng, khoát tay dẹp đường. Xe phóng ào ào, người đi đường hốt hoảng giạt ra. Chạy vần mười lăm cây số, sát cửa hàng Kim Liên thfi mới trông thấy chiếc xe ben phía trước. Nhưng trên ben chỉ còn có cát. Lê Hoài Nam xán nắm tay lên chính đùi mình, gầm một tiếng tức tối:
Thua!... Thua nó rồi... Uất quá!
°
°°
Thế là sua một đợt đột phá, lực lượng công an tỉnh và thành phố đã đánh một đòn thẳng cánh vào tận hang ổ bọn cướp, bắt bốn tên trong số tám đứa đầu đảng. Ngoài ra còn tóm được năm tên móc túi loại đàn em khác.
Tình hình trôm cắp lắng xuống một cách đột ngột. Thành phố trở lại bình yên gần như tuyệt đối. Nửa tháng trôi qua, từ ga tàu, bến xe, chợ búa, không còn một bóng dáng móc túi nào lai vãng. Nhân dân thành phố Vinh hoan hỉ và cảm động trước sự nỗ lực lớn lao của công an. Trong lúc đó, phòng hình sự lại tiến hành một cuộc kiểm điểm nghiêm khắc. Thượng úy Lê Hoài nam đã tự phên phán mình trước hội nghị và xin nhận kỷ luật. Thiếu tá trưởng phòng hình sự nói:
Chúng tôi sẽ chấp nhận lời đề nghị của đồng chí. Nhưng tên Đệ nhị mải võ vẫn còn ẩn nấp đâu đó... Chúng tôi chờ đợi. Chính thằng ấy sẽ xóa kỷ luật cho đồng chí.
Khánh Hòa được phép trở về Đông Hà. Công an tỉnh Nghệ Tĩnh đã gửi một công văn vào cho Công an thị xã, cảm ơn và biểu dương công lao của người nữ trinh sát trẻ tuổi. Tất cả cái đó cũng làm cho Khánh Hòa vui lên chút ít. Nhưng hình như trong lòng cô vẫn man mác một nỗi buồn không ai hiểu thấu. Cô không sao quên được ánh mắt Lãm khi hai người chạm mặt nhau. Phải, ánh mắt đó là Nguyễn Viết Lãm chứ không phải của tên cướp Đệ nhị... Thật là kỳ lạ! Làm sao con người lại có sự thay đổi ghê gớm đến thế.
Mình sẽ kể cho mẹ chuyện gì đây? Mẹ vẫn tin vào con người đó... Lòng tin của mẹ sẽ bị tổn thương... Cũng như vết thương của chính mình. Chao ôi, con người có những khả năng ghê gớm, có thể trở nên vĩ nhân và cũng có thể trở thành dã thú... Một câu hỏi bất ngờ hiện lên trong đầu Khánh Hòa: “Giả sử ngày đó mình đưa Lãm lên rừng thì rồi sẽ ra sao?”... Bất giác cô thở dài. Thôi, với những con người đang tồn tại một cách cụ thể thì đừng nên giả sử một điều gì.

Chương trước Chương sau