Kẻ mạo danh - Chương 11

Kẻ mạo danh - Chương 11

Kẻ mạo danh
Chương 11

Ngày đăng
Tổng cộng 14 hồi
Đánh giá 9.7/10 với 12135 lượt xem

Chánh án Burton Elmer bước vào phòng xử và đứng trước bàn, người thư ký tòa tuyên bố tòa bắt đầu họp. Các khán giả thấy Biện lý Hamilton Burger ngồi bên người phó của mình, ông Harrison Flanders.
Các lời bàn tán xôn xao khắp mọi nơi như pháo ran. Họ nói rằng đây là vụ án mà thân chủ của Perry Mason sẽ bị kết án có tội, chắc chắn rằng luật sư không thể thắng được trong vụ này. Sự buộc tội coi như chắc chắn và không hề một chút nghi ngờ gì là vụ án sẽ được dưa lên Tòa thượng thẩm sau khi xử sơ khơi tại tòa Chánh án Elmer.
Hơn thế nữa người ta còn đồn rằng ngay khi có án lệnh buộc tội bị cáo do Chánh án Elmer đưa lên Tòa thượng thẩm thì Perry Mason có thể cũng bị buộc tội che giấu bằng chứng và các thủ tục sẽ được tiến hành chống lại ông ta.
Một trong những nhà báo còn đi xa hơn nữa là tiên đoán trên tờ báo buổi sáng là vụ án tại tòa Elmer chỉ diễn ra khoảng hai tiếng đồng hồ và trước khi đêm xuống vị luật sư sẽ thấy mình cũng ở trong tình trạng khó khăn giống hệt như thân chủ.
Cung cách của Hamilton Burger cho thấy sự trang nghiêm của một người đang thi hành xét xử vụ án mà kết quả chỉ có thể đưa đến án tử hình.
- Nhân dân chống Susan Fisher. - Chánh án Elmer nói.
- Bên Nhân dân sẵn sàng. - Harrison Flanders nói.
- Bên Bị cáo sẵn sàng. - Mason nói.
Flanders tiến hành với sự khéo léo của một biện lý kỳ cựu, đặt nền tảng cho vụ án. Ông ta đưa ra bằng chứng phạm tội, sự khám phá ra xác chết của Ken Lowry trong khoảng thời gian ngắn sau khi bị giết chết, các bản đồ và sơ đồ chính xác vị trí nơi khám phá, sự nhận dạng tử thi của một người thân trong gia đình, các chi tiết về sự liên hệ giữa nạn nhân với công ty Mỏ Mojave Monarch, một công ty phụ của công ty Mỏ Corning và Đầu tư Smelting.
Sau khi dứt, Flanders dõng dạc nói.
- Tòa gọi Endicott Campbell.
Endicott Campbell tiến lên phía trước tuyên thệ, xưng tên, nơi cư ngụ và nghề nghiệp là Tổng giám đốc của công ty Mỏ Corning và Đầu tư Smelting.
- Ông có biết Kenneth Lowry, người chết không? - Flanders hỏi.
- Tôi đã gặp ông ta một lúc, trước khoảng thời gian ngắn ông ta chết.
- Ông có quen thuộc với Công ty Mỏ Mojave Monarch không?
- Công ty mà tôi điều hành đã gửi tiền cho Công ty Mỏ Mojave Monarch với mục đích duy trì hoạt động của mỏ này.
- Ông có biết số tiền trợ giúp này trong năm qua là bao nhiêu không?
- Có.
- Bao nhiêu?
- Hai trăm lẻ bảy ngàn năm trăm ba mươi sáu đô-la tám mươi lăm xu.
- Có phải nó đã được ghi trên sổ sách của Công ty Mỏ Corning và Đầu tư Smelting không?
- Vâng, phải.
- Có chuyện gì bất thường xảy đến với Công ty Mỏ Corning, tức là Công ty Mỏ Corning và Đầu tư Smelting mà kể từ giờ tôi gọi tắt là công ty Mỏ Corning.
- Thưa có.
- Điều gì vậy?
- Bà Amelia Corning, chủ nhân của chín mươi phần trăm cổ phần của công ty, người đã sống ở Nam Mỹ trong nhiều năm, đã tới thành phố này để đích thân thanh tra các dịch vụ của Công ty Corning và các công ty phụ.
- Ông có quen biết với bị cáo không?
- Có.
- Cô ấy là nhân viên của ông phải không?
- Vâng.
- Từ bao lâu?
- Khoảng mười tám tháng.
- Khả năng của cô ấy thế nào?
- Cô ta làm phụ tá cho tôi và có khả năng cao hơn là một người thư ký. Cô phụ tá tôi điều hành công việc của công ty.
- Nhắc ông chú ý đến ngày thứ Bảy mồng ba tháng này ông có nói chuyện với bị cáo không?
- Tôi có.
- Nói chuyện ở đâu?
- Trên điện thoại.
- Ông có quen thuộc với tiếng nói của bị cao để chắc chắn rằng đó là bị cáo đang nói chuyện với ông hay không?
- Dạ có.
- Nội dung cuộc nói chuyện là gì?
- Cô ta nói với tôi rằng bà Corning đã không đến theo dự trù vào ngày thứ Hai mồng năm mà đã tới đây rồi, ngày mồng ba. Cô ta đang cố gắng gặp tôi và nói rằng Carleton, đứa con trai bảy tuổi của tôi đã có mặt ở văn phòng cùng với cô bảo mẫu Elizabeth Dow. Carleton có đưa cho bị cáo một cái hộp giầy mà nó nói là của bố nó. Cô ta đã xem trong hộp và thấy chứa đầy những giấy một trăm đô-la. Cô ta đã cất chiếc hộp giầy đó vào trong tủ sắt mà không đếm số tiền.
- Còn gì nữa?
- Bị cáo tiếp tục nói với tôi rằng bà Corning bảo cô lên phi trường đón bà, nên cô đã đón bà ta về khách sạn. Sau đó bà Corning đã tới văn phòng và làm việc ở đó một thời gian tham khảo các hồ sơ và đã lấy đi một số hồ sơ của văn phòng.
- Tất cả sự việc này đã xảy ra vào ngày thứ Bảy mồng ba phải không?
- Dạ phải.
- Thế ông có biết một cách chắc chắn rằng sự việc đó là giả hay thật không?
- Tôi chắc chắn rằng tối thiểu thì cũng có một phần là không đúng sự thật.
- Phần nào?
- Con trai của tôi không đưa cho cô ta bất kỳ cái hộp nào hoặc bất kỳ vật chứa đựng nào có tiền bên trong, và bà Corning không có mặt tại văn phòng. Một người đàn bà giả mạo nào đó tự xưng là bà Corning đã đăng ký tại khách sạn và bị cáo đã âm mưu cùng với người đàn bà này để đưa cho bà ta....
- Khoan đã - Mason chận lại - Tôi phản đối dùng từ “âm mưu” của nhân chứng vì nó đi đến kết luận.
- Vẫn được phép - Chánh án Elmer nói - Nó chỉ liên quan đến cuộc nói chuyện mà thôi.
- Vâng - Campbell nói tiếp - Lẽ dĩ nhiên tôi tìm cách gặp bị cáo ngay và tiếp xúc với bà Corning này. Người đàn bà đội lốt bà Corning đã biến mất. Bị cáo tới nơi cùng với ông Mason là luật sư của cô. Tôi có thể nói, tôi hoàn toàn không được biết gì thêm về chiếc hộp đựng tiền.
- Thế trước khi đó ông có gặp Ken Lowry, người đã chết, không?
- Tôi đã gặp và tôi còn gặp ông ta lần nữa ngay khi sự kiện vừa nói xảy ra.
- Ông đã thực hiện việc đó như thế nào?
- Tôi lái xe đến Mojave?
- Và hỏi chuyện ông Lowry?
- Vâng.
- Và sau đó, lần thứ hai ông cũng đích thân gặp ông ta chứ?
- Vâng. Lần thứ nhất khoảng trưa thứ Bảy mồng ba. Lần thứ hai khoảng gần một giờ sáng hôm mồng bốn. Cuộc gặp mặt lần thứ hai lâu khoảng một tiếng.
- Có lý do gì để ông không gặp ông ta trước ngày mồng ba không?
- Tôi được chỉ thị tập trung tất cả vào các hoạt động bất động sản của Công ty Corning và không cần để ý đến mỏ Mojave. Tôi đã được chỉ thị đặc biệt giao trọn quyền Công ty Mỏ Mojave cho ông Lowry.
- Ai cho ông chỉ thị đó?
- Bà Corning.
- Bằng cách nào?
- Cuộc nói chuyện qua điện thoại viễn liên.
- Ông đã gửi khoảng hai trăm lẻ bảy ngàn đô-la từ Công ty Corning cho mỏ Mojave Monarch trong năm vừa qua. Vậy có gì từ công ty đó gửi trả lại hay không?
- Có, nhưng không gửi thẳng cho Công ty Mỏ Corning và Đầu tư Smelting, mà gửi cho một công ty chi nhánh khác. Tôi được bà Corning chỉ thị là để cho công ty chi nhánh đó kết toán.
- Thế khi ông gặp ông Lowry, ông có nói chuyện với ông ta về các hoạt động của ông ấy không?
- Có.
- Thế ông ta đã nói gì với ông về số tiền mà ông ta gửi đi hoặc việc ông ta đã sử dụng số tiền do Công ty Mỏ Corning gửi tới?
- Phản đối vì lý do vô thẩm quyền, không chính đáng và không cụ thể - Mason nói - Đó không thể là bằng chứng vững chắc được, nó là bằng chứng nghe nói mà thôi. Và cuộc nói chuyện đó không có mặt bị cáo.
- Thưa quý tòa - Flanders nói - Đây là một phần của tìm hiểu. Nó mở ra cho thấy lý do tại sao Lowry bị giết. Đây là một cuộc nói chuyện chính thức giữa một nhân viên và một giám đốc của một hãng.
- Tôi không cần biết cuộc nói chuyện đó chính thức ra làm sao - Mason nói - Nhưng nó không thể buộc tội bị cáo. Hơn nữa bây giờ ta thấy rõ rằng Lowry không phải là nhân viên trực tiếp của Công ty Corning. Ông ta đã nhận tiền từ Công ty Corning và rõ ràng là theo lời nhân chứng, ông ta đã sử dụng món tiền đó một cách khác hơn là gửi cho Công ty Corning.
- Đó chính là điểm mà tôi muốn chứng minh. - Flanders nói.
- Vậy hãy cứ chứng minh bằng những bằng chứng có giá trị. - Mason gằn giọng.
- Tôi nghĩ rằng đúng như vậy đó - Chánh án Elmer nói - Có phải đó là vấn đề sổ sách kế toán không?
- Trên thực tế thì không phải - Flanders nói - Đây là một vấn đề hết sức đặc biệt, và chính vì vấn đề đó mà Lowry đã bị giết chết. Chúng tôi có thể chứng minh bởi nhiều người về việc Lowry sử dụng số tiền mà ông ta đã nhận được.
- Ông có thể chứng minh được những điều mà ông ta nói là đã làm - Mason nói - Nhưng cái điều mà ông ta nói đó, nó không thể buộc tội bị cáo được.
- Tôi nghĩ rằng, tôi chấp thuận lời phản đối. - Chánh án Elmer nói.
- Thôi được - Flanders nói - Vậy ông có nói chuyện tiếp với ông Lowry sau câu chuyện trong ngày hôm đó không?
- Tôi có.
- Cuộc nói chuyện xảy ra lúc nào?
- Khoảng năm giờ chiều.
- Đích thân nói chuyện hay qua điện thoại?
- Qua điện thoại.
- Ông Lowry nói gì?
- Ông ta nói với tôi rằng, ông Mason và cô thư ký...
- Xin khoan đã - Mason nói - Tôi xin ngắt ở đây để phản đối vì câu chuyện đó chỉ là nghe nói, chứng tỏ một sự vô thẩm quyền, không chính đáng và không cụ thể, và không có nền tảng đúng đắn. Không có một chỉ dấu nào cho thấy sự có mặt của bị cáo trong cuộc nói chuyện và câu chuyện đó cũng không được truyền đạt lại cho bị cáo dù là toàn thể hay một phần câu chuyện.
- Tôi muốn đưa ra cuộc nói chuyện của người đã chết với nhân chứng này - Flanders nói - Vì nó liên quan đến lời tuyên bố đã được thực hiện của ông Mason với tư cách luật sư của bị cáo.
Chánh án Elmer lắc đầu.
- Ngoại trừ ông có thể chứng minh được rằng cuộc nói chuyện này đã được nói cho bị cáo biết hoặc có mặt của bị cáo. Nếu không, lời phản đối được chấp thuận.
- Được rồi - Flanders nói - Tôi xin hỏi ông có bao giờ đích thân nói với bị cáo về cái hộp giầy đựng đầy tiền không?
- Tôi có.
- Có ai hiện diện trong cuộc nói chuyện đó?
- Bị cáo, Perry Mason với tư cách luật sư của bị cáo và cô Della Street thư ký của Perry Mason.
- Câu chuyện đã nói gì?
- Tôi nói với bị cáo là không thấy có hộp giầy đựng đầy tiền trong tủ sắt ở văn phòng, như cô ta đã nói với tôi.
- Thế cô ta đã nói ra sao?
- Không nói gì, ngoại trừ nhấn mạnh rằng con trai tôi đã đưa chiếc hộp đó cho cô.
- Cậu con ông bao nhiêu tuổi?
- Bảy tuổi.
- Tên là gì?
- Carleton.
- Và bị cáo nói với ông cô ta đã nhận chiếc hộp khi nào?
- Cô ấy nói vào sáng thứ Bảy tại văn phòng, lúc đó có Carleton được cô bảo mẫu Elizabeth Dow đi kèm, Carleton đã đưa chiếc hộp giầy cho bị cáo. Bị cáo đã xem và được biết rằng hộp chứa đầy những giấy bạc một trăm đô-la.
- Chất vấn - Flanders nói.
- Trước khi có cuộc nói chuyện với chúng tôi, ông đã đến văn phòng để tìm chiếc hộp giầy phải không? - Mason hỏi.
- Vâng.
- Tại sao?
- Bị cáo đã nói với tôi rằng con trai tôi đã đưa chiếc hộp cho cô ta và bảo rằng nó là của tôi. Lẽ dĩ nhiên tôi muốn điều tra sự việc với cả hai tư cách là người cha và người giám đốc công ty.
- Và ông không tìm thấy bất cứ hộp giầy nào trong tủ sắt?
- Đúng như vậy.
- Ông đã mở tủ sắt để xem xét.
- Vâng.
- Có ai ở đó với ông không?
- Không.
- Như vậy chỉ có lời nói riêng của cá nhân ông chống lại cô ta mà thôi. Cám ơn ông, như vậy đủ rồi.
- Gọi nhân chứng kế tiếp - Chánh án Elmer nói.
- Tòa gọi Elizabeth Dow. - Flanders nói.
Elizabeth Dow, một người đàn bà có thân hình cứng nhắc, đi giầy thấp gót bước lên bục nhân chứng. Cô ta ngồi im lặng chờ câu hỏi sau khi đã xưng tên, địa chỉ và nghề nghiệp.
- Có phải cô có quen biết với Carleton Campbell, cậu bé bảy tuổi con trai của Endicott Campbell, người nhân chứng vừa mới khai báo?
- Vâng.
- Cô có liên hệ chính thức gì với cậu bé không?
- Tôi là cô bảo mẫu của cậu bé.
- Cô có đưa cậu bé tới văn phòng Công ty Mỏ Corning vào sáng hôm mồng ba không?
- Tôi có.
- Có ai ở đó?
- Có Susan Fisher tức bị cáo.
- Giữa Susan và Carleton có nói chuyện với nhau không?
- Có.
- Cô có nghe được cuộc nói chuyện không?
- Có. Một ít thôi.
- Carleton có đem theo cái gì khi đến văn phòng không?
- Có.
- Cái gì vậy.
- Một cái hộp đựng giầy.
- Cô có biết, theo chính sự hiểu biết của cô, có gì trong chiếc hộp đó không?
- Tôi biết.
- Cái gì vậy?
- Một đôi giầy da của Edicott Campbell.
- Làm sao cô biết nó ở trong đó?
- Có cuộc đối thoại trước khi tôi rời nhà, giữa Carleton và cha em về một chiếc hộp kho tàng và Carleton yêu cầu cha em trao đổi kho tàng. Carleton nghĩ rằng cha em đã cho phép em lấy hộp giầy của ông ta.
- Chỉ có một cái hộp giầy đó thôi à?
- Đúng vậy, chỉ có một cái hộp mà Carleton đã đem từ nhà đi.
- Làm sao cô biết trong đó đựng gì?
- Sau khi ngồi trên xe hơi, tôi có dịp mở hộp khi Carleton không thấy. Tôi muốn kiểm soát xem bên trong có gì, vì tôi nghĩ rằng đó là trách nhiệm của tôi.
- Cái gì ở trong đó?
- Như tôi vừa nói, đó chỉ là một đôi giầy.
- Xong, ông có thể hỏi - Harrison Flanders nói và cúi đầu về phía Perry Mason.
- Khi đó cô đang lái xe đưa Carleton đi phải không? - Mason hỏi.
- Không phải lúc tôi lái xe - Cô ta nói - Tôi ngồi sau tay lái. Tôi mở máy xe và hỏi Carleton cái áo khoác của em đâu. Cậu bé quên trong nhà. Tôi bảo cậu vào lấy. Khi cậu vào nhà lấy áo, tôi có dịp mở dây cột chiếc hộp.
- Chiếc hộp được cột lại à?
- Vâng.
- Cột bằng gì?
- Một sợi dây. Tôi nghĩ rằng đó là một đoạn dây cước.
- Và cô nhìn vào trong hộp?
- Vâng.
- Và cô cột lại?
- Vâng.
- Và từ đó cô lái xe đi đâu?
- Thẳng tới văn phòng.
- Tại sao cô lại đến văn phòng?
- Tôi biết bị cáo dự định có mặt ở đó và tôi muốn nhờ cô ta trông giùm Carleton để tôi rảnh tay có hẹn riêng. Tôi nhờ cô ta giúp giùm.
- Và cô ta đồng ý?
- Vâng.
- Có thể có một cơ hội nào đó chiếc hộp bị đánh tráo không?
- Không - Không thể xảy ra trước khi chúng tôi đến văn phòng. Carleton luôn luôn giữ chiếc hộp và đem tới văn phòng. Nếu có bát kỳ sự tráo đổi nào đều là do bị cáo.
- Thôi hết. - Mason nói.
- Tòa gọi Frank Golden - Flanders nói.
Golden tuyên thệ và cho biết nghề nghiệp là chủ nhân của một chi nhánh công ty “Chúng ta thuê xe M”.
- Nhắc ông chú ý đến ngày Chủ nhật, mồng bốn tháng này. Ông có trông thấy bị cáo không?
- Có.
- Ông có nói chuyện với cô ta không?
- Có.
- Và ông có quan hệ dịch vụ gì với cô ta không?
- Có.
- Dịch vụ gì?
- Tôi cho cô ta thuê một trong những xe của tôi, chiếc xe được ghi trên sổ sách của chúng tôi là xe số 19.
- Ông cho cô ta thuê xe đó vào lúc mấy giờ?
- Sáu giờ ba mươi.
- Cô ta có trả xe lại không?
- Có.
- Lúc mấy giờ?
- Trên sổ sách chúng tôi ghi là tám giờ mười lăm.
- Và chiếc xe đó được ghi trên sổ sách của ông là xe số 19?
- Vâng.
- Trên xe đó có ghi số không?
- Có. Không được rõ lắm, nhưng có ghi xe số 19.
- Chiều tối hôm đó ông có cho ai thuê chiếc xe đó nữa không?
- Có.
- Ai?
- Ông Perry Mason, luật sư của bị cáo.
- Khi đó mấy giờ?
- Ngay trước khi tôi đóng cửa. Khoảng vài phút trước mười một giờ. Tôi ghi trên sổ là mười giờ ba mươi bởi vì đó là giờ chính thức hãng đóng cửa.
- Khi ông nhìn thấy bị cáo thì thấy cô ta ăn mặc ra sao?
- Cô ta mặc một cái áo mưa, một áo len, quần dài và đội nón đàn ông, một cái nón rộng vành kéo sụp xuống che mắt. Đầu tiên tôi tưởng là một người đàn ông, nhưng sau khi cô ta nói với tôi thì lẽ dĩ nhiên tôi biết cô ta là đàn bà. Và tôi nhận dạng cô ta qua bằng lái xe.
- Cô ta đưa cho ông xem bằng lái xe?
- Vâng, đó là yếu tố cần thiết để thuê xe.
- Và trên sổ sách có ghi tên theo bằng lái xe?
- Thưa vâng. Tên là Susan Fisher, chính là bị cáo.
- Và cuối cùng ông nhận xe lại vào lúc nào?
- Vào chiều ngày mồng năm. Xe được cảnh sát đưa trả lại. Tôi được biết cảnh sát đã giữ chiếc xe đó.
- Thôi hết, ông có thể hỏi được. - Flanders nói.
- Không có câu hỏi.
- Tòa gọi Myrton Abert - Flanders nói.
Myrton Abert nói địa chỉ nghề nghiệp và khai rằng sau nửa đêm hôm Chủ nhật vào khoảng mười hai giờ ba mươi đến một giờ sáng ngày thứ Hai, ông ta được gọi bởi Perry Mason và Paul Drake để lấy dấu tay trên một chiếc xe. Ông đã ghi số xe và ghi luôn con số 19 được sơn ở một chỗ hơi khó nhận. Ông ta đã lấy được một số dấu tay và đưa cho Perry Mason. Tuy nhiên để đề phòng trường hợp chiếc xe có thể liên hệ tới một vụ tội phạm, ông đã chụp lại ảnh các dấu tay để sẵn sàng đưa cho cảnh sát khi cần. Và ông đã đưa những ảnh dấu tay này cho cảnh sát. Nhưng trước khi đưa cho cảnh sát thì cảnh sát đã có những dấu tay của Ken Lowry, người đã chết. Một trong những dấu tay của người chết, ngón tay giữa bên phải trùng với dấu tay lấy được trên đằng sau kính chiếu hậu của xe hơi. Ông ta khai rằng ông ta là một chuyên viên về dấu tay và xác nhận chắc chắn rằng dấu tay trên kính chiếu hậu đó là dấu tay của ngón tay giữa bên phải của người chết.
- Chất vấn. - Flanders nói.
- Không có câu hỏi. - Mason nói.
- Tòa gọi Đại úy Tragg - Flanders nói.
Đại úy Tragg bước lên bục nhân chứng. Ông ta khai rằng nhận được một cú điện thoại của Perry Mason báo cho biết tìm thấy một xác người tại nơi được ghi trên bản đồ thuộc khu vực đường Mulholland Drive. Ông ta ra lệnh cho xe tuần tiễu đến nơi ngay lập tức và bảo vệ các bằng chứng. Sau đó ông ta cùng với một nhân viên giảo nghiệm, một nhân viên chụp ảnh và một chuyên viên đến ngay hiện trường, nơi đó tìm thấy xác của Kenneth Lowry.
Tragg đưa ra một số ảnh và xác định từng bức một.
- Xác chết đã ở đó từ bao lâu? Thời gian chết xày ra lúc nào?
- Trong một khoảng thời gian rất ngắn - Đại úy Tragg nói - Tôi sẽ để cho chuyên viên giảo nghiệm xác định chính xác thời gian, nhưng sự chết vừa mới xảy ra.
- Trong khi điều tra ông có để ý đến các vết bánh xe ở gần xác chết không?
- Có.
- Ông tìm thấy gì?
- Tôi tìm thấy có một chiếc xe lái trên mặt đất đến gần chỗ xác chết được tìm thấy. Tôi cẩn thận theo dõi vết bánh xe hằn trên mặt đất. Tôi có thể thấy được vết của cả bốn bánh xe.
- Các bánh xe có cùng loại không?
- Không. Các bánh xe thuộc hai loại, hai loại dấu vết bánh xe khác nhau. Hai bánh trước là một loại, hai bánh sau là một loại khác. Hơn nữa vết của bánh xe trước bên phải có kích thước rõ rệt hằn sâu trên mặt đất.
- Từ đó ông có tìm ra được chiếc xe nào có bánh xe ăn khớp với dấu vết đó không?
- Thưa có.
- Đó là chiếc xe nào?
- Xe số 19 của hãng cho thuê xe “Chúng ta thuê xe M”. Tôi đã tìm thấy chiếc xe này đậu ở bãi đậu văn phòng ông Mason và ông Mason xác nhận với tôi rằng chính ông ta đã đậu xe tại đó và nói ông ta đã thuê chiếc xe đó đêm hôm trước của hãng cho thuê xe.
- Ông có thể hỏi. - Flanders nói.
Mason nheo cặp mắt hỏi.
- Đại úy, ông tìm thấy các vết xe khi nào?
- Vào đêm chúng ta khám phá ra xác chết.
- Sau bao lâu kể từ khi khám phá ra xác chết?
- Chỉ vài phút sau, trong khi ông chờ ở trạm xăng.
- Ông đã không nói cho tôi biết về việc tìm ra các vết bánh xe đó.
- Tôi không nói.
- Tại sao không?
- Tôi nghĩ rằng tôi không có bổn phận phải báo cáo cho ông biết những gì mà cảnh sát tìm thấy, ông Mason.
- Thôi, hết. - Mason nói.
Flanders kêu Sophia Elliott lên bục nhân chứng. Sophia Elliott khai rằng bà là em của bà Corning. Bà Sophia đã từ Nam Mỹ tới và đã đến ở phòng của bà chị ở khách sạn Arthenium và khi bà tới phòng thì thấy cửa mở và thấy ông Perry Mason và cô thư ký có mặt ở đây. Sau vài câu nói chuyện bà đề nghị khách ra về và hứa sẽ báo cho ông Mason biết nếu bà Corning cần gặp ông ta.
Người nhân viên chạy thang máy hàng hóa khai rằng đã nhận hai mươi lăm đô-la để bí mật đưa bà Corning ra khỏi khách sạn.
Sau đó đến một nhân chứng gây ngạc nhiên.
- Yêu cầu nhân chứng Carlotta Ames Jackson lên bục nhân chứng. - Harrison Flanders nói.
Bà Jackson bước lên bục nhân chứng với vẻ hài lòng vì thấy thiên hạ chú ý đến mình.
- Bà đã ở đâu vào đêm Chủ nhật ngày mồng bốn tháng này? - Flanders hỏi.
- Tôi ở trong hẻm phía sau cổng hàng hóa của khách sạn Arthenium.
- Lý do bà có mặt tại đó?
- Tôi làm việc ở khách sạn. Tôi là người hầu phòng. Tôi thường đi ra cổng sau và đi qua hẻm hàng đêm khi tôi nghỉ việc.
- Bà đã đi xuống đó vào đêm ấy?
- Vâng.
- Bà có để ý thấy điều gì bất thường xảy ra không?
- Có.
- Bà hãy tả về điều đó.
- Tôi thấy một người đàn bà ngồi trên chiếc xe lăn ở trong hẻm. Trong hẻm không có lề đường và người đàn bà này ngồi trên xe lăn sát ngay bên đường. Đó là một nơi không bình thường đối với một người đàn bà trên chiếc xe lăn và tôi định bước tới nói chuyện với bà ta.
- Thế bà có nói gì với bà ta không?
- Không.
- Tại sao?
- Bởi vì một chiếc xe hơi đi vào hẻm, vượt qua tôi và đậu ngay bên người đàn bà này. Người tài xế ra khỏi xe, giúp người đàn bà bước vào xe. Chiếc xe được gấp lại bỏ vào trong xe và chiếc xe lái đi mất.
- Bà có thấy người tài xế chiếc xe không?
- Có.
- Đó là đàn bà hay đàn ông?
- Một người đàn bà.
- Bà có thể tả người đó không?
- Cô ta mặc một cái áo mưa, áo len, quần dài và một cái nón đàn ông kéo sụp xuống che mắt.
- Bà có lúc nào thấy mặt người đàn bà đó không?
- Có.
- Bà đứng cách bao xa khi nhìn thấy mặt người đàn bà đó?
- Tôi đoán khoảng bảy mét.
- Bà có biết người đàn bà đó trước không?
- Không.
- Bà có gặp lại người đàn bà đó lần nào nữa không?
- Có.
- Vào khi nào?
- Ở đồn cảnh sát.
- Ai chỉ cho bà biết?
- Có một hàng người đứng, gồm năm người đàn bà. Tôi nhận ra người đàn bà đó trong số những người đứng.
- Và đó là ai, bà biết không?
- Chính là bị cáo, người đàn bà ngồi kia, Susan Fisher.
Sue Fisher kinh hoàng thở hổn hển.
- Bà có cơ hội nào quan sát loại xe hơi không?
- Dạ có.
- Sau đó bà có thấy lại chiếc xe đó không?
- Dạ có. Tôi đã nhận dạng ra nó tại hãng “Chúng ta thuê xe M”. Trên xe có viết số 19 để chỉ tên xe.
- Ông có thể hỏi. - Flanders nói một cách lịch sự quá đáng với Perry Mason.
Mason đứng lên đối diện với nhân chứng.
- Lần đầu tiên bà gặp chiếc xe, bà có nhớ số xe không?
- Tôi nghĩ rằng tôi có nhớ.
- Bà nghĩ rằng bà nhớ à?
- Vâng tôi chắc chắn là tôi nhớ.
- Thế bà có ghi lại trên bất cứ đâu không?
- Không.
- Bà tin vào trí nhớ của bà à?
- Vâng, và tôi quên mất nó. Nhưng rồi tôi được nói cho biết là điều mà tôi trông thấy có thể rất quan trọng trong một vụ án sát nhân. Tôi thấy tôi không thể nhớ được số xe.
- Bà có nhìn thấy con số 19 trên chiếc xe khi nó đi vào đường hẻm không?
- Không.
- Lúc đó trời tối phải không?
- Vâng trời tối.
- Bà có đứng gần chiếc xe không?
- Cách khoảng bảy mét.
- Bà đang đi à?
- Không. Tôi đứng một chỗ.
- Tại sao?
- Để tôi có thể nhìn thấy rõ.
- Bà có thể nhìn rõ hơn nếu ở gần hơn không?
- Có thể.
- Tại sao bà lại không tiếp tục đi.
- Tôi... Tôi chỉ muốn xem chuyện gì đã xảy ra, chỉ có thế thôi.
- Bà thường hay tò mò về những việc xảy ra chung quanh bà phải không? Bà Jackson?
- Không. Tôi không.
- Như vậy đây là lần đầu tiên đối với bà?
- Tôi không hiểu ý ông muốn nói gì?
- Bình thường thì bà không quan tâm đến những việc xảy ra xung quanh mình phải không?
- Bình thường thì tôi quan tâm đến điều tôi nhìn thấy.
- Và cố nhớ đến những điều đó?
- Một đôi khi.
- Bà nói bà nhận dạng được bị cáo trong tám người đứng thành hàng phải không?
- Vâng.
- Trước đó bà có thấy bị cáo bao giờ không?
- Tôi có liếc thấy cô ta khi cô ta được đưa đến phòng nhận dạng.
- Thế bà có được thấy ảnh của cô ta trước lúc đó không?
- Có. Cảnh sát có đưa cho tôi một bức ảnh và hỏi đó có phải là người đàn bà mà tôi đã thấy không.
- Và bà nói với họ là đúng?
- Tôi nói với họ tôi... Tôi nói với họ là tôi nghĩ đó là cô ta.
- Thế lúc đầu bà có nói với họ là bà không chắc chắn không?
- Vâng, lẽ dĩ nhiên. Người ta không thể chỉ nhìn vào bức ảnh và....
- Tôi xin hỏi bà - Mason chận lại - Lúc đầu bà có nói với họ là bà không chắc chắn phải không?
- Vâng.
- Thế lúc đầu bà có nói với họ là bà không nghĩ rằng bức ảnh đó là cô gái phải không?
- Có thể tôi có nói như vậy.
- Nhưng khi bà nhìn thấy cô ta trong tám người đứng nhận dạng, sau khi cảnh sát đã để cho bà liếc nhìn thấy cô ta, thì bà đã khẳng định phải không?
- Vâng.
- Bà có nhìn thấy con số 19 sơn ở trên xe khi bà thấy nó ở trong đường hẻm không?
- Không, mà sau đó mới thấy.
- Thế bà làm sao nhận dạng chiếc xe?
- Bởi hình dáng bên ngoài của nó.
- Chiếc xe đó là một xe thuộc loại thông thường phải không?
- Vâng.
- Có hàng ngàn và hàng ngàn những xe như vậy, cùng hãng chế tạo, cùng kiểu, cùng hình dạng như nhau trên các đường phố của Los Angeles phải không?
- Tôi không rõ có hàng ngàn và hàng ngàn chiếc xe, nhưng dù sao, tôi cũng thấy rằng đó là cùng một chiếc xe.
- Có bao nhiêu cuộc đối thoại giữa bà và cảnh sát.
- Ô, nhiều.
- Và với văn phòng biện lý?
- Cũng nhiều.
- Với cảnh sát, tới mười lần không?
- Khoảng đó.
- Với văn phòng biện lý, tới mười lần không?
- Không, chỉ khoảng năm lần với văn phòng biện lý.
- Bây giờ, chúng ta xem lại - Mason nói - Theo tôi hiểu, bà đã không hoàn toàn chắc chắn khi cảnh sát thẩm vấn bà lần đầu tiên. Nhưng dần dần, những lần sau bà trở nên càng chắc chắn phải không?
- Vâng.
- Bà không chắc chắn khi lần đầu tiên được hỏi phải không?
- Tôi nói với họ, tôi không hoàn toàn chắc chắn. Tôi phải suy nghĩ về điều đó và càng ngày tôi càng nhớ ra.
- Như vậy, mỗi lần nói chuyện với cảnh sát, bà lại, chắc chắn thêm?
- Vâng.
- Như vậy với mười lần nói chuyện với cảnh sat thì lần thứ chín, bà không chắc chắn bằng lần thứ mười phải không?
Hamilton Burger đứng dậy.
- Thưa quý tòa - Ông ta nói - Đó là dọa nạt nhân chứng. Đó là mưu mẹo xấu. Đó là chất vấn không hợp pháp. Đó không phải là lời bà ta nói.
- Đó chính là lời bà ta đã nói - Mason đáp lại - Chính bà ta đã nói mỗi lần nói chuyện bà ta lại chắc chắn hơn và bà ta có ít nhất là mười lần nói chuyện. Do đó lần thứ chín bà không chắc bằng lần thứ mười.
- Tôi nghĩ rằng phản đối không được chấp thuận. - Chánh án Elmer nói và cười.
Hamilton Burger từ từ ngồi xuống.
- Bây giờ thì sự phản đối của ông biện lý đã báo động cho bà, vậy xin bà trả lời câu hỏi. Xin bà cho biết lần thứ chín bà có ít chắc chắn hơn bây giờ không?
- Ý tôi muốn nói không phải như vậy.
- Không cần biết đến ý bà nghĩ ra sao - Mason nói - Chỉ cần trả lời câu hỏi có hay không.
- Lần thứ chín thì tôi chắc chắn.
- Như vậy tại sao còn có lần thứ mười nữa?
- Tôi không biết.
- Và tại sao bà lại nói mỗi lần nói chuyện bà lại chắc chắn hơn?
- Tôi không chủ ý đặc biệt nói đến giữa lần thứ chín và thứ mười.
- Vậy thì ta trở lại lần thứ tám - Mason nói - Lần thứ tám bà có ít chắc chắn hơn lần thứ mười hay không?
- Có. - Nhân chứng giận dữ nói.
- Và lần thứ bảy thì bà chắc chắn hơn lần thứ sáu?
- Vâng.
- Xong rồi, xin cám ơn. - Mason nói.
Chánh án Elmer nhìn đồng hồ.
- Bây giờ đã quá giờ nghỉ trưa vài phút - Ông ta nói - Bên công tố có còn nhiều bằng chứng nữa không?
- Thưa quý tòa không - Hamilton Burger nói.
- Tòa sẽ đình đến hai giờ chiều nay - Chánh án Elmer nói - Tôi có một vấn đề quan trọng vào lúc một giờ ba mươi nhưng dự trù chấm dứt vào lúc hai giờ như vậy chúng ta có thể tiếp tục phiên tòa.
Tòa tạm ngừng và bị cáo vẫn còn bị giam giữ.

Chương trước Chương sau