Người trong ảnh - Chương 06
Kết thúc của một cuộc đi dạo
Ngày đăng 28-02-2016
Tổng cộng 35 hồi
Đánh giá 9.4/10 với 29026 lượt xem
Hôm sau Bobby nhận được một bức thư lời lẽ khác hẳn.
“Bobby thân mến,
Anh bạn, tất cả đã được thu xếp xong... Hôm qua tớ đã mua một lúc năm chiếc xe cũ, tất cả hết mười lăm li-vrơ. Bây giờ thì chúng không thể chạy được, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa lại chúng. Đồ chết tiệt! Một chiếc ô-tô là một chiếc ô-tô! Khi mang chúng trở về không xảy ra tai biến gì thì khách hàng sẽ không trách cứ chúng ta. Tớ sẽ khánh thành xưởng sửa chữa vào thứ hai, ngày mùng tám và tớ tin tưởng vào cậu. Cố gắng đừng để tớ xảy ra sự cố, đúng không?
Chúng ta nhất định thắng! Một chiếc ô-tô là một chiếc ô-tô! Người ta mua chúng không phải là để vứt đi, người ta sửa chữa và sơn phết chúng lại và thế là xong. Tất cả sẽ ổn thôi. Coi chừng, đúng không? Thứ hai, ngày tám! Tớ tin tưởng ở cậu.
Bạn cậu, Badger”.
Bobby báo cho cha tin thứ hai tới anh sẽ đi làm việc ở Londres. Cái tin này làm cho người con trai chứ không phải là ông mục sư thích thú. Ông dặn dò con trai đến đấy thì chỉ làm việc chứ không được nhận bất cứ trách nhiệm quản lý nào trong xưởng thợ, không được ký tên vào bất cứ giấy tờ gì. Thứ sáu cùng tuần, Bobby lại nhận được một lá thư nữa làm anh quá đỗi ngạc nhiên. Thư viết như sau: Hãng Henriquei và Dallo ở Buenos-Ayres đồng ý tuyển dụng ông Robert Jones-Bobby với tiền lương là một ngàn li-vrơ một năm.
Một hai phút đầu Bobby tưởng mình đang ngủ mơ. Một ngàn li-vrơ một năm! Anh thận trọng đọc lại lá thư. Người ta tìm thấy một lính thủy cũ. Có người đã giới thiệu Robert Jones. (Thư không nêu tên người này). Trong trường hợp nhận việc thì viết thư ngay cho hãng và thu xếp để tới Buenos-Ayres tám ngày sau đó.
Bobby biểu lộ tình cảm của mình bằng một câu chửi thề.
- Gì vậy, Bobby.
- Thưa cha, tha lỗi cho con. Con không biết cha đang ở đây. Người ta cho con một nơi làm việc với tiền công là một ngàn li-vrơ một năm.
Ông mục sư cũng sững sờ một lúc lâu.
- Con thân yêu, ta có nghe rõ không nhỉ? Người ta cho con một nơi làm việc với một ngàn li-vrơ một năm ư? Một ngàn li-vrơ ư?
- Đúng thế!
- Không thể như vậy được! - Ông mục sư kêu lên.
Bobby không chú ý đến sự ngạc nhiên ấy. Suy nghĩ về giá trị bản thân của anh khác với cha anh. Anh đưa lá thư cho cha và ông đọc đi, đọc lại nhiều lần.
- Kỳ diệu! Thật là kỳ diệu! Là người Anh thật là kỳ diệu! Thật là liêm khiết! Đây là cái biểu hiện của chúng ta trước mặt các quốc gia khác. Cái hãng này đã thấy rõ giá trị của một chàng trai thật thà! Người ta có thể tin tưởng vào sự thật thà của người Anh chúng ta.
- Đúng thế, thưa cha, nhưng tại sao không phải là một người khác? Tại sao người ta lại chọn con?
- Chắc chắn đây là do ông chỉ huy cũ của con đã giới thiệu.
- Có thể. Nhưng con không thể nhận việc này được đâu.
- Không nhận ư? Con thân yêu, con nói gì vậy?
- Con đã nhận... cộng tác với... Badger.
- Badger ư? Badger Beadon ư? Chuyện ngu ngốc! Bobby thân yêu! Sự hợp tác kỳ cục ấy mà con vẫn nhớ ư?
- Đối với con đó là điều khẳng định rồi.
- Badger là một thằng dở hơi. Nó đã tiêu tốn nhiều tiền để lập nghiệp, gây cho gia đình nó nhiều phiền muộn. Cái dự án lập xưởng sửa chữa ô-tô ấy chẳng hay ho gì. Đó là một sự điên rồ, không nên nghĩ đến nó nữa.
- Không thể như vậy được. Con đã hứa.
Cuộc tranh luận tiếp tục. Ông mục sư cho đây là lời hứa trong khi bốc đồng, về phần mình, Bobby nhắc đi nhắc lại rằng “không thể bỏ rơi bạn bè được”.
Cuối cùng thì ông mục sư giận dữ bỏ đi còn Bobby thì ngồi lại viết thư trả lời cho hãng Henriquez và Dailo để từ chối lời mời của họ.
Vừa viết anh vừa thở dài. Anh vừa quẳng đi một cơ hội độc nhất.
Sau đó, trên sân gôn, Bobby kể lại chuyện này với Frankie.
- Ông già muốn anh đi Nam Mỹ ư?
- Đúng thế.
- Anh hài lòng về chuyến đi ấy ư?
- Sao lại không? - Frankie thở dài.
- Dù sao, anh từ chối là đúng.
- Đó là vì Badger, tôi không thể bỏ rơi bạn cũ, đúng không?
- Nhưng coi chừng việc người bạn cũ ấy đưa anh vào những khó khăn mới.
- Ồ! Tôi sẽ không sao cả, vì tôi không đóng một xu tiền vốn nào.
- Việc này thật kỳ cục.
- Tại sao?
- Vì trong cuộc sống, đồng tiền không đùa với ai thì người ta không thể hoàn toàn tự do, vô tư lự được. Tôi cũng vậy. Tôi cũng không có tiền, cha tôi cho tôi bằng tiền lợi tức của ông, tôi có nhiều kẻ hầu người hạ, nhiều quần áo, nhiều đồ trang sức và có cổ phần trong các hãng nữa... nhưng những cái đó không phải là tài sản của tôi.
- Cũng vậy thôi...
Có một khoảnh khắc yên lặng.
Khi Bobby bắt đầu đánh bóng thì Frankie báo tin :
- Ngày mai tôi sẽ đi Londres.
- Ngày mai ư? Nếu tôi mời cô ở lại nông thôn thêm vài ngày thì sao?
- Rất vui lòng, nhưng tôi còn nhiều băn khoăn. Cha tôi đang đau đớn vì chứng thấp khớp.
- Cô cần ở lại để săn sóc cho ông cụ.
- Cha tôi không muốn tôi săn sóc cho ông. Sự có mặt của tôi làm ông bực mình. Tôi muốn mình trong hàng ngũ của những người hầu. Khi họ làm những việc dại dột thì người ta chỉ kêu ca chứ người ta không bực tức với họ.
Bobby đánh bóng vào bụi cây.
- Không may rồi! - Frankie nói - Có thể chúng ta cùng đi Londres một lúc đấy. Bao giờ anh phải có mặt ở xưởng thợ?
- Thứ hai... nhưng tôi phải làm việc suốt ngày như một người thợ sửa chữa máy... và rồi...
- Và rồi... ai ngăn cản anh đến uống cốc-tai với chúng tôi?
Bobby lắc đầu.
- Frankie, bạn cô là bạn cô. Chúng ta khác nhau về tầng lớp.
- Rủ cả Badger đi nữa. Người ta sẽ đón tiếp các anh như bạn bè.
- Badger sẽ không làm cô thích thú.
- Xin thú thực là tôi không ưa tật nói lắp của anh ấy...
- Nghe đây, Frankie, chúng ta bàn đến đây thôi. Thời gian còn dài. Ở đây ít có điều kiện vui chơi, giải trí và tôi cho rằng thà như vậy còn hơn. Cô đã tỏ ra rất đáng mến với tôi... Tôi rất biết ơn cô. Nhưng tôi biết rất rõ mình chẳng là cái gì cả khi đứng bên cô...
- Bao giờ thì anh hết cái thói tự ti như vậy? Anh cần chơi tốt hơn. Tôi thắng cuộc rồi, thưa ông Bobby.
- Một ván nữa chứ?
- Không. Tôi còn nhiều việc cần thu xếp.
Yên lặng, họ đến tấm lều trả dụng cụ chơi gôn.
- Tạm biệt bạn - Frankie nói và đưa tay ra - Tôi lấy làm hân hạnh được vui chơi với anh khi tôi về nghỉ ở nông thôn. Tôi sẽ gặp lại anh sau, tôi không có việc gì thích thú hơn so với việc được gặp lại anh.
- Ô! Frankie...
- Có thể là anh sẽ tới dự một tối vui với chúng tôi. Người ta sẽ thấy những chiếc cúc bằng ngà hạ giá ở cửa hàng giá đồng hạng.
- Frankie...
Tiếng nói của anh lẫn vào tiếng máy nổ của chiếc Bentley sang trọng mà Frankie vừa khởi động.
Với một cử chỉ giơ tay rất điệu, cô gái cho xe chạy.
- Chào! - Bobby gọi với.
Frankie tới đây như đưa ra cho anh những thách thức đó. Có thể là anh đã không khôn khéo lắm, nhưng cuối cùng thì anh nói toàn sự thật.
Ba ngày tiếp theo đối với anh là quãng thời gian bất tận.
Ông mục sư bị viêm họng, buộc phải nói khẽ. Thái độ đối với người con trai thứ tư của ông là thái độ của một người ngoan đạo nhẫn nhục.
Không thể chịu đựng nổi cái không khí gia đình như vậy, ngày thứ bảy hôm ấy Bobby yêu cầu bà Roberts, người cùng chồng phục vụ trong nhà xứ, làm cho anh một ít bánh nhồi thịt. Vào một cửa hiệu ở Marchbolt, anh mua thêm một chai bia và... lên đường.
Anh đi dọc bờ dốc hai bên là những cây dương xỉ và tự hỏi tốt nhất là ăn đã rồi hãy nghỉ trưa hay làm ngược lại. Anh vừa ngồi xuống để suy nghĩ thì đã ngủ thiếp đi.
Anh thức giấc thì đã ba giờ rưỡi chiều! Anh ăn bánh kẹp thịt một cách ngon miệng. Sau đó anh mở nút chai bia. Bia có vẻ chua nhưng rất mát.
Ném vỏ chai vào bụi thạch thảo gần đó anh lại nằm xuống.
Anh sung sướng và tự tin, có thể vượt được mọi trở ngại, khó khăn. Những ước vọng kỳ diệu hiện ra trước mắt anh.
Một lần nữa, anh lại buồn ngủ. Một giấc ngủ lịm người...
Anh ngủ...