Người không mang họ - Chương 08 (hết)

Người không mang họ - Chương 08 (hết)

Người không mang họ
Chương 08 (hết)

Ngày đăng
Tổng cộng 8 hồi
Đánh giá 9.3/10 với 8894 lượt xem

Bến xe Đô Lương. Lúc này khoảng tám giờ tối. Những hành khách không mua được vé đi các tuyến đang tản ra tìm chỗ ngồi nghỉ qua đêm. Ở một góc nàh đợi, có một cô gái đang ôm mặt khóc thút thít. Thỉnh thoảng tiếng khóc bật to lên nghe oan ức và thơ dại. Nhiều người xúm lại hỏi chuyện. Qua lời kể lể đứt quãng trong tiếng khóc, người ta biết cô ta tên là Phan, người dân tộc Thanh, nhà ở trên thị trấn Lạt huyện Tân Kỳ. Phan vừa học xong lớp sơ cấp nuôi dạy trẻ. Từ Vinh lên, cô không mua được vé đi Lạt nên phải đi xe Đô Lương. Lúc chiều, khi chen chân mua vé từ Đô Lương đi Lạt chuyến cuối cùng trong ngày, cô đã bị kẻ cắp móc túi. Ngoài tiền của mình ra, còn có 500 đồng của một người thợ ảnh trên thị trấn Lạt gửi nhờ cô mua phim nhưng không mua được. Làm sao có được số tiền ấy để trả cho người ta? Lại còn làm sao để có tiền vé về nhà?
Cô gái vừa khóc vừa kể. Ai cũng thương cảm. Nhưng chẳng ai có cách gì giúp đỡ được. Người nghe cứ lảng dần ra, thở dài, chậc lưỡi. Rồi cuối cùng chỉ còn mình cô gái. Cô ngồi thụp xuống một góc tối, ôm gối gục đầu tầm tức khóc một mình.
Bỗng có một thanh niên dáng người thâm thấp bước lại. Anh cất tiếng hỏi khá to, khiến những người gần đều có thể nghe thấy:
Làm sao mà thút thít vậy em? Bị mất cắp à?
Cô gái ngẩng dậy. Trước mặt cô là một người đàn ông tuy chưa phải đã già nhưng cũng không còn trẻ nữa. Hai tay anh đút túi quần, đầu cúi thấp xuống nhìn cô chằm chằm.
Mất cắp à? – Anh ta nhắc lại.
Dạ...
Nhiều không?
Dạ... của em có 60 đồng. Của người ta gửi là 500...
Thế là cô gái thật thà kia lại được dịp kể lể... Những người ở gần đấy lảng đi xa hơn bởi người ta đã nghe điệp khúc quá nhiều lần nỗi bất hạnh ấy mà lại không có cách gì giúp đỡ được. Mỗi lần nghe cô gái kể họ tự thấy xấu hổ cho mình.
Chà, quân khốn nạn! – Người thanh niên chửi đổng một câu rồi ngồi nhẹ xuống bên cô gái – À này, em ở trên Lạt có biết đơn vị “hai – bảy – sáu” không?
276 là chi?
Đơn vị bộ đội làm đường ấy mà?
A – Phan kêu to lên – Biết! Họ ở phía đường lớn kia. Nhưng mà...họ đi rồi.
Đến lượt người thanh niên kêu to lên:
Sao, đi rồi à? Đi đâu?
Biết đâu được. Cách đây mười hôm, khi em bắt đầu xuống trường nhận giấy tốt nghiệp thì họ đi mà.
Người thanh niên làm vẻ buồn:
Thật à? Vậy tức là em mới ở nhà xuống xuôi mười hôm nay thôi ư?
Dạ. em thi xong được nghỉ nửa tháng rồi quay lại trường nhận giấy tốt nghiệp.
Nhà em có ở gần đơn vị anh không, đơn vị 276 ấy?
A, rứa anh là bộ đội làm đường hí? Từ trong nhà em ra chỗ các anh chừng bốn cây số. Nhưng là trên đường xuôi.
Người thanh niên lặng lẽ gật đầu. Anh ta xích lại gần cô gái một chút, giọng đầy băn khoăn:
Khổ thật. Anh bị sốt rét, xuống viện hơn một tháng nay. Giờ đơn vị chuỷen đi rồi, biết đường nào mà tìm.
Cô gái ngước mắt nhìn người thanh niên. Cô như quên mất nỗi bất hạnh của mình, lòng chợt phân vân vì hoàn cảnh éo le của người đang tâm sự.
Hay là... anh cứ trở về nhà đã... à, mà nhà anh ở đâu?
Xa lắm. Trong Vĩnh Linh kia.
Ô, Vĩnh Linh! Xã nào?
Vĩnh Hòa.
Người thanh niên chợt nín lặng. Quái thật, chẳng hiểu ai xui khiến mà anh đã buột mồm nói ra điều đó. Nhưng cô gái lại tỏ ra mừng rỡ:
Nhà em hồi trước có một người Vĩnh Linh ra sơ tán đó. Chị ta kêu bằng chị Hạnh, quê ở xã Vĩnh Thủy anh có biết không? Vĩnh Thủy với Vĩnh Hòa có xa nhau không?
Người thanh niên bất giác thở dài:
Xa. Chừng sáu cây số.
Người Vĩnh Linh tốt lắm. Chị Hạnh cứ rủ em vào chơi mà em chưa khi nào đi được. Nhưng rồi thế nào em cũng đi.
Thế gia đình em có còn đông người không?
Chỉ còn có ba người. Em, mẹ với thằng em út. Chị gái em lấy chồng bên Nghĩa Đàn. Chồng chị là công nhân nông trường. Mẹ em chờ em về, nhà nghèo lắm anh à. – Chợt cô gái lại thút thít – Giờ về mà mắc nợ người ta biết lấy gì để trả. Rồi mẹ em buồn mà chết mất...
Cô gái nấc lên thành tiếng. Nỗi đau buồn của người nghèo chỉ có người nghèo mới hiểu thấu. Người thanh niên bất ngờ chìa ra một nắm giấy bạc:
Anh chẳng có nhiều nhưng cũng đủ cho em trả nợ. Em cầm lấy...
Cô gái ngớ cả người. Lẽ nào sự may mắn lại đến đột ngột như vậy. Cô không đủ dũng cảm đón nhận món tiền lớn ấy, nhưng cũng không đủ dũng cảm từ chối. Bởi vì cô cần tiền quá. Món nợ lớn đã làm cô bải hoải cả tinh thần. Bàn tay cô thập thò, lưỡng lự, miệng cứ há tròn ra. Người thanh niên ấn nắm giấy bạc vào tay cô rồi thở dài:
Đừng để mẹ em buồn. Về nhà em đừng nói chuyện mất mát gì cả... Ngày mai anh sẽ mua vé cho mà lên nhà. Anh cũng lên đó, may ra đơn vị còn có bộ phận nào ở lại.
Cô gái gần như run lên, tiếng nói lấp trong tiếng thở:
Lỡ ra... lên đó mà không còn có ai thì... anh làm sao?
Người thanh niên cúi đầu nín lặng. Có vẻ như đó là tình huống bi đát nhất mà anh ta chưa lường được. Nhưng đột ngột giọng cô gái vui hẳn lên:
Thế này nghe. Ngày mai hai anh em mình cùng xuống chỗ đơn vị anh. Nếu không còn có ai thì cùng về nàh em. Được chưa?
Người thanh niên không tỏ ra hào hứng cho lắm.
Thôi, cứ để đến mai hẵng hay...
°
°°
Trương Sỏi cảm tạ trời phật cùng một lúc đã cho hắn liền ba điều may mắn. Một là gặp được người bệnh binh của đơn vị 276, và trong câu chuyện của anh ta với một người bạn, Sỏi đã biết có một đơn vị làm đường phía trên thị trấn Lạt vừa mới chuyển vào tuyến trong. Lúc mới nghe câu chuyện ấy, Sỏi hoàn toàn dửng dưng. Nhưng đến khi gặp cô gái dân tộc bị mất cắp thì một ý định bất ngờ lóe lên trong đầu hắn. Đấy chính là điều may mắn thứ hai. Sau đó, Sỏi đã cùng Phan đi về nhà. Thật là may mắn biết bao khi Sỏi lại có được một vốn hiểu biết khá phong phú về Vĩnh Linh, cái nơi mà chỉ cần nhắc đến cũng đã làm cho bà mẹ và cô gái dân tộc này rưng rưng cảm động.
Nhưng tất cả những cái đó để làm gì?
Cho đến lúc đã ăn nghỉ yên ổn trong gia đình Phan rồi, Sỏi vẫn không hiểu được mục đích của mình lên chỗ này để làm gì! Cái đêm ở bến xe Đô Lương, ý muốn làm quen với Phan lóe lên rất ngẫu nhiên, gần như là kẻ sắp chết đuối vớ được tấm ván thì dựa hẳn người vào, chưa cần biết sẽ trôi về đâu. Về đến nhà Phan, Sỏi cũng không xác định được rồi sẽ phải làm những việc gì. Điều hắn thấy rõ được là dù sao ở đây cũng yên tĩnh hơn, hãy tạm làm con thuyền neo lại nơi bãi kín tránh bão giông ít ngày rồi sẽ liệu.
Phan đã không giấu mẹ chuyện mất cắp bởi vì cả đời cô chưa hề biết giấu mẹ điều gì. Cô đã khoe với mẹ số tiền “anh bộ đội ấy” cho. Thế nên ngoài tình cảm với con người Vĩnh Linh ra, gia đình Phan còn coi Sỏi là ân nhân cứu tế.
Về phía Sỏi, để khỏi đau đầu nghĩ ra một tên mới, hắn đã lấy lại cái tên cũ mà hắn yên trí ở đây không có một ai biết đến: Hoàng Lạng.
Lạng đã ở lại nhà Phan hơn nửa tháng. Mấy ngày đầu hắn nằm thừ trong buồng. Một phần hắn sợ ánh sáng ban ngày. Phần nữa, sự thất bại và chán nản đã làm cho thân thể hắn rã rời không muốn cử động. Hơn nữa đã bao nhiêu năm nay không lao động, Lạng quen với kiểu nằm dài hưởng lạc rồi. Trong lúc đó bà mẹ Phan lại nghĩ rằng Lạng mới ra việnc, còn mệt. Thế nên còn mấy đồng dính túi, bà đã sai con ra chợ mua mớ cá sông về nấu chào rồi ép Lạng ăn. Cực chẳng đã, Lạng phải gắng mà nuốt.
Nằm yên được vài ngày, Lãng đã bắt đầu loay hoay với những ý nghĩ bất ổn. Mình định làm gì đây? Sẽ ở nhà này bao lâu? Rồi sau đó đi đâu và làm gì? Có thể nào ẩn nấp được lâu dài như trước đây ở gia đình chú Trương Phú chăng? Nhưng cái xã hội nhộn nhạo ấy qua rồi. Ở cái đất này, trong cái xã hội này bất kỳ sự tồn tại nào cũng cần được giải thích một cách rõ ràng minh bạch. Điều đó Lạng biết từ ngày chưa vượt tuyến kia. hay định lợi dùng lòng thương mến của gia đình để rồi đánh một “quả lừa”? Lạng khẽ thở dài. Hắn không còn đủ dũng cảm làm việc ấy. Hơn nữa với gia đình này, quả thật chẳng có gì đáng để mà lừa.
Cũng có lúc cái ý muốn gắn bó với gia đình này suốt đời chợt chơi vơi hiện ra như kẻ đắm thuyền giữa biển mơ hồ nhìn thấy vệt khói huyện hoặc phía bờ bãi. Nhưng rồi làn khói mỏng mảnh ấy phút chốc tan ngay và lậpt ức sóng gió của sự bất an lại ùn ùn xô vào tâm thức Lạng. Hắn bồn chồn ngồi lên nằm xuống, cố ngủ mà không ngủ được, lại cố thức cho thật tỉnh táo để may ra có thể nghĩ được một điều gì đó cho rạch ròi cũng không xong. Lạng trăn trở đủ mọi kiểu nằm vẫn không sao thấy êm thấm. Hắn chợt thấy khát nước. Hắn chồm dậy dốc chiếc ấm tích. Nhưng rồi Lạng lại nhận ra không phải khát nước mà là khát rượu. Hình như còn thèm ăn một cái gì đó nữa. Từ ngày về nhà Phan, mặc dù là thượng khách nhưng với Lạng còn quá hơn ngồi tù. Cái sự ăn xài đã thành nghiện rồi. Mà còn nhớ thuốc phiện nữa... ừ, sao mà đời hắn lại lắm nỗi khát thèm đến thế!
Lạng tung người dậy đút tay vào túi quần vội vã bước ra đường cái. Cơn thèm khát đã làm hắn toát cả mồi hôi.
Bây giờ là cuối thu. Sương chiều buông la đà mờ mịt các tán cây, lèn đá, lốm đốm những mảng lá vàng hiện rõ trong cái nền mơ hồ của sương khói. Một cơn gió đâu đó ùa đến, rừng cây bất giác trở mình, những đốm vàng kia đột ngột di động xuôi xuống phía những khe sâu. Lạng chợt nghĩ vẩn vơ và thấy lòng buồn rười rượi. Rừng càng bát ngát trập trùng, Lạng càng thấy mình cô đơn, héo hắt. Giá như biến được thành con chim hay thành một phiến đá, xa lánh hẳn con người mà nhập vào với cái màu xanh hun hút kia thì hạnh phúc biết bao!
Lạng vừa đi vừa tự huyễn hoặc mình. Chẳng cần biết đi đâu khi trời đã gần tối, hắn cứ lẩm nhẩm như đọc thần chú để biến thành lá cây và bước chân mỗi lúc một gấp trên con đường đất núi len lỏi vào khoảng rừng bất tận đầy khói sương.
Bỗng Lạng dừng lại. Phía trước, gần một ngầm nước chảy băng qua đường có ba chiếc xe tải bạt che kín thùng đang đỗ sát nhau, một tốp người chụm đầu nhóm lửa. Ngọn khói cuộn len phả tràn vào rừng cây nhòa lẫn với sương. Lạng quay người đi ngược trở lại. Hắn không muốn chạm mặt với bất kỳ ai lúc này. Hơn nữa trời cũng đã nhá nhem tối. Cái không gian âm u lành lạnh của rừng khiến Lạng bỗng thấy ớn sợ. Có lẽ nên trở lại với Phan. Nhưng để làm gì? Bước chân Lạng chần chừ, láng cháng.
Đột ngột cả khu rừng vang lên tiếng la hét, Lạng giật mình lao chạy thục mạng lên phía trước. Chạy độ mươi bước Lạng mới đủ bình tĩnh nhận ra tiếng la còn ở phía sau xa. Hắn dừng lại, lẩn vào phía trong gốc cây hương ở một lối rẽ nhỏ, cố định thần để phán đoán tình hình. Có cả tiếng súng nổ, tiếng bước chân sầm sập đuổi nhau. Chắc chắn là ở chỗ có ba chiếc xe đỗ bên ngầm nước. Chuyện gì nhỉ? Hay là có băng nào đang trấn? Băng nào?
Trống ngực Lạng đập thình thịch. Hắn chợt nhận thấy nguy hiểm. Tiếng kêu la và cả tiếng súng nữa chắc chắn sẽ vọng đi xa. Nếu mình chạy lúc này biết đâu lại chạm trán với những kẻ từ phía trong thị trấn chạy ra. Không dưng lại đút đầu vào thòng lọng. Còn nếu cứ lẩn theo lối nhỏ xíu này thì chẳn biết sẽ vào tới đâu, không chừng lại làm mồi cho cọp beo rắn rết...
Lạng đã không nhầm. Từ phía trên thị trấn có tiếng gọi nhau ơi ới. Tiếng kêu ngày một gần lại. Rõ ràng đã có người xuống tiếp ứng. lạng đang luống cuống chưa biết xử lí thế nào thì đột ngột từ phía ngoài trục đường một bóng đen lao sầm vào lối rẽ. Lạng co người lại chuẩn bị phóng ra một quả đấm. Nhưng bỗng hắn khựng cả ngowif, suýt nữa kêu to lên. Kim Chi!
Không, không phải suýt nữa mà chính hắn đã kêu rồi. Kim chi cũng đứng sững ra như trời trồng trong giấy lát. Trong màn tối lờ mờ, hai tên tướng cướp đã nhận ra nhau. Nhưng chúng chưa kịp ôm nhau tủi mừng thì từ phía ngoài, hai bóng đen lao vào.
Nó đây rồi! Đưa tay lên!...
“Đoàng”. Một phát đạn xoẹt ngay trên đầu Kim Chi và Lạng. Một người lao đến. Kim chi kịp xoay lại dùng cùi tay dánh ực một phát. Người thanh niên kia ngã sấp xuống. Kim Chi lao vụt chạy. Người đi sau luống cuống giật khẩu súng từ tay bạn định đưa lên bắn. Trong một giây, Lạng nghĩ nhanh đến mọi hậu quả. Sự việc đã đến nước này hắn không thể thoát ra ngoài cuộc được. Kim Chi đã biết Lạng ở đây. Nếu Kim chi bị bắt tất nhiên sẽ khai ra. Lạng nghiến răng nhảy chồm tới. Một tay chụp khẩu súng giật mạnh xuống, tay kia hắn đánh chéo một quả vào mạng sườn người đuổi, anh này đổ sập lên người anh lúc nãy. Lạng cũng nhắm theo hướng Kim Chi mà lao thục mạng.
°
°°
Đêm giữa rừng mới khủng khiếp làm sao! Cảm giác đầu tiên của Lạng là không thể nào gửi gắm đời mình vào với rừng như ước mơ ban chiều được. Cần phải tránh xa cái không gian ghê rợn này càng sớm càng tốt. Trong màn tối mù mịt. Lạng có cảm giác như tất cả xung quanh đang cựa quậy. Côn trùng bò lạc rạc. Cây trở mình răng rắc. Gió lào xào len lỏi. Mọi vật đang đi vòng quanh, đang tiến lại gần, đang bàn định trăm mưu nghìn kế để sát phạt Lạng. Mà có thể thế thật! “Rạc”. Lạng giật bắn người xoay lại. Một cành củi mục như từ trên trời rơi xuống sát ngay lưng hắn.
Đại ca làm sao thế
Không...
Tiếng Lạng run run. Hắn không dám ngồi gần Kim Chi. Bởi vì cái giọng con đàn bà này đêm nay cũng lạ hẳn đi. Hình như đã đến phút nó sắp lột xác người để hiện lại nguyên hình rắn độc! Có cái gì đụng đậy vào mạng sườn của Lạng. Hắn chưa kịp phản ứng thì một vòng tròn đã quấn chặt lấy cơ bụng hắn. Lạng thét lên: “Ôi”.
Đại ca! Làm sao lại run lên thế?
Kim Chi ôm choàng lấy Lạng, cố ghì người hắn vào. Bấy giờ Lạng mới nhận ra vòng tay của người tình. Tuy vậy hắn vẫn chưa hết run.
Phải bình tĩnh anh yêu ạ. Những lúc như thế này càng phải bình tình mới toan tính mọi việc được. Mà tại sao anh lại run sợ kia chứ? Ngày xưa anh bản lĩnh dễ sợ kia mà.
Lạng thì thào như kẻ sắp chết:
Đừng... đừng nhắc chuyện ngày xưa nữa...
Kim Chi buông tay ra khỏi lưng Lạng, vớ một cành khô trước mặt bẻ răng rắc.
Đã đến nước này, hai đứa mình phải gắn bó với nhau, đừng xa nhau một bước. Bọn oắt con kia vô dụng lắm, đèo bòng thêm chúng nó chỉ tổ nặng nợ. Theo em, ngày mai ta xuống đồng bằng, tập họp bọn tay chan lại đánh một cú thật đậm. Sau đó hai đứa mình tìm đường xuôi thẳng vào Nam. Đi càng xa càng tốt. Ý anh thế nào?
Lạng nín lặng không đáp. Kim Chi đột ngột đứng bật dậy nhúnnhún hai đầu gối như sắp luyện võ.
Trông bộ ông anh rầu đời thấy mồ. Việc đếch gì mà rầu rĩ kia chứ! Đã dấn thân vào canh bạc thì được ăn cả, ngã về không. Người ta ai cũng chỉ chết có một lần, việc chi mà dằn vặt. Lần này vô thẳng Sài Gòn, liệu thời thế rồi hốt một cú cho khá. Sau đó tếch luôn.
Lạng ngẩng lên ngơ ngác hỏi:
Tếch đi đâu?
Ca – na – đa. Bây giờ bọn chúng nó vượt khối. Toàn lũ vô tích sự cả. Cái lũ ấy mà cũng đi được huống chi bọn mình.
Lạng thở dài. Giọng hắn đã bình tĩnh trở lại nhưng vẫn còn não nuột.
Tôi không thể đi được nữa Kim Chi ạ. Tất cả những gì tôi làm, tôi sống bấy lâu này đều được bắt đầu từ một bước ra đi lầm lỡ... Điều dó bao nhiêu năm nay tôi không hé răng kể với ai. Nhưng chừ... không hiểu sao tôi muốn kể cho Kim Chi nghe. Có lẽ... cái chết sắp đến với tôi rồi...
Kim Chi bật lên một tiếng cười khô khốc:
Nghe mùi mẫn như ca “sáu câu” vậy ông anh!
Không. Kim Chi phải để cho tôi kể dã. Tôi không phải là dân Đông Hà như em tưởng đâu. Tôi cũng không phải là Trương Sỏi, càng không phải là Nguyễn Viết lãm như Chi vẫn gọi hồi đầu. Tôi là thằng thanh niên sinh ra ở Vĩnh Linh. Tôi họ Hoàng. Mà thực ra cũng không phải họ Hoàng. Có lẽ đó là lý do khởi đầu đã ám ảnh suốt đời tôi, đã xúi giục tôi vượt tuyến...
Câu chuyện xem ra có vẻ hấp dẫn. Kim Chi bắt đầu chú ý. Còn Lạng thì lầu bầu kể, tỉ mỉ không sót một chi tiết nào. Nó kể như một sự sám hối. Hóa ra nó vẫn chưa hề quên một sự việc nào mặc dù từ lâu nó vẫn cố tình nhấn chìm mọi quá khứ. Nhưng quá khứ như một chất kế tủa lắng cặn vào tâm thức Lạng và bất kể lúc nào cũng có thể trào dậy sùng sục tuôi chảy thành dòng.
Và cũng thật là kỳ lạ. Sau khi dốc bầu tâm sự với người tình. Lạng bỗng thấy nhẹ nhõm hẳn trong người. Hắn đứng bật dậy, vươn vai, vặn lưng, dáng bộ coi rất linh hoạt. Kim Chi nhận được ngay điều đó!
Tốt lắm! Đại ca thấy không, bấy lâu nay sai lầm lớn nhất của đại ca là cố tính bưng bít quá khứ. Làm như vậy có lợi chi? Chẳng ích lợi mẹ gì hết. Đại ca đã tự lựa chọn cho mình một con đường thì cứ thế mà đi, dù có muốn quay lui cũng chẳng được nữa. Quá khứ là cái đếch gì? Chẳng là gì sất! Nó chỉ là cái bao tải trĩu nặng sau đít người ta khién không ai cất mình lên được. Cái tồn tại hiện hữu là cái có trước. Còn nữa là phi lí tất. Ai đẻ ra mình, mình có lựa chọn được đâu. Xã hội nào nuôi dưỡng mình, mình cũng không chọn lựa được. Vậy thfi việc chó gì mà mang sầu đeo cảm? Như đại ca chẳng hạn, từ họ Hoàng, họ Nguyễn đến họ Trương họ Thái, tất cả đều ngẫu nhiên. Nhưng đại ca có chết đâu. Thế thì họ đếch gì mà chẳng được, không càn họ cũng chẳng sao. Đời này là thế đấy!
Lạng ngồi ngẩn mặt ra mà nghe Kim Chi giảng đạo. Hắn không thể giấu nổi sự kinh ngạc:
Kim chi học hết lớp mấy rồi?
Em chả học lớp nào cả.
Không đúng. Vậy những điều cao cả vừa nói đấy, em học ở đâu?
Kim Chi phì ra một tiếng cười trịnh thượng:
Ở đời, ngoài chợ búa, nơi bến xe, chỗ ga tàu... đâu đâu người ta cũng nói chuyện đó.
Im lặng một tí rồi Lạng lại thầm thì:
Nếu lần này có lập lại đảng Mũ đen, tôi đề nghị Kim Chi làm đảng trưởng...
Kim Chi xoay hẳn người lại chụp lấy tóc Lạng kéo ngược lên.
Không được. Đại ca không được thụt lùi. Bất kỳ lúc nào cũng không được thụt lùi. Đã thụt một bước là thụt mãi, thụt hoài, rồi sẽ thụt luôn vào còng số tám đó.
Vậy tôi phải làm chi lúc này?
Ngủ. Ôm em mà ngủ. Sáng ngày mai xuống đồng bằng. Nghe chưa?
Lạng gục đầu vào ngực người tình cười khùng khục:
Nghe rồi, nghe rồi! Thế mà em không phải đảng trưởng thì còn là gì nữa. Xin tuân lệnh!
2.
Tin tức về toán cướp trấn lột đoàn xe quá cảnh trên thị trấn Lạt được báo cáo tường tận về Công an tỉnh. Thượng úy Lê Hoài nam lập tức đi suốt đêm lên nghiên cứu hiện trường. Hai lái xe bị đánh trọng thương được đưa vào cấp cứu trong bệnh viện Lạt. Chưa lấy được lời khai của hai người, nhưng chỉ mới xem qua hai vết thương ở mạng sườn, Hòai Nam dã nhận ra ngay miếng đánh hiểm. Anh lẩm bẩm một mình: “Đúng con quỷ ấy rồi!”.
Lê Hoài Nam trao đổi với đội hình sự thị trấn đề nghị một mặt phong tỏa địa bàn, một mặt chờ cho hai nạn nhân tỉnh táo phải lấy ngay lời khai báo cáo về Tỉnh. Sau đó Hoài Nam lập tức trở về.
Sau đấy một tuần, trinh sát hình sự huyện Diễn Châu gửi một báo cáo về Công an tỉnh cho biết có dấu hiệu bọn cướp trinh sát Tổng kho thương nghiệp. Lê Hoài Nam lại lặn lội ra Diễn Châu. Sau khi tổng hợp mọi tình hình, phòng hình sự Công an tỉnh đi đến kết luận, tên “Đệ nhị mải võ” đã trở lại hoạt động và có ý đồ đột kích lớn vào Tổng kho Diễn Châu.
Thiếu tá trưởng phòng hình sự nhìn Lê Hoài nam như tìm một sự đồng tình, sau đó anh lướt mắt nhìn lại các cán bộ khác:
Có một điều làm chúng ta lưu ý. Tại sao tên “Đệ nhị” vẫn lọt qua một cuộc săn đuổi ráo riết, lại vừa bị lộ mặt trong vụ cướp hụt đoàn xe quá cảnh, thế mà bọn chúng lại không chọn phương thức ẩn dật, phân tán nhỏ lẻ, lại định tổ chức một cú cướp lớn?
Hoài Nam đứng ngay dậy:
Báo cáo thủ trưởng, theo tôi trước hết đây là một đòn phục hồi uy tín để nhằm tập hợp lực lượng. Tuy vậy cũng cần tính đến khả năng bọn này có ý định chuồn xa.
Đúng. – Thiếu tá trưởng phòng buôn nắm đấm xuống bàn – Bọn chúng sẽ chuồn xa. Vì vậy trận đánh này không cho phép chúng ta mắc lại sai lầm cũ. Bởi vì thời gian sẽ không còn chờ đợi chúng ta sửa chữa khuyết điểm đâu.
Một kế hoạch tác chiến được thông qua. Toàn bộ lực lượng chuyên án tập trung về Diễn Châu. Đội hình sự công an huyện được triệu tập về nhận nhiệm vụ. Một trung đội bộ đội của Ban chỉ huy quân sự huyện và hai trung đội dân quân được điều động phối hợp với chiến đấu.
Bấy giờ là những ngày đầu mùa đông. Cơn rét đầu tiên mang theo màn mưa dầm dề mờ mịt. Đường đất trong thị trấn nhão nhoẹt bùn lầy. Đèn điện lờ mờ trong mưa, lay lắt khi tắt khi đỏ. Cơn rét kéo dài. Lực lượng phục kích cũng đẫm mình trong mưa, cơ hàm cứng lại vì rét, áo quần cũng nước, da trắng bợt. Đã bốn đêm trôi qua. Một số chiến sĩ bị cảm lạnh. Nhưng khôn ai chịu lui về nghỉ. Thời gian đã trở thành một canh bạc, hoặc là được cả, hoặc là mất trắng. Thời gian vẫn kéo lê thê như một trò đùa ác nghiệp.
Đêm thứ năm. Khoảng hai giờ sáng. Thoạt đầu có một bóng đen xuất hiện ở hồi bên trái ngôi nhà lớn. Bóng đen ngồi sát xuống đất nhìn đảo một vòng, sau đó hắn vòng ra hè phía sau. Lặng im đè nặng lên khu kho. Tiếng mưa rơi nghe to như gõ mõ. Gần mười phút trôi qua. Bỗng có tiếng cú kêu. Lê Hoài nam nhỏm cả người khỏi bờ mương để quan sát. Từ phía tao tàu hỏng lăn nghiêng bên đường sắt, năm bóng đen lao vào. Trong lúc đó tổ công an phía đông cũng nhìn rõ năm bóng đen khác vượt đường quốc lộ I tiếng sang. Không cần đợi chúng phá kho, Lê Hoài Nam nổ súng lệnh.
Từ bốn phía công an, bộ đội, dân quân ập vào. Bọn cướp nổ súng trước. Chúng có ba khẩu súng. Hỏa lực như vậy là không đáng kể. Nhưng vấn đề đặt ra là phải cố gắng bắt sống. Mệnh lệnh đó đã được các lực lượng quán triệt từ trước. Bất chấp những luồng đạn bắn ra loạn xạ, vòng vây vẫn ào ào khép lại. Tiếng loa vang lên rành rọt:
“Các anh đã bị vây chặt. Công an và bộ đội có thừa sức bắn gục tất cả trong giây lát. Nhưng chúng tôi không bắn. Chúng tôi hy vọng các anh tự đầu hàng. Đừng nghe lời xúi giục của tên Đệ nhị mải võ”.
“Nguyễn Viết Lãm hãy nghe đây! Dù mày có trốn tránh vào tận hang cùng ngõ hẻm, dù mày có đội lốt hàng trăm tên họ khác nhau cũng không thể nào lẩn tránh được tội ác của mày. Ngày phán xử đã đến. Đừng điên cuồng vô ích. Hãy đầu hàng đi!”.
Lê Hoài Nam lao lên đến thềm nhà kho. Một phát đạn xoẹt qua trán anh. Hoài Nam ép nhanh người vào bờ tường, bắn chỉ thiên một phát. Từ trong góc tối một bóng đen lao ra như tên bắn. Hoài Nam phóng vèo một quả đấm. Tên cướp rạp người xuống tránh được quả đấm rồi bay vụt ra ngoài. Hoài nam xoay người lại định đuổi theo. Ngay tức khắc, một quả đấm từ phía sau phóng tới nghe xoẹt một tiếng. Hoài Nam ngồi thụp xuống. Quả đấm trượt và tên vừa đấm bổ sấp lên lưng Nam. Được thế Nam bật người lên, dùng lưng Nam nhào xa ra phía trước, Hoài nam chồm tới. Bóng đen kia bật dậy chạy. Ra tới chỗ sáng, Hoài nam nhìn rõ cả hai tên phía trước. Đấy chính là “Đệ nhị mải võ” và Kim Chi. Anh hét to:
Trương Sỏi, Kim Chi đứng lại!
Trả lời anh là một chớp lửa lóa ra trước mặt. Viên đạn xoẹt qua mang tai. Hoài nam điên tiết đưa súng lên ngang tầm, bóp cò. Tiếng nổ xé toạc màn đêm. Con đàn bà bổ sấp xuống. Nam cùng với một chiến sĩ công an nữa lao đến. Kim Chi quằn quại một tí rồi bất động.
Lạng đứng sững người. Hai tay hắn vẫn nắm chặt hai khẩu súng. Nhưng tất cả nhuệ khí của hắn đã cạn sạch. Lạng đứng đờ ra bên cạnh xác Kim Chi. Thêm hai chiến sĩ công an nữa lao đến. Chiếc khóa số tám đóng sập lại. Mưa vẫn mịt mờ đan dày trước mặt Lạng.
°
°°
Trong thời gian tên Lạng và đồng bọn còn bị tạm giam để lập hồ sơ thì một hôm Khánh Hòa trở ra Vinh cùng với một cán bộ quân đội mang quân hàm đại úy. Gặp lại Khánh Hòa, Lê Hoài Nam tỏ ra mừng rỡ thật sự. Anh reo lên:
Bạn biết không, tên “Đệ nhị mải võ” đã bị kẹp vào còng số tám rồi. Con quỷ ấy hết thời rồi.
Mắt Khánh Hòa sáng lên. Nhưng cô không nói gì, lẳng lặng ngoảnh lại phía người cán bộ quân đội:
Anh Nam có cảm thấy quen đồng chí này không?
Hoài Nam ngơ ngác nhìn người khách. anh đưa tay ra bắt trong sự bỡ ngỡ có phần ngượng ngùng:
Xin lỗi... có thể tôi quên chăng...
Người cán bộ quân đội mỉm cười:
Đồng chí cố nhớ thử xem?
Lê Hòai nam càu mày... ừ đúng, người này có vẻ cũng quen quen thực. Gặp ở đâu nhỉ? Ồ mà quen thật, quen ghê quá... Nam càng nhìn càng thấy quen. Chợt anh sững ra...
Phải rồi! Sao lại thế này? Người đại úy trước mặt có dáng người thâm thấp, quai hàm bạnh to, cặp môi dày... Rõ ràng anh có nét rất giống tên cướp “Đệ nhị mải võ”. Nam định hỏi nhưng vội kìm lại.
Khánh Hòa chủ động ngồi xuống ghế:
Chắc anh Nam đã đoán ra phải không? Đây là đồng chí Ngô Sĩ Hợp quê ở Vĩnh Linh. Cách đây một tuần, anh Hợp ở biên giới Tây – Nam về phép đã ghé vào chơi Đông Hà, tới chỗ chúng tôi nhờ tìm kiếm một người thân... Qua lời kể của anh Hợp chúng tôi đoán người đó chính là Nguyễn Viết Lãm. Nhưng theo anh Hợp thì người cần tìm tên là Lạng.
Nam kêu to lên:
Trước lúc bị bắt, tên “Đệ nhị” đã ở trong một gia đình trên thị trấn Lạt và mang tên là Hoàng Lạng...
Đến lượt người đại úy quân đội kêu lên:
Thế thì đúng rồi. Hắn họ Hoàng – giọng anh nhỏ hẳn lại – Thực ra hắn cũng không phải họ Hoàng. Hắn cùng dòng máu với tôi. Giá như trước đây gia đình Hoàng Ất không vì cái sĩ diện cường hào và giáo lý ích kỷ của phong kiến thì Lạng đã mang họ Ngô Sĩ như tôi rồi...
Ngô Sĩ Hợp đã kể lại vắn tắt lai lịch của Lạng. Lê Hòai Nam nghe rất chăm chú. Cuối cùng đại úy Hợp kết luận:
Có lẽ tất cả những điều tôi kể chẳng liên quan gì đến vụ án của các anh. Kể cả sự có mặt của tôi cũng vậy. Nhưng không hiểu sao, khi nghe chị Khánh Hòa kể về vụ án tông bỗng thấy nôn nao gan ruột muốn ra ngay đây. Chẳng biết có ích gì cho các đồng chí không?
Lê Hoài Nam vươn cao người dậy:
Có chứ, rất cần. Như vậy tên Lạng không những can tội hình sự mà còn cả tội phản bội Tổ quốc, phản lại cả họ hàng mình nữa. Nhưng vấn đề quan trọng ở chỗ là, với sự bộc lộ toàn bộ quá khứ, hắn sẽ hết sạch những khoảng tối ẩn nấp. Con người ta, hễ còn một khoảng tối nào là có thể lẩn tránh vào đó. Mục đích của việc lập các hồ sơ là chỗ đó.
Hoài Nam dừng lại một tí rồi ngước nhìn người đại úy quân đội với vẻ mặt tư lự:
Tuy vậy... câu chuyện của đồng chí làm tôi buồn quá. Chẳng hiểu vì sao nữa. Nhưng mà buồn, thực thế! Bởi vì trước khi làm con quỷ hoành hành trong bóng tối, Nguyễn Viết Lãm đã có một quãng làm Người. Đáng tiếc biết bao!
THAY CHO CHƯƠNG KẾT
Toàn bộ những gì tôi vừa kể ở trên là tổng hợp từ trên hai chục bản lấy cung của vụ án tên “Đệ nhị mải võ”. Có một phần câu chuyện lại do chính Trung úy Khánh Hòa kể lại.
Tôi gặp Khánh Hòa lần cuối cùng bên ngôi mộ của tên tướng cướp. Thú thực, tôi tới chỗ này không có mục đích gì khác ngoài tính tò mò. Còn Khánh Hòa đến làm gì thì tôi không rõ và cũng không tiện hỏi.
Lúc đó khoảng năm giờ chiều. Nắng đã rất nhạt và gió cũng khẽ khàng. Trước khu nghĩa địa này là một con sông lớn, nước vẫn chảy vô hồi như dòng thời gian của tạo hóa. Nghĩa là nắm đất kia đã nằm hài hòa trong thiên nhiên như vốn nó vẫn thế, nghĩa là không có gì thật đặc biệt, thật ghê gớm cả. Chẳng ai có ý nghĩ gì khác khi đi qua chỗ này.
Khánh Hòa đứng cạnh ngôi mộ, nhưng quay lưng lại với nắm đất, quay mặt ra hướng con sông lớn. Cô có vẻ như đi ngắm cảnh. Tuy vậy tôi vẫn bước lại gần cô một cách dè dặt.
Chúng tôi chào nhau bằng những cái gật đầu thông cảm. Rồi như đã chuẩn bị sẵn, người nữ trinh sát ấy nói bằng một giọng em ái, tư lự:
Tôi đã được hònh ngành trinh sát hình sự. Cứ tưởng đấy chỉ là công việc thăm dò các sự kiện. Bây giờ tôi mới nhận ra, việc của chúng tôi còn phải thăm dò những cuộc đời... Hình như nhà văn các anh cũng làm việc đó, phải không?
Khánh Hòa quay lại nhìn tôi mỉm cười:
Anh biết không, mỗi khi giải đáp ra một sự kiện nào đó dù éo le gay cấn đến mấy chúng tôi cũng không hề tỏ ra kinh ngạc. Thế mà khi khám phá ra dù chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng lại là sự oái oăm trong một con người thì thú thực tôi vô cùng ngỡ ngàng. Có khi còn ngơ ngác nữa. Ví dụ như vụ án tên “Đệ nhị” này chẳng hạn, anh có biết tôi sửng sốt đến mức nào không?
Tôi ý tứ hỏi lại:
Chị sửng sốt về điều gì?
Khánh Hòa khẽ cúi đầu xuống im lặng một lúc rồi gần như thì thầm:
Điều ấy chính anh Lê Hòai Nam đã có nói một lần rồi. Tôi cũng buồn như anh ấy.
Tôi lơ mơ cảm nhận chút tâm trạng phụ nữ của Khánh Hòa. Tôi định hỏi thêm một câu, nhưng cô gái đã quay hẳn người lại, một tay vén cao mái tóc, giọng nói cứng rắn hơn.
Thế là chấm dứt cuộc đời một con quỷ. Nó nằm đó... Thực là khủng khiếp! Tuy vậy, như anh Nam nói trước lúc làm quỷ hắn đã có một thời gian làm người. Và bây giờ... hắn lại trở về với đất đai... Thôi, thế cũng gọi là ổn phải không anh?
Chúng tôi cùng bước sóng đôi ra đường cái. Gió từ mặt sông tràn lên ngọt ngào. Những chuyến ô tô nối nhau qua phà náo nức. Thành phố lên đèn. Màu sáng bình yên và hăm hở. Chẳng ai đi qua mảnh đất này lại có thể có những ý nghĩ không yên lành.

Chương trước