Macao - Trinh nữ giang hồ - Chương 03

Macao - Trinh nữ giang hồ - Chương 03

Chán ơi là chán …

Ngày đăng
Tổng cộng 13 hồi
Đánh giá 8.6/10 với 21492 lượt xem

Khi ấy Văn Bình đang cưỡi trên vai 2 nam khán giả giữa đám đông chen chúc và tiếng reo hò vang dậy. Thanh sắt dài khoảng 1 mét, đường kính bằng ngón tay trỏ. Nó được phóng đi từ trên cao xuống, sức mạnh gia tăng gấp bội. Kẻ phóng thanh sắt chủ ý sát hại chàng, hoặc ít ra cũng làm chàng trọng thương.
Mặc dầu sát thủ có tài ném chính xác, Văn Bình cũng không mấy e ngại. Chàng có thể né tránh kịp thời. Nhưng nếu chàng né tránh, thanh sắt sẽ rớt xuống đầu công chúng chắc chắn gây ra tai nạn thảm khốc. Chàng đành vươn tay hứng bắt. Chàng bị tréo tay nên mất thăng bằng. Những người công kênh chàng luống cuống hất chàng ngã. Thanh sắt tuột khỏi hổ khẩu chàng lăn ra xa. Đám đông giãn rộng. 1 số người bỏ chạy. Phần lớn vẫn ở lại như thể họ bị thôi miên bởi nghệ thuật hóa giải ám khí cao siêu của Văn Bình, và bởi những ánh thép loang loáng ghê rợn của 2 lưỡi dao bén vừa khoa lên. Trên 1 vùng đất trống bằng diện tích võ đài, Văn Bình phải đương đầu với 2 địch thủ lạ. Mỗi tên thủ 1 lưỡi dao. Hẳn chúng là em út của Thượng đế. Tệ đoan hành hung đô vật thắng trận xảy ra gần như cơm bữa ở châu Mỹ la tinh. Văn Bình cười gằn với tên đứng gần. Đám đông sợ hãi, lùi dần. Maysa đến sau lưng chàng, kêu thất thanh :
-Kệ chúng. Anh gây chuyện với chúng làm gì ?
Đàn bà có khác. Maysa chẳng chịu hiểu gì cả. Chàng nào muốn kiếm chuyện lôi thôi. Chẳng qua chúng mất mặt trên võ đài, chúng bèn xin chàng tí … huyết. Địch đều trẻ, chưa tên nào quá 30, bắp thịt tròn lẳn chứng tỏ là con nhà võ. Lối cầm dao của chúng khá chững chạc. Dao được đưa ngang như gươm ngắn, hạ thấp dưới thắt lưng, gần sát xương hông, còn tay trái hoành ra phía trước để đo lường khoảng cách, đồng thời ngăn chặn sự phản công của đối phương. Hầu hết dân chơi dao lão luyện đều có lối cầm dao thận trọng như chúng. 2 tên địch phạm 1 lỗi lầm căn bản : rụt rè. Không rõ chúng rụt rè vì sợ chàng, hay vì tên nọ đùn tên kia đâm trước. Dầu sao sự ngần ngại ngu xuẩn này đã làm chúng thua trận trước khi trận đấu bắt đầu.
Mắt Văn Bình chiếu giữa mắt tên đứng cách chàng 1 tầm phi cước. Rồi bất thần chàng thét tiếng « kiai » chuyển động hội trường, vung bàn tay phải mở rộng ngang mặt địch như thể ném vật gì. Dĩ nhiên trong tay chàng chẳng có gì hết. Địch hốt hoảng nghiêng đầu tránh món ám khí tưởng tượng. Lưỡi dao của địch không còn ở thế phòng vệ kiên cố nữa. Ngay khi ấy, bàn chân trái của chàng tung lên thật mạnh. Bị đánh bật từ dưới lên trên, lưỡi dao nhọn hoắt như mũi dùi thọc ngược vào mạng mỡ của địch. Kết quả là địch lãnh vết đâm sâu hoắm vào hông, khuỵu xuống. Bàn chân phải của Văn Bình vọt lên rồi quật ngược lại. Đây là môn phi nước của Thiếu lâm tự phối hợp với đòn kagatô -nghĩa là đòn đánh bằng gót chân- của nhu đạo Phù tang. Tên địch thứ hai chưa quyết định xong sẽ tấn công cách nào thì gót chân của Văn Bình nện giữa trán. Vầng trán hắn vuông vức, nhẵn bóng, phơ phất mấy lọn tóc quăn tạo cho khuôn mặt ngăm ngăm 1 vẻ đẹp hào hoa. Từ nay trở đi, những nét khôi ngô đã mất vì ngọn cước ác liệt của Văn Bình đã đánh rập xương mặt. Nạn nhân buông dao, nhào luôn xuống khối thịt đầy máu của bạn hắn.
Văn Bình lùi lại. Maysa như bị chôn chân xuống nền xi măng, bàn tay che miệng trong cơn kinh hãi khác thường. Chàng xốc nàng, rẽ đám đông chạy ra khỏi võ trường. Mọi người bị hớp hồn vì những ngón đòn chuyển bại thành thắng tuyệt luân của Văn Bình. Đến khi họ bừng tỉnh thì không thấy chàng đâu nữa.
Văn Bình đã nhòa biến trong bóng tối bao quanh sân vận động Xêrađô. Chàng kéo Maysa vào 1 đường hẻm nhiều cây um tùm. Không ai rượt theo chàng. Văn Bình ung dung tản bộ với nàng trong bầu không khí teng teng đầy thi vị như những đêm cuối thu ở xứ lạnh. La Paz có 1 khí hậu thật đặc biệt. Dưỡng khí khan hiếm, do đó hơi lạnh cũng như hơi nóng không giữ được lâu như dưới đồng bằng. Ở đây trời đang nắng, 1 đám mây che mặt trời là hàn thử biểu có thể xụt xuống 5, 10 độ trong khoảnh khắc. Đêm ở đây phần nhiều lạnh. Không phải khí lạnh đục khoét xương tủy làm con người rét từ lục phủ ngũ tạng rét ra, mà là khí lạnh dễ chịu, khí lạnh không làm sổ mũi, nhức đầu, da dẻ nứt nẻ, tay chân cứng cóng. Đêm lạnh trên đường phố La Paz có người yêu 1 bên, ôm gọn trong trét tay cái eo nhỏ xíu thì tuyệt. Văn Bình vừa nhét 1 bao tử đầy ứ thức ăn mà bỗng đói meo. Maysa áp má vào vai chàng :
-Khiếp, em không dè cái gì anh cũng hơn người.
Ý nàng muốn nhắc đến cuộc đấu kỳ lạ với Thượng đế và đồng bọn. Không ai dám tin chàng thắng. Nàng cũng vậy. Thế mà chàng thắng. Và thắng vẻ vang. Văn Bình lại cố tình hiểu theo nghĩa khác. Chàng ôm nàng hôn 1 cái hôn dài không bao giờ chịu hết. Sau cùng nàng phải gỡ ra, giọng nũng nịu :
-Về chứ anh !
Trước khi về lữ quán, chàng tạt qua tiệm bánh ngọt Đông kinh. Trà thất ở đây được gọi là confitêriát, bán bánh ngọt và mặn. Tiệm Đông kinh do 1 gia đình Nhật làm chủ rất được chiếu cố, với món bánh dừa – cam ngon số 1. Trong căn phòng nhỏ đượm vẻ trang nghiêm cố hữu của dân tộc Phù tang phảng phất 1 sự thân mật quý phái. Maysa hơi thắc mắc :
-Lạ thật, anh vào đây làm gì ? Anh vốn ưa rượu, ghét ăn bánh ngọt mà
-Em đoán thử xem ?
-Chịu.
-Vì mấy cô hầu bàn khá xinh.
-Anh tưởng em quê mùa hả ?  Hầu bàn đều là đàn ông, và là con của bà chủ. Thôi, em biết rồi. Anh gọi điện thoại về khách sạn.
Hai người lấy phòng tại Crillon, lữ quán mới nhất và sang nhất nước. Nó gồm 8 tầng lầu, với 84 phòng đầy đủ tiện nghi, có luôn tiệm ăn, tiệm hớttóc và mỹ viện, lại không xa trung tâm thành phố bao nhiêu. Nhưng so sánh với hotel sang trọng khác ở Nam Mỹ nó còn thua xa. Bởi vậy, Văn Bình không lấy làm thoải mái. Chàng muốn dọn đi nơi khác, nhưng Maysa gạt đi. Các lữ quán « de luxe » trong thị trấn còn tồi hơn nữa. Thế mà Văn Bình lại nẩy ý định từ giã Crillon. Nàng hỏi :
-Anh không thích ở đó nữa ư ?
Chàng gật đầu :
-Phải. Vì lẽ gì, em đã hiểu. Sau vụ lộn xộn tại võ trường, mọi người đều quen mặt anh. Bảo đảm với em, sáng mai bản mặt anh sẽ choán đầy mấy cột báo trang nhất. Phiền phức lắm, mình sẽ khó thể đi đâu.
-Cần gì đi đâu. Nằm lì trong phòng với anh 1 bên còn sung sướng gấp chục lần lang thang ngoài đường phố.
-Đó mới là lý do thứ nhất. Lý do thứ hai quan trọng hơn. Em đã rõ anh làm nghề gì. Trên nguyên tắc, anh còn được phép nghỉ xả hơi. Nhưng trong cái nghề chán ngấy này, anh có thể phải rút ngắn, chấm dứt cuộc vui bất cứ lúc nào. Từ tối qua đến giờ anh bỗng có linh tính …
-Ông Hoàng triệu anh về ?
-Nếu chỉ đánh điện triệu về cũng chẳng sao. Anh có thể nại cớ chưa có chuyến bay, hoặc anh bị cảm cúm, hoặc bị bong gân chân sau cuộc trượt tuyết … để rềnh rang, gỡ gạc thêm vài ba ngày nữa. Anh chỉ ngán CIA thôi.
-Anh có ăn lương của họ đâu ?
-Không ăn lương tháng, nhưng ăn lương khoán từng vụ. Nước anh nghèo mạt rệp, không thể đài thọ 1 màng lưới điệp báo hữu hiệu trên khắp thế giới, bắt buộc anh phải đi làm công cho nhà giàu. Nghe đâu ông Sì Mít sắp giao 1 việc mới, châu Mỹ la tinh đối với ông Sì Mít nhỏ xíu như chiếc khăn mù soa. Ông ta cần anh thì anh mọc cánh cũng không bay thoát nổi.
-Vậy anh đổi khách sạn làm gì ?
-Được chừng nào hay chừng nấy. Anh có linh tính nội đêm nay CIA sẽ tiếp xúc với anh. Đại tá Pít biết anh trọ tại Crillon. Giữa lúc chúng mình đang âu yếm, y réo chuông điện thoại thì khổ lắm.
-Đừng lo, điện thoại ở La Paz rất bết, anh ơi, còn bết hơn nhiều xứ lạc hậu nữa kia. Không có hệ thống điện thoại hẳn hòi, chỉ có những tổng đài tư nhân lẻ tẻ cũ mèm, nhân viên thì lười biếng. Ban đêm họ thường nghỉ nhà.
-Pít có thể gọi vô tuyến điện thoại từ Mỹ tới ?
-Lại càng bết hơn. Từ 9 giờ tối, sở điện thoại đóng cửa im ỉm. Anh nghe chuyện ông tổng thống Kennedi chưa  hồi xảy ra vụ khủng hoảng Cuba, ông ra lệnh cho tòa Bạch ốc gọi siêu tần số cho sứ quán Hoa Kỳ tại La Paz. Trên trái đất này có ai lớn bằng ông tổng thống Mỹ, thế mà đêm ấy ông đành chào thua vì sở điện thoại ở đây không có người làm việc.
Dẫn chứng hùng hồn của Maysa làm Văn Bình yên tâm phần nào. Ruột chàng lại nón hừng hực như cũ khi taxi xịch trước khách sạn. Chàng dẫn Maysa lên lầu bằng cửa hông. Chàng tránh thang máy, đề phòng bị nhân viên lữ quán nhìn thấy chào hỏi phiền phức. Trèo cầu thang ở Sàigòn là cách tập thể dục cho kẻ tiêu thụ quá nhiều cao lương mỹ vị như Văn Bình. Ở La Paz khan hiếm ôxygen thì đó là cực hình. Chân chàng bắt đầu mỏ rời. Lên đến phòng ở lầu 5, chàng đứng lại thở dốc. Maysa tủm tỉm cười :
-Anh thua em rồi nhé !
Mà Văn Bình thua thật …
Chàng không dám hối hả, tham lam quá mức như hồi chiều, như những buổi đầu tiên chung sống với nàng nữa. Chàng bắt chước nhà thể thao giàu kinh nghiệm hít thở ôxigen dự trữ, và lim dim mắt dưỡng sức trước khi dấn mình vào cuộc đua … mất sức. Đồng hồ trên tường chỉ nửa đêm. Văn Bình vừa tắt đèn xong, Maysa mới nằm gọn trong vòng tay chàng thì có tiếng gõ cửa. Bực bội, Văn Bình buông ra tiếng rủa ngắn. Cũng may chàng dùng tiếng mẹ đẻ nên nàng không hiểu nghĩa. Nàng nhỏm dậy :
-Để em ra mở.
Chàng sẵng giọng :
-Không khéo họ đến tìm anh. Mình giả vờ không nghe tiếng. Họ tưởng mình đi vắng. Gõ cửa mỏi tay họ phải đi nơi khác. Em cứ nằm xuống đi.
Nàng thở dài nho nhỏ !
-Em cũng muốn mặc họ, nhưng …
Tiếng « nhưng » bị bỏ lửng. Maysa dẫm chân trên nền gạch bông, bước ra  cửa. Ra đến nơi, nàng mới sực nhớ không mặc đồ lót, và quên cả áo choàng. Người nàng đang … trần như nhộng ! Người ở bên ngoài đằng hắng rồi nói :
-Thưa, có thư gấp.
Maysa hỏi :
-Thư của ai ?
-Thưa, không rõ. Ngoài bì không đề tên người gửi. Tôi xin luồn dưới khe cửa.
Bức thư mỏng tanh, được dán kỹ bằng keo. Maysa chưa xé ra, Văn Bình đã ngửi sặc mùi đại tá Pít. Dưới ánh đèn xanh mát, nàng đọc như sau :
« Với sự cho phép của ông H., tôi sẽ đến gặp anh hồi 7 giờ sáng mai để bàn công việc làm ăn mới.
Xin anh ở nhà.
P. »
P. nghĩa là đại tá Pít, phụ tá hành động của ông tổng giám đốc CIA Sì Mít. Maysa buông tờ giấy xuống nệm, giọng bâng khuâng :
-Ngày vui chóng hết ghê ! Chúng mình chỉ còn đêm nay nữa. Dầu sao cũng còn 6 tiếng đồng hồ. Em sẽ cố gắng tận hưởng từng tích tắc quý báu.
Văn Bình vo tròn tờ giấy ném xuống gầm tủ, dáng điệu cáu kỉnh :
-Em xếp chuyện ấy lại. Cuộc vui giữa chúng mình chưa kết thúc. Anh không phải là cái máy, cần khi nào là phải nổ ngay khi ấy. Cho dẫu là máy xe hơi thì sau 1 chuyến đi xa phải thay dầu mỡ, kiểm soát các bộ phận. Anh mới hút chết ở Riô, chưa kịp thở phào hoàn hồn, họ đã đến kéo anh đi. Anh đã chịu đựng quá sức. Sáng mai, tên Pít lò dò đến đây, anh sẽ tống y 1 quả …
-Bậy.
-Em sợ y hả ?
-Anh thì không, nhưng em thì có. Anh lên đường, kẻ đau khổ nhất là em. Tuy vậy, em vẫn không dám ngăn cản. Vì sau lần này, còn lần khác. Họ cạn tàu ráo máng với em thì nguy.
-Em kẹt với CIA ?
-Vâng. Họ bắt em ký giấy cam kết : trong thời gian du hí với anh, em phải đóng vai trò gạt đờ co.
-Hừ … cai tù có lẽ đúng hơn.
-Quá yêu anh, và nóng lòng gặp anh, em đành chấp nhận điều kiện của họ.
-Lát nữa, anh sẽ mắng vào mặt đại tá Pít.
-Rồi em phải lãnh đủ. Anh ơi, nếu anh còn thương em, anh hãy nuốt giận làm lành. Họ tận tình giúp đỡ em mới được gặp anh, và hẹn hò cả tuần lễ với anh. Em không thể vong ân bội nghĩa.
-Giúp đỡ như thế nào ?
-Mời Kubitô qua Mỹ thăm viếng 1 số cơ sở. Từ lâu, Kubitô ao ước được mời, CIA không thỏa thuận. Giờ đây, do yêu cầu của em …
-Kubitô đang ở Hoa Thịnh Đốn ?
-Vâng.
-Trong trường hợp anh vui vẻ nhận việc, CIA sẽ bố trí cho Kubitô vắng mặt, em sẽ  gần anh, phải không?
-Thưa phải. Anh đã rõ sự thật. Anh đừng giận em nhé. 7 giờ mai, anh tiếp đại tá Pít nhé ?
Đang nhăn mặt, Văn Bình phải phì cười. Cười gượng thật đấy, song cũng là cười. Trong đời điệp viên, nhiều khi không phân biệt được cười vui, và cười gượng. Maysa nghĩa đúng. Ăn ít no lâu, ăn nhiều chóng đói. Mấy ngày sau, công việc xong xuôi, chàng sẽ tái ngộ với nàng. Phụ nữ thường lo xa. Họ tính toán đâu vào đấy, chứ không ẩu tả như chàng. Chàng vùng cười lớn. Maysa giật mình :
-Anh cười em ?
Văn Bình kéo cái gối lớn kê lưng cho êm :
-Không. Anh cười anh.
Ngọn đèn tọc mạch lại được tắt lần nữa. Còn lại 6 tiếng đồng hồ. Như nàng nói, chàng « sẽ cố gắng tận tưởng từng tích tắc quý báu ».
Những người ngủ đêm ở Đà lạt thường thấy tâm thần thư thái. Vì Đà lạt tọa lạc trên đỉnh cao. Thị trấn La Paz cao hơn Đà lạt nhiều. Giấc mộng ân tình chàng dệt đêm ấy với giai nhân Maysa là giấc mộng triền miên, để đời.


Khi Văn Bình trở mình thức dậy, chắc trời đã sáng rõ từ lâu. Vì chàng không thấy Maysa đâu nữa. Trên tấm nện dày chỉ còn lại vết trũng gợi cảm, phảng phất mùi thơm da thịt. Chàng nghe tiếng ly cốc lanh tanh ở phòng bên qua cánh cửa hé mở. Có lẽ nàng đang cà phê. Tuy sống ở khách sạn nàng thích tự tay hầu chàng như ở nhà. Quái lạ … chàng nghe tiếng người, không phải tiếng nàng. Tiếng nói của đàn ông. Rất quen thuộc. Kèm theo tiếng chép miệng ai oán :
-Khổ quá, đến giờ này ông vẫn chưa chịu dậy cho.
-À ra đại tá Pít.
Văn Bình tức lộn ruột. Chàng muốn chạy chân đất ra phòng ngoài, xốc y lên vai, ném qua bao lơn xuống đường. Cơn giận của chàng, dịu ngay vì có tiếng nói êm ái của Maysa :
-Đang còn sớm mà.
-Sớm gì nữa. Đã gần 9 giờ. Sợ hỏng hết công việc.
-Anh ráng chờ lát nữa. Chỉ lát nữa thôi.
-Không được. Phiền cô đánh thức Văn Bình dậy cho.
-Tội nghiệp, cả đêm qua anh ấy … không chợp được mắt. Mãi đến rạng sáng anh ấy mới ngủ.
-Hiểu rồi. Tôi đã căn dặn cô, và cô cũng đã cam kết nghe theo. Té ra cô hứa 1 đàng, và làm 1 nẻo. Chiều qua, tôi gọi điện thoại, yêu cầu cô dưỡng sức cho y. Trên thực tế, cô lại làm y … mất sức. Nói cô hiểu, Kubitô chúa hay ghen. Kubitô biết cô hò hẹn với Văn Bình thì không cách nào can nổi hắn.
-Tôi đầu hàng rồi, anh đừng hăm dọa tôi nữa.
-Vậy cô đánh thức y dậy.
-Không. Việc đánh thức không được ghi trong bản cam kết.
-Đàn bà, ôi là đàn bà … Tôi tưởng trên đời chỉ có 1 mình vợ tôi là khó khăn, phức tạp và … liều mạng. Giờ đây, hóa ra cô còn khó khăn, phức tạp, và liều mạng gấp nó chục lần.
-Không yêu thì thôi, đã yêu thì coi chừng. Anh đàn áp phải chăng thì tôi còn chịu đựng được. Nếu anh đàn áp quá mức, tôi sẽ bất cần. Đến đâu thì đến. Cả Kubitô nữa. Kubitô giết chết tôi là cùng.
-Thôi, tôi xin cô. Giờ đến phiên tôi đầu hàng cô. Cô bắt tôi chờ đợi đến mấy giờ tôi cũng không dám ho he nữa. Thú thật với cô, tôi có thích gì cái nghề chán ngấy đến cổ này đâu. Chẳng qua trót đâm lao, phải theo lao. Nếu tôi có quyền hành, tôi đã ra lệnh đình hoãn chuyến đi của Văn Bình qua Viễn đông. Phi hành đoàn đang túc trực ở El Alto.
El Alto là phi trường của thành phố. Nó được coi là phi thường cao nhất thế giới. La Paz đã cao, nó còn cao hơn 300 mét. Đại tá Pít ngưng nói. Văn Bình nghe tiếng hắn lâm râm « Amen, Amen … ». Và tiếng Maysa hỏi :
-Anh Pít, anh làm gì thế ?
Đại tá Pít trả lời :
-Tôi đang cầu nguyện. Văn Bình chưa chịu dậy, công việc bị chậm trễ. Ông tổng giám đốc Sì Mít tất quy trách nhiệm cho tôi, và tôi sẽ bị về … hưu non. Cô tính … mụ vợ quen xài tiền như nước, bầy con lúc nhúc quen ăn ngon, mặc đẹp, nếu bị về hưu non, tôi chỉ còn nước tự sát. Bởi vậy tôi cầu nguyện cho Văn Bình nghe tiếng tôi mà thức dậy cứu tôi sống.
Nghe đến đây, Văn Bình không chịu nhịn nổi nữa, phải tung mền ngồi dậy, phì cười :
-Nghe rồi. Đừng tự sát nữa.
Đại tá Pít cuống quýt chạy đến khung cửa ngăn chia 2 phòng :
-May quá. Anh đã dậy.
Văn Bình không đánh nổi đại tá Pít vì mặt y trông nhăn nhó, ái ngại khác thường. Chàng mới xa Pít không lâu mà nhiều nếp răn đã cầy sâu trên trán, và tóc mai tăng thêm màu muối tiêu. Đàn ông có vợ con chóng già thật. Tiếp tục cái đà vợ đẻ sồn sồn này chỉ mươi năm nữa là Pít được tôn làm cụ, đi phải chống gậy, với kẻ dìu, người đỡ. Chàng an ủi bạn :
-Maysa nói thật đấy. Tôi trằn trọc cả đêm. Tôi tắm qua loa, rồi mặc quần áo ra ngay. Đi đâu ?
-Quanh quẩn trong thành phố. Xế trưa lên phi cơ.
-Về Mỹ ?
-Không. Đi Macao.
-Còn Maysa ?
-Nàng phải quay về Riô. Nội ngày nay, tướng Kubitô rời Hoa Thịnh Đốn. Anh yên tâm, tôi đã bố trí chu đáo. Thời gian anh lưu lại Macao lâu nhất 1 tuần. Công việc hoàn tất, anh sẽ tái ngộ Maysa ở Hồng kông. Nàng qua Xung thằng nghiên cứu tổ chức phản gián của Mỹ.
Văn Bình vừa nghe vừa ngửa cổ cho những tia nước mát rợi từ hoa sen ào xuống mặt chàng. Buổi sáng, chàng thích được nước lạnh mơn man da mặt. Từ mấy năm nay, chàng hoạt động ở Âu Mỹ, chưa hề ghé lại Macao mặc dầu hòn đảo thần tiên này nằm trong địa phận Á châu. Tạt qua Macao thăm cảnh cũ, người xưa đã khoái, dừng chân sau đó ở Cảng thơm để tiếp tục cuộc hẹn hò sôi nổi với giai nhân núi lửa Maysa còn khoái gấp chục lần. Vì thế, chàng hết giận, hết ghét đại tá Pít. Chàng hết muốn cù cưa ở lại La Paz. Maysa đợi chàng ngay cửa phòng tắm với 2 cái khăn lông lớn, lau khô cho chàng. Nàng lau nhanh, gọn, âu yếm, và nghiêm trang như thể nàng là vợ chàng. Dưới bàn tay chà xát khéo léo của nàng, Văn Bình cảm thấy thoải mái. Chàng ôm nàng hôn. Nàng xô nhẹ, nũng nịu :
-Đại tá Pít đang cười đấy !
Pít phân vua :
-Tôi đâu dám. Hai anh chị cười tôi thì có. Chúng tôi về với nhau từ 10 năm nay mà  có bao giờ vợ tôi hôn nồng nàn như thế. Tắm thì thui thủi 1 mình, chẳng ai ngó ngàng chứ đừng nói đến việc lau khô và chà xát. Anh Văn Bình thật tốt số.
Ra phòng ngoài, Văn Bình hơi ngạc nhiên khi thấy cái va li lớn của Maysa đựng đầy quần áo được đặt sẵn trên đất, như chỉ đợi bồi xách đi. Maysa cũng đã phục sức chỉnh tề cho 1 chuyến đi xa. Chàng hỏi nàng :
-Em đi ?
Nàng lấy cái khăn choàng vắt trên ghế và đeo xắc da vào vai :
-Vâng. Nhưng không ra sân bay El Alto như anh. Em dùng đường bộ. Xa anh, em buồn lắm, song không còn cách nào khác. Thà vậy để tuần sau gặp nhau ở Hồng kông thú hơn.
-Em nán lại 1 lát, anh trò chuyện xong với Pít rồi …
-Không được. Công việc là công việc. Theo nguyên tắc nghề nghiệp, em không được quyền biết anh sẽ làm gì ở Macao.
Cửa mở. Bồi phòng xuất hiện. Maysa vẫy chào Văn Bình.
Chàng nói :
-Chúc em thượng lộ bình an.
Nàng cười :
-Lẽ ra em chúc anh mới đúng.
Văn Bình tê tái chờ tiếng giày của nàng nhỏ dần, nhỏ dần ngoài hành lang rồi bước lại cửa sổ nhìn xuống đường. Xe hơi của nàng có tài xế và vệ sĩ đàng hoàng. Dáng nàng đi thoăn thoắt dầu nàng phải vượt qua giốc. Chàng sực nhớ đến cặp giò giẻo như kẹo kéo của nàng. Nàng sinh trưởng ở miệt rừng núi, quanh năm xử dụng đôi bàn chân nên đùi nàng thuôn tròn, thớ thịt rắn chắc, tạo cho nàng 1 sức dai bền vô địch. Chàng buột miệng :
-Thảo nào !
Đại tá Pít hỏi :
-Anh nói gì ?
-Không.
Chàng đáp « không » vì hai tiếng « thảo nào » vừa thốt ra không liên quan đến công việc. Nó chỉ là chuyện riêng tư giữa chàng và nàng. Chuyện riêng giữa những chàng trai và cô gái Nam Mỹ.
Phụ nữ ở Bôlivi từng được coi là khỏe có hạng ở Tây bán cầu. Thảo nào … Lý do rất giản dị : họ khỏe là vì quen trèo giốc. Ngay những con đường lớn ở trung tâm thủ đô La Paz cũng giốc chênh vênh, du khách yếu tim đều thở như bò rống. Người ta thuật chuyện là trong những tuần đầu tiên các nhân viên Mỹ của đoàn Phụng sự Hòa bình đã bò lê bò càng về nạn trèo giốc. Ông nào hảo ngọt, thích tìm hoa ban đêm, còn rã rời tay chân và nằm liệt giường nữa là đằng khác. Sau đó họ phải tập luyện cặp giò để khỏi bị người đẹp cho ra rìa. Họ rủ nhau thuê phòng trọ trong khu công viên Murillô. Khu này ở giữa thủ đô, sát nách các nơi ăn uống, giải trí sang trọng, rất thuận tiện cho mọi hoạt động. Tiền phòng lại không đắt, họ có thể dè sẻn được. Đặc biệt là nó ở nơi cao nhất, với ít nhất 2 lữ quán … kinh hoàng :
Lữ quán Áo quốc ( Austria ) được xây trên con đường giốc ngược, ban đêm lạnh thấu xương mà không có lò sưởi, ngoại trừ 2 cái mền len. Ai trọ ở đó 1 thời gian là gân cốt cứng lại như thép trui.
Lữ quán Thánh Pedro ( San Pedro ) còn mệt tim hơn nữa : mặt đường giốc hơn, và cầu thang gần như dựng đứng. Một số nhân viên  đoàn Phụng sự Hòa bình bụng phệ, ngắn hơi đã trở nên thon mảnh, và khỏe dai đến nỗi khi hồi hương vợ họ và người yêu của họ phải đổ bồ hôi hột.
Pít xem giờ ở cổ tay :
-Nào, đến lượt chúng mình.
Pít xách va li lên. Văn Bình hỏi :
-Công việc gì đã chứ ?
Pít đáp :
-Ông Sì Mít chỉ sai tôi đến gặp anh, rồi giới thiệu anh với giám đốc trú sứ CIA ở đây.
-Té ra điệp vụ này có liên hệ đến Bôlivi.
-Nghe đâu liên hệ đến 1 nhà thực vật học lỗi lạc quốc tế, người địa phương.
Xe hơi chở đôi bạn thân qua đường Prađô. Đây là huyết quản của thành phố, cũng như đường Tự do của Sàigòn. Tuy nhiên, du khách rất dễ lạc đường vì tiếng là đại lộ Prađô chạy thẳng 1 lèo, nó lại chia ra 3 khúc, mỗi khúc mang 1 bảng tên khác nhau, nào là đường mồng 6 tháng 8, đường 16 tháng 7, đường Santa Cruz. Chẳng qua người ta muốn làm rạng danh thật nhiều vị anh hùng nhưng đường phố lại quá ít nên phải cắt nhỏ thành quãng, giành cho mỗi vị 1 miếng. Đường phố trên khắp Nam Mỹ, tương tự với đường phố La Paz, nghĩa là bảng tên thường lùng tùng xòe như thế. Trên 1 phạm vi nào đó, đường phố Nam Mỹ hao hao với đàn bà Nam Mỹ. Họ có 1 chồng, vậy mà tưởng như có hai, ba. Họ lăng nhăng ra phết vậy mà trung thành cũng ra phết.
Văn Bình lại buột miệng :
-Thảo nào !
Đại tá Pít hích cùi trỏ vào ngực bạn, giọng nửa khôi hài, nửa nghiêm trang :
-Từ nãy đến giờ anh dùng 2 lần tiếng « thảo nào ». Nhớ người đẹp trung tá hả ?
Văn Bình thu mình trong góc. Con đường phía trước mỗi lúc 1 bò lên cao. Xa xa là phi thường El Alto. Thủ đô La Paz gồm non nửa triệu dân, sống riêng biệt trong 2 vùng. Phân nửa là người mọi. Họ nghèo xơ xác, tương phản với sự giàu có bên trong thị trấn. Từ phi trường vào thị trấn phải qua khu mọi, nhà ở cheo leo trên sườn núi. Hầu như là 1 nguyên tắc, dân nghèo sống trên cao, dân giàu bên dưới, 1 nguyên tắc không tìm thấy ở các quốc gia khác. Nhà mọi chỉ là ổ chuột lụp xụp, tường trát bằng đất bùn phơi khô hoặc gạch, thỉnh thoảng mới thấy 1 nơi che mưa đụt nắng đàng hoàng. Phụ nữ mọi chẳng có gì hấp dẫn, da họ đen bẩn, tóc họ đen kết bím, mắt họ ngơ ngác pha vẻ hung hãn. Nếu hấp dẫn chỉ có cặp giò. Lối phục sức cũng khá độc đáo, nghèo đến đâu họ cũng mặc Pôlơra – váy- nhiều màu sặc sỡ. Cái nón rộng nghễn nghện trên đầu tạo cho họ 1 vẻ giang hồ … rí rỏm.
Xe đậu gần 1 tòa nhà cao 6 tầng trên đường Kapắc (3). Đại tá Pít chỉ lầu cao nhất :
-Lữ quán Anđét (4). Mông sừ giám đốc trú sứ chờ anh trên đó.
Trong khu mọi, Anđét là một trong các nhà trọ rẻ tiền và khả ái nhất. Mặt tiền của nó khá đẹp mắt, sự đối xử cũng đúng điệu. Nhưng nó chỉ giành cho giới trẻ. Từ 40 tuổi xấp lên lên ít ai dám léo hánh đến đó, trừ phi thuê được phòng ở tầng dưới. Vì, eo ôi, nó cao như vậy mà không có thang máy. Trèo 6 tầng ở độ cao hiếm ôxigen như ở La Paz giống như trèo 60 tầng ở Sàigòn.
Văn Bình phỏng đoán mông sừ tổng giám đốc trú sứ chưa đến 30. Chàng không ngờ y còn quá trẻ. Quá trẻ nữa là khác. Nhưng lối nhìn và cách nói của y lại chứng tỏ  sự già dặn vững chãi, kết quả của nhiều năm trong nghề. Mặt trắng trẻo, ngón tay thuôn dài nổi gân xanh, cộng thêm cặp kiếng cận thị dày cộm trên 7 độ, gọng đồi mồi bệ vệ, và cái cà vạt đen nghiêm chỉnh cho thấy y là chuyên viên hành chính, quen sống trong phòng giấy, hơn là cán bộ hành động xông pha nắng gió và mũi tên hòn đạn.
Y mời Văn Bình và đại tá Pít ngồi xuống ghế, rồi kéo riềm che kín cửa, mở máy thu băng ở góc, những sửa soạn cần thiết cho 1 cuộc tiếp xúc điệp báo, đề phòng địch nghe trộm. Y giở hồ sơ trên bàn, liếc qua trước khi bắt đầu bằng giọng đều đều :
-Xin phép được gọi là « anh » cho thân mật. Chắc Pít đã nói tôi là giám đốc của CIA ở đây. Bôlivi là nước nhỏ, tình hình tạm thời lắng dịu nên công việc của chúng tôi khá nhàn hạ. Tôi chỉ làm về lượm lặt tin tức, không phụ trách hành động. Mỗi khi cần hành động, trung ương phái người tới. Tôi đến La Paz từ 15 tháng nay. Công việc nhẹ nhàng đến nỗi như đi dưỡng sức. Đột nhiên xảy ra vụ Chicô. Chicô là tiến sĩ thực vật học, 1 nhà khoa học lừng danh ở Bôlivi, uy tín chói sáng không những ở tây bán cầu mà còn lan rộng khắp hoàn vũ. Thực vật học nghĩa là khoa học cây cỏ. Chicô nghiên cứu 1 loại cây cỏ hơi đặc biệt gọi là Utricularia, tức cỏ kim ngư, danh từ bình dân gọi là cỏ ăn thịt người. Thật ra, loại cỏ này không ăn thịt người, nó chỉ ăn những con sâu chẳng may bị nó tóm bắt. Nó gồm nhiều thứ như trinh nữ, trường lệ, có bắt ruồi, cỏ đi ô nê, và nê pen lét (5), kim ngư, … vân vân. Để khỏi phiền phức, tôi xin gộp chung là utricularia.
Giống cây cỏ này mọc ở vũng lầy, thường là nơi thiếu màu mỡ. Do đó nó phải ăn côn trùng để lấy chất đạm cần thiết cho sự sống. Mỗi loại có 1 lối săn mồi riêng biệt. Loại tỏa hương thơm, côn trùng đến ngửi, lạc vào mê hồn trận, không ra được nữa, vì bị những sợi lông cong cứng chặn lại như bức tường. Loại ở Bắc Mỹ có keo dính. Loại ở Ba tây, búp hoa giống hệt cầu thang xoắn ốc. Và loại thòng lọng tung ra những vòng dây mềm quấn chết côn trùng. Nam Mỹ có nhiều loại utricularia. Nói chung, chúng không cao lớn, và chỉ có khả năng tiêu hóa những con sâu bọ nhỏ như kiến, ruồi, muỗi. Riêng utricularia ở Bôlivi ăn được chim muông, hay những con vật nặng 4, 5 kí bị nó tiêu hóa như chơi, cả thịt lẫn xương. Đại để utricularia hoạt động như sau : khi 1 con vật lại gần, bẫy lá của nó lập tức xòe mở, một mùi hương ngào ngạt như mật ong hoặc hoa vi ô lét làm nạn nhân bải hoải, ngây ngất. Nạn nhân bị hút vào, bẫy lá khép lại 10 ngày sau mới mở. Lúc ấy nạn nhân đã tan thành nước (6).
Đầu thập niên 1960, Hoa Kỳ có 1 nhà thực vật cự phách là giáo sư Lôi (7). Tuy nhiên, công trình khảo sát lỗi lạc của ông Lôi chỉ được thu hẹp trong phạm vi khoa học thuần túy, trong khi giáo sư Chicô đặt trọng tâm vào lãnh vực quốc phòng.
Chicô bứng một số cây ăn thịt về trồng ở La Paz. Cây lớn lên, ông nhận thấy khả năng tiêu hóa của nó gia tăng gấp chục lần. Nói cách khác, nó có thể ăn thịt được người. Cùng 1 thứ cây mà ở khu rừng cách La Paz khoảng 3 giờ xe hơi chỉ ăn được thịt chim, mang về trồng ở La Paz nó trở thành khổng lồ ăn thịt người. Sự khác biệt này được tiến sĩ Chicô theo dõi trong nhiều năm. Và ông khám phá ra 1 kết quả chấn động : nguyên nhân khiến utricularia ở Bôlivi có sức mạnh khác thường là do ở vũ trụ tuyến.
-Vũ trụ tuyến ?
-Vâng. La Paz là địa điểm hứng nhận nhiều vũ trụ tuyến nhất trên thế giới. Như 2 anh đã biết, vũ trụ tuyến là những tia sáng ở khắp nơi trong vũ trụ. Người ta tìm ra nó từ cuối thế kỷ trước. Mãi đến đầu đại thế chiến thứ 2, công cuộc  khảo sát mới  được xúc tiến với những  trái bóng khinh khí bay cách mặt đất 30, 35 cây số, những vệ tinh khí tượng Proton nặng 12 tấn của Liên sô bay cao từ 200 đến 650 cây số, và đặc biệt với những dụng cụ điện tử đặt sâu trong lòng đất từ 1.500 đến 3.000 mét tại Mỹ, Ấn độ, và Nam Phi. Vũ trụ tuyến xuyên thấu được mọi vật, càng ở trên cao, càng nhiều vũ trụ tuyến. Các cường quốc thi đua kháo sát vũ trụ tuyến, kiến thức của họ còn quá sơ đẳng nên phát minh của tiến sĩ Chicô đã gây ra những âm vang trọng đại. Đột ngột, Chicô biệt tích (8)
-Bị địch bắt ? Hay là tự ý trốn sang bên kia bức màn sắt ?
-Không rõ lắm. Cách đây nửa tháng, tiến sĩ Chicô rời La Paz đi Thụy điển. Nhiều nhà thực vật hữu danh đề nghị Chicô lãnh giải thưởng Nobel về khoa học, nên hội đồng chấm thưởng mời Chicô viếng thăm Thụy điển nhân dịp ông tham dự 1 cuộc hội thảo thực vật học ở gần đó. Chicô đọc 1 bản tham luận về utricularia được hoan nghênh nhiệt liệt. Sau 6 ngày ở Bắc Âu, ông bay thẳng tới Nhật bằng đường hàng không Bắc Cực. Trường đại học Đông kinh mời ông đến diễn thuyết. Công việc xong xuôi, ông biến dạng. Ai cũng tưởng Chicô trở về La Paz. Té ra ông lẩn quất ở Viễn đông. Và hôm qua, ông lên tiếng tại Macao trong 1 cuộc họp báo bỏ túi bất thần.
-Loan tin không về nữa ?
-Phải. Chicô loan tin quyết định lưu lại Macao, và bỏ quốc tịch Mỹ.
-À, Chicô là người Mỹ ?
-Xin lỗi, tôi quên nói Chicô là người Bôlivi trăm phần trăm, nhưng song thân lập nghiệp trên đất Mỹ hồi ông còn nhỏ, và gia nhập quốc tịch Mỹ, và ông cũng noi gương song thân. Ông học ở Nữu ước, tốt nghiệp ưu hạng về thực vật học, vật lý học, hóa học, sinh lý học,.. Xêm xêm, ông có chừng nửa tá cấp bằng tiến sĩ chuyên khoa. Ông làm việc tại Nữu ước 1 thời gian rồi hồi hương, nghiên cứu utricularia.
-Vẫn biết Chicô có nửa tá cấp bằng tiến sĩ, tôi vẫn chưa hiểu tại sao CIA lại quá lo lắng cho số phận của ông ta đến thế ? Trừ phi …
-Đúng. Trừ phi công cuộc khảo sát utricularia và vũ trụ tuyến của Chicô có liên hệ đến CIA. Vâng, CIA đã tài trợ chương trình tìm tòi của Chicô. Tôi không được biết Chicô đã thật sự khảo sát những gì, và cây ăn thịt người tương quan với lãnh vực quân sự ra sao. Nhưng căn cứ vào chỉ thị do trung ương CIA gửi tới, tôi có thể đoan quyết sự biệt tăm của tiến sĩ Chicô là 1 mất mát tai hại.
-Bây giờ ông Sì Mít muốn tôi qua Macao lôi cổ tiến sĩ Chicô về La Paz ?
-Vâng. Nếu Chicô bị cưỡng bách thì bố trí giải cứu. Nhược bằng ông ta tự ý bỏ trốn thì tùy anh định liệu.
-Gia đình Chicô cùng đi với ông ta ?
-Không. Bà ta là người mọi, sinh trưởng La Paz. Mọi lai, chứ không phải mọi trăm phần trăm. Rất đẹp. Gặp bà ta, anh sẽ thấy. Chỉ phải cái đẹp dữ dằn, đẹp khốc liệt, đẹp chết chóc. Loại đàn bà này thường mang tai nạn cho đàn ông. Bà ta mới 32, 33 gì đó, nghĩa là thua đức lang quân gần 2 giáp.
-Chicô trên ngũ tuần ?
-Còn 1 ngày nữa thì Chicô chẵn 51 tuổi. Chẳng hiểu vũ trụ tuyến có ảnh hưởng như thế nào đối với con người, theo tôi, có lẽ nó làm tóc chậm bạc, da bớt nhăn, bằng chứng bà Chicô trên 30 mà còn trẻ măng như cô gái 24, 25 tuổi. Bà là học trò cũ của Chicô. Hai người lấy nhau được 9 năm nay. Ông Chicô đến La Paz điều khiển cơ sở thí nghiệm utricularia thì gặp bà đang học chứngchỉ thực vật. Từ địa vị trò trèo lên địa vị vợ đầu gối tay ấp, bà chỉ cần mấy tháng. Về với Chicô đúng 9 tháng 10 ngày, bà « đập chum » cho ra 1 tí nhau xinh xắn.
-Gái ?
-Không. Con trai. Giống ông ta như tạc, cho nên được ông ta cưng chiều và thương yêu rất mực. Ông ta càng thương yêu hơn vì từ bấy đến nay, cái lò đẻ tịt ngòi luôn.
-Vợ và con của Chicô còn ở La Paz không ?
-Còn.
-Tôi muốn gặp bà ta trước khi đi Macao.
-Tài xế của tôi sẽ đưa tới. Nhà bà ta gần đây. Nhiệm vụ của tôi đã xong. Hân hạnh được quen.
Gã tổng giám đốc CIA cười rí rỏm. Dường như hắn muốn nói điều gì rồi lại rụt rè. Sau khi bắt tay chàng, hắn mới suýt soa :
-Khiếp, bàn tay cứng hơn cả kềm sắt. Anh bắt tay nhẹ nhàng, thân mật, chứ nếu anh vận công như hồi hôm đấu với võ sĩ Thượng đế thì chắc chắn các đốt xương tôi đã dập nát.
Văn Bình cũng cười :
-Anh có mặt tại võ trường ?
-Có. Anh học quyền thuật ở đâu, và học từ hồi nào mà tài giỏi như vậy ? Tôi có cảm tưởng anh phải học võ từ khi lọt lòng. Dân La Paz đã biết mặt anh, và phục anh sát đất. Bởi vậy, …
Gã giám đốc trú sứ mở tép da lấy ra 1 hộp đồ hóa trang. Văn Bình hỏi hắn :
-Anh sợ họ làm phiền tôi ?
-Vâng. Trong thành phố thì không sao, nhưng lên đến phi trường, anh khó thoát khỏi đám đông nam nữ ăn chực nằm chờ tại đó từ sáng sớm. Họ đoán anh rời thành phố bằng máy bay. Họ hâm mộ các võ sĩ tài danh. Họ muốn xin chữ ký, xin hình hoặc ghi âm tiếng nói của anh để làm kỷ niệm.
-Có sao đâu. Càng khoái cho tôi. Tôi đang thèm mùi da thịt con gái Bôlivi đây. Họ xin gì, tôi sẵn sàng cho tất. Miễn hồ họ hôn đền.
-Cái gì chứ hôn thì con gái Bôilivi địa phương không hề biết hà tiện. Anh muốn họ hôn 1, chắc chắn họ sẽ hôn anh chục cái.
-Vậy anh còn thắc mắc nỗi gì ?
-Vấn đề an ninh. Bọn Thượng đế có thể đang rình rập anh ở phi trường.
-Tôi đã hạ được chúng tại Xêrađô, không lý nào tôi lại thua chúng tại phi thường El Alto ?
-Nếu đấu võ thì phần thắng luôn luôn về anh, dẫu chúng kéo cả đoàn. Đằng này, tôi sợ chúng dùng khí giới. Thượng đế được 1 nhóm lý tài chợ đen bao giàn biểu diễn đô vật tại khắp châu Mỹ la tinh. Những trận đấu này là cơ hội cho chúng đánh cá. Mức ăn thua lên đến hàng triệu đôla. Hàng triệu đôla, anh nghe rõ chứ ? Sự thảm bại của Thượng đế đêm qua làm nhóm lý tài thiệt hại nặng. Họ nghi anh được nhóm đối nghịch thuê tiền « chơi » họ sạt nghiệp. Do đó, họ khó thể làm ngơ cho anh ung dung phóc lên máy bay rời La Paz. Tôi đề nghị anh thay đổi bộ mặt. Dụng cụ hóa trang khá đầy đủ. Hồ sơ lý lịch và các chi tiết khác liên quan đến Chicô cũng được cất dưới đáy hộp hóa trang. Nô sê ô vi đê (9).
Gã giám đốc trú sứ tiễn Văn Bình và đại tá Pít xuống cầu thang. CIA địa phương thuê phòng lữ quán Anđét này làm nơi gặp gỡ nghề nghiệp. Mỗi tầng, thuê 1 phòng. Đang giờ trưa, giờ thiên hạ ríu mắt dưới ánh mặt trời rực rỡ. Mọi cửa phòng đều đóng im ỉm. Hành lang khách sạn vắng ngắt như chùa bà Đanh. Đến bậc thang xi măng, hắn sửa soạn chào ađiốt (10) thì 1 tiếng kêu làm hắn khựng lại.
Văn Bình khựng lại theo. Một tốp người đang từ lầu dưới bước lên. Họ gồm 4 mống đàn ông lực lưỡng, sơ mi trần, khoe lộ bắp thịt rắn tròn. Đi sau họ là 1 khối thịt đồ sộ, ngó qua phát nóng lạnh. Khối thịt nặng suýt soát tạ rưỡi này là Thượng đế. Võ sĩ đô vật Thượng đế. Kẻ bị chàng đánh thua tan hoang tại võ đài Xerađô đêm qua. Kẻ coi chàng là thù  địch. Kẻ quyết moi gan uống máu chàng.
Gã giám đốc trú sứ dặn chàng hóa trang để khỏi đụng Thượng đế và đồng bọn tại phi trường thì Thượng đế lù lù dẫn xác tới. Với đầy đủ bá quan văn võ. Họ trông thấy chàng trước. Một trong 3 tên kêu lớn :
-Anh hai, anh hai, thằng khốn đây rồi.
« Anh hai » là Thượng đế. Và « thằng khốn » là Văn Bình. Trận ác chiến nổ bùng ngay sau tiếng gọi thất thanh. « Anh hai » không thể cho phép « thằng khốn » thoát thân vẹn toàn. Và Văn Bình không thể cho phép 1 lũ du đãng muỗi tép gọi chàng là « thằng khốn ».
Một lưỡi dao được khoa tròn, sáng loáng. Một ngọn độc cước tung lên. Lại 1 tiếng kêu. Rồi thây người ngã xuống. Tầng thứ tư của lữ quán Anđét chìm trong bầu không khí cực kỳ náo động.
Chú thích:
(3) tức là đại lộ ( avenida ) Manco Kapac.
(4) Hotel Andes.
(5) trinh nữ ( hoặc mắc cở ) là mimosa pudica, trường lệ bắt ruồi là drosera burmanii, … Tác giả chủ tâm giản dị hóa tối đa. Bởi vậy, nếu có điều gì chưa hoàn toàn đúng, xin quý vị thực vật gia thứ lỗi.
(6) bẫy lá của utricularia chỉ mở và khép 3 lần rồi rụng. Từ đó, cây utricularia không  còn tính chất ăn thịt nữa.
(7) Francis Ernest Lloyd, đại học đường McGill.
(8) nơi có nhiều vũ trụ tuyến nhất ở La Paz là đỉnh núi Chacaltaya, ở đó có sân trượt tuyết cao nhất thế giới ( 5.360 m ), nhiều trường học Mỹ đang tài trợ công cuộc khảo sát vũ trụ tuyến tại đây.
(9) no se olvide, nghĩa là « đừng quên nhé ».
(10) adios, nghĩa là « tạm biệt ».

Chương trước Chương sau