Phái Viên Mật - Chương 14
Phái Viên Mật
Chương 14
Ngày đăng 15-03-2016
Tổng cộng 17 hồi
Đánh giá 8.5/10 với 14751 lượt xem
Khi D ra khỏi ga, địa hình của mặt trận sau cùng hiện ra trước mắt anh thật là đơn giản.
Một con đường dẫn thẳng tới giếng than, dựng thành hình chữ T, vuông góc với một con đường khác dọc dãy đồi đen xẫm. Những ngôi nhà của thợ mỏ bằng đá xám giống in nhau. Thỉnh thoảng, một cái quán rượu, một ngôi nhà thờ nhỏ, một cửa hàng tạp hóa nghèo nàn. Không khí đơn điệu, ngây thơ như thể cái khu thị trấn này do trẻ con làm ra bằng một thứ đồ chơi hình hộp.
Hai con đường vắng ngắt, vắng quá, so với một khu công nhân. Chẳng còn việc gì làm, thiên hạ nằm nhà cho ấm. D đi qua một dãy nhà cao rộng, cửa đóng, có lẽ là trụ sở mỏ than. Quán Sư tử Đỏ đây rồi. Một tấm biển đề tên đã cũ, một con sư tử vẽ bằng sơn đỏ. Một cái sân rộng, cỏ bắt đầu mọc, một cái nhà chứa xe bỏ không.
D bước vô quán gọi cà phê và bánh điểm tâm. Anh hỏi nhà cụ Marie Bennett. Ông già chủ quán nhìn anh:
- Ông là khách mới tới? Ngườí nước ngoài à?
- Vâng.
- Nhà bà Bennett hả? Đi tới ngã ba. Rẽ trái. Cái nhà có vườn cây, rào sắt.
- Quán ngày Chủ nhật mà vắng khách quá?
- Ngày xưa nó là khách sạn cổ đấy. Khi thăm mỏ, bao giờ Huân tước Benditch cũng tới đây.
- Mỏ lại sắp mở rồi, thưa cụ?
- Sắp đấy. Cánh chủ ở Luân Đôn đã tới rồi. Chốc nữa có cuộc họp. Bates sẽ nói chuyện với công nhân.
- Bates là ai?
- Chủ tịch Công đoàn mỏ.
D cảm ơn ông cụ, trả tiền, bước ra ngoài.
Nhà cụ Bennett dễ tìm. Đấy là ngôi nhà bề thế nhất xóm, cửa kính có rèm kéo. Một tấm bảng nhỏ bằng đồng đúc gắn trên trụ cổng. Gia huy Benditch chăng? Một con thú có cánh, mồm ngậm chiếc lá. Trong khu thị trấn giản dị này, cái hình đúc nổi ấy rắc rối quá, như một phương trình đại số, như một tập hợp những giá trị trừu tượng bày không đúng chỗ. Anh nhấn chuông. Một bà già tóc trắng đeo tạp dề ra mở cửa.
- Cụ là cụ Bennett ạ?
- Đúng. Mời vào.
Bà cụ chưa mở cửa vội, vẫn đứng ngoài hàng hiên, D móc bức thư ra:
- Tiểu thư Cullen nhờ tôi trao cho cụ.
- Mời vào!
Lần này cụ mới chịu mở cửa. Phòng khách rộng, lắm bàn ghế đồ đạc. Bà cụ đặt bức thư lên bàn, dò ngón tay đọc từng chữ.
- Cô viết ở đây rằng anh là bạn rất thân của cô. Cô dặn tôi phải giúp đỡ anh. Giúp đỡ cái gì, cô không nói.
- Xin lỗi cụ, tôi tới sớm quá.
- Xe lửa chỉ có một chuyến ấy.
D nhìn kỹ căn phòng. Bộ xa lông. Cái bàn tròn bằng gụ. Cái đi văng nệm nhung. Bộ ghế thành cao, chạm trổ, lót lông thú. Thảm len trải dưới nền, trên mặt trải một lớp báo bảo vệ. Giống như cảnh trang trí cho một màn tuồng đã có đôi lần diễn, nhưng từ lâu không diễn nữa, chẳng biết đến bao giờ lại diễn nữa. Cụ già nghiêm trang chỉ tay lên một bức ảnh lồng khung bạc.
- Chắc anh đã nhìn ra?
Một cô bé mũm mĩm hờ hững cầm một con búp bê không có vẻ gì thích thú.
- Xin cụ thứ lỗi, tôi...
- À, đúng rồi. Đâu phải cái gì cô cũng đưa anh coi. Bà già nói, có vẻ đắc thắng. Anh hãy nhìn cái túí cắm kim kia kìa. Cắt ra từ chiếc áo trình diện. Cái áo cô mặc trong ngày ra mắt Đức Vua và Hoàng hậu. Lật mé sau, anh sẽ thấy ghi ngày tháng.
Ngày tháng thêu ở đấy, bằng chỉ đỏ trên lụa trắng. Đây là ngày anh vào tù lần thứ nhất. Đó cũng là một ngày quan trọng trong đời Rose.
- Còn đây, vẫn là tiểu thư đấy. Trong bộ quàn áo thể thao. Anh có nhận ra không?
Anh gật đầu, ảnh này thì dễ nhận ra. Rất diện, rất trẻ, Rose nhìn anh giữa một cái khung bọc nhung. Căn phòng tràn đầy con người nàng.
- Không, còn bức này cũng không nhận ra.
- Đây mà! Bạn cũ bao giờ cũng hơn.
- Chắc cụ là người bạn lâu đời của cô.
- Lâu nhất - Bà già hãnh diện nói - Tôi biết cô từ khi lọt lòng, ngay cả Huân tước Beditch cũng hàng tháng sau mới được gặp.
- Cô thường nhắc cụ. Cô quý cụ lắm. D bịa chuyện.
- Chứ sao. Bà cụ lắc lư mái đầu bạc. Sau khí mẹ cô chết, tôi đã làm mọi việc vì cô.
Lạ lắm. Nghe người khác nói về người mình yêu quý nó cũng giống như khi ta bỗng tìm ra trong tủ cũ một cái ngăn kéo chứa đầy kỷ niệm.
- Ngày bé cô ấy ngoan lắm phải không ạ? Anh hỏi đùa.
- Nhanh nhẹn, lém lỉnh. Tôi thích tính cô ấy.
Bà cụ quay đi quay lại, vỗ về cái túi cắm kim, xô khung ảnh sang phải một chút, sang trái một chút.
- Đừng mong ai cũng phải nhớ tới mình. Đúng không. Tôi chẳng dám phàn nàn gì Huân lước Beditch. Ông rất hào hiệp. Không có ông không biết rồi nhà này sẽ ra sao. Thời buổi này!...
- Rose nói với tôi là cô thường viết thư cho cụ, như vậy là cô vẫn nhớ cụ đấy chứ.
- Chỉ vào dịp Nô en thôi. Vâng, cũng chẳng nói gì nhiều, ở Luân Đôn làm sao cô còn thì giờ. Nào tiếp đón, thăm hỏi... rồi... Lẽ ra cô cũng phải nói lại cho tôi biết Hoàng hậu đã nói gì với cô trong những dịp triều kiến, nhưng...
- Có khi Hoàng hậu cũng chẳng nói gì với cô.
- Có chứ, trông cô xinh tươi thế kia cơ mà!
- Vâng, xinh tươi.
- Tôi chỉ cầu mong cô chọn bạn tốt. Bà quắc mắt nhìn những chiếc lọ sứ.
- Cô không dễ bị lừa đâu. D nói và nghĩ tới Forbes, tới L, tới những phái viên, những thám tử trong và ngoài gia đình.
- Anh không biết bằng tôi đâu. Tôi nhớ có lần ở nhà Huân tước Beditch ở Luân Đôn, lúc cô mới 4 tuổi. Cái thằng bé Peter Triffen... một thằng bé ích kỷ mất dậy, nó bỏ vào tay cô một con chuột máy. Cô khóc hết nước mắt...
Gương mặt già nua đỏ ửng lên: bà vừa tìm lại được bầu nhiệt huyết ngày xưa.
- Tôi dám chắc đời thằng ấy rồi cũng chẳng ra gì. Bà nói tiếp.
Thậl lạ, về một nghĩa nào đó, chính bà cụ này đã làm ra Rose, ảnh hưởng của bà chắc cũng lớn như của bà mẹ đã mất. Chắc gương mặt già nua kia đã phú lại cho Rose nhiều dáng vẻ, nếu anh biết kỹ cô gái hơn.
- Ông là người ngoại quốc phải không?
- Vâng.
- A!
- Cô Cullen chắc có nói là tôi tới đây vì công việc.
- Nhưng cô không nói việc gì.
- Cô nghĩ là cụ có thể bảo cho tôi biết đôi điều về mỏ.
- Điều gì?
- Tôi muốn biét về Bates, Chủ tịch Công đoàn mỏ.
- Anh muốn làm với với hắn ư?
- Vâng.
- Vậy thì tôi không giúp anh được. Bà cụ nói dứt khoát. Chúng tôi không giao thiệp với hạng người đó. Anh sắp nói là cô Cullen có quan hệ với bọn đó chứ? Không bao giờ. Bọn xã hội đấy!
- Vậy cụ không thể giúp được tôi sao?
- Không muốn, chứ không phải là không thể.
Một chiếc ô tô chạy qua cửa sổ, rồi một chiếc nữa loại sang.
- Ồ, xe của ai thế này?.
Bà bước tới bên cửa sổ, kéo rèm nhón chân nhìn, rồi bà quay lại:
- Anh ạ, có một hoàng thân đã tới nhà này. Một tôn ông rất trẻ rất lễ phép. Ông vào nhà này, ngồi ở cái ghế kia và ông dùng một lách trà. Các ông chủ mỏ mời ông tới thăm khu gia đình cồng nhân, xem nhà nào sạch sẽ nhất. Ông muốn tới thăm nhà bà Terry, nhưng người ta nói là bà đang ốm. Sau này bà biết, bà nổi khùng, chửi toáng lên. Bà đã chuẩn bị chu đáo, dội nền, kỳ cọ, một cuộc tổng vệ sinh đặc biệt. Rất tiếc, vì nhà bà trống trơn như nhà gió. Mọi thứ đều nằm ở tiệm cầm đồ. Vì vậy cho nên người ta không dám để hoàng thân tới thăm.
- Xin phép cụ ạ... D nói và đứng lên.
- Anh nói với tiểu thư Cuỉlen giùm tôi là tiểu thư chớ có giao thiệp với tên Bates Công đoàn.
Bà nói bằng cái giọng của một người uy quyền đã xuống một người đã có thời ra bất cứ mệnh lệnh (nào cởi tất ra! Ăn ít kẹo chứ! Uống tí thuốc này đi!…) Nhưng mà thời thế đã đổi thay!
Anh bước ra đường. Con đường lúc nãy còn vắng tanh giờ đang nhộn nhạo, túm năm tụm ba. Anh nghe một cậu bé hỏi:
- Huân tước là cái gì nhỉ?
Anh nghĩ họ đã khởi động rồi sao? Nhanh thật!
Bỗng có người từ trong một ngôi nhà chạy ra kêu to:
- Mỏ sẽ mở lại!
Đám người dần dần tụ tập quanh ô tô. Họ xăm xoi nhìn lên bề mặt bóng loáng của cái thùng xe làm như qua đó, họ có thể tìm ra được những tin tức chính xác hơn.
- Xe của ai vậy? D hỏi.
- Của ngườỉ phụ tá Huân tước Benditch.
Trên đường đi, thiên hạ từ trong nhà ào ào đổ ra. Anh xuôi theo cơn triều hy vọng đang dâng từ từ. Một người đàn bà gọi to vào trong nhà:
- Nell! Nell! Ông ta đã tới, đằng Sư tử đỏ!
D nhớ ngày nào, trong cái thành phố đang đói lả, có tiếng đồn là một chiếc tàu chờ lương thực vừa cập bến, anh đã nhìn thấy từng dòng người đổ xô xuống cảng, giống y như ở đây bây giờ. Nhưng không phải lương thực mà là xe tăng, và họ lặng thinh, cáu kỉnh nhìn đoàn tăng đổ bộ. Họ vẫn cần xe tăng đấy, nhưng xe tăng đâu phải là lương thực! Anh kéo áo một người, hỏi:
- Bates ở đâu?
- Số nhà 17, đằng kia.
Anh đi ngang thánh đường Thanh giáo, biểu tượng xa với bảng đá xám, lợp ngói. Trên đầu hồi, dưới cây thánh giá, là lời răn đắp nổi: “Cuộc sống chỉ vô hình đối với những đôi mắt mệt mỏi”
Anh gõ cửa căn nhà số 17 nhiều lần. Chẳng có ai trả lời. Dòng người vẫn tiếp tục đi tới... Những chiếc áo khoác sờn vai chẳng ngăn được cơn giá buốt. Những chiếc áo len bợt tơi tả, chàng còn sưởi ấm. D chiến đấu cho những người này đây, nhưng giờ này anh kinh hãi thấy rằng họ sẽ coi anh là kẻ thù: anh ngăn không cho họ tiến tới điều họ đang hy vọng. Anh gõ cửa, gõ cửa. Chẳng có ai trả lời.
Anh gõ cửa căn nhà số 19. Cửa lập tức mở. Giật mình, anh định thần nhìn kỹ và anh thấy Else đứng trước mặt, như một bóng ma, yếu đuối, phờ phạc. Anh hoảng hốt nhìn vết sẹo dài ở cổ do tràng nhạc để lại, một cái răng cửa bị gãy. Không phải Else. Một cô bé cũng như Else được đúc trong bộ khuôn của bất công, đói khát.
- Tôi tìm ông Bates.
- Cửa bốn kia.
- Không có ai ở bên ấy.
- Vậy thì ông ta tới đằng Sư tử Đỏ rồi.
- Người ta xôn xao chuyện gì vậy.
- Mỏ sắp mở lại.
- Cô không đi xem ư?
- Cháu phải trông nhà.
Cô ngước nhìn D một cách chăm chú, tò mò.
- Ông là người ngoại quốc?
- Vâng.
- Ở đấy cũng có. Người ngoại quốc hay gây rối.
Anh thoáng chút ngại ngùng. Chuyên chở làm gì cái khối bạo lực tới đây. Về xứ mình mà đánh nhau có hơn không? Không. Không! Thế giới đầy bạo lực. Bạo lực của kẻ nghèo tốt hơn bạo lực của bọn kia. Quan điểm đó làm cho nhiều người trong phe anh đã coi anh là bạo đồ, họ không tin cậy anh. Cũng đúng thôi.
Cô bé hỏi:
- Ông tìm Bates làm gì?
Anh muốn thử nghiệm kết quả, xứ sở này dù sao cũng thuộc về nền dân chủ. Anh nói:
- Tôi muốn báo cho Bates biết than ở đây sẽ đi về đâu?
- Biết thế để làm gì?
- Mọi người cần biết rằng than này dùng để tiếp tế cho bọn phản động ở nước tôi, để chúng giết đàn bà, trẻ con...
- Thế ông muốn gì?
- Muốn thợ mỏ đừng đi lò.
Cô gái kinh ngạc nhìn anh;
- Đừng đi lò?
- Đừng!
- Ông điên rồi. Không đi lò để chết đói à? Than về đâu, mặc nó chứ!
D quay ra, nghĩ bụng vậy là rõ. Sự thật thốt ra từ miệng một đứa trẻ... Anh lẳng lặng bước trên đường, củng cố lại quyết tâm anh sẽ chiến đấu đến cùng, dù người ta có bỏ tù, treo cổ anh, xử bắn hay bịt miệng anh, tước bỏ tấm lòng trung thực của anh hoặc cho anh nằm yên nghỉ dưới mồ.
Đám đông đã tụ tập trước khách sạn Sư tử Đỏ, ca hát vang lừng.
Tình hình tiến triển nhanh quá. Chắc chắn phía chủ sẽ công bố quyết định tại đây. Đám dông chia thành hai phe đang tranh nhau hát. Đã có những tiếng hò hét, chửi nhau ở hai bên, bên đi lò bên chưa chịu đi lò. Họ chuyền tay nhau nhiều tờ báo, lấy từ đằng sau chiếc xe của công ty than chở tới. Có ai đó dúi vào tay D một tờ. Đấy là tờ báo địa phương, số ra ngày chủ nhật. Hàng tít to chạy dài: “Mỏ Benditch lại mở cửa! Sẽ xuất khẩu than đá!”
D cắm cổ chạy vô cầu thang khách sạn. Ngoài đường, tiếng la hét, cãi vã, chửi nhau mới lúc một thêm náo nhiệt. Anh mở đại một cánh cửa to. Đứng cạnh khung cửa sổ mở rộng, một người đang cao giọng nói xuống đám đông bên dưới:
- Tất cả tài xế, bảo vệ, thợ máy tập hợp gấp vào đầu giờ làm sáng mai. Những người khác, nội trong tuần này sẽ tiếp tục đi làm. Lát nữa, thủ lĩnh Bates của các anh sẽ nói rõ thêm. Thời kỳ khủng hoàng đã chấm dứt. Không còn tình trạng một tuần chỉ có bốn ngày làm nữa mà là việc làm quanh năm, ba trăm sáu mươi lăm ngày trong năm!
Có lẽ đây là đại diện của công ty Benditch. Hai người nữa, đứng hai bên ông ta, xoay lưng lại phía D. Anh hỏi hai cái lưng:
- Trong các vị, ai là ông Bates?
Hai người quay lại, một người là L, người kia nói:
- Tôi là Bates.
L chưa nhận ra D, hắn đang cố nhớ, môi thoáng một nụ cười nhẹ, một mi mắt chớp chớp.
Diễn giả quay lại hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
- Cái hợp đồng mua than kia không phải là do Hà Lan đặt. Chuyện đó hoàn toàn giả mạo. D nói, mắt nhìn Bates, một người còn trẻ có mái tóc kịch sĩ. Anh ta nói:
- Chuyện đó can gì đến tôi?
- Công nhân tín nhiệm anh. Hãy báo cho họ biết, đừng đi lò.
- Nào, nào, sao vậy?... Phái viên của Benditch nói.
- Nghiệp đoàn thợ mỏ ở đây tuyên bố không làm việc cho phát xít. D nói tiếp.
- Than này xuất cảng sang Hà Lan.
- Bịp. Chính tôi tới nước Anh để mua số than này nhân danh chính phủ tôi, nhưng người kia - D hướng về phía L - đã cho lấy cắp hết giấy tờ ủy nhiệm của tôi.
- Hắn điên rồi. Phái viên công ty than nói. Ông đây là bạn thân của ngài Benditch.
Bates có vẻ bối rối, phân trần:
- Tôi làm thế nào được. Các chuyện đó thuộc phạm vi của chính phủ - Tôi có biết người này. L nhẹ nhàng nói. Một con người cuồng tín. Cảnh sát đang truy lùng ông ta.
- Vậy thì hãy cho kêu cảnh sát! Phái viên nói.
- Trong túi tôi hiện có một khẩu súng ngắn. Hãy trật tự - D vẫn nhìn Bates, chậm rãi nói. Tôi biết thợ mỏ ở đây sẽ có việc làm trong một năm, nhưng biết bao người sẽ chết ở nước tôi. Và cả ở đây nữa, nếu các bạn biết hết sự thật. Ông Bates, ông hãy nói to lên cho anh em công nhân biết.
Bates nổi cáu:
- Tôi chưa nghe chuyện đó bao giờ? Tôi không tin chuyện đó.
D thấy rõ thái độ lúng túng của Bates. Anh ta mới tin một nửa.
- Anh không nói, vậy thì tôi nói! D nhanh nhẹn tiến ra trước cửa sổ gọi to:
- Các đồng chí! Hãy nghe tôi nói!
Có tiếng hét:
- Nói gì đấy?
- Các đồng chí! Than này không xuất sang Hà Lan mà xuất cho bọn phát xít để chúng đánh phá cách mạng, giết đàn bà và trẻ con!
- Im đi! Có tiếng hét, ở bên dưới.
- Các đồng chí có biết vì sao họ cần than của các đồng chí không? Bởi vì thợ mỏ bên nước tôi cự tuyệt không làm việc cho bọn chúng. Bọn chúng xả súng bắn vào hàng ngũ họ, nhưng họ thà chết không đi lò...
Đám đông xôn xao ồn ào bên dưới. Có tiếng hét:
- Bates đâu? Joe đâu? Hãy nói đi!
Bates bước tới.
- Các đồng chí! Các đồng chí vừa nghe một lời lên án rất quan trọng. Ta phải tìm hiểu cho rõ thêm có thật than này xuất cho Hà Lan không, rồi chúng ta sẽ khởi sự...
Tiếng hoan hô ở bên dưới lẫn tiếng chửi rủa loạn xạ. L nhìn D nói:
- Lẽ ra ông nên nhận sự giúp đỡ của tôi từ đầu. Ông đang ở trong một tình thế bi đát đấy. Người ta vừa tìm ra xác ông K... Có lẽ ông nên nhanh chân chạy đi thì vừa.
- Tôi còn một viên đạn cần dành cho ai đó.
- Dành cho tôi?... Hay cho riêng ông?
- Ôi, nếu tôi biết rõ ông đã đi đón đầu!
D không tiếc cái chết, không sợ chết. Nếu anh biết chắc L đã ra lệnh cho mụ già kia giết cô bé, anh sẽ bắn thẳng vào đầu hắn ngay bây giờ. Nhưng có quả như vậy không? L và cô bé ở hai thế giới chả có mối liên hệ nào. Giữa kẻ giết người và người bị giết phải có cái gì liên đới, đâu có thể phân phát cái chết một cách hững hờ như một chiếc máy bay hay một khẩu đại bác tầm xa.
Lão phái viên gọi to xuống dưới sân:
- Lên đây các ông ơi! Hắn đây này!
L chậm rãi trả lời D:
- Tới bất cứ cực điểrn nào ở hai phía, ông ạ, tôi vẫn tới. Tôi biết ông đang nghĩ chuyện gì. Không phải vây đâu. Mụ ấy điên đấy, điên thực sự, không ai xui mụ ấy.
- Nếu vậy thì... Cảm ơn! D rút tay ra khỏi túi áo, nơi khẩu súng vẫn chĩa nòng về phía L - Anh từ từ bước ra khỏi phòng.
Lão phái viên hét lên:
- Bắt lấy nó! Bắt lấy nó!
L mỉm cười:
- Cứ để cho ông ấy đi! Cảnh sát đang chờ ông ấy!
Viên cảnh sát già đang chạy lên cầu thang, trông thấy D thong thả bước xuống liền hỏi:
- Nó đâu? Ông có thấy nó không?
- Trên lầu. D trả lời và co cẳng chạy thẳng vào giữa đám đông.
- Chạy ngả này, đồng chí! Có ai đó kéo tay áo anh rẽ ngoặt vào một góc rào.
- Nhanh lên! Trèo lên vai tôi!
D tót lên vai một người nào đó, người ấy bám tường đứng thẳng dậy. D nhảy qua tường, ngã ngồi xuống một cái sân con.
Mệt mỏi, rã rời, anh để mặc cho ý nghĩ đuổi nhau mông lung trong đầu óc. Anh thấy nổi giận đồng thời thấy não lòng. Anh lại bắt đầu bị điều khiển, bị đẩy đưa. Để mà làm gì? Anh kiệt sức rồi, chỉ muốn được nghỉ ngơi trong một góc nhà giam nào đó. Anh thấy chóng mặt. Anh nhớ ra từ tối qua, từ cái buổi liên hoan ở Entrenation anh chưa có miếng gì vào bụng. Anh nằm thiếp đi lúc nào không rõ.
Có người thì thào vào tai anh:
- Dậy đi! Dậy đi!
Anh mở mắt. Chính là người đã xốc anh lên vai để anh vượt tường. À, một người bạn... chiến đấu... Cùng đi với anh còn hai người nữa, hai chàng trai vừa qua tuổi thiếu niên.
- Các cậu là ai? - D hỏi.
- Ông không cần biết hãy theo chúng tôi.
Họ chui vào một cái kho cũ tối mò. Ba chàng trai ngồi vòng quanh, nhìn anh hau háu. Người nhiều tuổi nhất nói:
- Ông vẫn còn giữ khẩu súng đấy chứ?
- Sao cậu biết.
- Bọn tôi có mặt lúc Bates nói chuyện.
- Làm thế nào mà tôi thoát được đám cảnh sát, kể cũng lạ.
- Bọn tôi ngáng chân chúng, “chăm sóc” chúng để ông chạy.
- Cám ơn nhiều.
- Hãy cất lời cám ơn đi. Chúng tôi cần khẩu súng.
- Chủng tôi?
- Nghĩa là tổ chức của chúng tôi.
- Để làm gì.
- Phá kho mìn tối nay.
D trao khẩu súng. Chàng trai nói:
- Ông nên tìm cách ra khỏi thị trấn. Bảy giờ tối. Nhớ đấy, bảy giờ kho mìn của khu mỏ này sẽ nổ tung. Nhiều giếng và gương lò sẽ bị sụp, có tu bổ lại cũng hàng tháng...
D thấy bồi hồi sung sướng. Cuộc chiến đấu thực sự đã bắt đầu.
Họ biến nhanh cũng như khi đến. D sực nhớ lẽ ra phải hỏi họ chút gì để ăn lót dạ. Anh nhìn ra mảnh vườn hẹp. Một con chim nhỏ - D không biết tên các loài chim ở nước Anh - đang mổ đều đều trên một miếng cùi dừa vứt ở góc vườn. D tìm cách đuổi, con chim bay vụt đi. Anh rón rén chui ra nhặt, dùng móng tay cạo lốp cốm mỏng cho vào mồm. Con chim nhỏ thưởng thức bữa ăn của nó ngon lành vậy, nhưng anh thấy đắng không ăn được. Mút mát hồi lâu rồi anh đút vào túi quần. Tiếng chuông đồng hồ để đâu đó, ngân nga bảy tiếng. Anh giật mình tuồn ra khỏi khu vườn.