Z28 - Bắc Kinh 72 giờ nghẹt thở - Chương 07

Z28 - Bắc Kinh 72 giờ nghẹt thở - Chương 07

NHỮNG GIỜ NGHẸT THỞ ĐẦU TIÊN

Ngày đăng
Tổng cộng 11 hồi
Đánh giá 9.7/10 với 12993 lượt xem

Cũng như những đêm vui khác trong đời Văn Bình, đêm vui ấy tại ngoại ô Quảng châu trôi qua rất nhanh. Chàng còn thòm thèm thì trời đã hửng sáng. Chàng tiếc ngẩn tiếc ngơ khi được ban giám đốc cho biết là 4 kiểu khiêu vũ chỉ là 1 trong những món giải trí thông thường, nếu chàng đòi làm “nhất dạ đế vương” với hàng chục mỹ nhân, hàng trăm đĩa ăn ngon, và cả chục chai rượu tốt, chàng cũng được cũng được thỏa mãn mà không phải trả 1 đồng xu teng nào cả. Văn Bình cầu cho trời đừng sáng, nhưng trời cứ sáng. Chàng đành cầu cho phi cơ riêng của tướng Kan-Yeh phát nổ dọc đường khiến chuyến đi của chàng phải chậm lại. Nhưng khổ nỗi phi cơ chỉ có thể chậm lại một lần, không thể chậm lại thêm nữa. Chàng đành ngậm ngùi từ giã Quảng châu.
Tuy nhiên, chàng không quên gỡ gạc thêm nửa chai rượu da rắn Tiên xà Thái sơn. Chàng nốc một hơi sáu ly đầy khiến bọn gái đẹp trợn mắt, há miệng sửng sốt. Họ sợ rằng rượu thuốc sẽ kích thích chàng quá độ, sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng chàng và cả …tính mạng họ.Theo lời cô ả mang thẻ bài số 55 thì trước đó 8 tháng, một tân khách Bắc Phi ham hố đã uống vô hồi kỳ trận như chàng. Kết quả là hắn ân ái hùng hục suốt đêm, hết cô gái này đến cô gái khác làm các cô mệt thở không ra hơi. Nhưng đến sáng hắn nằm quay ra thẳng cẳng, liệt vị âm dương, sùi bọt mép, tay bắt chuồn chuồn, mắt trợn ngược tim đập ình ình gần 180 cái trong 1 phút, nếu y sĩ không đến kịp chích thuốc trợ tim thì huyết quản hắn đã vỡ tung. Cô ả 55 hoảng hốt đưa cho Văn Bình một nắm thuốc viên màu tím nhạt, dặn chàng nhai với nước, đề phòng phản ứng bất thường của rượu da rắn. Song chàng gạt phắt. Bọn gái đẹp báo cáo cho gã mặt thẹo hồi đêm. Hắn đậu chiếc xe Hồng kỳ quen thuộc trước cửa, và vội vã bước vào, nhìn Văn Bình bằng cặp mắt đầy lo lắng. Hắn hỏi chàng :
-Ông đã chiêu thuốc giải độc chưa ?
Văn Bình giả vờ không hiểu :
-Thuốc giải độc nào ?
-Những viên thuốc tròn màu tím mà bọn gái trong chiêu đãi quán vừa đưa cho ông.
-Vậy hả tôi đang cất trong túi. Nhưng tôi có uống lầm ?
-Rượu da rắn Nhất thế Tiên xà tửu chỉ có thể uống tối đa ba chén hạt mít, ông lại làm luôn 6 ly, không phải là chén hạt mít, vị chi gần 15 chén hạt mít. Từ trước đến nay chưa ai dám dùng nhiều đến thế. Tôi có trách nhiệm giữ gìn sức khỏe cho ông. Tôi chỉ có thể cho phép ông lên máy bay sau khi ông uống hoàn thuốc giải độ.
-Bị ngộ độc rượu da rắn thì phải có những triệu chứng nào ?
-Tim đập nhanh trên 150 cái một phút, và huyết áp lên đến 20. Nếu hệ thống tuần hoàn bị yếu, có thể sẽ đứt gân máu trên óc, nhẹ thì bán thân bất toại, còn nặng thì thiệt mạng.
-Liệu tôi bị đứt gân máu được không ?
Gã mặt thẹo không đáp vì một y sĩ mặc áo choàng trắng đã tiến đến. Thấy vẻ mặt nghiêm trọng của y sĩ, Văn Bình khôi hài :
-Tôi sợ huyết áp lên đến 25 mất.
Đối với đàn ông trung niên, áp huyết 12, 13 là tốt. chưa ai lên đến 25 mà không bị chứng não sung huyết. Mặt hơi tái, viên y sĩ luồn cái vòng da của máy đo áp huyết vào cánh tay Văn Bình. Hơn 1 phút sau, hắn bỗng mở miệng cười rộng toác, và như sợ lầm, hắn lúi húi đo lại. Gã mặt thẹo hỏi dồn :
-Sao, có hề gì không ?
Viên y sĩ lắc đầu :
-Lạ thật, áp huyết chỉ có 12 trên 8.
12 trên 8 là áp huyết của Văn Bình từ nhiều năm nay. Rượu chè, ma túy, nữ sắc làm áp huyết thay đổi. Tuổi tác cũng ảnh hưởng đến áp huyết. Vậy mà gần 20 năm nay, áp huyết của chàng vẫn nằm lì ở mức 12 trên 8, nghĩa là ở mức tuyệt hảo. Gã mặt thẹo quay lại hỏi cô ả 55:
-Ông khách có uống 6 ly rượu da rắn đầy thật không?
Cô ả 55 đáp, giọng hơi run:
-Thưa thật đấy. Tự em lấy rượu, và ông khách rót uống, em cản không được.
Gã mặt thẹo cười xòa:
-Càng may, cứ nếu có chuyện gì thì khổ cả lũ.
Văn Bình thừa cơ ôm cô ả 55, và hôn lên môi thắm thiết. Nàng không cưỡng lại, và còn hôn trả lại còn mạnh hơn là khác. Chàng lên xe ra sân bay, trong lòng ngơ ngẩn. Ngơ ngẩn đến nỗi chàng không tài nào ngủ được trên phi cơ mặc dầu đã lót lòng thêm mấy ly huýt ky, và suốt đêm qua đã phí nhiều sức lần mà chưa hề chợp mắt. Dường như nghề gián điệp có 1 Nữ thần chuyên sống về đêm nên trời tối mịt Văn Bình mới đặt chân xuống thủ đô Bắc kinh. Chàng đã ghé Bắc kinh nhiều lần, nhưng từ ngày Mao trạch Đông nắm quyền ở lục địa, chàng chỉ đến đó bằng phương tiện lén lút chứ chưa hề được nghênh ngang đáp phi cơ xuống trường bay, nhất là chưa hề được ngự trên phi cơ riêng của tướng Kan-Yeh, 1 lãnh tụ quyền hành ghê gớm của Tình báo Sở.
Chàng kinh ngạc trước sự bành trướng vượt bực của phi trường Bắc kinh. Tuy nhiên, cũng như mọi phi trường lớn nhỏ khác ở sau bức màn sắt, ở đây người ta cố tình tiết kiệm hơi điện với mục đích ngụy trang, thành ra Văn Bình chỉ thấy sân bay rộng mênh mông, thấy những tòa nhà cao ngất ngưởng choán những khu đất lớn cứ không nhận ra những chi tiết nào nữa. Vả lại, chàng khỏi cần phải mở rộng cặp mắt quan sát vì cái thời nhân viên do thám lẻn vào đất địch để quan sát, ghi chép vị trí quân sự đã qua rồi. Phần việc này đã được chuyển giao cho các dụng cụ điện tử và vệ tinh gián điệp tân tiến. Mỗi ngày, các vệ tinh gián điệp Mỹ bay qua lãnh thổ Trung hoa 50 lần từ thượng tầng khí quyển. Máy ảnh hồng ngoại tuyến bén nhậy của vệ tinh đã chụp hết các căn cứ và thị trấn Hoa lục. Ngay tại thư khố của ông Hoàng ở Sàigòn, Văn Bình đã có dịp nghiên cứu tường tận bản họa đồ sân bay Bắc kinh và đường lộ trong thành phố. Vì vậy chàng biết rằng phi cơ chở chàng đáp xuống 1 sân bay phụ được phòng vệ cẩn mật. Sân bay này dành riêng cho phi cơ công xuất của các nhân vật cao cấp. Chàng mỉm cười khoan khoái. Hơi lạnh miền bắc thích hợp với tạng phủ của chàng. Chàng hơi ngây ngất, có lẽ vì rượu da rắn Thái sơn hòa lẫn với huýt ky.
Cái chàng thấy trước tiên khi bước xuống phi đạo là 1 đám người mặc áo 4 túi màu sẫm chạy le te. Chàng không biết được họ là quân nhân hay dân sự vì họ không đeo cấp hiệu. Người nào cũng đeo trên miệng 1 cái mặt nạ bằng vải mỏng tẩm thuốc trừ độc. Hình ảnh mà du khách thường thấy khi đến nước Nhật cũng là những cái mặt nạ ngừa độc nằm chềnh ềnh ngang miệng đàn ông, đàn bà. Nhưng ở Nhật, những cái mặt nạ này tạo ra 1 cảm tưởng vệ sinh, có lẽ vì nó được làm bằng vải trắng tinh khiết, và nó thoang thoảng mùi thơm khử trùng. Tại Bắc kinh, cảm tưởng an toàn đã biến mất vì mặt nạ che miệng đồng màu với quần áo, và thay vì mùi thơm dịu chàng lại ngửi thấy 1 mùi hăng hắc làm chàng hắt hơi.
Đeo mặt nạ che miệng là 1 trong các thói quen bắn buộc ở Bắc kinh từ nhiều năm nay vì gió Bắc kinh lạnh kinh khủng. Đứng ở bãi trống mùa đông mà hứng gió thì khỏe như voi cũng chịu không nổi. Gió thổi đến ào ào làm thân thể gây gấy, gió lại xoắn vào da thịt như chứa đựng hàng chục, hàng trăm mũi kim nhọn.† Con người phải há miệng ngàn lần 1 ngày, nhưng hễ há miệng ra thì những mũi kim lạnh buốt của gió lại đua nhau phóng vào cuống họng, chảy luôn xuống bao tử. Đó là chưa nói đến những hạt bụi lăn tăn màu nâu nâu túa tới khiến trong khoảnh khắc miệng và khí quản đầy ắp cát lạnh. Tân chế độ bắt dân chúng đeo mặt nạ che miệng là để đề phòng cảm hàn và cát nâu, nhưng cũng để trừ tuyệt 1 thói quen xấu có từ ngày xửa ngày xưa: đó là thói quen khạc nhổ bậy bạ. Thật vậy, người Tàu được thế giới biết tiếng về những món ăn thần sầu quỷ khốc, những cách ăn chơi kinh thiên động địa, nhưng cũng về cả bệnh khạc nhổ vặt quái gở nữa. Già trẻ lớn bé trai gái Tàu đều mắc bệnh khạc nhổ cất trị như nhau. Ở bất cứ đâu, người Tàu cũng nhổ, nhổ trong nhà đã đành, nhổ cả ngoài đường, trên xe, nhổ luôn cả trong những nơi cấm nhổ như bệnh viện sạch như chùi và đền chùa linh thiêng. Chế độ Mao cấm nhổ bậy mà các chú con trời cứ tiếp tục nhổ bậy nên họ khôn ngoan du nhập sáng kiến đeo mặt nạ khử độc của xứ Thái dương Thần nữ. Tiếng là để ngừa gió lạnh và cát sắc nhưng kỳ thật là để chữa bệnh nhổ bậy.
Một bóng đen tiến tới, nhưng không phải để bắt tay chào hoặc hỏi chàng lần nữa xem chàng có thật là Rô-bơn hay không. Hắn tiến đến với cái mặt nạ màu sẫm trong tay và ngoắc vào mặt dưới của chàng. Hắn không cần kiểm điểm danh tính vì trên phi cơ chỉ có 1 hành khách, và hành khách duy nhất này là chàng. Văn Bình đang lo ngại không giống Rô-bơn bằng xương bằng thịt, nay nhờ mạng che miệng chàng đã có thể cải dạng 1 cách dễ dàng. Qua lớp bông băng tẩm thuốc, bóng đen nói với chàng:
-Mời ông lên xe.
Khi ấy chàng mới nhận thấy 1 chiếc xe hơi cao lêu nghêu đậu dưới cánh phi cơ. Chàng đinh ninh vệ sĩ của tướng Kan-Yeh sẽ ngồi kèm 2 bên, nhưng đến khi cửa xe đóng lại, chàng mới biết là được ngồi 1 mình. Loại xe hơi này có kiếng ngăn đôi bên trong, tài xế ở băng trước chỉ có thể liên lạc được với chủ nhân ngồi phía sau bằng điện thoại. Chàng không có gì để nói với tài xế nên sau khi yên vị, chàng dựa lưng vào nệm êm ái, điềm nhiên hút thuốc lá.
Vả lại, chàng muốn nói chuyện với tài xế cũng không được vì tấm kiếng ngăn đôi lại nhuộm màu đen -1 màu đen hắc ín, ghé mắt vào cũng không thể nhìn thấy phía trước- nên chàng không hiểu kẻ đang lái xe là đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ. Chiếc xe sang trọng chàng đang ngồi chỉ là 1 cái xà lim thu hẹp và trang bị tiện nghi tân tiến. Chàng đoán không sai: cửa xe chỉ có cái để dựa tay và đĩa đựng tàn thuốc, không có nút mở cửa, cũng không có quả nắm để quay kiếng lên xuống. Chiếc xe hơi này được chế tạo theo thể thức riêng, cửa đã đóng lại thì người bên ngoài không sao mở được, chỉ có tài xế ở băng trước mới có thể mở ra được bằng nút điện. Văn Bình đã có dịp ngồi trên những chiếc xe tương tự của CIA, tuy nhiên loại xe hơi an toàn của CIA lại có thể mở từ trong ra được. Tình báo Sở đã bảo vệ an ninh cho chàng hay muốn tìm cách giam giữ chàng? Có thể là cả hai. Chàng không tin họ sẽ cho chàng từ giã Bắc kinh 1 cách yên lành.
Đường từ trường bay về trung tâm Bắc kinh dài chừng 40 cây số, và tuy không thể quan sát phía ngoài Văn Bình vẫn có thể hình dung được 1 xa lộ khá rộng 2 bên toàn là cây cối xum xuê và bụi rậm um tùm. Xa lộ này được xây đắp sau ngày họ Mao về Bắc kinh, ít được xử dụng nên luôn luôn được tốt. Cho dẫu con đường đầy ổ gà, Văn Bình cũng cảm thấy thoải mái như thường vì xe hơi được gắn 1 hệ thống nhún dầu, êm ái không kém ống nhún bất hủ của xe DS do Pháp sản xuất. Xe hơi dành riêng cho quan khách và ông bự có khác, tài xế phóng trên 120 cây số một giờ mà Văn Bình vẫn có cảm giác là xe đứng nguyên 1 chỗ.
40 cây số, chặng đường ngắn này công xa của Tình báo Sở chỉ chạy mất 20 phút đồng hồ là chậm nhất. Vậy mà nhìn 2 cây kim trên cườm tay chàng đếm được đúng 45 phút, nghĩa là xe hơi đã chạy qua trung tâm thành phố và hướng về ngoại ô phía nam, nơi tọa lạc trung tâm M.9 của Tổng cục Hậu cần. Văn Bình nhận thấy xe hơi leo giốc -chỉ chạy lên chứ không chạy xuống- và tài xế lái vòng quanh. Căn cứ vào những chi tiết này, chàng biết hậu cung của tướng Kan-Yeh được thiết lập trên 1 ngọn đồi khá cao. Du lịch nhiều, chàng lấy làm lạ khi thấy những trung tâm dạ lạc đắt khách thường tọa lạc trên cao. Một y sĩ giải thích rằng những nơi ở cao hơn mặt biển có ít dưỡng khí hơn là trên đất bằng, mà theo kinh nghiêm thì sự làm tình giữa trai gái dễ bền bỉ và say sưa ở nơi có ít dưỡng khí cho nên người ta dựng nhà mát, nhà hò hẹn trên đỉnh đồi không phải là việc ngẫu nhiên. Đành rằng đứng trên đồi cao nhìn xuống, phong cảnh sẽ được đẹp hơn, bao la hơn nhưng yếu tố quan trọng là ở trên đồi cao, ái ân nam nữ dễ đạt tới mức độ tuyệt diệu.
Tài xế đổ giốc độ 3 phút rồi đậu lại. Cửa xe được tự động mở ra. Bóng đen gặp chàng ở phi thường Bắc kinh đã chực sẵn. Giờ đây, Văn Bình mới có đủ điều kiện quan sát thân hình và diện mạo của hắn. Tất cả những nét trên mặt hắn đều nhọn. Trước nhất là trán nhọn. Cằm cũng nhọn. Cả khuôn mặt cũng nhọn. Trán nhọn không được coi là điều tốt, ông Hoàng thường loại ngay những ứng viên xin vào Sở Mật Vụ có trán nhọn vì theo ông –và cũng theo sách tướng Thần tướng Toàn biên- thì người có trán nhọn rất khó thành đạt. Cằm nhọn cũng bị ông Hoàng liệt vào hàng bất lợi, nhất là đàn bà cằm nhọn. Ông Hoàng cho rằng kẻ có cằm nhọn thường bẳn tính, ưa sống cô độc và ích kỷ, không thích hợp với nghề điệp báo luôn trà trộn với thiên hạ, và sẵn sàng xả thân cho đại cuộc. Trán nhọn sách tướng gọi là «thiên không», cằm nhọn là «địa không», kẻ có lưỡng Không này chỉ trèo lên nấc thang danh vọng đến chức vụ … điếu đóm là cao nhất, nhưng Văn Bình lại nhìn thấy cái mũi cao su và bàn tay kếch sù của hắn nên đoán già đoán non hắn là vệ sĩ thân tín của tướng Kan-Yeh.
Hắn cung kính đứng dạt sang 1 bên cho Văn Bình bước xuống. Xe hơi đang đậu trên 1 cái sân lớn đèn chiếu sáng quắc. Toàn sân được trồng cỏ non mơn mởn, giống cỏ non được trồng tại các sân đánh «golf» ở Tây phương. Gió bắc thổi lại ào ào song không có bụi. Chàng cảm thấy lạnh, tuy nhiên lại là cái lạnh dễ chịu chứ không cắt sâu vào da thịt. Tên vệ sĩ nói:
-Đã đến nơi, xin mời ngài vào Thiên trà đường.
Ha, ha … Văn Bình được nhân viên Tình báo Sở lễ phép tôn lên làm «ngài». Đất Trung hoa có khác, bất cứ cái gì cũng dùng ngôn từ hoa mỹ. Ổ điếm với đầy đủ gái đẹp và các thú vui chơi tứ chiếng thì gọi là «chiêu đãi sở», khiêu vũ ở truồng là «kiểu số 4», còn phòng khách để uống trà thì mệnh danh là «Thiên trà đường». Thiên trà đường là 1 tòa nhà trệt đứng sừng sững ở cuối sân cỏ non, mặt tiền toàn bằng kiếng dầy. Một khoảng rộng gần 4 thước không có kiếng, cũng không có cửa. Chàng bước lên tam cấp và khoan thai tiến qua khoảng rộng thay cửa để vào xa lông. Hơi ấm trong phòng tạo cho chàng 1 cảm giác phơi phới. Thì ra Thiên trà đường được trang bị 1 loại máy điều hòa khí hậu đặc biệt do Nhật bản phát minh, và gần đây được 1 vài cơ sở thương mãi trang bị ở Sàigòn. Đặc biệt, vì căn phòng được sưởi ấm hoặc làm mát không cần đóng cửa kín mít mà khí hậu bên ngoài không thể tràn vào. Một bức tường vô hình bằng hơi chắn ngang ở cửa ra vào, không khí trong phòng dễ chịu làm Văn Bình thở ra khoan khoái như vừa được nhắp 1 chén trà nóng. Chàng chợt hiểu tại sao căn nhà này được đặt tên là Thiên trà đường. Tên vệ sĩ hiểu được ý chàng bèn vòng tay thi lễ:
-Ngài đã hết lạnh chưa?
Và không đợi chàng trả lời, hắn nhanh nhẩu nói:
-Xin mời ngài dùng trà thơm. Tướng Kan sẽ tiếp ngài trong chốc lát.
Mùi trà tàu ngào ngạt xông lên vào mũi Văn Bình. Trà tàu nổi tiếng ngon, đây lại là thứ tàu ngon nhất nên con tì con vị của chàng không thể không xao xuyến mặc dầu chàng không ưa gì nước trà. Trong mùi thơm ngây ngất của chén trà bốc khói cuồn cuộn, chàng thoáng nhận ra 1 mùi khác thường: mùi á phiện. Nhựa Phù dung được tẩm vào lá thuốc đang ủ rất khéo nên khi trà phơi khô đem tán nhỏ không nhạt mất hương vị. Văn Bình được biết 1 số vương tôn công tử ở Hồng kông và Đài bắc uống trà tàu pha ma túy. Té ra Thiên trà đường của tướng Kan-Yeh cũng có đủ thú vui.
Trong phòng có 2 bộ xa lông kiểu Trung hoa, chân cao, hình thù chân phương, bằng gỗ cẩm lai Tế xuyên chạm trổ cầu kỳ và cẩn xà cừ Hoàng Hải. Cả 2 bộ bàn ghế này đã lên nước bóng lóng và trơn tru. Văn Bình đoán phỏng cả 2 được đóng từ nửa thế kỷ trước là ít. Kê ở góc phòng là 4 cái đôn sứ lớn, trên mỗi miệng đôn loe ra có 1 giống cây riêng, lá xanh xám, hoa đỏ tía, đó là giống cây du nhập từ Phi châu, có tác dụng hút chết ruồi muỗi và côn trùng có cánh. Nó giống như loại cây giết ruồi muỗi mà 1 công ty tư nhân rao bán rầm rộ trên đất Pháp song lá nó đẹp hơn, hoa nó cũng thơm hơn. Nó lại lâu tàn và không đòi hỏi 1 sự chăm sóc đặc biệt, siêng năng. Nó không tỏa ra hơi độc nên côn trùng không ngửi thấy. Tuy nhiên, hễ chú ruồi muỗi nào dại dột bay qua trong tầm lá của nó là nó xòe rộng ra hút chặt. Khi côn trùng dính vào lá, nó liền cụp ngay lại. Mấy phút sau, con côn trùng đã bị tiêu hóa trọn vẹn. Văn Bình ngồi xuống ghế, nhưng chàng lại đứng lên ngay. Chén nước trà nóng chàng mới bưng lên chưa kịp uống vì tấm riềm ở góc tường bên trái lay động. Cánh cửa phía sau mở ra, kêu soẹt 1 tiếng nhỏ. Chàng biết là cửa mở bằng điện. Một tên vệ sĩ khác ló đầu ra. Thấy chàng, hắn đằng hắng 1 tiếng lớn rồi dõng dạc nói:
-Tướng Kan đang chờ ngài.
Văn Bình tưởng Kan-Yeh đang chờ trong phòng bên. Chàng không ngờ phòng bên lại trống hốc trống hác, không có ai, thậm chí không có cả đồ đạc nữa. Tường được quét vôi trắng, đèn trên trần cũng tỏa xuống ánh sáng nê ông màu trắng. Màu trắng lạnh lùng của bệnh viện. Tên vệ sĩ này không khác tên vệ sĩ hồi nãy là bao. Dường như hắn cùng 1 khuôn mà ra, nên mặt mũi hắn, thân hình hắn đều toát ra 1 vẻ dữ tợn cục cằn. Hắn chờ cho Văn Bình bước khỏi ngưỡng cửa mới ấn nút cho bức riềm che kín lại. Chàng đang táy máy đặt ngón tay vào tấm riềm nhung mịn mát thì 1 ô vuông trên mặt phòng được mở xịch ra.
Thì ra đây là lối xuống hầm.
Tuy sinh sau đẻ mộn, Quốc tế Tình báo Sở cũng đã tiến bộ vượt bực về phương diện kiến trúc và trang bị. Đường hầm mỗi lúc 1 đi xuống, và ngoằn ngoèo theo hình kỷ hà rắc rối. Văn Bình là người có trí nhớ vô cùng sắc bén mà cũng vất vả lắm mới khỏi quên. Mọi cơ quan điệp báo đào đường hầm đều áp dụng lối kiến trúc điên đầu nát óc này hầu dễ bảo vệ an ninh, và ngăn chặn ngoại nhân thâm nhập. Chỉ cần mai phục ở mỗi khuỷu hầm –mà người ta có thể đếm được cả trăm- 1 tay súng hoặc 1 ổ đại liên tự động bắn đạn bằng cò điện tử thị giác thì hàng trung đội địch thâm nhập cũng bị loại trừ trong khoảnh khắc.
Văn Bình đi vòng dưới hầm như vậy hồi lâu. Chàng nhìn đồng hồ và thoạt đầu chàng hơi ngạc nhiên khi thấy kim giây nhỏ xíu nằm yên không chạy nữa. Chàng có tính thay đổi thú vui song lại ít muốn thay đổi bật lửa, nhất là đồng hồ mặc dầu kỹ nghệ Tây phương đã chế tạo được những kỳ quan bật lửa và đồng hồ. Cái đồng hồ đeo nơi cổ tay, chàng không thay đổi theo tinh thần «có mới nới cũ» vì 1 lẽ dễ hiểu: nó đã cặp kè bên chàng từ nhiều năm nay và luôn luôn mang lại vận hên cho chàng, mặt khác nó chạy rất đúng giờ, cả tháng không chậm hoặc nhanh 1 phút. Mỗi chuyến công tác ở hải ngoại về, chàng không quên cởi đồng hồ đặt trên bàn giấy của nữ bí thư Nguyên Hương, rồi 1 chuyên viên của Sở có nhiệm vụ tháo ra từng bộ phận để lau dầu và kiểm điểm lại. Nhờ sự săn sóc chu đáo này, nó không hề bị quặt quẹo ở vùng rừng rậm nhiệt đới Phi châu hoặc ở đầu mút Bắc cực trời rét thấu xương, hà hơi là hơi thành nước đá, ở dưới biển hoặc trên thượng tầng không khí, nó đều làm việc đàng hoàng, kiên nhẫn và ngoan ngoãn. Vậy mà đêm ấy tại Bắc kinh, chiếc đồng hồ cưng của Văn Bình lại «làm reo» không chịu chạy nữa. Đồng hồ tự động thường có 1 tật xấu: đôi khi kim giây đình công vì tay chủ nhân ít cử động, chỉ lúc lắc vài 3 cái là nó rì rì chạy lại như cũ. Nhưng Văn Bình đã lắc liên hồi mà nó vẫn phớt tỉnh, không chạy.
Nó đã chết thật sự.
Chiếc đồng hồ thân yêu của chàng có đủ khả năng chịu đựng áp lực dưới nước và trên không gian. Nó cũng không xuy xuyển nếu bị đụng chạm thật mạnh, và không rối loạn khi được đặt gần nam châm. Vậy tại sao nó lại chết
Chàng liếc nhìn tên vệ sĩ. Dường như trước đó 30 giây, hắn cũng liếc trộm chàng. Hắn há miệng toan nói song lại khép miệng vội vàng. Thái độ rụt rè và băn khoăn của hắn đã giúp chàng phăng ra nguyên nhân kim đồng hồ bị chết. Có lẽ trần hầm được trang bị 1 tảng từ thạch lớn, khi chàng vừa đặt chân xuống hầm thì kim đồng hồ bị hút cứng vào nhau. Dĩ nhiên đồng hồ của chàng có thể chống lại từ thạch nhưng là từ thạch đặt xa, và từ thạch không có sức mạnh đặc biệt.
Trung hoa là nước biết dùng từ thạch trước nhất trên thế giới vào mục đích an ninh. Chắc hẳn hệ thống từ thạch của tướng Kan-Yeh trên trần hầm có mục đích khám phá ra những võ khí được khách mang lén lút vào hầm, cũng giống như Nguyệt môn được xây cất cách đây 2.300 năm gần thủ đô Bắc kinh. Văn Bình chưa được mục kích Nguyệt môn nhưng theo 1 số hình ảnh, tài liệu và lời ông Hoàng kể lại thì Nguyệt môn là 1 cửa cổng lớn ở bên ngoài sân triều. Quan quân vào bệ kiến vua tại triều đều phải bước qua cổng Nguyệt môn. Gọi là Nguyệt môn rất đúng vì đó là 1 lỗ tròn như mặt trăng đục giữa cổng, vừa cho 4, 5 người bước qua lọt. Cửa cổng này được làm bằng 1 phiến quặng sắt có từ thạch. Kẻ nào giấu khí giới trong mình đều bị từ thạch hút chặt vào cửa. Bằng phương pháp khoa học ấy, các vua chúa đã loại trừ được nhiều tên thích khách (1).
Thấy Văn Bình chần chừ, tên vệ sĩ quay lại:
-Xin ngài tha lỗi, tôi quên trình với ngài là xuống hầm không nên đeo đồng hồ vì nam châm sẽ làm kim đứng lại.
Văn Bình giả vờ sửng sốt:
-Té ra đeo đồng hồ bị cấm ư?
Hắn lắc đầu:
-Thưa ngài không. Sở dĩ không nên đeo vì nam châm hút tất cả các vật có chất sắt. Con đường hầm này được thiết trí loại nam châm đặc biệt đề phòng nhân viên của địch đeo khí giới. Ngài yên tâm, chúng tôi xin đền ngài chiếc đồng hồ khác.
Đồng hồ tốt nhất ở Hoa lục chừng 100 quan 1 cái, nghĩa là gấp 4 lần lương tháng của 1 người thợ khéo. Nhưng đồng hồ tốt nhất ở Hoa lục cũng còn thua xa đồng hồ xấu nhất được chế tạo tại Tây phương. Phương chi cái đồng hồ của chàng đã được giới sành điệu coi là sản phẩm siêu đẳng. Tuy giá là 100 quan, nhưng giá tiền là một việc, trả tiền để mua được lại là việc khác. Trên thực tế, đồng hồ là loại xa xỉ phẩm, sắm đồng hồ đối với người tàu lục địa còn khó hơn sắm xe Mercédès 6 cửa đối với người dân trong thế giới tự do nữa. Nghe tên vệ sĩ nói, Văn Bình chỉ mỉm cười. Hắn vừa dẫn chàng quẹo sang trái. Đèn hầm toàn bằng nê ông gắn sâu trong tường không nhìn thấy bóng đèn song ánh sáng tỏa ra đều đặn khiến chàng có cảm tưởng như đang đi dưới hầm xe điện ở Nữu ước.
Tên vệ sĩ tiếp tục mời chàng quẹo phải, quẹo trái hàng chục lần nữa, và mỗi lần đổi hướng lại bước qua 1 cánh cửa được mở sẵn. Sau cùng hắn dừng lại, rồi nói vẫn bằng giọng kính nể:
-Mời ngài trèo cầu thang để lên phòng tướng Kan.
Người được gọi là tướng Kan đã chờ sau cửa, cánh cửa lim dầy, ngoài bọc tôn cứng, trong lót ni lông màu xám ngăn tiếng động. Bốn bức tường bên trong cũng đều được lót ni lông màu xám hãm thanh, tương tự như phòng thu âm của các hãng đĩa lớn. Kan-Yeh ngó Văn Bình bằng cặp mắt nửa tin cậy, nửa ngờ vực. Thái độ của hắn y hệt thái độ của ông nhà giàu nứt đố đổ vách, rước thày lang về chữa bệnh cho vợ bé, tiền mất rõ nhiều mà tật vẫn tiếp tục mang, nên đâm ra hoài nghi mặc dầu không dám hoài nghi ra mặt, sợ phật lòng thầy lang. Văn Bình cứ đứng trơ trơ không chào. Tên vệ sĩ phải lên tiếng:
-Thưa, đây là ông khách từ Quảng châu đến.
Kan-Yeh ra lệnh cho vệ sĩ, giọng khàn khàn hách dịch:
-Cho ra. Chừng nào tiếp xong, sẽ bấm chuông gọi.
Đoạn hắn hơi nghiêng đầu:
-Hẳn ông đã biết tôi là ai?
Văn Bình cũng nghiêng đầu đáp lễ:
-Xin chào tướng Kan. Còn tôi là Rô-bơn. Tôi rất hân hạnh được gặp ngài.
Kan cười:
-Tiếng «ngài» có vẻ xa xôi và không thân thiện. Ông cứ gọi tôi là ông, tiện hơn. Ông tha lỗi nếu tôi đón tiếp không được chu đáo và nồng nhiệt, vì như ông đã đoán biết, tâm thần tôi đang bị bấn loạn.
Hắn chỉ cái cẩm đôn bọc da hổ vằn mời chàng:
-Ông ngồi xuống đây. Nếu có chuyện gì trái ý, ông đừng lấy làm phiền lòng nhé. Một lần nữa, tôi xin ông tha lỗi.
-Thưa, ông quá khách sáo. Chẳng có gì làm tôi phiền lòng cả.
-Có chứ. Chẳng hạn sự tổ chức ở Luân đôn cũng như ở Karachi. Đó là vì hoàn cảnh bất khả kháng, chúng tôi không thể tìm cách nào khác.
Kan cười vui vẻ thêm. Văn Bình nhận thấy Kan-Yeh không phải là kẻ hay cười. Cái miệng mím lại, ấy là cái miệng của người tiết kiệm nụ cười. Hắn chỉ cười mỗi khi chiến thắng được đối phương bằng mưu lược hoặc bằng võ lực. Cái cười giả tạo của hắn là cái cười của Tào Tháo thời Tam quốc. Tuy hắn cố cười thật tươi, hắn vẫn không đánh lừa được chàng. Ngay trong phút diện kiến đầu tiên, chàng đã ước lượng bản lãnh của đối phương. Không ngần ngừ gì nữa, chàng có thể cả quyết rằng Kan-Yeh là kẻ thù lợi hại đồng cân đồng lạng. Nếu chàng non tay, chàng có thể bỏ xác tại Bắc kinh.
Mẫu người của Kan-Yeh không cao cũng không thấp. Hắn thuộc vào loại tầm thước ở châu Á. Bề ngang và bề dầy của hắn có vẻ đặc biệt hơn, chứng tỏ hắn đã tẩm bổ thường xuyên bằng cao lương mỹ vị và thuốc trợ lực, đồng thời hắn cũng tốn nhiều công phu tập luyện võ nghệ. Thoạt nhìn, không ai dám nói hắn đã lục tuần. Có lẽ hắn còn trẻ trung hơn đàn ông 50 nữa. Mặt hắn, thân thể hắn, tay chân hắn vẫn còn vẻ trẻ trung, nhanh nhẹn, và cường tráng. Hắn không có những nét bí mật hoặc dữ tợn thường thấy ở các thủ lãnh điệp báo phía sau bức màn sắt. Tuy nhiên, căn cứ vào luồng mắt, vào cái miệng, Văn Bình biết rõ hắn là kẻ coi mạng người như cỏ rác. Kan bắt chân chữ ngũ, đặt 2 bàn tay chặn trên đùi:
-Vì ông đích thân yêu cầu, và cũng vì phương diện an ninh cho chính ông nên thời gian ông lưu lại đây chỉ rất ngắn. Tôi xin bắt đầu vào việc ngay: theo ông, thời gian này có đủ để ông hoàn thành cuộc điều trị không?
Văn Bình đáp:
-Nếu điều trị theo kỹ thuật y lý thông thường, thì thời gian vài 3 ngày được coi là quá ngắn. Nhưng về thôi miên học thì khác. Trong trường hợp con bệnh chịu đựng được thôi miên, và căn bệnh có thể được chữa bằng thôi miên thì thời gian này là đã là quá đủ.
Kan-Yeh hơi giật mình:
-Nghĩa là ông cũng trù liệu trường hợp không thể chữa khỏi ?
-Vâng, như tôi đã nói, việc điều trị phải tùy vào 2 yếu tố căn bản. Trên lý thuyết, bất cứ ai cũng có thể bị thôi miên, nhưng trên thực tế thôi miên để chữa bệnh lại khác. Nếu con bệnh có trong cơ thể 1 nhân điện đặc biệt, chẳng hạn nhân điện của thày thuốc cực âm, và nhân điện của con bệnh thuộc cực dương, thì 2 nhân điện sẽ hóa giải nhau, cuộc điều trị trở nên vô ích. Yếu tố thứ hai : phương pháp thôi miên chỉ chữa khỏi những căn bệnh thuộc về tâm não, còn đối với những bệnh nan y như ung thư, lao xương thì cũng trở nên vô dụng.
-Về yếu tố thứ hai, ông có thể yên chí vì con bệnh tôi sắp giao cho ông thuộc loại tâm bệnh.
-Vâng, trước khi nhận lời sang quý quốc, tôi đã hỏi rõ. Tôi nhận lời vì biết có thể điều trị được. Tôi chỉ thắc mắc về vấn đề âm dương. Mà vấn đề này chỉ có thể được định đoạt khi tôi tiếp xúc với con bệnh.
-Lạ thật, đây là lần thứ nhất tôi nghe nói đến nhân điện cực âm và nhân điện cực dương. Tôi cứ tưởng là thày thuốc thôi miên có thể điều trị được mọi tâm bệnh.
-Thôi miên áp dụng vào y lý là 1 khoa học thần bí không kém Tử vi đẩu số của Trần Đoàn đời nhà Tống. Ông có thể cho biết bà nhà tuổi gì không ?
-Kim-My ấy à ? Người đàn bà này không phải là vợ chính của tôi, vì chẳng giấu gì ông, tôi có rất nhiều thê thiếp, và nàng là người thiếp mà tôi quý nhất.
-Dạ, tên bà nhà là Kim-My, thế còn tuổi bà nhà là tuổi gì ?
-Điều ông hỏi làm tôi sửng sốt. Tuổi của con bệnh có liên hệ gì đến kết quả điều trị hả ông ?
-Thưa, rất quan hệ. Đôi khi nhân điện của thày thuốc khuynh loát được nhân điện của con bệnh, nhưng chứng bệnh vẫn dây dưa, chưa chịu thối lui. Đây là vấn đề ngũ hành tương sinh hoặc tương khắc, và vấn đề thập can phối hợp như trong Tử vi. Nếu bà nhà mệnh kim, mà ông mệnh hỏa thì có sự tương khắc như ông tuổi Giáp mà bà nhà tuổi Mậu vậy. Kể ra, còn 1 số trở ngại khác nữa về phương diện siêu hình. Bởi vậy, bà nhà chỉ có thể bình phục hoàn toàn nếu …
-Vâng, tôi xin cho ông biết số tuổi của chúng tôi. Nàng và tôi đều tuổi Ngọ, tôi lớn hơn nàng 36 tuổi. Ông cần hỏi gì nữa không ?
-Đại diện của ông tại Luân đôn chỉ nói đại để rằng bà nhà mắc 1 tâm bệnh sinh lý, có thể gọi là “bệnh lạnh lùng”, † nghĩa là bà nhà không bằng lòng cho ông …
Tướng Kan-Yeh xua tay :
-Không phải vậy. Bảo rằng nàng yêu tôi e không đúng, song nàng cũng không hề ghét tôi. Nàng thỏa thuận về Bắc kinh chung chăn xẻ gối với tôi, chứ khôngbị cưỡng ép. Nhưng chẳng hiểu sao, … chẳng hiểu sao nàng trở nên lạnh lùng ngay trong đêm đầu tiên, đêm động phòng hoa chúc.
Cặp mắt Kan-Yeh có vẻ mơ màng. Hắn ngồi bất động nhìn vào khoảng không. Cử chỉ thẫn thờ này chứng tỏ hắn yêu nàng tha thiết. Già chơi trống bỏi thường si tình, nhưng bệnh si tình của tướng Kan không sỗ sàng và phi lý như ở những ông già cùng tuổi. Hắn yêu nàng bằng mối tình nồng cháy của tuổi đôi mươi, và nếu cần hắn có thể hy sinh tính mạng, hy sinh tất cả vì nàng.
Giọng nói của Kan-Yeh ấm hẳn lại :
-Vâng, không hiểu sao nàng trở nên lạnh lùng ngay trong đêm động phòng hoa chúc. Chúng tôi sửa soạn thành thân với nhau, tôi đã ôm chặt lấy nàng thì đột nhiên tay chân nàng run lẩy bẩy, thân thể nàng đang nóng hổi bỗng lạnh ngắt như bị ngâm trong hồ nước đá. Tôi tưởng nàng sợ nên tìm cách vỗ về và mơn trớn nàng. Nhưng tay chân nàng run thêm và thân thể nàng lạnh thêm. Tôi cho gọi y sĩ đến chẩn mạch thì y sĩ nói là nàng bị xúc động mãnh liệt, cần được nghỉ ngơi và uống thuốc an thần. Tôi đành dằn lòng chờ đợi, song đến sáng hôm sau, nội ngày hôm sau, và cả đêm hôm sau nàng vẫn rét run như cũ. Khi tôi ngồi bên thì nàng vẫn bình thường, chỉ khi tôi cởi bỏ quần áo, và nằm xuống với nàng mới run rét. Đêm hôm sau tôi định làm đại, vì y sĩ cho biết đối với phụ nữ yếu thần kinh, cần có biện pháp mạnh, tiếp theo biện pháp yếu. Nhưng tôi vừa mó vào da thịt nàng thì tức thời nàng co rúm người lại và kêu thét lên. Một lần nữa, tôi đành hoãn bỏ cuộc vui và giao nàng cho y sĩ.
Nàng điều trị được gần 1 tháng thì y sĩ bố trí cho chúng tôi động phòng trở lại. Nhưng cũng như đêm đầu, tôi chẳng làm ăn gì được. Tệ hơn nữa là tôi đụng vào người nàng thì nàng bị cấm khẩu, ba bốn ngày sau mới nói lại được như cũ. Tôi đã mời rất nhiều danh y cổ truyền và thái tây trên lục địa đến tận đây để chữa bệnh cho nàng. Nhưng kết quả vẫn chẳng đi tới đâu. Căn bệnh của nàng còn gia tăng hơn nữa.
-Ông vẫn tiếp tục tìm cách ăn nằm với nàng, phải không ?
Tướng Kan-Yeh xua tay :
-Không, không phải vì tôi cưỡng bức mà nàng đau nặng thêm. Tôi nói ra, chắc chắc ông hiểu nhưng sự thật là tôi yêu nàng thành thật, tôi yêu nàng hơn cả tính mạng tôi nữa mặc dầu tôi đã ở lục tuần, đã từng biết hàng vạn phụ nữ đẹp. Nếu Kim-My ghét bỏ tôi thì chẳng nói lắmgì, đằng này nàng lại có thiện cảm với tôi. Thoạt đầu, tôi tưởng nàng bị kẻ thù ếm ngải hoặc chích độc dược, nhưng giờ đây tôi có thể xác nhận rằng chứng bệnh lạnh lùng của nàng do tôi gây ra. Vâng, do tôi gây ra 1 cách vô tình. Vì vậy, tôi có bổn phận chữa cho Kim-My khỏi bệnh dầu phải hy sinh đến nhân mạng.
Văn Bình hơi sửng sốt :
-Thưa ông, chữa bệnh chứ có phải giết người đâu mà hy sinh nhân mạng ?
Kan-Yeh thở dài đau đớn :
-Ông chưa hiểu hết nên băn khoăn như vậy. Cách đây không lâu, tôi phái nhân viên xuống tận vùng rừng núi Vân nam để rước 1 ông thày thuốc châm cứu thật giỏi. Y chuyên dùng 1 túi đựng mọi thứ kim bằng vàng và bạc, bất cứ tâm bệnh nào y cũng điều trị bằng kim đun nóng hoặc ủ thật lạnh và khi châm cứu thì dúng đầu kim vào máu. Muốn được thập phần linh nghiệm phải dúng vào máu người. Tuy nhiên, y phải lấy máu súc vật thay thế. Đối với Kim-My, tôi sẵn sàng làm mọi việc, huống hồ chỉ cung cấp máu người.
-Ồ, ở Hoa lục có ngân hàng máu ư ? Ở Âu châu cần dùng hàng chục chai máu cũng có ngay.
-Ông lầm rồi. Đây không phải là máu của ngân hàng máu, mà phải là máu của người còn sống.
-Thì có gì khó khăn đâu, người công dân nào lại từ chối không biếu bà nhà 1 ống máu.
-Khổ quá, ông vẫn hiểu lầm như cũ. Thuật châm cứu của ông thày thuốc Vân nam này thật kỳ quái. Cây kim phải được dúng vào máu của người vừa chết thì mới thích hợp. Nhưng chết bệnh không được, phải chết bằng nguyên nhân khác như chết chém, chết bắn chẳng hạn.
-Trời ơi !
-Chẳng sao đâu. Ông nghĩ coi, phạm nhân tử hình trong khám thiếu gì, nếu cần tôi có thể cho giải đến đây cả ngàn đứa. Tôi đã sai giết 5 tên tử tội để hứng máu. Tôi đinh ninh Kim-My được bình phục, không ngờ nàng nhìn thấy máu lại thờ thẫn và âu sầu thêm. Ông thày thuốc châm cứu này là hy vọng cuối cùng của tôi. May thay tôi nghe nói đến ông. Nếu ông thất bại, có lẽ tôi sống không nổi nữa.
-Xin ông yên tâm, tôi xin cố gắng hết mình. Giờ này, nếu bà nhà còn thức, tôi xin phép được đến yết kiến để thăm bệnh.
Tướng Kan-Yeh ngần ngừ 1 phút rồi nói :
-Từ mấy ngày nay, tôi không dám vào phòng Kim-My nữa, vì hễ thấy mặt tôi là nàng nổi cơn kinh phong, miệng méo xẹo, tay bắt chuồn chuồn và mắt trợn ngược. Trăm sự nhờ ông … ông cố chữa cho nàng. Sau này tôi không dám quên ơn.
Kan-Yeh nói bằng giọng thiết tha và thành thật. Nếu là người đa cảm, chưa thạo nghề đóng kịch điệp báo, Văn Bình khó cầm được nước mắt. Chàng thừa biết là hắn sẽ không cho chàng ra khỏi trung tâm M.9. Dầu Kim-My bình phục hay không, Kan cũng sẽ giết chàng để bảo toàn bí mật. Tuy nhiên, chàng không thể dửng dưng, sợ hắn nghi ngờ. Chàng bèn giả giọng bùi ngùi, khóe mắt hơi đỏ :
-Một lần nữa, tôi xin cam kết cố gắng hết mình. Tôi là thày thuốc tất phải nhận tiền thù lao, nhưng đối với ông cũng như đối với chính phủ Trung hoa thì thù lao chỉ là vấn đề phụ.
Tướng Kan-Yeh mỉm cười đứng dậy. Hắn ra hiệu cho chàng đi theo sang phòng bên. Phòng này cũng được trang trí bằng đồ cổ đắt tiền. Trong khi thời tiết bên ngoài lạnh thấu xương, không khí tại đây vẫn luôn luôn dễ chịu. Những bộ bàn ghế trong phòng có thể đem trưng bày tại viện bảo tàng vì ít nhất đã được chế tạo từ đời Tống do thợ mộc khéo tay ở Sơn đông làm. Về giá trị, 1 triệu đôla còn rẻ. Song le, Văn Bình không mấy quan tâm mặc dầu chàng là người gắn bó với nghệ thuật sưu tầm đồ cổ đông phương. Chàng không mấy quan tâm vì tướng Kan vừa mở cửa ra 1 hành lang rộng, trên tường 2 bên treo toàn danh họa. Không phải danh họa Trung hoa mà là danh họa Trung cổ Âu châu. Cũng không phải tác phẩm của nhiều danh họa như chàng thường thấy trong tư thất của giới vua dầu hỏa, vua thép, vua đóng tàu, vua thực phẩm, vua chiếu bóng quốc tế.
Các bức tranh lớn nhỏ đủ cỡ treo kín 2 bên hành lang. Toàn thể đều vẽ 1 thiếu phụ đẹp, diện mạo thùy mị, đoan trang và kiều diễm, đang đứng thẳng, 2 bàn tay chắp vào nhau do nét thần bút của Léonard de Vinci họa nên. Bất cứ ai hâm mộ họa phẩm đều phải biết đến De Vinci, và biết đến bức tranh thiếu phụ nổi tiếng này. Người ta gọi đó là bức họa Joconde, trị giá cả 2 triệu đôla. Hai bức tường hành lang chỉ treo rặt 1 họa phẩm Joconde. Văn Bình nhẩm đếm trên tường bên trái chừng 50 bức. Và trên tường bên phải chừng 70 bức. Sau khi nhẩm đếm, chàng cảm thấy lạnh gáy. Cái hành lang dưới hầm M.9 này đã chứa kho tàng họa phẩm Joconde lớn nhất thế giới, đầy đủ nhất thế giới. Theo chỗ chàng biết, họa sĩ Vinci đã vẽ nhiều bức Joconde, chứ không phải 1 bức. Các chuyên viên quốc tế đã thống kê được cả thảy … 61 bức do chính Vinci vẽ (2). Đó là những bức họa thật. Còn những bức họa giả được cảnh sát khám phá ra 500 năm sau ngày De Vinci từ trần đã lên đến mấy trăm. Tường bên trái treo 50 bức họa thật, còn tường bên phải treo 70 chục bức họa giả. Tính sơ theo thời giá cũng khoảng … 20 triệu đôla.
Văn Bình được biết chính quyền Hoa lục tung ra hàng trăm triệu đôla trên thị trường mỹ thuật thế giới để mua bằng được những tác phẩm nổi danh. Mục đích của họ là để sau này thao túng thị trường. Họ cũng nhằm mục đích điệp báo : các lái buôn tranh có thể ngao du tự do khắp nơi mà ít bị nghi ngờ, các khung họa phẩm, các bức tượng còn là nơi giấu kín tài liệu kín đáo và an toàn. Trên thực tế, quốc tế Tình báo Sở đã mở khóa huấn luyện đặc biệt đào tạo 1 số chuyên viên họa phẩm.
Ông tổng giám đốc MI-6 gởi chàng sang Bắc kinh là để tiếp nhận tài liệu và tin tức tối mật. Một công đôi ba việc, nếu có cơ hội thuận tiện, chàng sẽ không quên tặng khu chứa quí vật của tướng Kan-Yeh 1 mồi lửa. Tình báo Sở đang lâm vào cảnh kẹt tiền, họ sẽ trở thành bất lực nếu đầu hôm sớm mai bị mất mấy chục triệu họa phẩm đắt giá. Tướng Kan vẫn thản nhiên dẫn chàng qua hành lang treo các họa phẩm độc đáo. Hắn thản nhiên vì tiền bạc đối với hắn là cỏ rác. Chàng cũng phải làm bộ thản nhiên vì thầy thôi miên Rô-bơn không sành về danh họa.
Một bức Joconde lớn, khung bằng vàng khi óng ánh, chặn ngang hành lang. Té ra đây là ngõ cụt. Cuối hành lang là tường. Tuy nhiên, Văn Bình biết chắc bức tường bê tông này chỉ có tính chất giả tạo, và phía sau còn có 1 hành lang khác. Chàng đoán không sai, tướng Kan-Yeh dừng lại, ngay khi ấy khung ảnh rực rỡ được kéo rút lên trần nhà. Phía sau khung ảnh, Văn Bình thấy 1 tấm gương mờ. Trong chớp mắt, tấm gương mờ trở thành trong suốt. Thì ra tấm gương này là 1 cánh cửa điện tử giúp người đứng ngoài quan sát được hết mọi vật trong phòng. Một số phòng đợi của y sĩ và nhà tiên tri, đặc biệt là những y sĩ và nhà tiên tri không đứng đắn thường được trang bị loại cửa gắn kiếng 2 chiều nghĩa là loại kiếng mà 1 phía là gương soi, còn phía kia là kiếng trong suốt. Gần đây, nhiều chủ khách sạn lưu manh cũng cho gắn kiếng 2 chiều để quay phim trai gái làm trò con heo trong phòng. Tại Ba lê, Văn Bình từng giả làm bệnh nhân sinh lý thích ngắm thiên hạ ân ái để mua vé vào 1 lữ quán trong xóm Mông mác, quan sát nam nữ làm tình như đi xem xi nê, cứ mỗi cuộc vui chơi xem cho mãn nhãn như vậy chỉ trả có 5 phật lăng mới. Tuy nhiên, tấm gương sừng sững trước mặt chàng lại không thuộc loại kiếng 2 chiều thông thường. Nó là kiếng điện tử. Nó được nối liền với 1 máy vô tuyến truyền hình, mọi việc xảy ra bên trong đều được chụp hình và chiếu lên tấm gương, và tùy theo cách chiếu ở ống ảnh, người ở bên ngoài có thể nhìn rõ cả lỗ chân lông của người bên trong.
Tướng Kan-Yeh bấm nút. Trên khung kiếng hiện ra 1 cái bàn nhỏ, và 2 người đàn bà. Đúng ra, 2 người con gái. Họ đang đánh cờ. Cô gái bên trái, chàng biết chắc là Kim-My vì nàng có sắc đẹp thiên kiều bá mị ngoài sức tưởng tượng. Cô gái ngồi bên phải là tì nữ vì nhan sắc thua kém rõ rệt, cách phục sức cũng giản dị. Song dầu là kém đẹp, và ăn mặc kém khêu gợi, kém sang trọng, cô tì nữ này đã thừa chất từ thạch để thu hút đàn ông. Nàng trạc 15, 16 tuổi, tóc kết bím thả thòng xuống lưng có để lộ cái gáy trắng như ngó sen, lưng nàng lại để hở phía trên khiến chàng nhìn được bờ vai tròn trịa và ngon lành. Nhưng tròn trịa và ngon lành hơn hết là bộ ngực. Một bộ ngực luôn luôn nhô ra như muốn thách thức với trời đất. Bỗng cô gái hầu lùi 1 nước xa rồi lắc đầu :
-Thưa cô, em chịu thua.
Kim-My ngước mắt cô gái hầu :
-Lạ thật, em đánh cao như vậy mà đêm nay cứ thua hoài.
-Em xin khất cô đến mai. Đêm nay, theo lệnh của tướng Kan, em phải sửa soạn cho cô đi ngủ sớm.
-Chị ghét đi ngủ sớm, em không biết ư ?
-Thưa cô, vì có ông thày thuốc từ ngoại quốc đến.
-Để làm gì ?
Kim-My lặng người trong 1 phút. Nàng nhắm nghiền mắt lại, rồi dựa lưng vào thành ghế. Chỉ riêng cái ghế này cũng đủ tiền cho 1 gia đình tậu đất vào mua sắm vật liệu để xây cất cái bin đinh 5 tầng ở Sàigòn. Vì nó được bọc bằng lông chồn trắng, thứ chồn ngự hàn sinh sống trên băng tuyết hoang vu Tây bá lợi á.
Kim-My ngoảnh mặt về phía Văn Bình. Mắt nàng thuộc loại uyên ương nhãn, mình mắt cong tròn, khóe mắt dài và nhọn. Uyên ương nhãn là mắt của các bậc mệnh phụ phu nhân. Chỉ phiền 1 điều là đa dâm, rất mực đa dâm. Mắt đa dâm mà mắc bệnh lạnh lùng, đó thật là 1 chuyện lạ. Nhan sắc của Kim-My cũng tiêu biểu cho sự đa dâm tột độ. Da nàng không trắng xanh, trắng ốm yếu, trắng yểu tướng, mà là trắng hồng hào, trắng khỏe mạnh, trắng sống lâu. Eo nàng, mông nàng, vai nàng, ngực nàng phải được liệt vào hạng siêu đẳng, nghĩa là bộ phận nào đáng mỏng thì mỏng tối đa, bộ phận nào đáng dầy thì dầy tuyệt đỉnh. Không riêng cặp mắt, chân mày của nàng cũng là 1 chứng tích rõ rệt của tình yêu xác thịt : chân mày uốn cong theo mắt, đều mà dài, và lấn cả lên vầng trán. Như vậy là mày tầm xuân, đàn ông thì có số đào hoa, đàn bà thì yêu cuồng sống vội. Tuy nhiên, không yêu cuồng sống vội hạ cấp mà là thuộc đẳng cấp thượng lưu quyền quý.
Văn Bình phải trấn tĩnh để trái tim khỏi đập mạnh Chàng đã yêu nhiều, đàn bà đã ngã vào vòng tay chàng kể đến hàng ngàn, vậy mà chàng còn xao xuyến. Huống hồ Kan-Yeh, 1 gã đàn ông hiếu sắc đã xấp xỉ lục tuần. Kim-My đẹp thật. Nếu nàng mắc bệnh lạnh lùng thì tạo hóa đã tỏ ra bất công quá đáng. Nhưng biết đâu, nàng chỉ lạnh lùng với tướng Kan-Yeh, còn đối với chàng thì không ?
Tướng Kan ghé miệng vào tai chàng :
-Ông thấy nàng ra sao ?
Chàng đáp :
-Tôi rất sửng sốt vì bà nhà không có triệu chứng nào là mắc bệnh.
Kan-Yeh định hỏi tiếp bỗng nín lặng, mắt như đổ lửa. Sau tấm gương trong suốt, 1 quang cảnh giật gân đang diễn ra. Đàn ông, nhất là đàn ông đa tình còn sung sức, không thể quay mặt đi chỗ khác. Kim-My từ từ đứng dậy. Nàng uốn éo thân hình mềm mại từ đầu đến chân và lôi cuốn như vũ nữ thoát y trên sân khấu trình diễn ở Ba lê. Nàng bắt đầu thay quần áo để ngủ. Định mạng oái oăm đã khiến nàng nhìn thẳng vào tấm gương trong khi cởi bỏ chiếc sường sám bằng tẹc gan dầy màu hồ thủy. Văn Bình nín thở theo dõi từng cử động của nàng. Chàng chỉ sợ Kan-Yeh tắt máy truyền hình đột ngột, nhưng trong khi ấy hắn vẫn mê man dán mắt vào khung kiếng.
Trời đất ơi, sau áo sường sám Kim-My chẳng mặc gì hết. Nàng đứng dang tay ra cho tỳ nữ choàng áo ngủ. Chàng có linh tính là Kim-My chần chừ để được ngắm nghía. Tạo hóa thường phú cho đàn bà những cặp mắt vô hình có thể nhìn thấu qua tường bê tông cốt sắt. Nàng nhoẻn miệng cười rồi khép tà áo ngủ. Chao ôi, máu trong người Văn Bình sôi lên sùng sục. Nếu Kan-Yeh không đứng bên, chàng đã vận công đấm nát khung kiếng, xông đại vào phòng. Đến đâu thì đến, chàng bất chấp hậu quả.
… Nhưng hậu quả đã xảy ra mà chàng là nạn nhân. Tướng Kan-Yeh thét lên 1 tiếng “khổ quá”, 2 bàn tay đấm mạnh vào nhau nghe chát rồi xồ tới xiết lấy cổ chàng. Dầu Kan hành động chớp nhoáng, chàng vẫn có thể tránh đòn, nhưng không hiểu sao chàng lại dại dột vươn cổ ra để lãnh miếng võ chẹn họng hiểm ác của tướng Kan. Hắn bóp quá mạnh làm chàng suýt ngộp thở. Chàng vội gồng gân cổ lên và mở rộng miệng để thở. Kan vẫn tiếp tục xiết chặt cổ chàng, đau quá chàng phải rùn mình xuống rồi xô hắn ra. May thay hắn buông 2 tay, trợn mắt nhìn chàng rồi lùi lại, người lảo đảo, miệng lắp bắp :
-Tôi lỡ tay. Thành thật xin lỗi ông.
Rượu khích dâm ôhimbê đã biến Kan-Yeh thành kẻ sát nhân. Hắn đã giết nữ bí thư Tsoong-ha trong 1 phút cuồng điên. Hình ảnh người đẹp trần truồng bốc lửa vừa bắt hắn cuồng điên trở lại. Nếu kém nội công, Văn Bình đã thiệt mạng. Kan-Yeh xòe bàn tay ra ngắm nghía, vẻ mặt hoảng hốt :
-Tôi chẹn cổ ông, phải không ? Khổ quá, tôi đâu muốn thế, ông tha lỗi cho tôi nhé.
Văn Bình an ủi hắn :
-Ông lo nghĩ thái quá nên thần kinh bị mất thăng bằng. Đề nghị ông về phòng nghỉ, tôi sẽ chữa cho bà nhà khỏi bệnh.
Kan-Yeh nắm cổ áo chàng hỏi dồn :
-Thật không ông ?
Văn Bình đáp :
-Thật. tôi đã bảo là ông đừng lo ngại gì cả. Nội ngày mai, sẽ có tin mừng cho ông.
Kan-Yeh ngậm thinh, vẻ mặt buồn vô hạn. Hắn vừa nghĩ đến nữ bí thư Tsoong-ha. Nàng không còn sự phơi phới và căng cứng của tuổi đang xuân nữa, nhưng vẫn còn sức lôi cuốn. Nàng đã thiệt mạng oan uổng. Suýt nữa hắn lỡ tay giết chết viên y sĩ thôi miên mà hắn mất bao tiền của và tâm cơ để đưa từ Luân đôn về Bắc kinh. Rô-bơn chết, tất người đẹp ngàn vàng của hắn phải chết.
Kan-Yeh dẫn Văn Bình qua hành lang treo đầy tranh đắt tiền của danh họa De Vinci và trở lên căn phòng tường lót ni lông màu xám ngăn tiếng động. Tên vệ sĩ mặt sần sùi bước vào, kính cẩn đợi lệnh. Kan quay lại phía Văn Bình :
-Tôi không được khỏe nên đành cáo lỗi. Cho dẫu tôi khỏe, tôi không thể đưa ông đến gặp Kim-My. Vệ sĩ của tôi sẽ mời ông đến tư thất của Soe-Fuk. Soe-Fuk là nữ quản gia tin cậy, nàng sẽ thay tôi giải quyết mọi việc.
Tên vệ sĩ khúm núm hỏi Kan bằng giọng thật nhỏ, như thể nói lớn thì chủ nhân bị điếc tai :
-Thưa, tôi có phải truyền lệnh gì của ông cho bà Soe-Fuk không ?
Tướng Kan lắc đầu :
-Không. Giờ này bà Soe đang chờ. Tao sẽ gọi điện thoại ngay để báo tin.
Văn Bình theo tên vệ sĩ ra khỏi Thiên trà đường. Chàng lặng lẽ đạp giày trên sân cỏ non êm ái. Mọi ánh đèn đều tắt nhưng chàng nhận ra lối đi dễ dàng nhờ những mũi tên lớn vẽ bằng sơn lân tinh trên thân cây 2 bên. Quanh co 1 hồi, tên vệ sĩ dừng lại trước 1 tòa nhà trệt khác. Từ bụi rậm đen sì bên trái vẳng ra 1 tiếng quát ngắn. đó là tiếng quát hỏi mật khẩu. Ban đêm, trang trại M.9 của tướng Kan-Yeh được bố phòng hết sức cẩn mật, nếu không có Soe-Fuk làm nội tuyến, chàng không biết làm cách nào thoát khỏi.
Bất giác chàng hình dung tới Soe-Fuk. Ông tổng giám đốc tình báo Anh quốc tài thật ! Gài được nhân viên trong M.9 đã là chuyện khó khăn như đội đá vá trời, gài được Soe-Fuk làm nhân viên thân tín số một bên cạnh tướng Kan-Yeh mới là chuyện khó khăn vô tiền khoáng hậu. Ông tổng giám đốc M. nói là Soe-Fuk đã lớn tuổi song vẫn còn đẹp. Nếu nàng không mắc bệnh bán thân bất toại thì chắc chắn đã không bị tướng Kan-Yeh dùng làm nữ quản gia.
Lúc đó tên vệ sĩ đáp ngắn :
-DM.13.
Văn Bình mỉm cười 1 mình trong bóng tối. DM.13 được dùng làm mật khẩu chính là tên gọi 1 loại máy vi âm nhỏ do công ty Nhật Akai chế tạo. Chàng được biết mọi cơ quan trong M.9 đều mang tên các số hiệu Akai. Tòa nhà của Soe-Fuk được mệnh danh là 1710L, 1 loại máy thâu băng Akai.
Tiếng nói trong bụi rậm lại vọng ra :
-Có khách phải không ?
Tên vệ sĩ đáp :
-Phải.
-Anh đưa khách vào Tụ nghĩa đường rồi trở ra.
Lần này Văn Bình muốn cười to hơn. Hết Thiên trà đường giờ đến Tụ nghĩa đường như thể trung tâm chứa gái non của Tình báo Sở là cứ địa của anh hùng Lương Sơn Bạc ngày trước. Mọi ngọn đèn được bật sáng 1 lượt làm Văn Bình chóa mắt. Tụ nghĩa đường là 1 ngôi nhà bát giác nằm khuất sau 1 khu rừng tùng nhỏ, những thân cây cao vút giăng đầy bóng đêm đã che kín tầm quan sát của chàng. Ngôi nhà bát giác được xây trên 1 cái bệ tròn, muốn lên đến nơi phải dùng cầu thang trôn ốc. Lối kiến trúc lai căng cổ kim này Văn Bình mới thấy lần đầu. Nó nhằm mục an ninh hơn là thẩm mỹ. Nhìn kỹ, tòa nhà 8 mặt và cầu thang xoáy này không xấu, song cũng không lấy gì làm đẹp. Nó có cái lợi là kiểm soát được dễ dàng và hữu hiệu. Trừ phi có súng badôka bắn sập lô cốt, chứ nếu muốn trèo lên cầu thang thì dễ chết như chơi. Hàng hiên trên lầu được che kín, chỉ để hở những lỗ vuông nhỏ, chắc để đặt súng. Nền lầu cách mặt đất gần 5 thước, cho dẫu vận dụng khinh công tuyệt đỉnh chàng không có hy vọng lên nổi.
Khi lên hết cầu thang trôn ốc, xô cửa vào trong tòa lầu bát giác, Văn Bình quay lại thì không thấy tên vệ sĩ quen thuộc đâu nữa. Đèn bên ngoài cũng đã tắt hết. trong lầu chỉ còn 1 cây đèn duy nhất. Đó là ngọn bạch lạp đồ sộ như cổ chân, cắm trên miệng 1 độc bình xứ. Cả độc bình lẫn ngọn nến trắng này cao đúng 2 thước. Văn Bình chưa kịp lên tiếng thì cánh cửa sắt nặng nề bỗng khép lại như có ma. Chàng cố sức mở song nó vẫn trơ trơ. Té ra nó được điều khiển bằng điện. Tòa lầu bát giác trống trơn, không có đồ đạc. Ngoại trừ cây đèn khổng lồ đang tỏa ánh sáng, Văn Bình không thấy gì nữa. Chàng cảm thấy lành lạnh trong người. Đây là Tụ nghĩa đường ư ? Tụ nghĩa đường hay là lò sát sinh ? Vì nếu là phòng khách tại sao không có cửa vào bên trong cánh cửa độc nhất đã bị đóng chặt. Văn Bình có cảm tưởng là bị Kan-Yeh lừa. Kan đã khám phá ra chân tướng của chàng và dùng thủ đoạn giam giữ chàng trong cái xà lim bê tông cốt sắt kiên cố này ?
Chàng đang suy nghĩ thì có tiếng rè rè nổi lên.
Một cánh cửa bí mật trên nền nhà được mở ra để lộ 1 ô vuông. Thì ra Tụ nghĩa đường chỉ là phòng đợi trước khi xuống hầm. Tất cả các cơ sở quan trọng của M.9 đều được xây giấu dưới đất. Điều này, chàng đã biết, tuy nhiên chàng không ngờ 1 sự bố trí công phu, cẩn mật và khoa học nhường ấy. Muốn xuống hầm cũng phải dùng cầu thang trôn ốc. Dưới hầm đèn mở sáng trưng như ban ngày. Chàng vừa đặt chân xuống nấc thang đầu thì nghe giọng nói ngọt ngào song hách dịch của 1 thiếu phụ mà chàng đoán là ở tuổi trung niên :
-Ông có giỏi võ không ?
Văn Bình đảo mắt tứ phía. Dưới hầm cũng trống trơn như trên tòa lầu bát giác. Tiếng nói được cất lên rất gần, như ở bên tai chàng. Chàng nhận thấy những cái loa vi âm tròn gắn chìm trong bê tông. Tướng Kan là đệ tử của Akai có khác : loa vi âm này cũng do hãng Akai sản xuất nên giọng ấm và trầm. Người đàn bà vừa nói không biết ngồi đâu. Nàng thấy chàng song chàng không thấy nàng. Nàng bắt chuyện với chàng bằng hệ thống vi âm :
-Ông có giỏi võ không ?
Câu hỏi ngắn của thiếu phụ giáng vào đầu Văn Bình như cú atémi khiến chàng choáng váng. Từ nhiều năm nay, chưa ai dám hỏi chàng 1 cách miệt thị như vậy. Máu nóng sôi lên, chàng đứng lì trên bậc thang, không chịu bước xuống nữa. Vẫn giọng thiếu phụ, song giờ ây có vẻ châm biếm gần như chọc tức :
-Ông sợ hả ?
Văn Bình hỏi lại, giọng tức bực ;
-Sợ gì ?
-Sợ chết. Tôi không dè ông lại là đàn ông sợ chết. Bình sinh tôi chỉ tiếp những người đàn ông can đảm.
-Bà là ai ?
-Ông hãy trả lời câu hỏi đầu tiên của tôi nếu muốn tôi trả lời câu hỏi của ông. Ông có giỏi võ không ?
-Tôi cũng biết qua loa vài ba môn quyền cước.
-Vậy ông không nên xuống đây.
-Tại sao ?
-Ông đừng tìm hiểu mất công. Tôi đã điều khiển cho cửa điện trên Tụ nghĩa đường mở ra. Xuống vườn sẽ có nhân viên dẫn ông về phòng riêng nghỉ ngơi. Đến sáng mai, ông sẽ được mời đến gặp bệnh nhân Kim-My.
-Bà là nữ quản gia Soe-Fuk ?
-Phải. chào ông.
-Tướng Kan yêu cầu tôi đến gặp bà để bàn chuyện.
-Phải, ông ta vừa điện thoại cho tôi. Nhưng tôi chỉ có thể dành cho ông 5 hoặc 10 phút đàm luận nếu ông là võ sĩ hữu hạng.
-Để làm gì, thưa bà ?
-Để hiểu.
-Thôi, tôi xin can bà. Tôi cất công từ Luân đôn sang đây không phải để đấu võ.
-Tôi biết. Và tôi cũng không thể tiếp rước những người đàn ông rát như cáy.
Văn Bình thở dài :
-Vâng, tôi xin nghe lời bà. Bà đã dồn tôi hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan. Nhưng tôi đặt điều kiện trước : tôi không đấu quyền với phụ nữ.
-Dĩ nhiên. Trời nặn ra phụ nữ là để làm đẹp cho cảnh vật chứ không phải để múa võ. Mời ông xuống hết thang.
Cánh cửa ăn thông nhà hầm với tòa lầu bát giác đóng xập lại. Đèn lại tắt. Nhà hầm tối như bưng. Thủ đoạn vặn đèn, tắt đèn để áp đảo đối thủ đã trở nên quá quen thuộc đối với Văn Bình. Theo kinh nghiệm, chàng ngồi thụp ngay xuống, dồn nguyên khí lên mắt để tìm cách chọc thủng bóng tối dày đặc. Mắt chàng sáng như có tia hồng ngoại nhưng vẫn chẳng nhìn thấy được gì. Tuy vậy, chàng đánh hơi biết kẻ địch sắp đến. Địch là ai, sức khỏe và võ nghệ ra sao, chàng chưa biết. Địch dùng tay không hay khí giới, chàng cũng chưa biết.
Chàng nghe một luồng gió cực mạnh từ bên trái cuộn tới. Nhanh như điện, chàng nhoài người trên nền hầm. Kẻ địch là 1 khối thịt đen ngòm, có lông lá xù xì, bề ngang cũng như bề cao đều gấp rưỡi chàng. Chàng chỉ thấy lờ mờ nhưng không thể không thấy cái miệng đỏ hỏn, và cái lưỡi đỏ hỏn của địch. Cái miệng loe rộng và lớn như cái ống nhổ đặt trong tiệm ăn của xứ con Trời. Cái lưỡi thè lè, dài gần bằng trái núc nắc. Địch từ phía trái nhảy bổ vào người chàng. Địch phải cao trên 2 mét. Và ít ra phải cân nặng 150 kí. Trong khi phi thân lại địch đã vung 2 tay ra, những cánh tay chắc nịch và dài ngoằng. May mà Văn Bình đã kịp thời nằm dán mình trên sàn, nếu không miếng đòn sơ kiến này đủ làm chàng trọng thương.
Phản ứng thần tốc của Văn Bình làm địch bị hụt đòn. Địch nhào vào góc hầm bên phải, đứng vụt dậy rồi phóng lại lần nữa. Miệng địch tuôn ra những âm thanh ồm oàm, không ra tiếng nói của người, cũng không ra tiếng nói của giống vật.
Vì kẻ địch vừa tấn công đột ngột Văn Bình không hẳn là người, cũng không hẳn là vật. Nó là đười ươi. Một con đười ươi có sức mạnh phi thường của Quốc tế Tình báo Sở.
Chú thích:
(1) Dường như Nguyệt môn này vẫn còn ở trong khu hoàng thành cũ gần Bắc kinh. Một nhà du lịch tên Ripley đã chụp được hình Nguyệt môn đăng báo.
(2) danh họa Léonard de Vinci ( 1452 – 1519 ) của đường phái Phục hưng Ý nổi tiếng nhờ bức họa la Joconde, vẽ nàng Mona Lisa. Trên thực tế, De Vinci chỉ vẽ 2 bức, còn các bức khác là do học trò của ông vẽ, đó là chưa kể đến những bức giả của bọn con buôn và lưu manh về nghệ thuật

Chương trước Chương sau